Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

sacerdos alter Christus


Giáo phận Kontum sắp truyền chức phó tế cho 12 đại chủng sinh


Kontum, ngày 04 tháng 01 năm 2010

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý Chủng sinh
cùng toàn thể Gia đình Giáo Phận Kontum.

Anh chị em thân mến,
Trong niềm tri ân và tôn vinh Thiên Chúa, tôi hân hoan giới thiệu với toàn thể gia đình Giáo phận 12 thầy Đại chủng sinh cho thiên chức phó tế sắp tới:

1. Thầy Giuse Vũ Quốc Bình, sinh ngày 15-10-1975, thuộc giáo xứ Kitô Vua, Gp. Đà lạt, hiện thường trú tại TGM Kontum.
2. Thầy Luy Nguyễn Quang Hoa, sinh ngày 01-01-1966, thuộc giáo xứ Thánh Tâm, giáo hạt Pleiku.
3. Thầy Tôma thiện Lê Công Huy Khanh, sinh ngày 03-09-1978, thuộc giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm Hoa Lư, giáo hạt Pleiku.
4. Thầy Phêrô Vũ Trọng Hà Nguyên Khôi, sinh ngày 31-01-1977, thuộc Gx. Duyên Lãng, Gp. Xuân Lộc, hiện thường trú tại TGM Kontum.
5. Thầy Antôn Hoàng Văn Lợi, sinh ngày 01-01-1960, thuộc giáo xứ Mỹ Thạch, giáo hạt Chư Sê.
6. Thầy Phêrô Nguyễn Đình Lộc, sinh ngày 30-04-1959, thuộc giáo xứ Ninh Đức, giáo hạt Chư Păh.
7. Thầy Phanxicô Xaviê Hồ Văn Phương, sinh ngày 09-04-1968, thuộc Gx. An Sơn, Gh. An Khê.
8. Thầy Tađêô Võ Xuân Sơn, sinh ngày 20-12-1977, thuộc giáo xứ La Sơn, giáo hạt Mang Yang.
9. Thầy Hiêrônimô Trần Văn Trạch, sinh ngày 22-04-1971, thuộc giáo xứ Mỹ Thạch, giáo hạt Chư Sê.
10. Thầy Giuse Võ Văn Trường, sinh ngày 10-11-1977, thuộc giáo xứ Thánh Tâm, giáo hạt Pleiku.
11. Thầy Gioan Nguyễn Hữu Tuyến, sinh ngày 09-12-1978, thuộc giáo xứ Phương Nghĩa, giáo hạt Kontum.
12. Thầy Phaolô Phạm Đức Vượng, sinh ngày 29-01-1965, thuộc giáo xứ Tiên Sơn, giáo hạt Pleiku.

Các Thầy này là người sống giữa anh chị em nhưng được kêu gọi và đặt lên để phục vụ anh chị em theo mẫu gương Chúa Giêsu Mục tử nhân lành. Vì thế, trước khi tiến lên lãnh nhận chức thánh này, tôi muốn tham khảo ý kiến anh chị em. Xin anh chị em vui lòng cho biết các nhận xét liên quan tới các Thầy chiếu theo lương tâm và tinh thần Giáo luật số 1043 đã ghi rõ: "Nếu biết có những ngăn trở lãnh nhận chức thánh, các Kitô hữu buộc phải trình báo cho Đấng bản quyền hay cho cha sở trước ngày truyền chức".

Nếu không có gì trục trặc, Thánh lễ truyền chức sẽ được tiến hành vào lúc 05g00 sáng ngày 05.02.2010, tại Nhà thờ Chính Tòa Kontum.

Xin anh chị em dâng lời tạ ơn Chúa và quan tâm đặc biệt hơn nữa tới công việc hướng dẫn cùng đào tạo ơn gọi linh mục, tu sĩ trong Giáo phận. Xin nâng đỡ để phát triển các gia đình ơn gọi tại mỗi giáo xứ.

Kính chúc anh chị em ân sủng và bình an của Chúa Kitô.

Hiệp thông,
Giám mục Giáo phận Kontum
+ GM Micae Hoàng Đức Oanh

LE HIEN LINH


Lễ Hiển Linh Bổn Mạng Hội Thừa Sai Paris có sự hiện diện của Hai Giám Mục Việt Nam

LỄ HIỂN LINH BỔN MẠNG HỘI THỪA SAI PARIS: HAI GIÁM MỤC
VIỆT NAM LÀ BIỂU TƯỢNG CÁC HIỀN SĨ ĐẾN TỪ PHƯƠNG ĐÔNG

Ngày 7-8-1683, nguyện đường Hội Thừa sai Paris được đặt tên là Épiphanie (Hiển linh), vừa là bổn mạng các cha thừa sai, lại vừa nói lên định hướng truyền giáo tại phương Đông.


Chủ nhật 3-1-2010, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam là hai hiền sĩ phương Đông, sứ giả của Giáo hội Việt Nam cùng với Linh mục Jean-Baptiste Etcharren, Bề trên tổng quyền Hội Thừa Sai Paris, là vị đạo sĩ thứ ba. Cha Etcharren gốc xứ Basque (Euskal Herria) ở miền tây dãy núi Pyrénées, từng sống ở Việt Nam trong suốt 18 năm. Ngài thông thạo tiếng Việt, từng là cha sở Đông Hà (Quảng Trị), một họ đạo cách cố đô Huế 66 km, nằm ở giao điểm quốc lộ 1A và quốc lộ 3. Ba vị đạo sĩ, hai vị giám mục đến từ phương Đông và một linh mục có tâm hồn phương Đông, đã cử hành lễ Hiển linh cùng với trên 100 linh mục Pháp và châu Á hiện tu học tại Đại học Công giáo Paris, với sự bảo trợ của Hội Thừa sai Paris: 50 linh mục Việt Nam tu học tại Đại học Công giáo Paris, 13 linh mục Việt Nam học tại Đại học Công giáo Toulouse, 18 linh mục Ấn Độ, 9 linh mục Đại Hàn, 6 linh mục Trung Quốc, 7 linh mục Indonexia (nước có nhiều tín đồ Hồi giáo nhất thế giới), Myamar (Miến Điện): 2, Nhật Bản: 1, Kampuchia: 1 và Bangla Desh: 1.

Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, Giám đốc Giáo Xứ Việt Nam và Linh mục Thi sĩ Cung Chi cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Hành trình tiến về Thành thánh Giêrusalem

Năm 1851, Charles Gounod đã sáng tác Ca khúc lên đường của các vị Thừa sai (Chant pour le départ des Missionnaires) và Ca khúc truy niệm các vị Tử đạo (Chant pour l’anniversaire des Martyrs). Các nốt nhạc hào hùng của hai bản trường ca đã trở thành lời chào mừng đầy ý nghĩa mà linh mục Etcharren đã tuyên đọc bằng tiếng Pháp, chúng tôi xin chuyển ngữ như sau:

‘‘Tiên tri Isaïa trình thuật cuộc hành trình của các dân tộc tiến về Giêrusalem: ‘‘ Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với người: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông’’.

Thưa quý thân hữu, chúng ta là thiện nam tín nữ tiến về Thiên Chúa vinh quang, vì thế hôm nay chúng ta tạm dừng chân trong nguyện đường Hiển linh này. Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh toàn thể quý vị.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về thời điểm ân phúc này, chúng ta được mời gọi dừng chân, bước vào lễ hội bằng cách nhìn quanh ta: thật là vui sướng dường bao khi nhận ra quanh ta những khuôn mặt con cái nam nữ của Thiên Chúa đồng hành với chúng tôi. Chắc hẳn tập họp này hãy còn khiêm tốn, nhưng hết sức đa dạng, biểu hiện được cuộc hành trình của các dân tộc tiến về thành thánh Jérusalem cửu trùng.

Năm nay, hình ảnh tập họp của chúng tôi đặc biệt huy hoàng nhờ sự hiện diện của hai vị giám mục ở giữa chúng ta, đến từ phương Đông, là nước Việt xa xôi. Các ngài đặc biệt đến đây để cử hành lễ Hiển linh. Chúng tôi hân hoan giới thiệu Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, giám mục giáo phận Đà Lạt, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Ngài sẽ chủ lễ và giảng thuyết trong lễ Hiển linh này.

Bên cạnh ngài là Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Viêt Nam. Trong số các nhiệm vụ của ngài trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, ngài đặc trách liên lạc với Hội Thừa sai Paris với lòng nhiệt thành về án phong chân phước và phong thánh cho Đức Cha Pierre Lambert de la Motte và Đức Cha François Pallu là các đại diện tông tòa đầu tiên ở Việt Nam và vài tỉnh Hoa Nam vào năm 1659. Chúng tôi coi cả hai vị là các nhà sáng lập Hội Thừa sai Paris.

Thưa quý Đức Cha, chúng tôi cám ơn quý ngài đã nhiệt thành đáp lời mời của chúng tôi một cách tự phát, mặc dù công việc đa đoan và phải xử lý nhiều tình huống đôi khi là tế nhị.

Thiết tường chúng tôi nên nhường lời để Đức Cha nói lên những tình cảm đã thúc đẩy quý ngài đến cử hành lễ Hiển linh này. Về phần chúng tôi, chúng tôi xin thông báo sự hiệp thông nhiệt thành của chúng tôi đối với Giáo hội Việt Nam trong Năm Thánh mà quý ngài vừa khai mạc, tạ ơn Thiên Chúa về việc thành lập hai phủ đại diện tông tòa đầu tiên cách đây 350 năm và việc chính thức thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam cách đây 50 năm. Quý ngài đã vui lòng mời chúng tôi đến dự lễ khai mạc Năm Thánh ngày 24-11 vừa qua tại Sở Kiện, thuộc tổng giáo phận Hà Nội. Thật khó mà diễn tả sự xúc động của chúng tôi trước một rừng 100 000 tín hữu thành tâm cầu nguyện, nhưng ít ra tôi có thể đoan chắc rằng tôi cảm thấy vui hơn bao giờ hết được làm linh mục của Hội thánh Công giáo Tông truyền, và là thành viên của Hội Thừa sai Paris.’’

Quan hệ giữa Hội Thừa sai Paris và Giáo hội Việt Nam

Trong đáp từ bằng tiếng Pháp, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã nhắc lại lịch sử 350 năm truyền giáo của Hội Thừa sai Paris trên đất nước Việt Nam mà hoa trái ngày nay được thể hiện qua Năm Thánh 2010 trên khắp ba miền đất nước. Chúng tôi xin chuyển ngữ toàn văn diễn từ của Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn như sau:

‘‘Trọng kính Cha Bề trên Tổng quyền, quý Cha, quý Anh Chị Em trong Đức Kitô,

Đối với Đức Cha Giuse và chúng tôi, thật là niềm vui vô hạn và hạnh phúc đặc biệt được hiện diện ở đây cùng quý vị, trong thời điểm tạ ơn, cử hành lễ Hiển linh là bổn mạng Hội Thừa sai Paris năm 2010. Trước hết, chúng tôi muốn làm tròn nhiệm vụ cao quý của chúng tôi là chuyển đến Cha Bề trên lời chào huynh đệ của tất cả giám mục và cộng đoàn dân Chúa ở Việt Nam, với lời chúc Năm Mới ân phúc vừa khởi đầu. Thánh lễ Tạ ơn mà Cha Bề trên Tổng quyền khả kính đã yêu cầu tôi chủ lễ lại càng có ý nghĩa, vì quý Cha vừa cử hành vào năm 2008 đại lễ kỷ niệm 350 năm thành lập Hội Thừa Sai Paris vào năm 1658. Năm toàn xá bế mạc vào lễ Hiển linh 2009 trước Năm Thánh của chúng tôi kỷ niệm 305 năm thành lập vào năm 1659 hai đại diện tông tòa đầu tiên tại miền Bắc và miền Nam; việc thành lập Giáo hội Việt Nam từ khởi nguyên đã được trao cho Hội Thừa sai Paris, và 50 năm thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960. Hai lễ kỷ niệm đã được khai mạc trọng thể ngày 24-11-2009 tại Sở Kiện, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, đạt cao điểm với Đại hội Dân Chúa vào tháng 11-2010 tại Saigon thuộc tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh và sẽ bế mạc tại Trung tâm Thánh mẫu La Vang thuộc Tổng Giáo phận Huế vào lễ Hiển linh năm 2011. Các lễ kính tại Pháp và tại Việt Nam nhắc nhở một cách sống động quan hệ liên đới đã được tạo dựng từ hơn ba thế kỷ giữa Hội Thừa sai Paris và Giáo hội chúng tôi, sự hiệp thông được bắt đầu một cách cụ thể với trọng trách của Đức Cha François Pallu và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, vừa là sáng lập viên Hội Thừa sai Paris, đồng thời là các các chủ chăn tiên khởi của Giáo hội Việt Nam. Các ngài đã để lại dấu ấn sâu đậm, dấu ấn của Đức Cha François Pallu được cảm nhận trực tiếp về phần Hội Thừa sai Paris, và dấu ấn của Đức Cha Lambert de la Motte được Giáo hội Việt Nam trực cảm. Nhiệm vụ của hai vị bổ sung và không thể tách biệt nhau. Các ngài là các nhà đồng sáng lập Hội Thừa sai Paris cũng như Giáo hội nước Việt. Chính vì vậy, Hội Thừa sai Paris và Hội đồng Giám mục Việt Nam đồng ý là đồng tác giả, cùng ký tên vào thỉnh nguyện chung xin phong chân phước và phong thánh cho hai vị thừa sai có công, hai nhà khai sáng và là giáo phụ trong đức tin. Chúng tôi hy vọng rằng án chung tuyên phong chân phước và phong thánh lại càng tăng cường hơn nữa quan hệ liên đới vốn có giữa Hội Thừa sai Paris và Giáo hội Việt Nam. Chúng ta cùng cầu nguyện để án phong thánh chung này được Thiên Chúa ban ơn và mang lại kết quả mỹ mãn, vinh danh Chúa Ba Ngôi, đồng thời cổ vũ toàn thể dân Chúa ở Việt Nam làm chứng một cách xác tín đầy thuyết phục rằng Tin Mừng có trong tâm khảm các bậc giáo phụ trong đức tin và cũng để duy trì nhiệt tình truyền giáo của Hội Thừa sai Paris theo đường lối của các nhà sáng lập.

Chính trong ý nguyện đó, chúng ta bắt đầu cử hành phụng vụ Thánh thể và xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm của chúng ta.’’

Ánh sáng từ phương Đông (Lux ex Oriente)

Sau khi công bố Tin Mừng, Đức Cha Chủ tịch đã giảng bằng tiếng Pháp. Ngài nhắc lại ý nghĩa của lễ Hiển linh:

‘‘Hôm nay, trong ngày lễ Hiển linh, ánh sáng đích thực thế gian soi sáng các nhận vật đến từ các đất nước xa xôi. Đó là các đạo sĩ phương Đông (Mt 2,1). Nói đúng ra, Bê Lem nằm ở phương đông Athènes và Roma là các trung tâm văn minh Âu châu cổ đại, nhất là đế quốc La Mã thời bấy giờ được coi là trung tâm của thế giới đã biết. Vậy mà ánh sáng xuất hiện từ một thành phố xa lạ ở Palestine, gởi đi một thông điệp nhiệm mầu, qua ánh sáng mờ của vì sao nhưng không kém nhiệm mầu, từ phương Đông xa xôi mà không phải là phương Tây. Đó chính là mầu nhiệm ánh sáng từ phương Đông (lux ex Oriente) Các nhà đạo sĩ phương Đông xa xôi là những người đi tìm Chúa quan sát ‘‘cảnh sắc bầu trời và những dấu chỉ thời gian’’ (Mt 16,3), lên đường đi về hướng Tây so với nước họ, và họ đã gặp Chúa Kitô là Vua dân Do Thái, ở miền Cận Đông.’’

Sau đó, Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc lại nhận định của Đức Gioan-Phaolô II: ‘‘Chúa Kitô Cứu thế nhập thể là người châu Á’’. Ngài nói:

‘‘Còn một mầu nhiệm khác trong thời kỳ phúc âm hóa đầu tiên trực chỉ phương Tây, vì Tin Mừng được truyền bá từ Bê Lem là trung tâm của miền Cận Đông, nơi phát sinh ánh sáng thế gian, đến tận đế quốc Roma vốn là trung tâm thế giới được biết đến vào thời đại Chúa Kitô và Giáo hội sơ khai. Cận Đông, Trung Đông và Viễn Đông tạo thành toàn bộ phương Đông. Theo Đức Gioan-Phaolô II ‘‘Chúa Kitô Cứu thế nhập thể là người châu Á (Ecclesia in Asia, 1999)’’.

Nhiệm vụ truyền giáo tại châu Á

Trong phần kế tiếp, Đức Cha Chủ tịch đã nói về nhiệm vụ gieo hạt giống phúc âm trên đồng ruộng châu Á như sau:

‘‘Nhiệm vụ gieo hạt giống phúc âm trên dải đất Á châu thuộc về Gíáo hội hoàn vũ. Nhưng công bằng mà nói, các Giáo hội công giáo Tây phương được hưởng việc phúc âm hóa ngày từ thiên niên kỷ ki tô giáo đầu tiên; vào thiên niên kỷ thứ hai đã gởi nhiều vị thừa sai sang châu Á để làm chứng Đức Kitô và Phúc âm của ngài, theo Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêdictô XVI, chứng từ này là một công trình cao trọng mà Giáo hội có thể mang lại cho đất nước Việt Nam và cho các dân tộc Á châu khác, đáp ứng được sự tìm kiếm sâu xa chân lý và những giá trị bảo đảm cho sự phát triển toàn diện con người. Chính nhờ các vị thừa sai dòng Tên được sự đỡ đầu của Bồ Đào Nha vào thế kỷ XVII đã mở ra những cộng đoàn kitô hữu ở hai miền Nam - Bắc, đồng thời góp phần lâu dài trong lãnh vực hội nhập văn hóa, như thể chế giáo lý viên, việc sáng lập chữ quốc ngữ trên cơ sở mẫu tự la tinh, việc biên soạn các sách giáo lý đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Sau đó, các vị thừa sai người Pháp của Hội Thừa sai Paris đã được Tòa Thánh gởi sang Việt Nam để tiếp nối công trình của các linh mục dòng Tên từ 1659, năm thành lập hai đại diện tông tòa tại miền Nam và miền Bắc. Tòa thánh bổ nhiệm các vị chủ chăn đầu tiên là Đức Cha Pierre Lambert de la Motte và Đức Cha François Pallu. Hai vị thừa sai quan trọng này đồng thời là các nhà sáng lập Hội Thừa sai Paris. Sau thời điểm này, các vị thừa sai châu Âu khác, đặc biệt là các cha dòng Đa Minh và dòng Phanxicô thuộc nhiều quốc tịch khác nhau đến Việt Nam góp phần vào việc phúc âm hóa. Sau thời gian bách hại đẫm máu kéo dài đến đầu thế kỷ XX, có thêm nhiều đợt các vị thừa sai châu Âu, nhất là các tu sĩ nam nữ đồng hành với cộng đoàn dân Chúa được tôi luyện trong thử thách. Nổi bật trong các công trình tốt đẹp này, Hội Thừa sai Paris đã mang lại nhiều đóng góp quan trọng trong việc phúc âm hóa đất nước chúng tôi. Vì vậy, Hội Thừa sai có công, qua Đức Cha Lambert de la Motte, và được sự tiếp sức của người bạn đồng chí hướng là Đức Cha François Pallu, đã tổ chức được các cộng đoàn kitô hữu son trẻ ở Việt Nam do các cha dòng Tên thành lập, trở thành một Giáo hội có cấu trúc, do các giám mục kế thừa các thánh tông đồ, cộng tác hài hòa với hàng giáo sĩ người Pháp, Giáo hội Việt Nam vào giai đoạn này gồm các vị thừa sai châu Âu và các linh mục Việt Nam, luôn được các giáo lý viên đào tạo trong các chủng viện không chính thức phụ giúp và một đội ngũ chức sắc giáo dân, được gọi là các quý chức của họ đạo, âm thầm và tự nguyện phục vụ cộng đoàn giáo hội, và các nữ tu tận hiên thuộc tu hội ‘‘Mến Thánh giá’’, do Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập năm 1670, không chỉ dấn thân trong các công tác mục vụ của giáo xứ, nhưng cả các hoạt động truyền giáo khác đến với muôn dân (ad gentes), nhất là trong lãnh vực giáo dục và từ thiện.

Công lao lớn nhất của Hội Thừa sai Paris là đã thành công, theo mục tiêu chính, đào tạo hàng giáo sĩ địa phương, cùng với các vị thừa sai người Âu, có thể đảm đương gánh nặng mục vụ và truyền giáo của một Giáo hội ngụp ngập suốt ba thế kỷ trong các cuộc bách hại đẫm máu với hàng trăm ngàn người được phúc tử đạo. Trong số này có 117 vị đã được nâng lên hàng hiển thánh năm 1988, một thày giảng trẻ đươc phong chân phước năm 2000. Trong danh sách này có hai giám mục, tám linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris. Trong số 126 giạm mục châu Âu từng lãnh trọng trách chủ chăn ở Việt Nam, có 76 vị (chiếm tỷ lệ 6/10) thuộc Hội Thừa sai Paris. Trong số 4 500 vị thừa sai được gửi sang Á châu trong dòng lịch sử 350 năm có 956 vị, chiếm tỷ lệ hơn 1/5, đã cống hiến sự gian khổ, nhiều khi là hy sinh cả tính mạng để kiến tạo Giáo hội Đức Kitô ở Việt Nam. Chỉ riêng con số này đủ nói lên sự hiệp thông đặc biệt cùng chung định mệnh giữa Hội Thừa sai Paris và Giáo hội Việt Nam.

Nhân khai mạc trọng thể Năm Toàn xá ngày 24-11-2009 vào lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam, nhân danh Hội đồng Giám mục và cộng đoàn dân Chúa, chúng tôi đã bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các vị thừa sai người Âu đã dự phần vào việc hình thành và phát triển Giáo hội son trẻ đầy sức sống năng động. Chúng tôi cũng đã vinh dự có sự hiện diện của Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, Linh mục bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris. Tôi muốn lặp lại ở đây, trong Nhà Mẹ vào lễ bổn mạng của Hội, lòng biết ơn chân thành của về sự đóng góp không thay thế được mà Giáo hội Pháp mang lại, nhất là sự liên đới huynh đệ và sự hiệp thông định mệnh mà Hội Thừa sai đã chứng tỏ đối với Giáo hội son trẻ chúng tôi. Tình liên đới này còn được tiếp nối trong tình cảm thân thiết.’’

Tương lai tôn giáo ở châu Á

Trong phần kết luận Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nói đến toàn cảnh truyền giáo tại Á châu và tại Việt Nam trong những ngày sắp tới.

‘‘Để kết thúc, chúng tôi muốn chia sẻ cái nhìn tiên tri của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II về tương lai tôn giáo ở châu Á. Tôi đoan chắc rằng không có bao nhiêu người thực sự là vô thần trong lục địa rộng lớn này, bởi vì châu Á là cái nôi của những tôn giáo lớn trên thế giới; và các dân tộc châu Á từ ngàn xưa luôn có lòng mộ đạo. Họ là các dân tộc đi tìm Chúa, đi tìm một ý nghĩa, vì vậy tương hợp hầu như là bẩm sinh với linh đạo trở nên những người ‘‘Nghèo khó của Chúa’’, mặc dù ngày nay quyết định dấn thân theo đường lối phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo. Đặc tính tôn giáo tự nhiên đi đôi với sự nhạy cảm về các giá trị thiêng liêng, có thể được coi là ‘‘tiền đề phúc âm’’. Tuy nhiên, thách đố lớn nhất đối với chúng tôi chủ yếu là khuynh hướng tự nhiên của người châu Á dễ theo gương lành hơn là các lý luận trừu tượng, vì vậy các người rao giảng phúc âm và giảng đạo xuất hiện không như các bậc thầy, mà như người chứng, hoặc hơn nữa là các bậc thầy nhưng đồng thời là người chứng, điều này vô cùng cần thiết. Vô số các tiền nhân Tử đạo của chúng tôi đã là các Chứng nhân cao cả trong quá khứ, ngày nay là bậc Thầy trong lãnh vực phúc âm hóa. Khi hướng tâm trí và tình cảm chúng tôi về các đồng bào ruột thịt, chúng tôi nhìn thấy Đức Kitô Phục sinh ở trung tâm, ngài là Chứng nhân trung thực và bậc Thầy tối thượng. Kinh nghiệm lịch sử của Giáo hội chúng tôi chứng tỏ việc phúc âm hóa chính là chặng đường Thánh giá, đồng thời chúng tôi ý thức rằng chỉ có con đường khổ nạn mới đưa đến niềm vui Phục sinh đích thực, sự vinh quang đích thực là vinh quang của Chúa Kitô Sống lại.

Chúng ta cùng cầu nguyện để ước mong tiên tri của Đức Gioan-Phaolô II, Người tôi trung của Chúa, sớm trở thành hiện thực.’’

Bài giảng của Đức Cha Chủ tịch được cộng đoàn, trong số có nhiều vị thức giả lắng nghe. Trong nguyện đường Hiển linh của Hội Thừa sai Paris có sự hiện diện của giáo sư Philippe Bordeyne, khoa trưởng Thần học và Tôn giáo học Đại học Công giáo Paris, giáo sư Michel Berder, giám đốc Cao học Đại học Công giáo Paris, nhiều giáo sư đại học Pháp, Việt và nhiều thân hào, nhân sĩ.

Trong phần hiệp lễ, linh mục Nguyễn Thanh Lý đã hướng dẫn cộng đoàn đồng ca ‘‘Đêm Đông’’ cùa nhạc sư Hải Linh: ‘‘Nơi hang Bê Lem huy hoàng ánh sao, đưa lối Ba Vua phương Đông đến chầu.’’

Hành trinh Ra Khơi (Duc ad Altum) trong Năm Thánh

Trong thánh lễ cử hành tại nguyện đường Hiển linh Paris, các Đức Cha Việt Nam đã bận phẩm phục giám mục đặc biệt của Năm Thánh 2010. Trên mão giám mục có huy hiệu ‘‘Ra Khơi’’ (Duc in Altum), vừa là lời mời gọi về nguồn với lịch sử 350 năm của Giáo hội Việt Nam, được thể hiện qua hải trình của các vị thừa sai cập bến cảng nước ta để rao giảng Tin mừng, lại vừa hướng về tương lai của Giáo hội Việt Nam.

Ngày 15-6-2003, Đức Hồng y Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Thánh bộ Truyền giáo và Rao giảng Tin mừng cho Muôn dân đã nhắn nhủ cộng đoàn dân Chúa Việt Nam như sau:

‘‘Tôi muốn khích lệ anh chị em hãy thực hiện với lòng can đảm và hăng say lời mời gọi ‘‘Ra Khơi’’ (Duc in Altum) mà Đức Gioan-Phaolô II đã đề ra cho Ngàn Năm Thứ Ba. Trong chương trình này, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội và cộng đoàn dân Chúa ‘‘khởi hành với Chúa Kitô’’, Đấng cần được biết, được mến yêu và được noi gương để trong Người, và với Người biến đổi lịch sử, tiến tới viên mãn trong thành Giêrusalem Thiên Quốc. Đức Thánh Cha đã ấn định như hướng đi chung ‘‘nên thánh’’ như ưu tiên mục vụ hàng đầu cần phải huy động mọi sức lực để thực hiện.’’

Cuộc hành trình ‘‘Duc in Altum’’ trong Năm Thánh 2010 tiếp nối cuộc hành trình của ba nhà đạo sĩ phương Đông năm xưa lên kết Hội Thừa sai Paris và Giáo hội Việt Nam trong sứ mạng truyền giáo tại quê nhà để mỗi người dân Việt sẽ là một đạo sĩ: ‘‘Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người.’’ (Mt 1,10-11).

Paris, ngày 4 tháng 1 năm 2010

Lê Đình Thông

Mẹ Thiên Chúa và Tiệc cưới Cana

Mẹ Thiên Chúa và Tiệc Cưới Cana
Mẹ ơi, Ảnh NTT


Bởi nét dịu hiền ngọt ngào của người nữ, trong văn hóa Việt Nam, người mẹ được ví với những thức ăn đậm đà hương thơm vị ngọt,

Mẹ già như chuối ba hương.

Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Bởi cưu mang và dưỡng nuôi là hai đặc tính thiên phú của người nữ, trong văn thơ, khi cần phải tô đậm nét quê hương và vùng đất của nơi chôn nhau cắt rốn, người ta hay nói quê mẹ và đất mẹ,

Chiều chiều ra đứng ngõ sau.

Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.

Việt Nam và Do Thái là hai nền văn hóa lâu đời của thế giới, bởi thế cả hai có rất nhiều nét tương đồng. Nếu người Việt Nam đã từng được dạy dỗ, “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, người Do Thái cũng có điều răn thứ Tư của Mười Điều Răn, “Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”, dạy dỗ con cái về Đạo làm con và làm người. Đức Giêsu là một người đàn ông Do Thái. Người sinh ra tại thành phố Bethlehem, vào khoảng năm 6-4 B.C. Bởi Đức Giêsu là người Do Thái, Ngài cũng tuân theo những luật lệ của xã hội Do Thái, đặc biệt là bộ luật Môisen, hay nói ngắn gọn là Mười Điều Răn. Một trong những điều luật căn bản này nói theo ngôn ngữ Do Thái là, “Thảo kính cha mẹ”, hoặc nói theo ngôn ngữ Việt Nam là, “Uống nước nhớ nguồn. Làm con phải hiếu”. Bởi vậy, độc giả Kinh Thánh không lạ chi, sau biến cố “lạc” trong Đền Thờ, cậu bé Giêsu vâng lời, theo bố mẹ về lại thôn làng Nazareth, và Ngài tiếp tục, lớn lên dưới sự dạy dỗ và dưỡng nuôi của dưỡng phụ Giuse và thân mẫu Maria (Luke 2:51-52).

Phép lạ Tiệc Cưới Cana là một câu chuyện Tin Mừng tô đậm nét hiếu thảo của Đức Giêsu đối với thân mẫu của Người. Trong khi quan khách đang ngà ngà say trong tiệc cưới, tự nhiên rượu cạn khô. Người Do Thái, trong những sinh hoạt hằng ngày, không uống trà xanh, Coke, hoặc bia, nhưng rượu. Bình thường còn như thế, nói chi tiệc cưới. Tiệc cưới cạn rượu, do đó, là một điềm xấu trong nền văn hóa Do Thái. Không rượu trong tiệc cưới, cô dâu chú rể chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng. Mất mặt là một chuyện, lo sợ cho vận xám của đời sống lứa đôi trong tương lai là chuyện còn quan trọng hơn nhiều. Rượu cạn khô ngay giữa tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói sợi dây tơ hồng nối buộc cô dâu và chú rể của tiệc cưới Cana rất mỏng manh. Cho nên chỉ ngày một ngày hai, khi giông tố ào ào nổi lên, sợi dây tơ hồng này sẽ bị thổi đứt. Dưới lăng kiếng thần học, rượu bốc hơi, cạn khô, biến mất trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn.

Theo như thánh sử Gioan, không ai hay biết, chẳng ai hay rượu cưới đang bốc hơi cạn khô trên bàn tiệc Cana. Ngay cả ông quản tiệc, người có trách nhiệm về rượu của tiệc cưới, cũng không biết chi. Không ai biết, chẳng ai hay là điềm xấu đang đứng gõ cửa, thế mà Mẹ Maria đã tinh tế, nhanh nhẹn nhận ra tình trạng, “Nhà người ta hết rượu rồi” (Gioan 2:3). Và Mẹ quyết định hành động. Trước khi ông quản tiệc hay bất cứ người nào có dịp vỗ trán, đấm ngực, than thở, đổ lỗi cho nhau, Đức Mẹ tiến tới, nói với con của mình,

— Nhà người ta hết rượu rồi!

Thoạt tiên, Đức Giêsu từ chối can thiệp, nhưng Ngài giải thích với thân mẫu của mình,

— Giờ của con chưa tới (Gioan 2:4).

Trước lời giải thích đầy những nét thần học của Đức Giêsu, Đức Mẹ không nói thêm chi với Cậu Trưởng Nam. Quay sang những người hầu, Mẹ nói,

— Ngài nói chi, cứ làm theo (Gioan 2:5).

Điều luật thứ Tư trong bộ luật Môisen, “Hiếu thảo với bố mẹ”, hay “Làm con phải hiếu” trong “bộ luật” Việt Nam, là một trong những nguyên nhân chính giải thích thái độ lạ kỳ của Đức Giêsu trong tiệc cưới Cana; đó là, thoạt tiên trước lời yêu cầu của thân mẫu, Ngài từ chối, nhưng chung cuộc lại làm theo lời đề nghị của mẹ mình. Bởi người phụ nữ nói với Đức Giêsu câu nói, “Nhà người ta hết rượu”, là người đã từng cưu mang Ngài chín tháng mười ngày, nuôi dưỡng Ngài khôn lớn, Đức Giêsu cuối cùng đã đổi ý, và Ngài vâng lời Đức Mẹ. Thế là rượu thơm ngập tràn khắp nơi trong tiệc cưới. Rượu nồng nàn đôi má chú rể, tô hồng đôi môi cô dâu, long lanh ánh mắt quan khách. Người ta say với rượu, ngập tràn trong rượu. Rượu nổ vang tiếng cười tiếng nói trong tiệc cưới Cana. Nhìn dưới lăng kiếng thần học, Đức Giêsu chính là Chú Rể của Trời Cao, Người đã ban phát rượu tới quan khách của tiệc cưới Cana. Và bởi sự can thiệp của Mẹ Maria, tiệc cưới Cana lại ngập tràn rượu, khiến cho chú rể, cô dâu, và quan khách lại tiếp tục đỏ hồng đôi má.

Vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, trên cây thập giá, Đức Giêsu đã trối lại thân mẫu của Ngài cho người môn đệ được Ngài thương yêu, và người môn đệ cho Mẹ của Ngài (Gioan 19:26-27). Từ giây phút đó trở đi, Mẹ Maria đã trở thành không phải chỉ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng còn là Mẹ của tất cả những người được Thiên Chúa thương yêu, bồng ôm vào lòng, ân cần chăm sóc.

Suy Niệm

Bởi Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, và bởi Đức Giêsu là một người con hiếu thảo, hãy chạy đến với Mẹ những khi bạn cần người tâm sự, thổ lộ nỗi lòng của trăm khúc tơ vò, không biết bày tỏ cùng ai.

Riêng nói về rượu, chúng ta biết rượu có chất men làm cho người ta say nồng, yêu đời, đặc biệt trong tình yêu. Nhưng trong tình yêu, không phải lúc nào người ta cũng nồng nàn yêu nhau. Có những lúc thức giấc, vợ chồng bàng hoàng nhận ra nhà của mình đã hết rượu, rượu hôn nhân đã cạn khô, hai vợ chồng không còn yêu nhau nồng nàn, thắm thiết như thuả nào. Những lúc cạn rượu hôn nhân, mời bạn hãy chạy đến với Mẹ Thiên Chúa. Ngày xưa trong tiệc cưới Cana, chưa ai nhận ra rượu của tiệc cưới cạn khô, nhưng Mẹ đã tế nhị, nhận ra tình trạng chết kẹt của đôi tân hôn. Và thế là Mẹ can thiệp, ngay cả trước khi chú rể và cô dâu chạy đến mở miệng nhờ Mẹ giúp đỡ. Ngày hôm nay, vào những giây phút mà bạn cảm thấy cuộc sống hôn nhân lứa đôi đang bị đe dọa, nếu bạn chạy đến cầu nguyện với Mẹ, nói với Mẹ, “Mẹ ơi! Nhà con đã hết rượu rồi!”, chắc chắn rượu của tiệc cưới sẽ lại ngập tràn trong ánh mắt và đôi môi của chàng và của nàng.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, bởi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cũng là Mẹ của chúng con. Cám ơn Chúa đã ban cho chúng con một người Mẹ dịu ngọt như chuối ba hương và tuyệt vời như vầng trăng rằm. Những lúc nhà của chúng con hết rượu, xin dạy chúng con biết chạy đến nói với Mẹ Thiên Chúa, “Mẹ ơi! Nhà con hết rượu rồi".

Để lắng nghe audio file của Mẹ Thiên Chúa và Tiệc cưới Cana, xin mời bấm vào link, www.nguyentrungtay.com
Nguyễn Trung Tây, SVD

The Pope Benedict XVI says : " Mother of God - Mary "


Đức Thánh Cha cử hành lễ Kính Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hòa Bình Thế Giới

VATICAN -. ĐTC Biển Đức 16 đã cử hành trọng thể lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 42. Ngài đặc biệt tái kêu gọi chấm dứt bạo lực tại miền Gaza.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng ngày 1-1-2009 tại Đền thờ Thánh Phêrô, có 5 vị trong đó có ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và ĐHY Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Ngoài ra có 2 hồng y Phó tế tháp tùng ĐTC là ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và ĐHY Javier Lozano Barragán, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế.

Trong số gần 10 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ, cũng có đông đảo các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh, 22 HY và 26 GM. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 5 ca đoàn khác, gồm ca đoàn Mẹ Giáo Hội ở Roma với 100 ca viên, Ca đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm thuộc giáo phận Hartford Hoa Kỳ gồm 30 người, ca đoàn Reggio Emilia ở Italia với 65 ca viên và sau cùng là Ca đoàn Liban gồm 16 người. 70 LM phụ trách việc cho rước lễ được ngồi phía sau bàn thờ chính.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến lời cầu chúc như được trình bày trong bài đọc thứ I trích từ sách Dân Số (6,22-27). Các vị tư tế của Israel chúc lành cho dân bằng cách ”kêu cầu Danh Chúa ở trên họ”: Thánh Danh Chúa được kêu cầu 3 lần trên các tín hữu như lời cầu chúc ân sủng và bình an. Thói quen cổ kính này dẫn chúng ta đến một thực tại thiết yếu, đó là để có thể tiến bước trên con đường hòa bình, mọi người và các dân tộc cần được nhan thánh Chúa soi sáng và được Danh Chúa chúc phúc. Điều này xảy ra chung cục với mầu nhiệm Nhập Thể: Con Thiên Chúa đến trong xác thể như chúng ta và trong lịch sử đã mang lại một phúc lành không thể rút lại, một ánh sáng không còn tắt lịm nữa, và mang lại cho các tín hữu cũng như những người thiện chí khả năng xây dựng nền văn minh tình thương và hòa bình”.

ĐTC nói: ”Các bạn thân mến, đó là con đường Tin Mừng dẫn đến hòa bình, con đường mà Giám Mục Roma được kêu gọi kiên trì tái đề nghị mỗi lần trình bày Sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới.”

Nhắc đến chủ đề Ngày Thế Giới hòa bình năm nay là ”Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình”, ĐTC nói: ”đề tài này có 2 bình diện cần cứu xét, mà giờ đây tôi chỉ có thể nhắc đến một cách vắn tắt. Một đàng là sự thanh bần được Chúa Giêsu chọn và đề nghị, và đàng khác là thứ nghèo đói cần phải bài trừ để thế giới trở nên công bằng và liên đới hơn.” ”Khía cạnh thứ I tìm được bối cảnh lý tưởng trong những ngày này, trong mùa giáng sinh. Sự giáng trần của Chúa Giêsu tại Bethlehem tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn thanh bần cho bản thân ngài khi đến giữa chúng ta. Cảnh tượng mà các người chăn đoàn vật thấy trước tiên.. là một chuồng súc vật tại đó Đức Maria và Thánh Giuse trú ẩn, và tiếp đến là máng cỏ trong đó Đức Trinh Nữ đã đặt Hài Nhi mới sinh bọc trong tã (cf Lc 2,7.12.16). Thiên Chúa đã chọn sự nghèo khó ấy. Ngài đã muốn sinh ra như vậy, nhưng chúng ta có thể nói thêm rằng Chúa đã muốn sống và muốn chết khó nghèo như vậy. Tại sao? Câu trả lời là: chính tình yêu đối với chúng ta đã thúc đẩy Chúa không những làm người, nhưng còn trở nên nghèo. Trong đường hướng này, chúng ta có thể trích dẫn lời thánh Phaolô trong thư thứ 2 gửi các tín hữu thành Corinto: ”Thực vậy, anh em biết ơn của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: vốn giàu sang Ngài đã trở nên nghèo vì anh em, để anh em trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài” (8,9).

Sang đến khía cạnh thứ hai, ”đó là sự nghèo đói bần cùng, mà Thiên Chúa không hề muốn và cần phải bài trừ, như chủ đề Ngày Thế Giới hòa bình hôm nay đã nói; đó là thứ nghèo đói ngăn cản không cho con người và các gia đình sống theo phẩm giá của họ; một thứ nghèo đói làm thương tổn công lý và sự bình đẳng, và qua đó, nó đe dọa cuộc sống chung hòa bình. Theo nghĩa tiêu cực này, cũng có những hình thức nghèo đói không phải về phương diện vật chất và nó cũng hiện hữu trong các xã hội sung túc và tiến bộ, đó là tình trạng bị gạt ra ngoài lề, thiếu thốn về quan hệ, về luân lý và tinh thần (Sứ điệp, số 2).

”Trong sứ điệp hòa bình, theo vết các vị Tiền Nhiệm của tôi, tôi muốn đặc biệt cứu xét hiện tượng phức tạp là sự hoàn cầu hóa, để thẩm định tương quan của nó với sự nghèo đói ở mức độ rộng lớn. Đứng trước những tai ương lan rộng như các bệnh truyền nhiễm khắp nơi (5), tình trạng nghèo đói của các trẻ em (5), cuộc khủng hoảng lương thực (7), rất tiếc là tôi phải tái lên tiếng tố giác sự gia tăng chạy đua võ trang không thể chấp nhận được. Một đàng người ta cử hành kỷ niệm Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền, và đàng khác người ta lại gia tăng các chi phí quân sự, vi phạm chính Hiến chương LHQ vốn đòi phải giảm tới mức tối thiểu các chi phí ấy (điều 26). Ngoài ra, sự hoàn cầu hóa loại bỏ một số hàng rào (8), vì thế cộng đồng quốc tế và mỗi quốc gia cần luôn cảnh giác, không bao giờ được giảm bớt sự cảnh giác đối với những nguy cơ xung đột, trái lại cần dấn thân để giữ cho tình liên đới luôn ở cao độ. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay trên thế giới cần được nhìn theo chiều hướng đó và coi đó là một cuộc trắc nghiệm: phải chăng chúng ta có sẵn sàng coi cuộc khủng hoảng này, trong các khía cạnh phức tạp của nó, như một thách đố đối với tương lai hay không, chứ không phải như một sự khẩn cấp cần phải đưa ra những câu trả lời ngắn hạn mà thôi? Chúng ta có sẵn sàng cùng nhau duyệt lại một cách sâu xa về kiểu mẫu phát triển đang thịnh hành để sửa chữa nó một cách có phối hợp và sáng suốt hay không? Ngoài những khó khăn tài chánh hiện nay, cả tình trạng môi sinh của trái đất, và nhất là cuộc khủng hoảng văn hóa và luân lý, với những triệu chứng hiển nhiên ở các nơi trên trái đất càng đòi phải xét lại sâu rộng.”

Trong phần kết luận bài giảng, ĐTC mời gọi mọi người phó thác cho Mẹ Maria, Mẹ của Con Thiên Chúa, những ước vọng hòa bình: ”Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ ước muốn sâu xa được sống trong hòa bình, ước muốn xuất phát từ con tim của đại đa số dân Israel và Palestine, một lần nữa họ đang gặp nguy hiểm trầm trọng vì bạo lực ồ ạt tại miền Gaza trả đũa lại một bạo lực khác. Cả bạo lực, cả oán thù và nghi kỵ cũng là những hình thức nghèo đói cần phải bài trừ, và những thứ nghèo đói này kinh khủng hơn. Ước gì những hình thức nghèo đói này không trổi vượt! Theo nghĩa đó, các vị chủ chăn của các Giáo Hội tại Thánh Địa, trong những ngày đau buồn này đã lên tiếng. Cùng với các vị và các tín hữu rất quí mến của các vị, đặc biệt là các tín hữu thuộc giáo xứ nhỏ bé nhưng rất nhiệt thành tại Gaza, chúng ta hãy đặt dưới chân Mẹ Maria những lo âu của chúng ta đối với hiện tại và những lo sợ về tương lai, và cả niềm hy vọng chắc chắn rằng người ta không thể không lắng nghe, đáp ứng và mang lại những câu trả lời cụ thể cho khát vọng chung được sống trong hòa bình, an ninh và phẩm giá, nhờ sự đóng góp khôn ngoan và sáng suốt của mọi người.

Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ 45 và đúng 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để cùng với hơn 60 ngàn tín hữu tụ tập ở Quảng trường Thành Phêrô dưới trời mưa để đọc kinh Truyền Tin.

Kinh truyền tin

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC gửi lời chúc mừng đầu năm mới được bình an và mọi điều tốt lành tới tất cả các tín hữu hiện diện và những người theo dõi buổi đọc kinh qua các phương tiện truyền thông. Ngài nói:

”Những cầu chúc ấy được đức tin Kitô làm cho trở nên đáng tin cậy, khi đặt chúng trên căn bản biến cố mà chúng ta cử hành trong những ngày này là sự nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Thực vậy, với ơn Chúa và chỉ với ơn Chúa, chúng ta luôn luôn có thể tái hy vọng rằng tương lai tốt đẹp hơn quá khứ. Đây không phải là tín thác nơi một vận mệnh thuận lợi hơn, hoặc nơi những cơ cấu phức tạp của thị trường hoặc tài chánh, nhưng là chính chúng ta cố gắng để trở nên tốt lành và có tinh thần trách nhiệm hơn, để có thể cậy dựa vào lòng từ nhân của Chúa. Đó là điều luôn luôn có thể vì Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Con của Ngài (Dt 1,2), và tiếp tục nói với chúng ta qua lời giảng Tin Mừng và qua tiếng nói của lương tâm chúng ta. Trong Chúa Giêsu Kitô, con đường cứu độ đã được tỏ cho tất cả mọi người, ơn cứu độ này trước tiên là sự cứu chuộc tinh thần, nhưng bao trùm toàn thể con người, kể cả chiều kích xã hội và lịch sử nữa”.

ĐTC cũng quảng diễn vắn tắt về chủ đề Ngày Thế giới hòa bình năm nay ”Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình”, và ngài nói thêm rằng: ”Vào đầu năm mới, mục đích chính của tôi là mời gọi tất cả mọi người, các chính quyền và thường dân, không nản chí trước những khó khăn và thất bại, nhưng tái canh tân dấn thân. Phần hai trong năm 2008 đã làm nảy sinh cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng. Cần đọc cuộc khủng hoảng này trong chiều sâu, như một triệu chứng trầm trọng đòi phải can thiệp tận gốc rễ. Như Chúa Giêsu đã nói, không nên vá miếng vải mới vào chiếc áo cũ (Mc 2,21). Đặt người nghèo ở chỗ thứ nhất có nghĩa là quyết liệt tiến tới tình liên đới hoàn vũ như Đức Gioan Phaolô 2 đã nêu bật sự cần thiết, phối hợp các tiềm năng thị trường với những tiềm năng của xã hội dân sự (Sứ điệp, số 12) trong sự liên lỉ tôn trọng luật pháp và luôn để ý tới công ích”.

”Chúa Giêsu Kitô không tổ chức những chiến dịch chống nghèo đói, nhưng ngài loan báo Tin Mừng cho người nghèo, để giải thoát toàn diện khỏi lầm than về tinh thần và vật chất. Giáo Hội cũng làm như vậy, qua công tác không ngừng rao giảng Tin Mừng và thăng tiến con người. Chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, phù giúp mọi người cùng nhau tiến bước trên con đường hòa bình”.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC đặc biệt gửi lời chúc mừng Tổng thống và toàn dân Italia trong năm mới. Ngài cũng ca ngợi, khuyến khích và liên đới với các sáng kiến của các cộng đoàn Giáo Hội ở mọi đại lục nhân Ngày Hòa Bình Thế giới. Ngài chào thăm đông đảo các tham dự viên cuộc tuần hành ”Hòa bình ở các nơi trên mặt đất” do Cộng đồng thánh Egidio khởi xướng ở Roma và nhiều thành phố tại 70 nước trên thế giới. ĐTC cũng nhắc đến các thành viên Phong trào tình yêu gia đình đã canh thức đêm giao thừa vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho các gia đình cũng như cho Đại gia đình Giáo Hội. Với tất cả mọi người, ngài cầu chúc dồi dào an bình và những điều thiện hảo trong năm mới.
LM Trần Đức Anh, OP

The Pope Benedict XVI says : " Mother of God - Mary "


Bài giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong ngày đầu năm Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa,

Bài giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong ngày lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, 01.01.2010

Trong ngày đầu năm mới và cũng là Ngày Quốc Tế Hòa Bình, chúng ta vui mừng cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi chúng ta đang cử hành Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria, hòa bình đích thực của chúng ta! Hướng về tất cả anh chị em đang qui tụ nơi đây, đại diện cho mọi dân tộc trên thế giới, đại diện cho Giáo hội Rôma và Giáo hội hoàn vũ, đại diện cho các linh mục và tín hữu, cũng như tất cả mọi người đang hiệp thông với chúng ta qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, tôi muốn lặp lại lời cầu chúc của Cựu Ước: “Nguyện Ðức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em (x. Ds 6,26). Dưới ánh sáng Lời Chúa, hôm nay, tôi muốn triển khai đề tài: dung mạo của Thiên Chúa và dung mạo của con người, đề tài này cống hiến cho chúng ta chìa khóa để giải thích những vấn nạn hòa bình trên thế giới.

Trong bài đọc I – trích từ sách Dân số và trong Thánh vịnh đáp ca, chúng ta đã nghe một vài cách diễn tả ẩn dụ về dung mạo của Thiên Chúa: “Nguyện Ðức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em (Ds 6,25); “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 66/67,2-3). Dung mạo diễn tả rõ ràng nhất về con người, qua đó tình cảm, suy nghĩ và những ý định sâu kín trong tâm hồn được bày tỏ. Thiên Chúa vô hình, theo bản tính của Ngài, nhưng Kinh Thánh vẫn ‘gán’ cho Ngài một “dung mạo”. Trong Kinh Thánh, kiểu nói “tỏ dung nhan” diễn tả lòng nhân từ của Thiên Chúa, trong khi cách nói Thiên Chúa “ẩn mặt” ám chỉ Thiên Chúa nổi giận. Sách Xuất Hành nói: “Ðức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11), Ngài hứa sẽ luôn luôn ở bên ông: “Dung nhan của Ta sẽ đi cùng ngươi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi” (Xh 33,14). Các Thánh Vịnh diễn tả, các tín hữu là những người tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa (x. Tv 26/27,8; 104/105,4). Trong cử hành phượng tự, các Thánh Vịnh diễn tả nỗi khát khao của con người được chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa (Tv 42,3), “người chính trực” sẽ được “chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa” (Tv 10/11,7).

Có thể đọc toàn bộ Thánh Kinh như là một quá trình tiệm tiến, qua đó Thiên Chúa tỏ dung mạo của Ngài ra cho con người và Ngài đã bày tỏ một cách trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô. “Khi đến thời viên mãn – trong bài đọc II thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta – Thiên Chúa đã sai Con của Ngài (Gl 4,4) và ngay lập tức thánh Tông Đồ nói thêm “sinh bởi người phụ nữ và sinh dưới chế độ lề luật”. Thiên Chúa đã nhận lấy dung mạo của một con người và Thiên Chúa tỏ dung mạo của Ngài trong Người Con của Đức Trinh Nữ Maria. Vì lý do đó, chúng ta tôn kính Đức Maria với tước hiệu cao trọng nhất “Mẹ Thiên Chúa”. Đức Maria đã gìn giữ trong tâm hồn mầu nhiệm thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa và Mẹ là người đầu tiên được chiêm ngưỡng dung mạo Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người phàm trong lòng Mẹ. Người mẹ có mối tương quan đặc biệt, duy nhất và đôi khi độc quyền với đứa trẻ mới được sinh ra. Dung mạo đầu tiên mà đứa trẻ nhìn thấy là người mẹ, cái nhìn này quyết định mối tương quan của đứa trẻ với cuộc sống, với chính nó, với người khác và với Thiên Chúa. Cái nhìn này cũng quyết định tại sao đứa trẻ có thể trở thành “người con của hòa bình” (Lc 10,6). Trong truyền thống Bizantinô, giữa nhiều bức họa Đức Trinh Nữ Maria, có một bức họa được gọi là Đức Maria “ngọt ngào, êm dịu”, trong bức họa đó gương mặt của Hài Nhi Giêsu áp sát gương mặt Đức Maria. Hài Nhi Giêsu nhìn Mẹ Maria. Đối với chúng ta, bức họa này qui chiếu về Đức Maria, người đã cầu nguyện liên lỉ và hằng tuân giữ Lời Chúa, qui chiếu về sự “êm ái, ngọt ngào” của Thiên Chúa từ trời cao đã giáng trần và cư ngụ trong lòng Mẹ và nhập thể trong Người Con mà Mẹ đang ẵm trên tay. Trong bức họa này, chúng ta có thể chiêm ngắm một vài nét phác họa nào đó về chính Thiên Chúa: dấu chỉ tình yêu vô biên, vì tình yêu đó Thiên Chúa đã “ban Người Con duy nhất của Ngài” cho nhân loại (Ga 3,16). Nhưng bức họa này cũng cho chúng ta biết, trong Đức Maria, dung mạo của Giáo hội chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Kitô cho chúng ta và cho toàn thế giới; qua Đức Maria, Giáo hội gửi đến mỗi người Tin Mừng: “Anh em không còn là nô lệ nữa, nhưng là con cái” (Gl 4,7) – như chúng ta nghe đọc trong thư của thánh Phaolô.

Anh em Giám mục, Linh mục, quí vị Đại sứ và các bạn thân mến! Suy tư về mầu nhiệm dung mạo của Thiên Chúa và dung mạo của con người là con đường ưu tiên dẫn đến hòa bình. Thật vậy, con đường này khởi đầu bằng cái nhìn tôn trọng con người, nhìn nhận phẩm giá của người khác dù người đó thuộc bất cứ mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo nào. Nhưng ai, nếu không phải là Thiên Chúa có khả năng bảo đảm một cách “sâu xa nhất” dung mạo của con người? Thật ra, chỉ khi nào chúng ta có Thiên Chúa trong tâm hồn, chúng ta mới có thể đón nhận dung mạo của người anh em xứng hợp với phẩm giá của họ, nghĩa là không phải như phương tiện nhưng như là mục đích, không phải như đối thủ hay kẻ thù nhưng như một “cái tôi” khác của chính tôi, một khía cạnh không cùng của mầu nhiệm con người. Nhận thức của chúng ta về thế giới, đặc biệt về anh chị em đồng loại, căn bản phụ thuộc vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta. Đây là một sự “cộng hưởng”: Ai có tâm hồn vô cảm, người ấy không thể nhận ra những giá trị cao cả nơi anh chị em của mình. Trái lại, nếu chúng ta cư ngụ trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Ngài trong thiên nhiên, đặc biệt nơi anh chị em, mặc dù, đôi khi dung mạo của con người đã bị méo mó do sự dữ, do đời sống khó khăn, khiến chúng ta không thể nhận ra sự “hiển dung” của Thiên Chúa nơi dung mạo anh chị em của mình. Hơn nữa, để hiểu nhau và tôn trọng nhau như là anh chị em, chúng ta cần phải liên hệ đến dung mạo của Thiên Chúa, cha chung của tất cả chúng ta, Đấng đã yêu mến tất cả chúng ta ngay cả khi chúng ta còn nhiều sai lỗi và bất toàn.

Khi còn nhỏ tuổi, điều quan trọng đối với trẻ em là được giáo dục biết tôn trọng người khác, ngay cả sự khác biệt của họ. Trong các lớp học phổ thông qui tụ trẻ em đến từ nhiều quốc gia, ngay cả trong các lớp học mà các em cùng chung một quốc gia, dung mạo của các em như là một lời tiên báo về viễn ảnh một nhân loại mà chúng ta gọi là: gia đình của mọi gia đình, hay gia đình nhân loại. Những em nhỏ tuổi hơn trong số những em này lại là những em gợi lên trong chúng ta mối tình huynh đệ ngọt ngào, êm dịu nhất dù giữa các em có sự khác biệt, chúng khóc cười như nhau, chúng có nhu cầu như nhau, chúng liên kết với nhau một cách tự nhiên, chúng chơi chung với nhau… Dung mạo của trẻ thơ như là một phản ánh dự phóng của Thiên Chúa đối với thế giới. Tại sao chúng ta làm mất đi nụ cười của chúng? Tại sao chúng ta làm vẩn đục trái tim của chúng? Rất tiếc, bức họa Đức Maria “êm dịu” đang hiện diện giữa hình ảnh của biết bao nhiêu trẻ em cũng như mẹ của các em đang đau khổ vì chiến tranh và bạo lực. Họ bị biến thành những người lưu vong, tị nạn, bị bó buộc phải di cư. Dung mạo của họ bị hủy hoại vì đói khát và bệnh tật, bị biến dạng vì đau khổ và thất vọng. Dung mạo của các trẻ em vô tội là hồi chuông báo động không lời đối với trách nhiệm của chúng ta. Đối diện với hoàn cảnh của trẻ em vô phương tự vệ, tất cả những lý lẽ sai trái biện minh cho chiến tranh và bạo lực không có lý do đứng vững. Chúng ta phải xây dựng hòa bình bằng cách loại bỏ mọi loại vũ khí, cùng nhau xây dựng một thế giới xứng hợp hơn với nhân phẩm con người.

Trong sứ điệp của tôi nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ XLIII: “Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, bạn hãy bảo tồn thiên nhiên”, sứ điệp đặt trọng tâm trên phương diện dung mạo của Thiên Chúa và dung mạo của con người. Thật vậy, chúng ta có thể khẳng định, con người có khả năng tôn trọng thiên nhiên bằng cách thấu hiểu thiên nhiên, nếu không con người sẽ không tôn trọng chính mình và những sự vật chung quanh mình, không tôn trọng môi trường sống và không tôn trọng thiên nhiên. Ai biết nhận ra trong vũ trụ, những phản ánh dung mạo vô hình của Đấng Tạo Hóa, người đó sẽ yêu mến thiên nhiên và nhận ra được những giá trị biểu tượng của chúng. Đặc biệt, trong các Thánh Vịnh, chứa đựng những chứng từ rất phong phú về mối tương quan giữa con người với thiên nhiên: trời đất, biển khơi, núi đồi, sông ngòi, sinh vật….Tác giả thánh vịnh đã thốt lên: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất” (Tv 104/103,24).

Đặc biệt, phương diện “dung mạo” mời gọi chúng ta dừng lại trên đề tài mà trong sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới, tôi đã gọi là “môi sinh của nhân loại”. Có một mối liên hệ mật thiết giữa việc tôn trọng con người và bảo tồn thiên nhiên. “Trách nhiệm đối với thiên nhiên bắt nguồn từ trách nhiệm đối với từng người và đối với toàn thể nhân loại” (số 12). Nếu con người không được tôn trọng, môi trường sống của con người cũng không được tôn trọng; nếu văn hóa hướng đến chủ nghĩa hư vô, nếu không đề ra những chương trình cụ hành động cụ thể, nếu như không thực hiện những chương trình đã đề ra, thiên nhiên sẽ bị hủy hoại. Thật vậy, có một mối liên hệ hỗ tương giữa dung mạo của Thiên Chúa và “dung mạo” của môi sinh: “Khi môi sinh của nhân loại được tôn trọng trong đời sống xã hội, môi trường sinh thái được bảo tồn” (nt; Bác Ái Trong Chân Lý, s. 51). Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục về môi sinh, cũng như thúc đẩy truyền thông một cách sâu rộng hơn về “trách nhiệm đối với môi sinh”, đặt nền tảng trên việc tôn trọng con người, quyền lợi và những nghĩa vụ căn bản của họ. Chỉ có như thế, nỗ lực đối với môi sinh mới có thể thực sự mang lại hòa bình và xây dựng hòa bình.

Anh chị em thân mến, trong mùa Giáng sinh, chúng ta nghe một thánh vịnh, giữa nhiều thánh vịnh khác, diễn tả việc Chúa đến đã biến đổi thiên nhiên và khai mở một lễ hội của vũ trụ. Thánh vịnh này khơi mào với lời mời gọi toàn thể vũ trụ hãy dâng lời ca ngợi Chúa: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu” (Tv 95/96,1). Nhưng có một điều chắc chắn, lời kêu gọi này hướng đến niềm vui của toàn thể nhân loại: “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ, hỡi cây cối rừng xanh (Tv 95/96,11-12). Ngày lễ của đức tin trở thành ngày lễ của con người và của thiên nhiên. Lễ giáng sinh diễn tả ý nghĩa đó, qua việc trang trí cây cối, đường xá, nhà cửa. Tất cả trở nên rực rỡ vì Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta. Đức Trinh Nữ Maria tỏ Hài Nhi Giêsu cho các mục đồng đang vui mừng, hân hoan ca tụng Thiên Chúa (x. Lc 2,20). Giáo hội tiếp tục giới thiệu mầu nhiệm đó cho con người mọi thời, bày tỏ cho họ dung mạo của Thiên Chúa, với ân phúc của Ngài, họ có thể tiến bước trên con đường hòa bình.

+ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
Lm Giuse Đào Hữu Thọ chuyển ý

The Pope Benedict says : " please ! Loving of mother earth"


Đức Thánh Cha nhắc đến trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên

ROMA, 01/01/2010 (zenit.org)- Bảo vệ thiên nhiên là « trách nhiệm » của mỗi người trên bình diện cá nhân, tập thể, quốc gia và thế giới, Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ như vậy trước giờ Kinh Truyền Tin của trưa ngày đầu tiên trong Năm Mới 2010 tại quảng trường Thánh Phêrô, đồng thời quảng diễn thêm chủ đề của Ngày Hòa Bình Thế giới 2010: « Nếu bạn muốn kiến tạo hòa bình, cần bảo vệ thiên nhiên ».

Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI mong muốn rằng năm 2010 là cơ hội để trả lại cho ngôi nhà chung, tức là thế giới này, điều tốt đẹp hơn.

Ngài cũng đưa ra điều kiện này: « Có một mục tiêu là tất cả chúng ta đều có thể chia sẻ, điều kiện không thể thiếu đối với việc thiết lập nền hòa bình, đó là quản lý theo sự mách bảo của công lý và khôn ngoan nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất. « Nếu muốn xây dựng hòa bình thì cần phải bảo vệ môi trường thiên nhiên »: đó là chủ đề mang tính thời sự mà tôi đã đề cập đến trong sứ điệp của Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 43 ».

Đức Thánh Cha cũng nêu lên tinh thần trách nhiệm của cá nhân và nói rằng: « Tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các gia đình và các đoàn thể địa phương là cần có những chọn lựa đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường. « Một sự thay đổi não trạng thúc đẩy mọi người chấp nhận một cách thức sống mới là điều hểt sức cần thiết » (x. Sứ Điệp Hòa Bình Thế Giới 2010 số 11). Thực vậy tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm trước việc bảo vệ và chăm sóc thiên nhiên ».

Đồng thời Đức Thánh Cha cũng nói đến vai trò nòng cốt liên quan đến « giáo dục ». Chính vì vậy, ngài mời gọi hãy tôn trọng tất cả các loài thụ tạo và sự sống của « nhân loại ».

Nói bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha cám ơn tất cả những ai đã chúc mừng ngài nhân dịp Giáng Sinh, và về phần mình Đức Giáo Hoàng cũng biểu đạt lời cầu chúc, cách riêng dành cho Tổng Thống Cộng Hòa Ý, ông Giorgio Napolitano, cũng như các Nhà Chức Trách trong bộ máy Nhà Nước Ý.

Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào đến những người có mặt trong cuộc diễu hành vì Hòa Bình của Cộng Đoàn Sant'Egidio với khẩu hiệu: « Hòa Bình trên toàn trái đất », cũng như tất cả những ai tham dự buổi canh thức vào đêm giao thừa (theo thông lệ hàng năm) thường xuyên dưới trời mưa và nay cũng thế tại quảng trường Thánh Phêrô được tổ chức bởi phong trào Tình Yêu Gia Đình cùng với sự hiện diện của những người bạn trẻ trong hiệp hội Œuvre de Don Orione và một Cộng Đoàn mới khác của Ý là « Fraterna Domus ».
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng

The Pope Benedict XVI says : "In the name of The Father and of The Son and of The Holy Spirit. Amen"


Đức Thánh Cha chúc an bình và hoan lạc cho mọi người

VATICAN, Ngày 25 tháng 12, 2009 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI bầy tỏ lời cầu chúc Giáng Sinh cho tất cả mọi người tìm được hạnh phúc thật nơi Hài Nhi Giêsu.

Đức Thánh Cha khẳng định điều này sau khi ban phép lành "urbi et orbi" (cho Thánh Đô Rôma và cho thế giới).


Đức Thánh Cha chúc an bình và hoan lạc cho mọi người
Nói bằng tiếng Ý với các tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, cũng như những người theo dõi trên đài phát thanh và truyền hình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “niềm hy vọng mới” do việc Chúa Kitô Giáng Sinh đã mang đến.

Ngài nói, “Việc chiêm ngắm hang lừa nghèo nàn và thấp hèn tại Bê Lem,” có thể dậy cho các gia đình và cộng đồng một lối sống giản dị, trong sáng và chào mời, đầy những cử chỉ yêu thương và tha thứ.”

Đức Thánh Cha chúc mừng Giáng Sinh bằng 65 ngôn ngữ. Bằng tiếng Anh, ngài nói: “Xin cho việc giáng sinh của Hoàng Tử Hòa Bình nhắc nhở với thế giới hòa bình nằm ở đâu; và xin cho trái tim các bạn được tràn đầy hy vọng và hoan lạc, vì Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta."
Bùi Hữu Thư

The Pope Benedict XIV says : " Merry Christmas 2009"


Đức Thánh Cha chúc mừng Giáng sinh và tổng kết năm 2009

WHĐ/ Tin tổng hợp (24.12.2009) – Theo thông lệ, hàng năm vào trước lễ Giáng sinh, Đức Thánh Cha tổ chức cuộc họp mặt và chúc mừng Giáng sinh và Năm mới các cộng sự của ngài tại giáo triều Rôma.

Năm nay, vào ngày 21-12 vừa qua, tại Vatican đã diễn ra cuộc họp thường lệ vừa nêu.

Trong cuộc họp Giáo triều năm nay, ĐTC mời gọi Giáo triều nhận ra ý nghĩa cuộc gặp mặt “của Đấng kế vị tông đồ Phêrô với các cộng sự viên thân cận nhất của ngài” thực sự là cuộc “gặp gỡ gia đình.”

ĐTC nói rõ mục đích của họp Giáo triều cuối năm nhằm nhìn lại đời sống Giáo Hội qua những sự kiện chính diễn ra trong năm 2009.

Đặc biệt, ĐTC nêu bật bối cảnh chính của năm 2009 là “từ Năm Thánh Phaolô bước sang Năm linh mục”, nghĩa là từ chân dung vĩ đại của vị Tông đồ các dân tộc đến gương mặt khiêm hạ của một cha xứ trọn đời phục vụ trong sự hạ mình, khiêm tốn, nhờ đó làm sáng lên trước mặt mọi người về một Thiên Chúa giàu lòng khoan dung nhân từ.

ĐTC đã mời gọi Giáo triều cùng đặt mình trước Nhan Chúa để nhìn lại năm 2009 của Giáo Hội. ĐTC tổng kết đời sống Giáo hội với những hoạt động nổi bật của ba chuyến viếng thăm mục vụ của Vị đảm nhận sứ vụ của Tông đồ Phêrô tại Phi Châu, Thánh địa và Cộng hòa Séc.

Năm 2009: Giáo Hội hướng đến Châu Phi

ĐTC chia sẻ với giáo triều suy tư của ngài về chuyến viếng thăm Châu Phi 2009:

“Qua cuộc gặp gỡ Đức Giáo Hoàng, anh chị em của lục địa châu Phi đã có thể nhận ra hình ảnh một Giáo Hội phổ quát. Đó là một cộng đoàn ôm trọn thế giới và được Thiên Chúa quy tụ qua Đức Kitô, một cộng đoàn không được thiết lập dựa trên quyền lợi của con người, nhưng được dành cho lòng quan tâm của Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tất cả chúng ta cùng nhau làm thành gia đình của Thiên Chúa, trở nên anh chị em vì cùng một Cha duy nhất.”

ĐTC nhắc lại: trong năm vừa qua, Giáo Hội tại Châu Phi tiến hành cuộc họp Thượng Hội đồng Giám mục được tổ chức tại Rôma. ĐTC đúc kết tinh thần chính của Thượng hội đồng:

“Chủ đề được đề nghị với Thượng Hội Đồng là Giáo Hội tại Châu Phi phục vụ công cuộc hoà giải, công lý và hòa bình. Đây là một chủ đề thần học và mục vụ trong bối cảnh thời sự hiện nay, nhưng cũng có thể gây nhầm tưởng như một chủ đề chính trị. Nhiệm vụ của các giám mục là chuyển thần học thành mục vụ, nghĩa là đi vào thực tế của hoạt động mục vụ, trong đó tầm nhìn vĩ đại của Thánh Kinh và Thánh Truyền cần phải được giám mục và linh mục vận dụng thiết thực vào công việc của mình.”

Hành hương Thánh địa

Nhắc lại chuyến viếng thăm Thánh địa hồi tháng 5 – 2009, một lần nữa ĐTC bày tỏ lòng biết ơn chân thành các vị lãnh đạo tôn giáo và chính quyền dân sự tại những quốc gia ngài viếng thăm.

ĐTC nhắc lại thông điệp Giáo Hội muốn gửi đến mọi người sinh sống trên mảnh đất Trung Đông đa tôn giáo và văn hóa. Đó là thông điệp về Đức Kitô:

“Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa đã xuống đến đáy sâu nhất của con người, đến tận đêm sâu của hận thù và sự mù lòa, vào tận bóng tối của việc con người lìa xa Thiên Chúa. Ở tận vực sâu đó, Thiên Chúa đã thắp lên ánh sáng tình yêu của Ngài.”

ĐTC còn gợi lại thông điệp về hòa giải được chính Thiên Chúa ban hành:

“Thiên Chúa đang sống và giữ mối quan hệ với chúng ta. Dù rất cao cả nhưng Chúa lại cũng chính là Vị-Thiên-Chúa-gần-gũi, là Đấng-Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, không ngừng kêu gọi chúng ta: Các con hãy hòa giải với Ta và với nhau! Chúa luôn đặt bổn phận phải hòa giải vào cuộc sống của mỗi cá nhân và trong từng cộng đồng.”

Viếng thăm nước Cộng Hòa Séc – quốc gia ở trung tâm Châu Âu

Cuối tháng Chín 2009, ĐTC thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ Giáo Hội tại Cộng Hòa Séc.

Chuyến viếng thăm CH Séc của ĐTC được dư luận trông chờ với những chia sẻ và hướng dẫn mục vụ của ngài đối với Giáo Hội tại CH Séc, nơi có đến gần 60% trong tổng số 10 triệu rưỡi người dân tuyên bố không theo một tôn giáo nào. Đồng thời công chúng chờ được vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Công giáo gợi lên những nhận thức mới về tự do, hòa bình và phát triển tại một đất nước mà chế độ toàn trị thời cộng sản vẫn còn để lại nhiều hậu quả chậm được khắc phục trong lòng xã hội Séc.

Giờ đây, nhân năm 2009 sắp kết thúc, ĐTC nhìn lại chuyến đi và rút ra nhận định:

“Tôi đặc biệt xem là quan trọng việc những người tự nhận mình không theo tôn giáo nào hoặc là người vô thần. Chúng ta cần lưu tâm đến họ như đã quan tâm đến các tín hữu. Khi chúng ta nói đến công cuộc truyền giáo mới, có lẽ họ đã tỏ ra xôn xao. Họ không muốn thấy mình được coi là đối tượng cần được truyền giáo, cũng không muốn từ bỏ quyền tự do tư tưởng và tự do ý chí. Nhưng họ vẫn đang đặt câu hỏi về Thiên Chúa, ngay cả khi họ không thể tin Thiên Chúa luôn quan tâm đến chúng ta một cách cụ thể.”

ĐTC nhìn thẳng vào thực tế tại châu Âu về đối thoại với các tôn giáo. ĐTC gợi ý cho các vị trong Giáo triều nói riêng và toàn thể Giáo Hội: “Ngày nay cần phải đưa thêm vào cuộc đối thoại với các tôn giáo yêu cầu đối thoại với những người coi tôn giáo là điều xa lạ.”

Năm Linh mục - Năm của những người làm bạn với Thiên Chúa

Ngày 19 tháng Sáu 2009, trong buổi Kinh Chiều tại đền Thánh Phêrô, ĐTC khai mạc Năm Linh mục.

Nhìn lại nửa năm đã trôi qua, ĐTC nhấn mạnh ý nghĩa cốt lõi của chức linh mục, và qua đó là tinh thần chủ yếu của việc cử hành Năm linh mục:

“Với tư cách là những linh mục, chúng ta được dành cho tất cả mọi người sử dụng: từ những người nhận biết Thiên Chúa đến những người chưa biết Chúa. Tất cả chúng ta đều phải luôn luôn làm mới nhận biết của mình về Chúa đồng thời không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa để trở thành người bạn thật sự của Ngài. Làm thế nào chúng ta có thể đạt đến sự nhận biết Thiên Chúa nếu không qua những người bạn của Thiên Chúa? Cốt lõi sâu nhất của sứ vụ linh mục là được trở nên bạn hữu của Chúa Kitô (x. Ga 15, 15), làm bạn với Thiên Chúa, để nhờ đó mọi người nhận ra Thiên Chúa đang ở ngay bên họ.”

Cuối cùng, trong buổi họp mặt cuối năm, ĐTC đã cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của các cộng sự viên tại Giáo triều. Ngài đã cầu chúc các vị “trở thành những bạn hữu của Đức Kitô, nên muối cho đất và ánh sáng cho đời” đồng thời chúc mọi người một lễ Giáng sinh thánh thiện và một Năm mới an vui.

(Nguồn: http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=7&Act=Detail&ID=1233&CateID=57)

SAINTS STAMP IN OUR LIFE


Bưu Chính Hoa Kỳ vinh danh Mẹ Têrêsa trong tem thư 2010
VietCatholic News (01 Jan 2010 08:19)
Hoa Thịnh Đốn (CNS) – Nha Bưu Chính Hoa Kỳ tuyên bố ngày 30 tháng 12: Chân Phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta sẽ là một trong những nhân vật được in trên tem thư Hoa Kỳ vào năm 2010. Con tem 44 xu, mang hình Mẹ Têrêsa do họa sĩ Thomas Blackshear II ở Colorado Springs, Colorado, sẽ được phát hành ra vào ngày kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Mẹ, là ngày 26 tháng 8.


Bản tin của Nha Bưu Chính Hoa Kỳ viết về chương trình tem thư tưởng niệm như sau: "Lòng khiêm nhường và hay thương xót của Mẹ, cũng như lòng tôn kính của Mẹ đối với giá trị và nhân phẩm bẩm sinh của con người đã thúc đẩy mọi người thuộc đủ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh, phục vụ cho những dân tộc nghèo khó nhất trên thế giới.”

Bản tin cũng ghi nhận rằng Mẹ Têrêsa đã lãnh nhận quốc tịch Hoa Kỳ Danh Dự do Quốc Hội Hoa Kỳ và Tổng Thống Bill Clinton ân tặng. Chỉ có năm người đã được làm công dân Hoa Kỳ danh dự -- Winston Churchill, Raoul Wallenberg, William Penn và Hannah Callowhill Penn và Bá Tước de Lafayette – Tất cả những người này ngoại trừ Hannah Callowhill Penn đều được có hình in trên tem thư Hoa Kỳ.

Các tem thư khác sẽ được in trong năm tới sẽ vinh danh tài tử điện ảnh Katherine Hepburn; "các nhà hàng hải danh tiếng” William S. Sims, Arleigh A. Burke, John McCloy và Doris Miller; hoạ sĩ hoạt họa Bill Mauldin; 10 họa sĩ biểu hiện trừu tượng; "các cao bồi trên màn ảnh" William S. Hart, Tom Mix, Gene Autry và Roy Rogers; hoạt náo viên Kate Smith; và nhà sản xuất phim ảnh Oscar Micheaux.
Bùi Hữu Thư

VERITAS IN CARITAS

04-01-20104

Vào ngày 28 tháng 12 vừa qua, Ủy ban Nhân dân Quận 3 gửi cho Linh mục Phạm Trung Thành, Bề trên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, và Linh mục Nguyễn Quang Duy, chánh xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, công văn mang số 1258. Trong công văn này có cáo buộc Dòng Chúa Cứu Thế một số điều như có những bài xuyên tạc Nhà nước trên các trang mạng Internet của Nhà Dòng, và gây mất đoàn kết dân tộc...

Để rộng đường dư luận, biên tập viên Gia Minh của Đài chúng tôi hỏi chuyện Linh Mục Phạm Trung Thành về những cáo buộc mà phía chính quyền đưa ra đối với Dòng Chúa Cứu Thế và Giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp tại quận 3 thành phố Hồ
Chí Minh.

Công văn cáo buộc Nhà Dòng

Trước hết đối với câu hỏi Nhà Dòng có ngạc nhiên khi nhận được công văn đó hay không, thì LM Phạm Trung Thành trả lời:

LM Phạm Trung Thành: Chúng tôi không ngạc nhiên vì chúng tôi có kinh nghiệm về nhà cầm quyền Việt Nam. Đó là một chính quyền chuyên chính như chính những gì mà nhà cầm quyền tổ chức học tập, cũng như những gì xuất phát từ thực tế. Cụ thể vừa rồi khi ông thủ tướng Việt Nam ra nước ngoài có tuyên bố là không khoan nhượng trong lĩnh vực tôn giáo. Trong kinh nghiệm trước năm 75, chiến thuật của chính quyền miền Bắc Việt Nam là vừa đàm vừa đánh. Cách đây một tháng tôi cũng nhận được một công văn như vậy từ ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Công văn đó cũng kết án anh em chúng tôi ở Hà Nội.

Gia Minh:Những cáo buộc trong công văn Quận 3 Tp HCM và UBND Hà Nội gửi thì Nhà Dòng phản hồi ra sao?

LM Phạm Trung Thành: Nội dung công văn 1258 của UBND Quận 3 cũng tương tự như công văn trước. Chúng tôi thấy không hợp lý, vì anh em chúng tôi là linh mục. Chúng tôi có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, mà lời Chúa không phải ở trên mây trên gió; đó là tin mừng thực sự nhất là cho những người nghèo, người đau khổ, bị bỏ rơi, bị áp bức cụ thể trước mặt chúng tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là nói cho mọi người biết về niềm hy vọng, niềm tin vào Thiên Chúa- một Thiên Chúa yêu thương và công bằng. Chúng tôi có nhiệm vụ xây dựng xã hội trần thế trong ánh sáng của Lời Chúa.
Riêng cha Lê Quang Uy hay cha Vũ Khởi Phụng thì chúng tôi thấy rằng các vị ấy không làm gì sai Lời Chúa như trong một công văn tôi đã trả lời chính quyền Hà Nội trước đây. Về mặt thần học, tín lý, luân lý tôi không thấy sai.Còn về mặt pháp luật tôi xin không có ý kiến. Tôi không học về pháp luật, tôi chỉ biết pháp luật tổng quát như những người dân bình thường, và tôi không có thẩm quyền về mặt pháp luật đối với anh em tôi; nhưng tôi thấy làm sao ấy: ghép tội người ta khi chưa có xét xử.

Gia Minh: Trong những công văn, đặc biệt công văn 1258 của UBND Quận 3 nói là Nhà Dòng có những trang web trên đó xuyên tạc sự thật, gây mất đoàn kết; vậy LM có những chứng minh ngược lại thế nào?

LM Phạm Trung Thành: Theo dõi những bài viết trên các trang mạng của Nhà Dòng chúng tôi thì có thể chia ra làm ba loại chính. Thứ nhất là những thông tin, hình ảnh, sinh hoạt về tôn giáo của chúng tôi. Thứ hai là những bài viết của anh em chúng tôi.
Thứ ba là những bài mà những người phụ trách các trang mạng đó trích dẫn cho rộng đường dư luận với chú thích là ‘lang thang trên mạng’. Chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm về những bài viết của chúng tôi: những bài xã luận, suy nghĩ, bài giảng do anh em chúng tôi viết ra. Còn bài viết của những người được trích thì có tên tuổi, địa chỉ của họ và chúng tôi đưa lên như là một phản biện xã hội, để rộng đường dư luận cho mọi người xem xét.
Nói chúng tôi xuyên tạc thì thú thật tôi không biết chúng tôi xuyên tạc cái gì. Chuyện Thái Hà, chuyện Hồ Ba Giang rành rành ra như vậy, chuyện Tòa Khâm Sứ thì rõ ràng như thế,chúng tôi có xuyên tạc điều gì đâu, có sao chúng tôi nói vậy. Chúng tôi nói có giấy tờ, hình ảnh rõ ràng.

Gia Minh: Đó là chuyện tranh chấp đất đai của Dòng Chúa Cứu Thế, nhưng công văn của Quận 3 còn nói Nhà Dòng đề cập đến chuyện Tam Tòa, Loan Lý, Bát Nhã?

LM Phạm Trung Thành: Chuyện Tam Tòa, Loan Lý cũng rất rõ: có hình ảnh, có chứng từ ở địa phương. Chuyện của Bát Nhã do chúng tôi là những người với tư cách có tín ngưỡng, với tư cách người công dân Việt Nam trên đất nước Việt Nam, chúng tôi hiệp thông, chia xẻ, đồng cảm với họ. Còn nếu họ có làm gì sai về mặt pháp luật thì chúng tôi không bàn luận về chuyện đó. Chúng tôi là người tu hành, họ cũng là người tu hành mà gặp pháp nạn thì chúng tôi chia xẻ, đồng cảm với họ thế thôi.

Gia Minh: So sánh với những trang mạng khác, thì những thông tin trên các trang mạng của Dòng có những gì khác nhau không?

LM Phạm Trung Thành: Tùy theo đường lối và định hướng của thông tin. Báo chí nhà nước thì chính quyền nói rõ rồi phải giữ lề phải mà đi. Hệ thống báo chí nhà nước đi từ trung ương đến địa phương, cho phép đăng thế nào thì cứ vậy mà theo. Chúng tôi đâu chịu sự chi phối của trung ương. Chúng tôi chịu sự chi phối của Thiên Chúa, của Hội Thánh. Thiên Chúa bảo chúng tôi nói gì thì chúng nói thế đó, Hội Thánh dạy chúng tôi nói gì thì chúng tôi nói điều đó. Nhà Dòng đi ngược lại giáo huấn của Vatican?

Gia Minh: Công văn của UBND Q. 3 có trích dẫn phát biểu của Đức giáo hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói với đoàn các giám mục Việt Nam hồi tháng bảy, và cho rằng Dòng Chúa Cứu Thế đi ngược lại giáo huấn đó. Nhà Dòng thấy cáo buộc đó ra sao?

LM Phạm Trung Thành: Chúng tôi đón nhận các huấn từ của Hội Thánh theo cung cách của những người có niềm tin; còn chính quyền Việt Nam xử lý huấn từ của Hội thánh theo cung cách của những người không có lòng tin, không có đức tin và họ đang theo đuổi lý thuyết cộng sản- một lý thuyết đi ngược lại đức tin. Hai cung cách này hoàn toàn khác nhau, đứng ở hai góc cạnh, hai định hướng, hai tầm nhìn khác nhau thì không thể thẩm định nhau được. Đối thoại là trình bày, lắng nghe chứ không phải cáo buộc. Hễ cáo buộc rồi thì không phải là đối thoại nữa.

Gia Minh: Công văn nêu ra câu của Giáo Hoàng ‘Tôn giáo không gây ra mối nguy hiểm cho sự đoàn kết quốc gia…Anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt, người công dân tốt…’ Linh mục thấy giáo dân ở Kỳ Đồng, tức giáo xứ Đức Mẹ hằng Cứu giúp có đi ngược lại những điều đó không?

LM Phạm Trung Thành: Chắc chắn là không, vì nếu đi ngược thì chúng tôi đã không được phép làm.

Gia Minh: Theo hiểu biết chung về luật pháp Việt Nam, qui trình đưa ra ra công văn như vậy có đúng luật không?

LM Phạm Trung Thành: Luật pháp Việt Nam đang trên đường xây dựng và làm ồ ạt. Nhiều luật chưa có và nhiều luật chưa hoàn chỉnh, như quan điểm của Hội Đồng Giám mục Việt Nam là luật đất đai Việt Nam chưa hoàn chỉnh. Ngay cả những điều đã có ‘vẫn làm sao đấy’, ví dụ việc xử án tám giáo dân Thái Hà năm trước. Việc xử án không được sự đồng thuận của nhân dân, tuyên án rồi mà không có án lệnh, án phí cũng chẳng phải đóng vì không có ai đòi. Ví dụ vụ Hồ Ba Giang cho rằng đã có giấy hiến của Cha già Vũ Ngọc Bích; thế nhưng trong bất cứ cuộc họp nào cũng không đưa ra cho chúng tôi xem giấy hiến đó cả. Vậy mà cứ kết án anh em chúng tôi là sai. Hay bây giờ bước ra ngoài xã hội, chúng tôi thấy một luật bất thành văn được chính quyền tuân thủ: bảo vệ cho những người gọi là ‘quần chúng tự phát’ muốn đánh ai thì đánh, muốn phá nhà ai thì phá. Công an bảo vệ và báo chí ca tụng ‘quần chúng tự phát’ đó. Chúng tôi thực sự không biết qui định của pháp luật là thế nào, anh em chúng tôi không biết đường nào mà lần. Như thế việc ra công văn kết án anh em chúng tôi cũng nằm trong cách hành xử như vậy. Tổng giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt còn bị kết án, đòi phải ra khỏi Hà Nội, huống gì anh em chúng tôi.

Gia Minh: Không lẽ không còn lối thoát, không còn cách gì để theo điều mà Nhà nước nói là xây dựng một nhà nước tôn trong pháp luật?

LM Phạm Trung Thành: Chúng tôi tiếp tục nuôi niềm hy vọng, bởi vì chúng tôi ở trên đất nước này, đang sống với anh em tôi, với tất cả mọi người, kể cả chính quyền. Chúng tôi vẫn nuôi niềm hy vọng, và nguyện cầu cho niềm hy vọng được thành đạt: đó là đất nước của người Việt Nam được sống trong tự do, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi vẫn tin Thiên Chúa vẫn ban niềm hy vọng đó cho anh em chúng tôi; bởi vì tận đáy lòng của bất cứ ai cũng có lương tâm. Nơi ấy Thiên Chúa điều khiển hành xử con người ấy, điều khiển lịch sử của nhân loại, điều khiển lịch sử của dân tộc.

Gia Minh: Cám ơn LM Phạm Trung Thành.