Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2010
Khat vong cua nguoi phu nu tre Viet nam hom nay ?
Người phụ nữ trẻ Việt Nam hôm nay mong muốn gì?
Bài thuyết trình trong Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại lần thứ hai, do Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ tổ chức về chủ đề: Phụ nữ trong sinh họat văn hoá, từ chiều thứ sáu ngày 28 tháng 08 năm 2009 đến sáng thứ hai ngày 31 tháng 08 năm 2009, tại Maison Notre-Dame du Chant d'Oiseau, 3-A, Av. des Franciscains, 1150-Bruxelles, Bỉ.
Cuối tháng bảy, đầu tháng tám 2009, về Việt Nam thăm gia đình, tôi có dịp được gặp một người bạn học, xa cách từ lâu, tính đến nay đã 41 năm. Ông bạn ngỏ ý muốn tôi nói chuyện với các nữ sinh viên ở nội trú mà ông là giám đốc. Ông ta bảo tôi; “Anh hoàn toàn tự do, muốn nói gì tùy ý”.
Phân vân nhiều ngày, tôi không biết chọn đề tài nào cho hợp, để vừa hấp dẫn sinh viên, vừa giúp ích cho họ, vừa hợp với khả năng của tôi. Hấp dẫn nữ sinh viên trẻ, thì chắc chắn phải là những đề tài liên quan đến tuổi trẻ, đến đời sống sinh viên, đến đời sống phụ nữ. Tôi tìm mãi chẳng thấy đề tài nào rõ rệt. Chợt tôi có một ý tưởng, tự hỏi sao mình không đối thoại với họ, hỏi xem họ có những vấn đề gì lưu tâm? muốn được nghe nói về những vấn đề gì? muốn làm gì? muốn xây dựng tương lai thế nào?
Từ ý tưởng này, tôi xây dựng buổi nói chuyện của tôi qua hai phần. Phần một: tôi cho họ tự do muốn hỏi gì tùy ý, tôi sẽ gắng trả lời theo hiểu biết của mình. Vì họ được tự do đặt câu hỏi, nên những câu hỏi này, một cách nào đó, sẽ biểu lộ những vấn đề họ lưu tâm. Phần hai: làm một thăm dò: tôi cắt nghĩa vắn tắt về phương pháp “Dự Án”, và soạn một số câu hỏi mở, để họ tự do phát biểu tư tưởng của mình xoay quanh 4 giai đoạn của một dự án, gọi là “Dự án cuộc đời nữ sinh viên” [1].
Ý tưởng này xem ra có tính khả thi. Tôi quyết định đem ra áp dụng. Tôi đã đạt được một hiệu quả cao: khám phá được 9 đề tài mà các nữ sinh viên trong cư xá này, đại diện cho phụ nữ trẻ việt nam hôm nay, đang lưu tâm; Biết được một vài nhận định của họ về tình huống hiện tại của người phụ nữ trẻ việt nam; Thấy được những phân tích của họ về những nguyên nhân đưa đến tình huống này; Và từ đó, khám phá ra những đường hướng tương lai mà họ mong muốn dấn thân vào, qua những mục đích mà họ muốn đạt; Nắm bắt được những chương trình mà họ sẽ thực hiện.
Để góp phần đóng góp vào Ngày Gặp Gỡ Văn Hóa Việt Nam Hải Ngoại lần thứ hai, do Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ tổ chức về chủ đề: Phụ nữ trong sinh họat văn hoá, Xin kính mời quí vị cùng tôi khám phá từng điểm này để tìm hiểu xem phụ nữ trẻ việt nam hôm nay mong muốn gì.
1. Phụ Nữ Trẻ Việt Nam Hôm Nay (PNTVNHN) lưu tâm đến những vấn đề gì?
Đến ngày và giờ đã định, ông bạn đưa tôi vào hội trường. Tôi lướt mắt, nhìn một vòng cử tọa, đếm được khoảng 70 nữ sinh viên trẻ, tuổi khoảng từ 19 đến 23. Tôi gọi họ là những người phụ nữ trẻ việt nam hôm nay (PNTVNHN). Sau khi đã giới thiệu tôi là bạn học khi xưa và hiện nay là giáo sư giám đốc nghiên cứu trong một trường kỹ sư xây dựng ở Pháp, dạy quản lý chất lượng, quản lý tri thức và phương pháp luận, ông bạn giám đốc mời tôi nói chuyện với các nữ sinh viên và còn nhắn lại rằng: “anh muốn nói gì tùy ý”. Rất ngỡ ngàng về sự kiện mà ông bạn giám đốc nhấn mạnh đến câu nhắn này, tôi tự nhủ: “ Đã cho tôi tự do, thì tôi dùng tự do”. Tôi bèn quay về cử tọa, hỏi các nữ sinh viên:”Trong các bạn đây, ai học ngành khoa học, kỹ thuật, kỹ sư” ? Khoảng 25 cánh tay giơ lên. “Ai học ngành luật, kinh tế, kinh doanh, quản trị” ? Khoảng 25 cánh tay khác giơ lên. “Ai học ngành sư phạm, nhân văn, văn chương, ngoại ngữ” ? Khoảng 15-20 cánh tay khác nữa giơ lên.
Như vậy, tôi đã có một dữ kiện. Nữ sinh viên hôm nay ở đây đa số có óc thực dụng, học về kỹ thuật và quản trị nhiều hơn là học về nhân văn. Tôi đã đoán được những vấn đề mà họ muốn được tôi đề cập tới. Chắc chắn đa số sẽ nghiêng về khía cạnh thực tế. Nhưng, để dùng tự do của mình và để tôn trọng các sinh viên tham dự, tôi hỏi họ: “Các bạn muốn chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề gì, xin cứ hỏi, tôi sẽ ráng trả lời, với những hiểu biết của mình “. Hai cánh tay giơ lên xin phát biểu. Bạn thứ nhất đề nghị xin đề cập đến “Sự giao thiệp giữa sinh viên nam nữ như thế nào, quen nhau làm sao? Bạn thứ hai xin nói về “Đời sống phụ nữ tại Pháp”. Tôi trả lời hai câu hỏi. Sau đó, ba câu hỏi khác đã được ba bạn khác nêu ra: “Ở Pháp, có sự kỳ thị chủng tộc không? Sinh viên ở Pháp học tập thế nào? Ra trường, công ăn việc làm ra sao? Lương bổng thế nào? Xin cho biết hiện nay ở Pháp, thời trang thế nào? đời sống tôn giáo ra sao? Và đời sống giải trí như thế nào?
Nhìn loạt 5 câu hỏi bao gồm 9 vấn đề được đưa ra như vậy, người ta hiểu ngay những vấn đề đang được các phụ nữ trẻ việt nam lưu tâm. Bốn nhóm vấn đề làm họ lưu tâm: a- Những vấn đề của tuổi sinh viên: 1). sự làm quen và giao thiệp giữa sinh viên nam nữ, 2). sự học tập và 3). đời sống giải trí; b- Những vấn đề liên hệ đến phụ nữ: 4). đời sống của phụ nữ Pháp; 5). thời trang; c- Những vấn đề về tương lai làm việc chuyên nghiệp: 6). Ra trường, công ăn việc làm thế nào, 7). lương bổng ra sao; d- Những vần đề xã hội: 8). sự kỳ thị chủng tộc, 9). đời sống tôn giáo.
2. PNTVNHN nhận định thế nào về tình huống hiện tại của họ ?
Trả lời xong những câu hỏi trên, một giờ dành cho cuộc nói truyện đã gần hết. Tôi phát bản thăm dò đã dọn sẵn. Tôi cắt nghĩa sơ qua về phương pháp DỰ ÁN, xin các bạn sinh viên mang bản thăm dò về nhà, rồi, ngần nào có thể, trả lời những câu hỏi đã được đặt ra, chuyển cho văn phòng giám đốc. Tôi sẽ đến lấy và phân tích, rối sẽ gởi về cho Ban Giám Đốc bản phân tích tổng kết của tôi. Trên tổng số 70 nữ sinh viên đã hiện diện trong buổi nói truyện, có 27 người đã trả lời bản câu hỏi thăm dò. Tỷ số trả lời như vậy là 37%. Đó là một tỷ số tốt, tạo cho cuộc thăm dò một giá trị có thể chấp nhận được.
21. Về loạt câu hỏi thứ nhất liên quan đến nhận định tình huống hiện tại, tất cả đếu xác nhận mình là sinh viên. 11% không xác định năm học; 15% thuộc năm thứ nhất; 30% thuộc năm thứ hai; 19% thuộc năm thứ ba và 26% thuộc năm thứ tư. Về ngành học, 36% học về luật, kinh tế, thương mại, ngân hàng, quản trị; 35% học về khoa học, kỹ thuật, kỹ nghệ, kỹ sư; và 29% học về xã hội, nhân văn, văn học, ngoại ngữ.
22. Về vai trò của phụ nữ trong xã hội việt nam hiện nay, tất cả 100% số ý kiến đều khẳng định vai trò quan trong của phụ nữ. Nhưng quan trọng thế nào và trong lãnh vực nào, thì đó là điểm khác biệt giữ các ý kiến.
35% ý kiến cho rằng “Phụ nữ đóng vai trò quan trọng không thể thiếu”: Vai trò của phụ nữ đang dần được nâng cao. Điều này là một điều tốt vì nó nâng cao tính bình đẳng giữa nam nữ. Nguyên nhân là do trình độ kiến thức của người dân ngày càng nâng cao hiểu biết hơn. Em nghĩ nên cứ phát huy điều này”. “Nói chung vai trò của người phụ nữ trong xã hội VN hiện nay là không bị áp đặt như thời xưa, họ có quyền quyết định đời mình không lệ thuộc vào bất cứ ai. Đó là một điều tốt. Nguyên nhân vì họ thấy mình cần phải được tôn trọng. Không cần sửa đổi”. “Trong xã hội VN hiện nay, người phụ nữ đang dần khẳng định vai trò của mình. Đó cũng là điều tất yếu, khi xã hội phát triển, thì vai trò của phụ nữ là không thể phủ nhận. Tuy bất bình đẳng vẫn tồn tại, nhưng tự thân nó sẽ phát triển, đó là qui luật xã hội”. “Người phụ nữ VN hiện nay đang được khẳng định mình, vươn lên có chỗ đứng trong xã hội. Trong thời đại kinh tế thị trường, mọi người đều bình đẳng với nhau. Vai trò của người phụ nữ cũng góp phần phát triển đất nước xã hội và đó là vai trò không thể thiếu, không thể tách rời”. “Phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong mọi lãnh vực. Họ có cơ hội đi học. Không cần thay đổi”.
18% ý kiến nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình: “Phụ nữ ngày nay năng động. Không chỉ ở thời xa xưa, mà ngày nay phụ nữ vẫn đóng vai trò quan trọng trong gia đình”. « Đặc biệt đối với người phụ nữ hiện đại, sự cân bằng giữa công việc và gia đình là một bài toán khó, họ phải cố gắng nhiều để có thể vừa đảm đương công việc ngoài xã hội, vừa phải hoàn thành tốt vai trò làm vợ, làm mẹ ». « Vai trò làm mẹ của người phụ nữ việt nam hiện nay đặc biệt quan trọng vì tính chất phức tạp của xã hội, môi trường sống của trẻ em có nhiều cạm bẫy, nên người mẹ cần quan tâm nhiều đến con cái”. “Vai trò của người phụ nữ Vn hiện nay là làm mẹ và nuôi sống gia đình. Tôi thấy vậy là được rồi. Nguyên nhân vì phụ nữ thì phải làm mẹ chứ, có con thì phải nuôi chứ”.
24% ý kiến nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của phụ nữ cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội: “Nhiều phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; đóng góp công sức cho sự phát triển của đất nước. Có nhiều nữ doanh nhân, kỹ sư, bác sỹ thành đạt. Tuy nhiên ở nhiều nơi, nhất là nông thôn, phụ nữ còn chịu nhiều ảnh hưởng của nạn bạo hành gia trưởng, phải lao động vất vả, chịu nhiều bất công ». “Người phụ nữ việt nam hiện nay phải đảm nhận cả 2 vai trò: trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Điều này cho thấy người phụ nữ phải gánh nhiều trách nhiệm hơn nam giới. Nguyên nhân có lẽ là do nam giới chưa có ý thức chia sẻ công việc gia đình với phụ nữ. Cần sửa đổi bằng cách xây dựng ý thức bình đẳng trong công việc gia đình”. “Cần cù siêng năng trong việc nội trợ của người vợ và người mẹ, là con gái. Chưa hẳn tốt hoàn toàn. Do phong kiến vẫn còn. Cần sửa đổi. Ví dụ là người phụ nữ không nhất thiết phải nấu ăn, may vá”. “Ít chăm lo cho gia đình, chăm sóc cho bản thân nhiều hơn. Điều này không tốt mấy. Nguyên nhân vì họ phải làm việc nhiều, có khi còn là người trụ cột trong gia đình và một nguyên nhân nữa là họ phải giao tiếp nhiều ngoài xã hội”. “Vai trò của người phụ nữ được mở rộng, không chỉ ở trong gia đình mà còn ở ngoài xã hội, làm giám đốc, làm doanh nghiệp,… Tôi nghĩ đó là điều cần thiết và tất yếu trong cuộc sống hiện đại. Nguyên nhân do sự thay đổi trong quan niệm. Cần tiếp tục mở rộng quan hệ hơn nữa, nhưng vẫn chú tâm bổn phận làm vợ, làm mẹ, làm con trong gia đình”.
24% ý kiến xác định vai trò quan trọng của phụ nữ, mà không quên nhắc lại những nguy hiểm còn tồn đọng: “Phụ nữ VN đã mở rộng vai trò của mình trong những năm gần đây, song ảnh hưởng của một vài cố kiến xã hội vẫn đang tồn tại và ngăn cản bước tiến của phụ nữ. Sự thay đổi ảnh hưởng từ phong trào bình đẳng trên thế giới cần sửa đổi, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình bình quyền trong xã hội và các quan niệm xã hội”. “Phụ nữ có năng lực như nam giới. Tuy nhiên tư tưởng xã hội vẫn chưa cho phép phụ nữ thể hiện được tốt những năng lực của họ. Cần thay đổi trước hết trong suy nghĩ của con người”. “Cũng không ít phụ nữ ngày nay làm những chức vụ lớn. Tuy ít, nhưng phụ nữ đang dần được đánh giá cao. Nhiều người không nhìn vào năng lực của phụ nữ, mà cứ “vơ đũa cả nắm” theo cách nhìn xưa”. “Ngày nay, người phụ nữ càng ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong xã hội. Tuy nhiên, do các quan niệm phong kiến lâu đời còn tồn tại, mà phụ nữ chưa thể hiện được tối đa vai trò của mình”.
23. Về cuộc sống phụ nữ, ba sự kiện đang làm chị em phụ nữ lưu tâm hơn cả.
5% những trả lời cho rằng đó là công ăn việc làm.
14% cho rằng đó là vấn đề kết hôn, lấy chồng, lập gia đình. Những câu trả lời viết đại loại như: “Em nghĩ sự kiện hiện tại làm em lưu ý hơn cả hiện nay đó là chuyện kết hôn. Khi quen một người nào đó, thấy hợp thì tiến tới kết hôn. Sau đó, sinh con và xây dựng cuộc sống gia đình”. “Lấy chồng. Vì lấy được chồng tốt thì sau này cuộc sống hạnh phúc. Còn nếu chọn không kỹ thì sau này dễ bị lục đục”.” Hiện em rất bận tâm và lưu ý về gia đình tương lai. Chọn đối tượng và chính là người chồng phải phù hợp với bản thân, có tinh thần trách nhiệm, luôn biết quan tâm gia đình”.
Nhưng đại đa số tuyệt đối, 81% số trả lời cho rằng sự kiện hiện nay làm chị em lưu tâm hơn cả là vấn đề bình đẳng nam nữ. Sự bình đẳng có thể rất tích cực: Phụ nữ ngày nay có khuynh hướng bình đẳng với nam giới hơn trước, do Việt Nam ngày càng hoà nhập với thế giới. Được bình đẳng hơn trước. Nam nữ bình đẳng, những việc người nam làm được, thì người nữ cũng có thể làm được và ngược lại. Cuộc cách mạng đòi bình đẳng của phụ nữ thế giới. Sự thay đổi bình đẳng nam nữ, sự đóng góp của phu nữ trong mọi lãnh vực hiện nay, cùng sự thay đổi trong quan niệm về hôn nhân của họ. Phong trào phụ nữ trên thế giới những thập kỷ đầu thế kỷ XX, giải phóng nhiều phụ nữ. Phụ nữ dần dần ngang bằng nam giới, có khi hơn. Nguyên nhân vì họ ý thức được sự tự vận động của chính mình. Phụ nữ trong xã hội Viêt Nam hiện nay được bình quyền so với người đàn ông. Có khi còn được nắm quyền hơn nữa. Ví dụ người phụ nữ trong gia đình nắm giữ tài sản của người đàn ông. Nhiều phụ nữ có học vị cao, bằng cấp giỏi và được xã hội trọng dụng.
Thậm chí đôi khi phụ nữ còn trổi vượt hơn nam giới: Phụ nữ ngày nay có rất nhiều người làm lãnh đạo, giỏi hơn, mạnh mẽ hơn. Nhiều phụ nữ trẻ hiện nay, tuy còn nhỏ nhưng họ đã có trong tay sự nghiệp cho riêng mình. Ví dụ vừa ca hát, chụp hình quảng cáo, lại vừa mở cửa hiệu riêng. Phụ nữ VN hôm nay không còn đơn thuần là nội trợ như trước nữa. Bây giờ họ cũng vào các công ty làm việc. Có những phụ nữ làm việc tốt hơn đàn ông. Do vậy, đàn ông cũng cần chia sẻ gánh nặng trong gia đình với phụ nữ.
Nhưng một vài nhận định nêu lên những sự kiện mà phụ nữ vẫn còn là nạn nhân: Nạn hiếp dâm trẻ em, phụ nữ. Có nhiều em còn rất nhỏ, như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần cũng như cuộc sống sau này của họ. Vẫn còn một vài vấn đề chưa bình đẳng. Vẫn còn bị lệ thuộc nhiều, nên vẫn bị bóc lột, bị bạo hành. Cần phải bảo vệ phụ nữ.
Một vài thay đổi khách quan về ăn mặc và đời sống thành thị mới: Sự kiện từ chiếc áo bà ba ngày xưa của cô thôn nữ đến chiếc áo hai dây của cô gái thành thị hôm nay.
24. Trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, phụ nữ đã bình đẳng với nam giới ở lãnh vực nào?
18% các ý kiến cho rằng hoặc đã hoàn toàn rồi, hoặc Trong hầu hết các lãnh vực, người phụ nữ VN hiện nay đã bình đẳng với nam giới
Nhưng 82%, tức là đại đa số tuyệt đối cho rằng phụ nữ nhiều ít, vẫn chưa bình đẳng hoàn toàn với nam giới, hoặc trong một số lãnh vực hoặc trong khắp mọi lãnh vực: Chưa. Trong thực tế, phụ nữ chưa hoàn toàn bình đẳng với nam giới. Hiện nay đã bình đẳng, nhưng chưa hoàn toàn; trong tư tưởng của một số người vẫn khinh; phụ nữ không được làm một số việc. Bình đẳng về trách nhiệm nghề nghiệp và trong lãnh vực học vấn. Về lương bổng, vẫn chưa bình đẳng giữa đàn ông và phụ nữ. Nói chung là phụ nữ đã được bình đẳng trong mọi lãnh vực, nhưng chỉ với những nước đang phát triển. Còn những nước nghèo và nặng về văn hóa truyền thống thì chưa. Chưa thực sự bình đẳng. Phụ nữ thường ở thế bị động trước những trách nhiệm mà xã hội gán cho họ, như trách nhiệm xây dựng và phát triển gia đình, dạy dỗ con cái. Vẫn chưa hoàn toàn bình đẳng. Còn tuỳ từng lãnh vực. Ở một mức độ nào đó, phụ nữ vẫn chưa được bình đẳng thật sự, vẫn còn bị bó gọn thu hẹp trong một phạm vi nào đó. Trong thực tế, phụ nữ vẫn chưa bình đẳng bằng với nam giới ở một số lãnh vực, như học vấn, trách nhiệm nghề nghiệp, kinh tế, chính trị,… Bình đẳng, cái mà phụ nữ đang vẫn tranh đấu, có người thừa nhận năng lực của phụ nữ, nhưng vẫn còn đông những người trong lòng vẫn xem thường phụ nữ, và thực tế, phu nữ vẫn chưa được bình đẳng như nam giới. Cụ thể, phụ nữ chưa bình đẳng trong các trách nhiệm văn hóa, chính trị và xã hội. Thực ra, phụ nữ thường có trách nhiệm nặng nề, nhưng không có cơ hội để khẳng định mình. Do quan niệm phụ nữ là phái yếu nên trách nhiệm kinh tế, lương bổng phụ nữ phải chịu nhiều áp lực hơn nam giới. Chắc chắn là chưa, đặc biệt là trong phần lương bổng. Ngày nay đã bình đẳng trên các lãnh vực học vấn, trách nhiệm nghề nghiệp. Nhưng một số người vẫn còn tư tưởng cổ hủ: trọng nam, khinh nữ. Nhìn chung, các trách nhiệm thì bình đẳng, nhưng quyền lợi thì bị hạn chế hơn nam giới, đặc biệt trong lương bổng và chức vụ. Chỉ tương đối vì vẫn có những nơi còn trọng nam khinh nữ. Mọi nơi công cộng, người phụ nữ VN đã dành được quyền ưu tiên trước, chỉ sau trẻ em. Tuy nhiên, nhiều loại hình công việc vẫn dành cho người nam nhiều hơn, vì người nam chịu đựng nặng nhọc nhiều hơn nữ. Cũng có nơi phụ nữ đã bình đẳng với nam giới. Nhưng nhìn chung thực tế, thì cũng không bình đẳng lắm. Lý do thì em nghĩ rằng ngay từ khi chào đời, nam và nữ đã khác nhau rồi. Nên nói là bất bình đẳng hay khác nhau? Một phần nào đó đã bình đẳng hơn trước. Nhưng vẫn còn có vấn đề trọng nam hơn nữ; lương bổng của đàn ông còn cao hơn của phụ nữ. So với ngày xưa, thời phong kiến, thì đã bình đẳng hơn nhiều? Tuy nhiên vẫn có đôi lúc và trong một vài xí nghiệp công tư, sự bình đẳng chưa hoàn toàn đảm bảo. Trong tất cả mọi lãnh vực, người phụ nữ đang khẳng định chính mình, đang dần được đối xử bình đẳng với nam giới. Nhưng đâu đó vẫn còn quan niệm quá cổ hủ lâu đời và cần phải cải thiện. Từ đó, có thể thấy người phụ nữ luôn phấn đấu bình đẳng với người nam. Vì sau người đàn ông thành đạt, phải có bóng dáng người nữ.
3. PNTVNHN thấy những nguyên nhân nào đưa đến sự bất bình đẳng nam nữ?
31. Trước khi phân tích những nguyên nhân đưa nữ giới vào thế yếu trong cán cân bình đẳng với nam giới, 100% các ý kiến phát biểu đều nhận định rằng trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, nữ giới vẫn chưa bình đẳng với nam giới. Nhưng sự bất bình đẳng nằm trong lãnh vực nào; đó là điều các ý kiến khác nhau.
38% các ý kiến phát biểu cho rằng: sự bất bình đẳng xuất hiện trong tất cả các lãnh vực. Đại loại họ nói như sau: Thực tế, phụ nữ vẫn chưa bình đẳng với nam giới trong tất cả mọi lãnh vực, vì chưa có cơ hội để khẳng định mình. Không bình đẳng trong tất cả các lãnh vực. Lý do vì từ xưa đến nay đều cho rằng phụ nữ là những người chân yếu tay mềm, không có đầu óc chính trị kinh tế,… nên tất cả đều không được bình đẳng. Vì trong xã hội VN vẫn chưa rũ bỏ hết những ý nghĩ phong kiến ngày xưa. Trong thực tế, phụ nữ vẫn chưa bình đẳng với nam giới trong lãnh vực học vấn, trách nhiệm nghề nghiệp, lương bổng chức vụ, trách nhiệm văn hóa, trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội. Vì ảnh hưởng của quan niện truyền thống trọng nam khinh nữ. Phụ nữ có được quyền hạn ít, nhưng thường mang nhiều trách nhiệm; đóng góp tuy lớn, nhưng không được công nhận, không được coi triọng bằng nam giới. Phụ nữ chưa bình đẳng với nam giới do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất do quan niệm xã hội bị ảnh hưởng bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ. Thứ hai do phụ nữ và nam giới có cách suy tư, cảm xúc và sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, có những công việc phụ nữ làm tốt hơn nam giới và ngược lại, tùy theo tính chất đặc trưng của từng công việc. Phụ nữ còn bị chi phối bởi công việc gia đình. Nam giới có thể toàn tâm, toàn ý cho công việc, ít phải lo toan đến việc nhà, khi đi làm về có thể nghỉ ngơi, đọc báo, xem tivi, trong khi phụ nữ đi làm về phải lo cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Tôi nghĩ rằng phụ nữ chưa bình đẳng với nam giới ở các lãnh vực trách nhiệm nghề nghiệp, lương bổng, chức vụ, trách nhiệm kinh tế, chính trị, xã hội. Lý do vì chúng ta vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi quan niệm trọng nam khinh nữ. Nữ là phái yếu, nam là phái mạnh. Dù thế giới có thay đôi thế nào thì sự bình đẳng giữa người phụ nữ và nam giới vẫn có một chút gì đó không bình đẳng, như cách đối xủ với phụ nữ ở mỗi nước, sự ảnh hưởng của văn hóa truyền thống của đất nước đó.
33% các ý kiến khác cho rằng sự bất bình đẳng chính yếu nằm trong các lãnh vực học tập, nghề nghiệp, chức vụ, lương bổng. Phụ nữ vẫn bị thiệt thòi trong việc học. Trong gia đình, họ vẫn phải chăm sóc gia đình. Trong thực tế, phụ nữ vẫn chưa bình đẳng trong lãnh vực học vấn, trách nhiệm chính trị, trách nhiện xã hội. Vì một số cha mẹ vẫn còn ý nghĩ con gái học nhiều rồi cũng về nhà chồng. Quan niệm phụ nữ là phái yếu, nên có nhiều nhiều lãnh vực còn chưa bình đẳng, đặc biệt trong chính trị, nghề nghiệp, chức vụ,… Về học vấn, đa số nam vẫn giỏi hơn nữ. Đa phần giám đốc là nam, chỉ có ít nữ; vì nữ phải có bổn phận chăm lo cho gia đình. Trong thực tế, ở vùng nông thôn, nhiều gia đình không cho con gái học cao, vì theo họ, “nữ sanh ngoại tộc”. Về chính trị cũng chưa có sự bình đẳng. Có lẽ vì phụ nữ thiếu cứng rắn, quyết đoán hơn nam giới. Trong lãnh vực lương bổng chức vụ. Vì phụ nữ thường bị cho rằng không cống hiến cho công việc bằng nam giới, hoặc là trách nhiệm đối với công việc không bằng nam giới. Chưa bình đẳng về lương bổng, trach nhiệm xã hội. Lương bổng không bình đẳng vì do mấy người xếp vẫn trọng nam khinh nữ. Tôi nghĩ như vậy.
29% các ý kiến khác lại giới hạn sự bất bình đẳng vào trong các kãnh vực rộng lớn của xã hội, là văn hóa, kinh tế, chính trị. Chưa bình đẳng về trách nhiệm kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị. Phụ nữ thì hay mềm yếu, nên có lẽ vì thế mà không phù hợp với công việc chính trị. Trách nhiệm chính trị, dù sao, một cái gì lớn lao, luôn cần một bờ vai vững chắc. Vì ý thức và suy nghĩ của con người. Chưa bình đẳng trong các lãnh vực trách nhiệm chính trị, văn hóa, xã hội, vì vai trò của phụ nữ là người mẹ, là người vợ đã làm hạn chế các trách nhiệm trên.
32. Vậy, đâu là những nguyên nhân khiến phụ nữ bị bất bình đẳng với nam giới? Khi xét đến các khả năng đưa đến thành công trong công việc, sự nghiệp và cuộc đời, người ta thường phân biệt 4 loại khả năng. Khả năng kỹ thuật chuyên môn, gồm kiến thức, phán đoán và tài nghệ nghề nghiệp là khả năng đầu tiên và căn bản khiến một người được thuê, được chọn làm một nghề và thành công trong nghề ấy. Muốn thăng tiến trong nghề nghiệp, cần đến loại khả năng thứ hai, là khả năng quản trị, đòi một phương pháp làm việc hữu hiệu, biết quyết định và dứt khoát hành động. Muốn thăng tiến hơn nữa, cần phải có khả năng giao thiệp, tạo được một mạng lưới giao thiệp rộng. Muốn lên đến chóp đỉnh và thành công ở đó, cần một loại khả năng thứ tư, đó là khả năng nhân vị cá nhân của mình, với những cảm xúc, ý chí, quan điểm, ràng buộc, khó khăn, lý tưởng. Ngoài ra, còn một yếu tố không do khả năng, nhưng một phần do hoàn cảnh may rủi, mà ta có thể lợi dụng được hay không.
33. Đa số các ý kiến, với 78.3% các trả lời, cho rằng nguyên nhân chính khiến phụ nữ bị bất bình đẳng với nam giới không phải vì họ thiếu khả năng kỹ thuật chuyên môn. Họ nói: Còn tùy vào từng người. Mỗi người có một khả năng riêng. Giữa phụ nữ và nam giới, nhận thức của họ không có khoảng cách là bao. Tuy nhiên, nhiều nơi trong xã hội, vai trò của người phụ nữ vẫn chưa được công nhận. Phụ nữ hiện nay không thua kém gì nam giới. Ở một số lãnh vực nào đó, họ còn giỏi hơn nam giới. Có chăng thì do phán đoán khác, chứ không phải là ít phán đoán. Vì phụ nữ ít có cơ hội để tự khẳng định mình. Họ có thông minh, có kiến thức, khả năng, nhưng đều không được khai thác và phát triển. Về thông minh, kiến thức, phụ nữ không thua nam giới. Nhưng do hoàn cảnh xã hội VN, phụ nữ phải lo nhiều việc hơn, như việc gia đình, con cái. Đâu có, phụ nữ bây giờ dư những khả năng đó mà. Chẳng những không phải thế, mà có thể phụ nữ còn thông minh hơn, học cao hơn và có óc phán đoán nhiều hơn nam giới. Xã hội bây giờ đã khác xưa rồi. (4,3% cho rằng phụ nữ thiếu khả năng; 17,4% lại cho rằng có lẽ phụ nữ thiếu khả năng)
34. Cũng không phải vì phụ nữ thiếu khả năng giao thiệp. Đó là ý kiến của 76% số trả lời. Họ bảo rằng: Phụ nữ giao thiệp rất rộng, do có ngoại hình đẹp. Không đúng, vì ngày nay phụ nữ cũng giao thiệp rộng rãi. Sai, họ không ít vây cánh, ít bè đảng. Họ giao thiệp mọi lúc như họ đi chợ, mua sắm,… Sai, phụ nữ ngày nay cũng giao thiệp rộng rãi với bạn bè, đồng nghiệp; cũng có những nhóm hành động, như Liên Hiệp Phụ Nữ,… Phụ nữ VN ngày nay được tự do hơn trong giao thiệp, có nhiều mối quan hệ và sự ủng hộ hơn. Có khả năng giao thiệp rộng rãi. Không hẳn, vì phụ nữ bây giờ cũng biết mở rộng mối quan hệ của mình và biết rằng điều đó là có lợi cho họ. (Không có ý kiến nào bảo rằng phụ nữ thiếu khả năng giao thiệp; 24% các ý kiến bảo rằng có lẽ).
35. Cũng không phải vì phụ nữ thiếu khả năng quản trị. 48% những trả lời khẳng định như vậy, khi nói rằng. Không phải họ ít ý chí, ít quyết định, ít dứt khoát, ít hành động, mà bởi vì họ bị ảnh hưởng từ môi trường họ sinh sống. Với phụ nữ VN hiện đại ngày nay thì điều này không đúng. Phụ nữ trước kia cũng không, vì người phụ nữ VN là người đóng góp nhiều nhất: ” Đánh giặc còn cái đai quần cũng đánh”. Thực tế, phụ nữ ý chí rất cao, nhưng nhiều khi họ không được ra quyết định và hành động theo đúng khả năng của họ. Không phải như thế. Phụ nữ bây giờ hầu như đều biết được vai trò cũng như ý thức nhiều hơn đến quyền lợi của mình, nên họ biết tự chủ và năng động hơn rất nhiều. Sai. Phụ nữ dễ rung cảm, sống bằng tình cảm nhiều hơn nam giới, nhưng về mặt ý chí họ không thua gì nam giới cả, và có một số phụ nữ có thể quyết định dứt khoát và hành động mạnh mẽ. (14% các ý kiến công nhận rằng phụ nữ thiếu quyết định; 38% các ý kiến cho rằng có thể như vậy).
36. Còn về yếu tố “thời cơ, địa lợi, nhân hòa”, thì ý kiến phân chia hơn kém rất ít. 39% các ý kiến cho rằng phụ nữ không thiếu thời cơ, 33% có thể và 28% cho rằng chắc là do phụ nữ thiếu thời cơ.
37. Nhưng về khả năng liên hệ đến bản chất nhân vị cá nhân, đa số các trả lời cho rằng đây chính là lý do khiến phụ nữ bị bất bình đẳng với nam giới.
76% các ý kiến cho rằng phụ nữ bị bất bình đẳng vì bị nhiều ràng buộc, nhiều áp lực, nhiều khó khăn hơn. Họ nói: Cũng đúng. Họ bị ràng buộc về gia đình quá nhiều. Phụ nữ đặt nặng gia đình lên trên; suy nghĩ, quyết định gì cũng vì gia đình, vì danh dự. Điều này đúng. Phụ nữ bị ràng buôc vào gia đình. Sau khi kết hôn, bị ràng buộc vào gia đình nhiều hơn nam giới. Và do đó, áp lực và khó khăn cũng tăng lên theo. Đúng, phụ nữ có nhiều ràng buộc gia đình, công việc, xã hội, đặc biệt chủ ý phụ nữ chăm lo cho gia đình. Đúng. Ràng buộc về những quan niệm xã hội cũ, áp lực từ gia đình, khó khăn khi vừa phải làm việc vừa chăm sóc gia đình, làm thiên chức người phụ nữ. Nhiều ràng buộc, nhiều áp lực, nhiều khó khăn, luôn ám ảnh về một người phụ nữ đức hạnh. Phụ nữ khi kết hôn rồi, thì đúng là họ gặp nhiều áp lực, khó khăn hơn rất nhiều so với nam giới. Đúng, vì họ phải chu toàn nhiều việc hơn đàn ông. Điều có thể ràng buộc họ, chỉ có lý do gia đình. Gia đình không cho phép, không thuận lòng, cũng sẽ gây áp lực cho công việc, khó khăn hơn. (5% cho rằng so với phái nam, phụ nữ không có nhiều ràng buộc, không có nhiều áp lực hơn; 19% cho rằng có thể)
38. 53% lại cho rằng bị bất bình đẳng vì, nhiều ít, phụ nữ có nhiều cảm xúc hơn, nhiều chủ quan hơn. Họ nói: Đúng. Tại họ nhiều cảm xúc hơn, nhiều chủ quan hơn. Đièu này thì đúng. Phũ nữ có nhiều cảm xúc hơn nam giới. Đúng, phụ nữ có nhiều cảm xúc, nhưng họ không chủ quan. Họ luôn suy nghĩ tháu đáo trước khi đưa ra vấn đề gì đó. Đúng, phụ nữ có nhiều cảm xúc và có độ nhậy bén về tình cảm hơn đàn ông. Họ dễ dàng nhận ra những biến đổi về tình cảm. (26% cho rằng phụ nữ có nhiều cảm xúc hơn, đúng. Nhiều chủ quan hơn, sai. Tuy nhiên, nhiều cảm xúc hơn không thể đem ra làm lý do để đánh giá phụ nữ thấp hơn nam giới; 21% cho rằng có thể)
4. PNTVNHN định hướng tương lai thế nào?
41. Kinh nghiệm trao đổi với các sinh viên về tương lai và thành công, cho tôi thấy rằng nhiều sinh viên chỉ nghĩ đến việc học và tương lai gần. Họ nghĩ nhiều đến mảnh bằng phải dựt, mà quên nghề nghiệp và cuộc đời. Do đó, mỗi lần có dịp, tôi thường nhắc sinh viên rằng có ba thành công cần lưu ý. Thành công trong việc học hành: điểm cao, học giỏi, bằng nhiều và cao. Thành công trong nghề nghiệp: có nghề, yêu nghề, thạo nghề, thăng tiến được với nghề. Và thành công trong cuộc đời: có một lối sống (độc thân, lập gia đình, đi tu) và một lý tưởng sống (hiến cho khoa học, văn hóa, tôn giáo, chính trị, nghệ thuật,..) mà hạnh phúc với lối sống và lý tưởng ấy. Có thể một hợc trò thành công lớn trong việc học, mà chẳng thành công trong nghề nghiệp, cũng chẳng thành công trong cuộc đời. Có thể một học trò thành công trong việc học và trong nghề, nhưng thất bại trong cuộc đời. Ngược lại, có thể có người học trò thất bại trong việc học, hoặc chẳng được đi học, nhưng lại thành công trong một nghề, hay trong cuộc đời. Nếu thành công cả ba cái, thì thật là quí. Nếu chẳng được như vậy, thì cái thành công trong cuộc đời là quan trọng hơn cả.
Thành công trong cuộc đời, có được một cuộc đời hạnh phúc. Đó là cái hướng lớn mà mặc nhiên, tất cả các phụ nữ trẻ việt nam hôm nay đều muốn phác ra cho mình.
Cái hướng cuộc đời thành công và hạnh phúc ấy, nội dung nó ở chỗ nào, các bạn phụ nữ trẻ có những ý nghĩ khác biệt nhau. Bốn mục tiêu đã được họ đưa ra để xác định nội dung của cuộc đời thành công và hạnh phúc. Một là thành công việc học hành. Hai là thành công trong công ăn việc làm. Ba là thành công trong lối sống gia đình. Bốn là thành công cho một lý tưởng, trong việc đóng góp cho xã hội, quốc gia, văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học, tôn giáo.
42. Về mục tiêu thành công trong việc học hành, thì ba tiêu chưẩn đã được đưa ra.
Một là thành đạt học vị trong học trình mình muốn theo học. 69% muốn học xong cử nhân hay kỹ sư. 31% muốn học xong thạc sĩ.
Hai là có một nghề chuyên môn. 48% muốn chuyên về kinh doanh, kinh tế, thương mại, ngân hàng. 30% muốn chuyên về giáo dục đào tạo, nhân văn. 22% muốn chuyên về khoa học, kỹ nghệ, kỹ thuật, kỹ sư.
Ba là có một qui chế làm việc thích hợp. 53% muốn mở xí nghiệp, công ty, trường học, nhà hàng, ngân hàng. 33% muốn đi làm công chức trong các công sở. 13% muốn đi làm tư chức cho các hãng tư nhân.
Về cách phát biểu, đại loại, những ý kiến đã được ghi nhận như sau: “Tôi ước ao học hết chương trình cử nhân và sẽ đi làm tư chức. Học xong, tôi mong đi làm như một giáo viên anh văn chẳng hạn. Tôi sẽ học hết chương trình cử nhân, rồi đi làm một ngân hàng nào đó. Tôi muốn học xong cử nhân toán tin, rồi đi làm và học tiếp về thương mại, ngành giao tiếp. Học hết đại học, Tôi mong mình trở thành một người kỹ sư tốt, thành thạo trong công việc. Tôi cũng có ước mơ học thật giỏi, nếu như có điều kiện về kinh tế và sẽ mở công ty, nếu có khả năng. Trước tiên tôi mong muốn trở thành cử nhân ngành tiếng Nhật, làm việc cho công ty Nhật, rồi nếu có điều kiện sẽ mở công ty. Học chuyên về kinh doanh, rồi sẽ mở xí nghiệp hoặc tự kinh doanh. Học xong cử nhân, đi làm để lấy kinh nghiệm và để tự nuôi mình, sau đó học lên cao học,…Học xong, làm gì cũng được, miễn là kiếm được nhiều tiền, nhưng không trái pháp luật”.
43. Về ba mục tiêu kế tiếp, là thành công trong công ăn việc làm, thành công trong lối sống gia đình và thành công cho một lý tưởng, trong việc đóng góp xây dựng cho xã hội, quốc gia, văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học, tôn giáo,…thì các phụ nữ có những ý kiến khác biệt.
37,50% muốn thành công trong tất cả những mục tiêu trên, nghĩa là họ muốn cuộc đời họ sẽ sáng ngời với tất cả những chức phận của một người và một người nữ: làm con, làm vợ, làm mẹ, làm chuyên môn nghề nghiệp, làm văn hóa, làm kinh tế, làm chính trị,… Họ nói: Tất cả. Vì đó là một phấn tất yếu của cuộc sống. Luôn cố gắng thực hiện những hành động theo lương tâm và bản chất con người. Tất cả. Một người con ngoan; một người vợ hiền; một người mẹ biết chăm lo hết mình vì con, vì gia đình; một người chuyên môn nghề nghiệp có tinh thần cầu tiến, luôn biết phấn đấu cho bản thân. Tất cả đều quan trọng vì mỗi cái đó đều là một phần trong cuộc sống của tôi. Tất cả. Phụ nữ VN hiện nay có nhiều lựa chọn hơn trong c/s, có khả năng đảm nhiệm nhiều trách nhiệm một lúc và làm tốt nó. Từ bây giờ hoàn thiện bản thân, biết cân bằng cuộc sống của mình. Xử dụng thời gian hợp lý để làm những điều mình muốn. Tất cả, dù vẫn biết để làm tròn tất cả các chức phận trên là một điều rất khó. Nhưng ít nhất cũng phải làm tròn chức phận làm con, làm chuyên môn nghề nghiệp. Đó là cái bắt buộc. Tôi muốn giỏi việc nước và đảm đang việc nhà. Vì vừa có 1 mái gia đình hạnh phúc và cũng có điều kiện phát triển thì tốt. Học thật tốt và trau dồi bản thân. Làm vợ, làm mẹ và làm kinh tế,… đều muốn hoàn thành tốt. Vì đó là 1 phụ nữ thành công. Thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, tùy hoàn cảnh. Làm vợ, làm mẹ và chuyên môn nghề nghiệp, cần một người hơn hoàn toàn. Học ngay bây giờ, bảo vệ tình cảm. Làm vợ, làm mẹ, làm con, chuyên môn nghề nghiệp Vì đó là cách để tôi xây dựng hạnh phúc gia đình. Thực hiện bằng cái tâm và cái tài, bằng hành động thiết thực, cụ thể: chăm sóc, dưỡng nuôi, quan tâm, tích cực,… Làm vợ, làm chuyên môn và văn hóa. Vì làm nghề mình yêu thích và hiểu thêm về văn hóa việt.
20,83% muốn thành công nhất trong mục tiêu gia đình. Họ nói: “Tôi muốn ngời sáng ở chức phận làm mẹ. Vì trẻ em là tương lai đất nước. Chúng cần quan tâm và giáo dục nhân cách, giáo dục ý thức xã hội, ý thức văn hóa. Môi trường gia đình chính là nơi xây dựng nhân cách cho trẻ trong giai đoạn cơ bản và quan trọng nhất của cuộc đời. Một xã hội có phát triển bền vững được hay không, phụ thuộc vào nhân tâm. Tôi muốn trở thành một người vợ đảm đang, 1 người mẹ tốt và 1 nhân viên tốt của công ty, nơi tôi làm việc. Chỉ cần cố gắng hết mình, tôi tin rằng mình sẽ làm được ba việc ấy. Chức phận làm con, làm vợ. Vì điều đó mang lại hạnh phúc
41,67% muốn nhất là thành công trong chuyên môn nghề nghiệp. Họ nói: Chức phận nào tôi cũng muốn. Tuy vậy, nếu phải chọn lựa, tôi sẽ chọn làm kinh tế. Muốn vậy, trước tiên, phải học để trau dồi kiến thức, làm thêm để trau dồi kỹ năng. Làm chuyên môn nghề nghiệp. Có câu “Sinh nghề, tử nghiệp”. Mặc dù ham muốn là toán. Nhưng cháu lỡ đậu trường y, nhưng thôi ước mơ (chỉ âm ỉ thôi) và giờ đây muốn làm vinh quang nghề y. Làm chuyên môn nghề giáo dục mầm non. Vì đó là ngành tôi yêu thích. Để thực hiện được điều đó, ta cấn phải học và hành động bằng bằng cách sau mỗi tháng hè xin làm bảo mẫu ở trường mầm non. Làm chuyên môn nghề nghiệp bằng cách học tốt lý thuyết. Có cơ hội sẽ làm thêm để củng cố kiến thức cũng như khả năng làm viẹc. Với chức phận làm chuyên viên nghề nghiệp, vì đó là công việc tôi yêu thích. Bằng cách học tốt và đặt ra mục tiêu cho tương lai của mình. Tôi muốn sáng ngời trong chuyên môn nghề nghiệp, vì có thể tự nuôi sống bản thân. Cách duy nhất là phải chăm học. Dậy sớm, ôn luyện hằng ngày và va chạm thực tế. Làm chuyên môn nghề nghiệp, vì muốn làm việc và muốn truyền thông kiến thức. Cách thức: học, du học. Hành động: cố gắng học tốt và đang chuẩn bị kiến thức anh văn, giao tiếp rộng rãi với nhiều người cùng lãnh vực. Làm kinh tế, vì đây là công việc tạo ra các mối quan hệ trong cộng đồng. Hiện tại, càn nắm chắc kiến thức; ngoài ra, trong thời gian rảnh, trau dồi ngoại ngữ, hoặc đi làm lấy kinh nghiệm. Làm kinh tế, vì từ bé đến già chỉ có một mục tiêu là kiếm tiền. Đây vẫn là mục tiêu lớn nhất. Sau khi tốt nghiệp sẽ ra làm thuê khoảng 10 năm. Sau đó, mở công ty, tự mình kinh doanh.
44. Về mục tiêu thứ tư là thành công cho một lý tưởng, trong việc đóng góp xây dựng xã hội, quốc gia, khoa học, văn hóa, tôn giáo,…thì lý tưởng mà người phụ nữ trẻ việt nam hôm nay mong muốn thể hiện nhất là đóng góp xây dựng một xã hội bình đẳng giữa nam và nữ giới. Nhưng làm gì để được bình đẳng ?
50% cho rằng nhất thiết phải tranh đấu để được bình đẳng. Họ nói: Tương lai phụ nữ nên tranh đấu giành quyền bình đẳng với nam giới. Nhưng cần phải đấu tranh một cách mềm dẻo và rất cần sự hợp tác giữa 2 giới. Vì xét cho cùng, giành quyền bình đẳng để có thể giành được sự công bằng giữa hai giới. Phải ngày càng đấu tranh để có được quyền bình đẳng. Phải luôn đấu tranh để phát triển mình, để tạo ra sự bình đẳng giữa nam và nữ, bình đẳng về khả năng. Phải đấu tranh để có được bình đẳng, Điều đó cần thiết. Phụ nữ có thể vượt nam giới trong một vài lãnh vực; còn phần nhiều thì họ cộng tác với nhau là chính. Vừa bình đẳng, vừa cộng tác, không cần vượt trên. Bình đẳng hay không là ở suy nghĩ của mỗi người. Mình thấy điều đó được, là được, chưa được thì phấn đấu để được. Thế giới chỉ có 2 giới nam và nữ, như vậy là 50%-50%, nên, nếu chưa binh đẳng thì cũng phải tranh đấu chứ. Nhất thiết là phải bình đẳng với nam giới, mà vẫn có thể cộng tác với họ. Tất nhiên là phải bình đẳng và cần sự cộng tác của nam giới. Tương lai của nữ giới cần bình đẳng, nhưng không nhất thiết phải vượt trên nam giới. Cộng tác với nhau là đủ rối. Không phải tất cả, nhưng trong nhiều lãnh vực, phụ nữ cần phải tranh đấu cho quyền bình đẳng của mình. Tuy nhiên, là bình đẳng cộng tác với nhau, chứ không phải để vượt trên nam giới.
50% khác lại cho rằng không nhất thiết phải tranh đấu. Nhưng cần phải cộng tác với người nam để có cân bằng xã hội. Họ nói: Không nhất thiết phải đấu tranh. Thể hiện mình và biết cách thuyết phục người khác rằng bạn có đủ khả năng và thậm chí làm tốt việc đó. Làm cho họ thay đổi suy nghĩ bằng hành động của mình. Nên cộng tác, vì mình chỉ được tôn trọng, khi mình tôn trọng người khác. Em nghĩ bình đẳng nghĩa là tôn trọng con người của nhau là đủ. Nó bắt nguồn từ suy nghĩ của con người. Không nhất thiết phải tranh đấu; vì tranh đấu cũng chẳng nghĩa lý gì. Không cần tranh đấu, mà chỉ cần chứng minh để xã hội nhận ra mà thôi. Nên cộng tác hơn là vượt trên. Theo quan niệm của tôi, phụ nữ không nên vượt quá xa nam giới. Bình đẳng là điều cần thiết, nhưng phải nhẹ nhàng, mềm yếu tý, mới là phụ nữ Á Đông. Không nhất thiết, nhưng phải luôn cộng tác với ngưởi nam, để cân bằng xã hội. Chỉ cần hai bên cộng tác với nhau. Cùng cộng tác với họ. Không nhất thiết, chỉ cần hai bên cùng cộng tác. Cộng tác, nhưng phải khẳng định chính mình khi làm việc độc lập. Không nhất thiết, chính bản thân và bản lĩnh của người nữ sẽ khẳng định điều đó. Nhưng phải luôn cộng tác, để cân bằng xã hội.
5. PNVNHN phác thảo chương trình thực hiện dự án đời mình ra sao?
51. Bốn mục tiêu trên dần dà sẽ được thực hiện. Và khi bốn mục tiêu này được thực hiện, thì cuộc đời cũng sẽ được thực hiện. Cuộc đời sẽ thành công và hạnh phúc. Để đảm bảo thành công trong một công việc, phương pháp hữu hiệu nhất là tiên liệu. Người thành công hữu hiệu nhất là người biết nhìn trước, biết nhìn xa hơn người. Phụ nữ trẻ việt nam hôm nay có biết nhìn xa, nhìn trước cho tương lai cuộc đời của họ không ? Họ có đã sẽ tính trước, hay nói một cách thi vị hơn, mơ ước cuộc đời họ sẽ thế nào trong 5, 10, 20, 30, 40 năm nữa chưa ?
18% không tiên liệu trước về thời gian, mà chỉ xác định điều mình muốn. Họ nói: Có công việc ổn định. Chủ một ngân hàng. Có một gia đình hạnh phúc, bình yên, con cái ngoan hiền. Ước mơ trở thành một cô giáo có chuyên môn tốt để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Cố gắng phấn đấu là một giáo viên có đạo đức. Công bằng giữa các học sinh của mình, được học sinh yêu mến, có thể sẽ chia với các em như một chuyên viên tâm lý.
14% biết tiên liệu trước 5 năm điều mình muốn. Họ nói: 5 năm nữa sẽ tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định với mức lương hấp dẫn và 1 gia đình hạnh phúc. 5 năm: sẽ cố gắng xin việc và khởi đầu cho mình một kinh nghiệm mới. 1 năm làm xuất nhập khẩu, chỉ qua nấu ăn, đầu bếp cho khách sạn; 2 năm còn lại đi du học qua Úc; 5 năm về VN tạo lập sự nghiệp, mở nhà hàng khách sạn, có tiền, lập gia đình, cho bố mẹ đi du lịch.
41% biết tiên liệu trước cho 10, 20 năm sau. Họ nói: 5 năm đã có gia đình yên ấm, con cái ngoan ngoãn. 10 năm có một sự nghiệp vững chắc của riêng mình. Trong 5 năm, sẽ đi dậy; 10 năm sau sẽ mở trường. Ai cũng cần có ước mơ. Trong 5, 10 năm nữa, tôi sẽ là một nhà kinh doanh giỏi, có công việc ổn định và một gia đình hạnh phúc. 5 năm: học, làm và thực tậpđể có đủ được các kỹ năng căn bản trong chuyên môn, và phải vừa chơi nữa; 10 năm: làm, tiếp tục học, lập gia đình. 1 năm nữa sẽ hoàn thành chương trình học; Trong 5 năm tới sẽ có công việc ổn định, lập gia đình. 10 năm tới nữa, thăng tiến trong nghề nghiệp, làm tròn bổn phận của người con, người vợ, người mẹ. 5 năm: trở thành thư ký văn phòng và ra nước ngoài làm việc. 10 năm: Thành lập công ty riêng. 5 năm tới, con sẽ thành công trong công việc và có một gia đình hạnh phúc. 10 năm tới, con hy vọng mình có thể thành chủ của 1 công ty kinh doanh các mặt hàng viễn thông có uy tín. 5 năm: hoàn thành đại học; 10 năm có việc làm ổn định hoặc kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúx; 20 năm: con cái ngoan ngoãn, học hành tử tế. Tôi ước mơ sẽ không phải đi làm thuê cho bất cứ đâu vào tuổi 30 trở đi. Tự làm, tự hưởng. Không phụ thuộc vào ai.
27% biết tiên liệu trước những điều mình muốn thực hiện cho 40 năm sau. Họ nói: 5 năm: thăng tiến trong công việc, lập gia đình; 15 năm, có cơ sở sản xuất của riêng mình; giáo dục con cái tốt; 40 năm: tận hưởng cuộc sống tuổi già. 5 năm nữa qua nhật và có việc làm ổn định. 10 năm nữa có gia đình; 20 năm nữa kinh tế vững chắc; 30 năm chăm lo cho gia đình, con cái; 40 năm nữa: con cái học chăm chỉ, gia đình hạnh phúc và bền vững. 5: thông hiểu và thành thạo công việc; 10: trợ thành chuyên gia hàng đầu trong ngành nghề; 20: Bắt đầu tạo lập sự nghiệp riêng; 40: Xử dụng một cách đúng đắn những gì mình có được. 5 năm nữa kết hôn, hy vọng tình yêu là chính xác, không nhầm lẫn. Vẫn quan tâm tới ba mẹ, đi làm; 10, 20, 30, 40 năm: một gia đình nhỏ cho riêng mình và người ấy. 5 năm: học xong cao học, và có chồng, có nghề nghiệp ổn định; 10 năm: một người con; 20-30 năm: gia đình êm ấm, hạnh phúc, nghề nghiệp ổn định; 40 năm: Sức khỏe vẫn tốt, gia đình vẫn hạnh phúc, con thành đạt. 5 năm: tốt nghiệp đại học, đi kiếm việc làm; 10 năm: có nghề nghiệp ổn định và một gia đình như mong muốn; 20-30: luôn cố gắng cho nghề nghiệp và gia đình; 40: nghỉ hưu, an dưỡng.
52. Để những công việc của các giai đoạn trên được thực hiện một cách tốt đẹp, phụ nữ trẻ việt nam hôm nay đã đưa ra một phương cách nền tảng, duy nhất và phổ quát. Đó là « học ». Chữ học hiểu như là « chuyên cần làm việc cầu tiến ». Và có một nghĩa rất rộng. Học với thầy, học một mình, học với bạn bè. Học ở trường, ở gia đình, học ở sở, ở hãng, ở trường đời, trong các hội đoàn, qua các phương tiện truyền thông sách vở. Học bằng suy nghĩ, bằng nghiên cứu, bằng quan sát, bằng du lịch, bằng làm việc, bằng quyết định, bằng giao thiệp, bằng suy đoán, rút kinh nghiệm,…Họ nói: Học phương pháp quản lý, để sau khi mở công ty, có thể điều hành được. Cố gắng hoàn thành những việc khó. Phương pháp: chuẩn bị kỹ cái gì mình học hôm nay; Hành động: khi học xong thì về làm vật dụng, đồ chơi liền. Ván đề quản lý thời gian, sắp xếp công việc, mục tiêu lớn của cuộc đời. Để tốt nghiệp đại học: học tốt để có bằng tốt; Để có kinh nghiệm: kết hợp làm thêm, thực tập, học hỏi từ tiền bối; Để giao tiếp tốt: giao tiếp với những người hơn mình và học hỏi những điều hay và kinh nghiệm của họ. Học thêm về công nghệ thông tin, quen nhiều người cùng ngành và một số ngành khác; Tham gia các hoạt động phong trào trong trường, cũng như ngoài xã hội; học anh văn. Học ngay bây giờ. Đầu tiên là học; Rồi thực hành; Rồi đi làm. Học thầy không tầy học bạn; Học và hành; học và nghiên cứu, rút kinh nghiệm, học và giải trí nghỉ ngơi. Học để tốt nghiệp, Đi dạy, Học tiếp lên cao. Tốt nhất là vừa học, vừa vừa làm, trau dồi thêm ngoại ngữ và tin học. Đó là nền tảng cho sau này. Hiện tại tôi đang làm thêm trong chuyên môn của mình, là kế toán. Chuẩn bị phải đầy đủ, dự trù những điều bất trắc; Tiến hành: cẩn trọng, tránh những điều dự trù sẽ xẩy ra. Lên kế hoạch, thực hiện, hoàn tất. 1- Thi đậu đại học; 2- Đi làm cho trường Nhà Nước; 3- Mở một trường mầm non cho riêng mình; 4- Phát triển trường. 1- Học kết hợp với hành; 2- Làm việc nhưng vẫn học; 3- Học và tìm hiểu mãi. Lập kế hoạch, xác định mục tiêu, từng bước thực hiện. 1- Ý định; 2- Chuẩn bị; 3- Tiến hành; 4- Hoàn tất. 1- Suy nghĩ vấn đề; 2- Lên kế hoạch; 3- Tìm cách thực hiện kế hoạch; 4- hoàn tất. 1. Học, học nữa, học mãi; Hỏi, hỏi nữa, hỏi mãi; 2- Làm và nâng cao trình độ chuyên môn. 3- Tiếp tục tìm hiểu sâu hơn.
Kết luận
Dùng phương pháp dự án, để tìm trả lời cho câu hỏi: ” Người phụ nữ việt nam hôm nay mong muốn gì?”, ta đã chi tiết câu hỏi trên qua 5 câu hỏi nhỏ: Tìm hiểu xem họ lưu tâm đến những vấn đề gì? Họ nhận định thế nào về tình huống hiện tại của mình? Họ phân tích thế nào về những nguyên nhân có thể làm trì trệ sự thành công của mình? Họ định hướng tương lai thế nào? Và họ có chương trình gì, phương pháp nào để thành đạt hướng tiến tương lai của mình?
Là sinh viên, nghĩa là trẻ, tuổi từ 18 đến 23, người phụ nữ trẻ việt nam hôm nay lưu tâm đến 9 vấn đề, qui tụ trong bốn nhóm: Những vấn đề của tuổi sinh viên, như: sự làm quen và giao thiệp giữa sinh viên nam nữ, việc học tập và. đời sống giải trí; Những vấn đề liên hệ đến phụ nữ, như: đời sống của phụ nữ Pháp, thời trang; Những vấn đề về tương lai làm việc chuyên nghiệp, như: Ra trường, công ăn việc làm, lương bổng; Và những vần đề xã hội, như: sự kỳ thị chủng tộc, đời sống tôn giáo.
Qua những vấn đề làm họ lưu tâm trên, người phụ nữ trẻ việt nam hôm nay có 4 nhận định về tình huống hiện tại của mình. Thứ nhất, họ ý thức mình là sinh viên, chia nhau gần như đồng đều học về ba ngành chính: quản trị kinh doanh, khoa học kỹ nghệ và nhân văn giáo dục, trong đó, hai ngành đầu đông hơn một chút. Thứ hai, họ ý thức vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội hiện nay, ở trong gia đình cũng như ở ngoài xã hội. Thứ ba, họ ý thức mình là phụ nữ, lưu tâm đến công ăn việc làm, đến việc lập gia đình, nhưng nhất là đến vấn đề tiến bộ về bình đẳng nam nữ. Thứ tư, dẫu đã đạt nhiều tiến bộ về bình đẳng với nam giới, họ vẫn thấy rằng, nhiều ít, sự bình đẳng này vẫn chưa được hoàn hảo và trong mọi lãnh vực.
Tình huống hiện tại của phụ nữ việt nam hôm nay, qua nhận định trên, tương đối đã tốt đẹp, nhưng để tốt đẹp hơn, cần cải tiến việc bất bình đẳng nam nữ còn tồn đọng. Họ khẳng định rằng sự bất bình đẳng còn tồn đọng trong tất cả các lãnh vực, đặc biệt là trong các lãnh vực học tập, chức vụ và lương bổng trong nghề nghiệp, cũng như trách nhiệm trong các vấn đề xã hội, văn hóa, kinh tế, chính trị. Theo họ, lý do đưa đến những bất bình đẳng còn tồn đọng, không phải vì phụ nữ thiếu khả năng kỹ thuật chuyên môn, hay vì thiếu khả năng giao tiếp và quản trị, hoặc vì thiếu thời cơ. Mà chính yếu vì phụ nữ có nhiều ràng buộc và trách nhiệm gia đình. Phần nữa vì phụ nữ có nhiều cảm xúc và có lẽ vì có nhiều chủ quan.
Trước tình huống hiện tại trên, với những nguyên nhân của nó, người phụ nữ trẻ việt nam sẽ phải định hướng tương lai cho mình thế nào? Qua những trả lời của 27 nữ sinh viên, đến từ khắp các tỉnh trên đất nước, hiện đang cư ngụ trong một cư xá ở Thành phố Hồ Chí Minh, một cách nào đó, nói lên tiếng nói của người phụ nữ việt nam hôm nay, thì câu trả lời thật rõ rệt: “Họ muốn có một cuộc đời thành công và hạnh phúc”.
Một tương lai thành công và hạnh phúc. Đó là hướng tiến mà họ đã phác ra cho mình. Để đi vào hướng tiến này và đạt được mục tiêu thành công và hạnh phúc trong cuộc đời, bốn mục tiêu nhỏ đã được nêu ra: thành công trong việc học tập, thành công trong nghề nghiệp, thành công trong lối sống gia đình và thành công trong lý tưởng cuộc đời.
100% muốn thành đạt trong việc học tập.
Về ba mục tiêu tiếp theo, các phụ nữ có ý kiến khác nhau: 37,50% muốn thành công trong cả ba: nghề nghiệp, gia đình, lý tưởng, 20,83% muốn nhất là thành công trong gia đình, và 41,67% muốn nhất là thành công trong chuyên môn nghề nghiệp.
Không ai nói muốn nhất là thành công trong lý tưởng. Nhưng họ không quên lý tưởng xã hội của phụ nữ mà họ đã nhận định được trong tình huống hiện nay của phụ nữ là cải tiến những bất bình đẳng nam nữ còn tồn đọng. Về lý tưởng này, nửa thì họ muốn dứt khoát phải tranh đấu, nửa thì họ muốn ôn hòa thuyết phục bằng hành đông, chứng minh khả năng của mình mà sống ôn hòa và tôn trọng lẫn nhau giữa nam và nữ.
Để đạt được những mục tiêu của hướng tiến cuộc đời này, người phụ nữ trẻ việt nam đã biết luyện cho mình một khả năng mới: khả năng tiên liệu, nhìn xa, càng xa càng hay. Nếu 32% trong họ chỉ biết nhìn xa tới 5 năm, thì 68% đã biết nhìn xa tới 10, 20, 30, 40 năm cho cuộc đời của mình trong tương lai. Và để thực hiện được những mục tiêu xa trong tương lai ấy, một phương pháp căn bản và tổng quát đã được họ tìm ra: Học. Chữ học hiểu như là « chuyên cần làm việc cầu tiến ». Và có một nghĩa rất rộng. Học với thầy, học một mình, học với bạn bè. Học ở trường, ở gia đình, học ở sở, ở hãng, ở trường đời, trong các hội đoàn, qua các phương tiện truyền thông sách vở. Học bằng suy nghĩ, bằng nghiên cứu, bằng quan sát, bằng du lịch, bằng làm việc, bằng quyết định, bằng giao thiệp, bằng suy đoán, rút kinh nghiệm.
Dưới khía cạnh pháp lý, trong đó rất nhiều luật pháp ban hành mới đây của Việt nam, được Ủy Ban Việt Nam báo cáo lên Công ước CEDAW [2], đã tiếp tục nâng cao việc cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng nam nữ và thực thi các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.
Dưới khía cạnh thực tế cụ thể, sánh với khảo luận mà tôi đã thực hiện năm 1996 và trình bày trong khóa Gặp Gỡ V, 1996 của Ban Mục Vụ Trưởng Thành, Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp, từ 16 đến 19.05.96, tại Maison Saint Joseph, Francheville (Lyon), về đề tài ‘Vai trò người phụ nữ Việt Nam hiện nay tại Pháp’ [3], với 60 tham dự viên thuộc 20 cộng đoàn, người ta thấy rõ được những khác biệt sau đây:
1. Người phụ nữ trẻ việt nam hôm nay rất năng động.
2. Tự do và bình đẳng của họ hiện nay được cải tiến nhiều.
3. Họ biểu lộ một ý chí mạnh, muốn học, muốn thành công.
4. Họ đã thực hiện điều mà Nguyễn Đức Quang đã mơ trước đây: « Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi, Phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới,… »
5. Khuynh hướng « kinh doanh » càng ngày càng nhiều, mạnh và bạo hơn ».
6. Càng ngày họ càng tần tảo, dám xông xáo vào những lãnh vực ngoài gia đình. Họ không chỉ còn là « Con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non » nữa, nhưng dám là « Đảm việc nhà, sành việc nước ».
Thay đổi và tiến bộ: rất nhiều việc đã và đang được các phụ nữ việt nam thực hiện và mong muốn thực hiện. Có người đã hỏi: Giấc mơ của phụ nữ có còn được giữ và bảo tồn những nét căn bản của người bình dân việt nam không ? Còn được cái gì ?
Trên trời có cái cầu vồng,
Kẻ chợ Cầu Muống, cửa đông cầu Rền.
Vua trên đền, cầu vàng cầu bạc,
Các lái buôn cầu nước cầu non.
Đôi ta cầu của cầu con:
Con đẹp giống mẹ, con giòn giống cha.
Con gái dệt cửi trong nhà,
Con trai đi học đỗ ba khoa liền.
Con lớn thi đỗ trạng nguyên,
Hai con tiến sĩ đỗ liền cả ba.
Vinh qui bái tổ về nhà,
Bõ công đèn sách mẹ cha nuôi thầy.
Giấc mơ này có lẽ ngày nay các phụ nữ trẻ sẽ đổi lại rằng:
Đôi ta cầu của cầu con:
Con đẹp giống mẹ, con giòn giống cha.
Gái trai ngoan ngoãn trong nhà,
Ra ngoài đi học đỗ ba khoa liền.
Con lớn thi đỗ trạng nguyên,
Hai con tiến sĩ đỗ liền cả ba.
Vinh qui bái tổ về nhà,
Bõ công đèn sách mẹ cha nuôi thầy.
Paris, ngày 29 tháng 08 năm 2009
GS Trần Văn Cảnh
Tiến sĩ Khoa Học Giáo dục,
Giáo sư Đại Học Sư Phạm Đà Lạt (trước 1973)
và Trường Kỹ Sư Xây Dựng ECOTEC, Paris (hiện nay)
Phụ chú:
[1] Dự án cuộc đời nữ sinh viên
Một phương pháp làm việc rất khoa học và thực tiễn là phương pháp dự án. Dự án là một dự tính cho tương lai, với mục đích, kết quả muốn đạt được và chương trình thực hiện với những việc phải làm và những phương pháp, những dụng cụ phải có, để thực hiện tốt được những kết quả mong muốn. Nhưng tương lai là cái tiếp tục, cái nối dài của hiện tại. Bởi vậy, muốn cho dự án được cụ thể, khả thi và hữu hiệu, dự án phải được xây dựng với những dữ kiện của hoàn cảnh hiện tại và những nguyên nhân đưa đến tình huống hiện tại này.
1. Nhận định tình huống
3. Xác định mục tiêu Cụ thể
Mục tiêu
Khách quan, ai cũng thấy Kết quả cụ thể mong muốn
Tầm vóc quan trọng Chỉ tiêu đo lường
2. Phân tích nguyên nhân 4. Phác thảo chương trình làm việc
Nguyên nhân 1
Hành động 1
Nguyên nhân 2
Hành động 2
Nguyên nhân 3
Hành động 3
Nguyên nhân 4
Hành động 4
Theo phương pháp ‘Bánh xe Deming’, mỗi công việc đều được quản lý xoay vòng theo chiều bánh xe 4 giai doạn này: Dự án (to plan), thực hiện (to do), kiểm soát (to check) và thăng tiến (to act). Ở giai đoạn thứ nhất, giai đoạn dự án, 4 việc phải làm là:
• nhận ra những tình huống thực tại, những tình huống khách quan, cụ thể và có tầm vóc quan trọng;
• phân tích những nguyên nhân khác nhau của những tình huống ấy;
• xác định những mục tiêu mới muốn đạt với những kết quả cụ thể có thể nhận ra và đo lường được;
• phác thảo một chương trình làm việc với những việc phải làm, những phương tiện nhân sự, vật liệu, phương pháp, dụng cụ và thời biểu rõ rệt.
Để bạn có dữ kiện xây dự án tương lai đời bạn, chúng tôi xin gợi ý với bạn mấy câu hỏi sau dây. Xin bạn trả lời một cách trung thực.
A. Nhận định tình hưống hiện tại
1. Bạn sinh năm….., đang học năm thứ.…, trường đại học….…….., ngành……….
2. Bạn thấy gì trong vai trò của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện nay? Bạn nghĩ gì về điều bạn thấy này? Nguyên nhân tại đâu? Có cần sửa đổi không? Sửa đổi thế nào?
3. Sự kiện hiện đại nào liên hệ đến cuộc sống phụ nữ đã làm bạn lưu ý hơn cả? Xin bạn mô tả tỷ mỷ sự kiện này.
4. Trong thực tế, bạn có thấy rằng phụ nữ đã bình đẳng với nam giới trong các lãnh vực học vấn, trách nhiệm nghề nghiệp, lương bổng chức vụ, trách nhiệm văn hóa, trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội chưa?
B. Phân tích nguyên nhân
5. Trong thực tế, phụ nữ vẫn chưa bình đẳng với nam giới trong lãnh vực nào: học vấn, trách nhiệm nghề nghiệp, lương bổng chức vụ, trách nhiệm văn hóa, trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội,…? Tại sao?
6. Có phải vì phụ nữ ít thông minh hơn, ít kiến thức hơn, ít phán đoán hơn, ít khả năng chuyên nghề hơn? Hay tại họ ít ý chí hơn, ít quyết định hơn, ít dứt khoát hơn, ít hành động hơn? Hay tại họ nhiều cảm xúc hơn, nhiều chủ quan hơn? Hay tại họ ít vây cánh, ít bè đảng, ít giao thiệp? Hay tại họ bị nhiều ràng buộc, nhiều áp lực, nhiều khó khăn hơn? Hay tại họ ít thòi cơ hơn, ít địa lợi hơm, ít nhân hòa hơn?
C. Xác định mục tiêu tương lai
7. Bạn ước mong học hết học trình: cử nhân, cao học, thạc sỹ, tiến sĩ; chuyên về ………….., rồi sẽ đi làm công chức, tư chức, mở xí nghiệp?
8. Chức phận làm con, làm vợ, làm mẹ, làm chuyên môn nghề nghiệp, làm văn hóa, làm kinh tế, làm chính trị,... bạn muốn tương lai bạn sẽ ngời sáng với chức phận nào nhất? Tại sao? Thực hiện bằng cách nào? Bằng những hành động nào?
9. Tương lai của nữ giới có phải nhất thiết phải tranh đấu để được bình đẳng với nam giới không? Hay có thể là vượt trên họ, hay cộng tác với họ?
D. Phác thảo chương trình làm việc
10. Bạn mơ ước đời bạn sẽ thế nào trong 5, 10, 20, 30, 40 năm nữa? Xin tỷ mỷ ngần nào có thể.
11. Xin bạn cho biết những phương pháp và hành động quan trọng sẽ phải thục hiện. Nếu được, xin bạn mô tả sơ qua các phương pháp và hành động này.
Xin hết và chân thành cám ơn bạn. TP HCM, ngày 04 tháng 08 năm 2009
[2] Xin xem các Báo cáo thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ CEDAW, (Convention on the Elimination of all forms of Discrimination against women)
http://www.na.gov.vn /htx/NNSVN/C1928/default.asp?Newid=29657
[3] Trần Văn Cảnh, VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM HIỆN NAY TRONG XÃ HỘI PHÁP, http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=53&ia=900
Trần Văn Cảnh
Protecting Children on the Internet !
(Protecting Children on the Internet)
BẢO VỆ TRẺ EM VỀ INTERNET
Ellie sống tại Liên Hiệp Vương Quốc Anh. Khi cô mười bốn tuổi, cô đã dành nhiều thời gian trên máy điện toán. Ellie và bạn bè của cô đã sự dụng mạng xã hội website MySpace. Trên địa chỉ này, người ta có thể tạo những trang tiểu sử tóm tắt cá nhân. Những trang này trình bày những sở thích của họ. Bạn bè có thể gửi những tin nhắn cho nhau.
Ellie thích dùng trang MySpace của mình. Cô đã có nhiều bạn bè ghé thăm trang của cô. Một ngày nọ, một người mà Ellie chưa hề nhận biết đã yêu cầu được làm bạn với cô. Ellie đã thấy lời đề nghị này trên trang MySpace của cô. Người này xác nhận là một phụ nữ hai mươi sáu tuổi. Ellie đã chấp nhận lời yêu cầu làm bạn ấy.
Ellie không biết nhiều về người này. Thực ra, người bạn mới này của cô thực tế là một người đàn ông năm mươi lăm tuổi tên là Ian. Ian đã theo dõi trang MySpace của Ellie rất kỹ. Ông ta đã đọc những lời bình mà Ellie đã thể hiện. Ông ta đã đọc những gì mà Ellie và bạn bè của cô nói chuyện với nhau. Chẳng mấy chốc ông đã biết nhiều thông tin về Ellie. Thậm chí ông ta còn biết cả những gì, những sự kiện mà Ellie và bạn bè của cô dự định thực hiện. Rồi một ngày, Ian thậm chí đã theo Ellie trên đường đến trường. Trên chuyến đi này, Ian đã cố gắng nói chuyện với Ellie và bạn bè của cô. Họ đã nghi ngờ một điều gì đó không đúng đắn. Họ chẳng biết gì về người đàn ông này! Dùng điện thoại di động của mình, cô đã chụp hình người đàn ông này. Cô đã giao tấm hình này cho cảnh sát. Cảnh sát đã tìm kiếm nhà của hắn. Ở đó, cảnh sát đã thấy nhiều hình ảnh tình dục trẻ em. Ian là một người lợi dụng tình dục trên internet.
Những tay lạm dụng tình dục trên internet là những người chuyên làm hại người khác. Một số tay lạm dụng tình dục lén trộm thông tin cá nhân của người khác. Một số gửi những tin nhắn không lành mạnh. Một số tìm gặp cho bằng được những nạn nhân của chúng. Nhiều tay có thể dùng sức mạnh để buộc một người nào đó những hành động tình dục. Nhiều tay lợi dụng tình dục đã thấy đó là cách dễ dàng nhất để thuyết phục những trẻ em ngây thơ. Trẻ em thường không hiểu những nguy hiểm của internet. Chùng không nhận ra khi một người nào đó chúng gặp trên internet là một người lạm dụng tình dục.
Để bảo vệ trẻ em tránh khỏi sự tác hại trên internet là một việc quan trọng. Có nhiều tổ chức đang làm việc để ngăn chặn những tay lạm dụng tình dục trên internet. Nhiều chính phủ đang đưa ra những luật lệ chi những trang internet. Và, những người mà đã tạo ra những trang internet xã hội như MySpace và Facebook đang nỗ lực đưa ra nhng74 công cụ sẽ giúp đỡ bảo vệ người sự dụng. Nhưng sự an toàn internet thực ra bắt đầu từ trong gia đình. Phụ huynh hoặc những người lớn đáng tin cậy là sự bảo vệ hữu hiệu nhất đối với trẻ em dùng internet.
Đúng thế! Sự an toàn bắt đầu từ gia đình.
Và, nó bắt đầu bởi sự hiểu biết những nguy hiểm tồn tại. người lớn phải hiểu rằng những tay lạm dụng tình dục là có thật. Và chúng muốn làm hại trẻ em.
Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ, hay FBI đã biên soạn một tài liệu Hướng dẫn Phụ huynh về An toàn Internet. Tài liệu hướng dẫn này đã dẫn giải cách mà một tay làm dụng tình dụng có thể hoạt động. Nó liệt kê hàng loạt những dấu hiệu mà một đứa trẻ có thể bị rủi ro. Và cuối cùng, tài liệu hướng dẫn này đã hiến những cách mà người lớn có thể bảo vệ trẻ em.
Trước nhất,
những tay lạm dụng tình dục hoạt động bằng những phương thức khác nhau. Mộ số làm việc một cách chậm chạp. Chúng sẽ dần dà thu phục sự tôn trọng của nạn nhân mình. Chúng tỏ ra tử tế. chúng có thể biếu những món quà. Chúng sẽ là những người biết lắng nghe tinh xảo. Chúng chỉ ra những điều hấp dẫn mà trẻ em ưa thích chẳng hạn như âm nhạc, truyền hình và phim ảnh. Dần dần tay lạm dụng tình dục ấy sẽ bắt đầu cả những chuyện tình dục với đứa trẻ trong nhựng cuộc trò chuyên của chúng với đứa trẻ.
Một số khác chúng làm việc một cách nhanh chóng. chúng có thể nói chuyện về tình dục ngay tức khắc. Hoặc sử dụng internet, chúng có thể đưa ra những hình ảnh tình dục. thậm chí chúng có thể yêu cầu gặp đứa trẻ. Chúng có thể hứa hẹn với đứa trẻ những món quà đặc biệt. Nhưng thực ra ý của chúng muốn ám hại đứa trẻ.
Người lớn nên có sự quan tâm đặc biệt với những trẻ em trên bảy tuổi hoặc mười hai tuổi. Ở tuổi này, nhiều trẻ em muốn được độc lập khỏi cha mẹ của mình. Chúng muốn thám hiểm về những riêng tư của chúng. Thậm chí chúng có thể bắt đầu biểu hiện những thích thú về tình dục. Những tay lạm dụng tình dục có thể thấy điều đó dễ dàng hơn để thuyết phục một đứa trẻ chống đối cha mẹ mình.
Việc hiểu biết cách mà những tay lạm dụng tình dục hoạt động là bước đầu đáng kể đối với việc bảo vệ trẻ em. Nhưng những người lớn cũng nên biết rằng những nạn nhân của những tay lạm dụng tình dục thường biểu lộ những dấu hiệu.Theo website của FBI, có một số dấu hiệu mà người lớn cần chú ý.
Nếu đứa bé dành nhiều thời gian trên internet một mình vào ban đêm. Cô bé có thểlà nạn nhân.
Nếu người lớn thấy những hình ảnh tình dục trên máy điện toán của đứa trẻ, đứa trẻ ấy có hể là nạn nhân. Cậu bé có thể đã nhận được những tấm hình ấy từ những tay lạm dụng tình dục.
Nếu đứa trẻ nhận những cuộc gọi điện thoại, mail hoặc những món quà từ người lạ. Cô bé có thể là nạn nhân.
Nếu đứa trẻ vội vàng tắt máy điện toán hay hay thay đổi hình ảnh khi bạn bước vào phòng, cậu bé có thể là nạn nhân.
Nếu thái độ của đứa trẻ thay đổi và cô bé hành động một cách khác thường, cô bé có thể là nạn nhân.
Vậy điều gì có thể được thực hiện? Người lớn có thể làm gì để bảo vệ trẻ em xung quanh chúng? Đây là một số ý tưởng FBI cống hiến.
Dạy cho trẻ về những nguy hiểm của internet.
Giúp chúng hiểu những kẻ lạm dụng tình dục là gì và cách mà chúng làm việc.
Đặt máy điện toán ở một căn phòng chung trong nhà. Không để trẻ em dành quá nhiều thời gian một mình trên internet.
Thường thăm dò máy điện toán của bạn. Nhìn vào lịch sử của máy điện toán. Xem có nhiều hình ảnh tình dục hay những dữ liệu tác hại trên máy điện toán của bạn.
Không để cho trẻ em có bất kỳ trang riêng trên internet.
Dạy cho trẻ em không bao giờ được gặp gỡ trực diện với những người không quen biết. Dạy chúng không bao giờ được nhận những hình ảnh lạ. Dạy cho chúng không bao giờ được tin vào những người mà chúng không biết trên internet.
Và cuối cùng,
hãy hiểu con cái của bạn. Chuyện trò vơi chúng. Dành thời gian trên máy điện toán cùng với chúng. Hãy xem trang internet nào chúng ghé thăm. Biết càng nhiều về con của bạn, càng dễ dàng để biết khi điều gì đó mà chúng vi phạm.
Internet mở ra một thế giới mới đối với trẻ em. Chúng có thể học được nhiều điều từ việc tìm kiếm trên internet. Và internet cũng có thể mang đến nhiều điều thú vị! Nhưng, nên nhớ rằng có nhiều nguy hiểm. Việc bảo vệ trẻ em tránh những nguy hiểm trên internet bắt đầu từ gia dình. Hãy nói với con cái ngay từ hôm nay!
(Protecting Children on the Internet)
Jos. Tú Nạc, NMS
DUC GIAO HOANG BENEDICT XVI NOI VOI CHUNG TA !
Chủ nghĩa duy tương đối và việc sói mòn nhân quyền -- Cần các nền tảng gia đình
Trong diễn văn ngày 8 tháng 2 vừa qua ngỏ với Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Đức Bênêđíctô XVI đã nhận định về quyết định của hội đồng dành Đại Hội Toàn Thể lần thứ 19 của mình để thảo luận về “Các Quyền của Trẻ Em”. Chủ đề này được chọn để kỷ niệm năm thứ 20 ngày ban hành Quy Ước Liên Hiệp Quốc về Các Quyền Của Trẻ Em. Đây là một quy ước quốc tế ấn định ra các quyền xã hội, kinh tế, và văn hóa cho trẻ em.
Đức Thánh Cha nói rằng Quy Ước trên “được Tòa Thánh nồng nhiệt tiếp nhận”. Điều ấy cho thấy dù biết rõ phương thức đầy tai hại của một số cơ quan LHQ trong lãnh vực dân số và phái tính, Giáo Hội, nói chung, vẫn rất tích cực đối với công việc của cộng đồng quốc tế, nhất là của Liên Hiệp Quốc.
Giáo Hội nhìn nhận rằng trong thế giới hiện đại, càng ngày càng có nhiều vấn đề, như phát triển, nhân quyền, hòa bình, và môi sinh, chỉ có thể giải quyết một cách thỏa đáng trên bình diện quốc tế. Trong thông điệp mới đây của ngài, tức thông điệp “Bác Ái Trong Chân Lý”, Đức Bênêđíctô XVI nói rằng diễn trình hoàn cầu hóa nâng cao tầm quan trọng của cộng đồng QT và đòi một cuộc cải cách nhằm củng cố ảnh hưởng của nó, để “ý niệm gia đình các dân tộc thực sự có ý nghĩa” (Đức Ái Trong Chân Lý, số 67).
Rất may, Quy Ước về Các Quyển của Trẻ Em đã tránh được nhiều cạm bẫy ý thức hệ tìm thấy trong các tài liệu của các hội nghị LHQ về dân số (tại Cairo) và về chủ đề phụ nữ (tại Bắc Kinh). Trong bài diễn văn với Hội Đồng GH về Gia Đình, Đức Thánh Cha nói rằng Quy Ước đã tái khẳng định địa vị không thể thay thế được của gia đình trong việc bảo đảm các quyền của trẻ em, vì Quy Ước này cho rằng gia đình là “môi trường tự nhiên để các thành viên của mình, đặc biệt là trẻ em, phát triển và được an vui”. Ở chỗ khác, Quy Ước còn nhắc tới các quyền của trẻ em chưa sinh ra khi cho rằng trẻ em “cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, trong đó có việc bảo vệ thích đáng về luật pháp trước và sau khi sinh”.
Các nền tảng của gia đình
Tuy nhiên, dù Quy Ước cho thấy phúc lợi của trẻ em chỉ có thể được bảo đảm trong tư cách là thành viên của gia đình, nó lại không nói gì về hôn nhân, vốn là nền tảng của đời sống gia đình. Ý thức được điều đó, Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh rằng “gia đình, đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, là trợ giúp lớn lao nhất người ta có thể đem lại cho trẻ em. Chúng muốn được yêu thương bởi một người mẹ và một người cha biết yêu thương nhau”.
Thành thử ra, đối với các chính phủ muốn tranh đấu cho quyền lợi trẻ em nhưng đồng thời lại không làm gì để hỗ trợ hôn nhân, có khi còn gây hại cho nó như trường hợp công nhận các hình thức kết hợp khác cũng có giá trị như hôn nhân, thì quả họ đang xây tay này mà đập phá tay kia vậy.
Một mâu thuẫn khác hiện đang xuất hiện mấy năm gần đây (và từng được Tòa Thánh thấy trước trong các dè dặt của mình đối với Quy Ước) là đặt quyền lợi trẻ em chống lại quyền lợi cha mẹ; là tối thiểu hóa ảnh hưởng của cha mẹ trong khi tối đa hóa ảnh hưởng của nhà nước. Đôi khi người ta làm việc ấy bằng cách nại tới Quy Ước. Một điển hình là khi người ta ban quyền cho vị thành niên được phá thai mà cha mẹ không hay biết gì, nói chi đến đồng thuận. Vấn đề quyền của cha mẹ đối với việc giáo dục con cái mình là một điển hình khác gây mâu thuẫn.
Chính vì mối liên kết giữa các quyền của trẻ em, gia đình bền vững và hôn nhân bền vững mà lúc còn đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã viết rằng: “đứa trẻ có quyền được thụ thai, được duy trì trong dạ mẹ, được sinh ra đời và được nuôi dưỡng trong hôn nhân” vì “chính nhờ mối liên hệ vững ổn và được nhìn nhận với cha mẹ mình, đứa trẻ mới có thể khám phá ra căn tính của riêng mình và thực hiện được sự phát triển nhân bản riêng của mình” (Domum Vitae).
Đúng thế, đứa trẻ có quyền chờ mong sự cam kết không dè dặt của cha mẹ dành cho nhau. Nó có quyền đó vì đó là điều kiện tiên quyết để nó triển nở trong tư cách một con người nhân bản. Ở đây, Đức Bênêđíctô XVI nhắc ta nhớ rằng nhân quyền không phải tự chúng là mục tiêu; đúng hơn, chúng là phương tiện cho một mục tiêu xa hơn đó là sự triển nở nhân bản.
Phải chú ý tới hố phân cách
Vì ý thức được mối liên kết giữa nhân quyền và sự triển nở nhân bản, nên vị tiền nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã tuyên bố rằng trẻ em có “quyền được sống trong một gia đình hợp nhất”. Ngài còn thêm rằng chúng có quyền được sống “trong một môi trường luân lý dẫn tới việc phát triển nhân cách của đứa trẻ” ("Centesimus Annus," 21). Lẽ dĩ nhiên, phát biểu các điều trên như thế là đi ngược hẳn lại tâm thức hiện đại vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa duy tương đối. Ý thức hệ của chủ nghĩa duy tương đối cho rằng áp đặt bất cứ tiêu chuẩn luân lý nào lên một người, nhất là trẻ em, là một vi phạm nghiêm trọng tới quyền tự do của người ấy. Nhưng chủ nghĩa duy tương đối, một mối quan tâm hàng đầu của Đức Bênêđíctô XVI, không hề là bằng hữu của nhân quyền. Thực thế, nó đứng đàng sau cơn khủng hoảng hiện đại về quyền lợi. Một lần nữa, trong “Đức Ái Trong Chân Lý”, Đức Bênêđíctô XVI lưu ý tới việc xuất hiện của điều có thể gọi là “hố phân cách các quyền” (rights gap): “Một đàng, người ta nại tới các quyền tự nhận là quyền (alleged rights), điều trong bản chất vốn võ đoán và không chủ yếu (như quyền của người đồng tính luyến ái được kết hôn) đi đôi với đòi hỏi các cơ cấu công phải nhìn nhận và cổ vũ chúng, trong khi ấy, các quyền sơ yếu và căn bản lại không được nhìn nhận và bị vi phạm khắp nơi trên thế giới (như quyền được sống đúng tiêu chuẩn nhân bản)” (Bác Ái Trong Chân Lý, số 43).
Trong trường hợp đầu, chủ nghĩa duy tương đối thất bại trong việc không áp dụng cùng một tiêu chuẩn căn bản về quyền lợi cho mọi người (người nghèo và người giầu). Còn trong trường hợp sau, chủ nghĩa ấy thất bại không đặt các nhân quyền trên căn bản sự thật về con người nhân bản vì nó không nhìn nhận một sự thật như thế. Bởi vậy, bất cứ quan niệm về nhân quyền nào lấy chủ nghĩa duy tương đối làm khởi điểm đều nhất định sẽ thất bại.
Đứng trước việc “nở rộ” các điều tự nhận là nhân quyền, nhất là ở thế giới Tây Phương, làm sao phân biệt được đâu là quyền chân chính, đâu là quyền giả tạo? Phải dùng tiêu chuẩn nào để phán định? Đức Bênêđíctô đã phác thảo một câu trả lời cho câu hỏi đó trong một bản văn khá canh tân trong “Bác Ái Trong Chân Lý”. Ngài nói: “các quyền cá biệt, nếu tách rời khuôn khổ bổn phận là khuôn khổ đem lại ý nghĩa đầy đủ cho chúng, sẽ trở thành bừa bãi (wild)” nhưng “các bổn phận sẽ giới hạn các quyền ấy vì chúng chỉ cho thấy khuôn khổ nhân học và đạo đức học mà các quyền kia chỉ là một thành phần, nhờ thế chúng hết trở thành bừa bãi hoang đàng” (Bác Ái Trong Chân Lý, số 43).
Khi viết “các bổn phận giới hạn các quyền lợi”, Đức Thánh Cha muốn nói rằng theo một nghĩa nào đó, bổn phận chính là nền tảng của quyền lợi. Bổn phận phải đến trước! Bởi thế, quyền được biết chân lý phải đi sau bổn phận tìm kiếm chân lý.
Từ đó, tiêu chuẩn phán định là như sau: mọi quyền chân chính giả thiết phải chỉ tới một bổn phận mà quyền ấy tìm cách chu toàn. Bởi thế, quyền kết hôn phải theo sau bổn phận sinh sản và dạy dỗ con cái. Vì chỉ cuộc kếp hợp của một người đàn ông và một người đàn bà mới chu toàn đầy đủ bổn phận này, nên chỉ có họ mới có quyền kết hôn. Hôn nhân đồng tính không thể là một quyền bởi không có một bổn phận tương ứng để quyền kia tìm cách chu toàn.
Trường hợp Tô Cách Lan
Trước đó ít ngày, Đức Bênêđíctô XVI cũng đã tiếp kiến các giám mục Tô Cách Lan nhân chuyến viếng thăm “ad limina” 5 năm một lần của các vị. Ngài nhắc các vị giám mục nhớ đến trách nhiệm “duy trì và bênh vực quyền của Giáo Hội được sinh hoạt tự do trong xã hội theo các niềm tin của mình”.
Lời ấy hiển nhiên có ý nhắc tới đạo luật đang được thảo luận tại quốc hội Anh, là đạo luật, nhân danh quyền bình đẳng phái tính, có thể cản trở khả năng các tổ chức tôn giáo như Giáo Hội Công Giáo được sống theo các niềm tin của mình, bằng cách kết hình tội họ nếu họ từ khước không chịu sử dụng người đồng tính hay không chịu truyền chức thánh cho phụ nữ.
Tuần lễ trước đó, Đức Bênêđíctô XVI cũng tiếp kiến các vị Gám Mục Anh và xứ Wales nhân chuyến viếng thăm “ad limina” ở Rôma. Sau khi nhận định rằng xứ sở của các vị “nổi tiếng về cam kết dành quyền bình đẳng về cơ hội cho mọi thành viên trong xã hội”, ngài than phiền về “đạo luật nhằm đạt mục tiêu trên (…nhưng lại) áp đặt các giới hạn bất công lên quyền tự do của các cộng đồng tôn giáo được hành động theo các niềm tin của mình”.
Lời chỉ trích của Đức Bênêđíctô XVI bị nhiều giới báo chí Anh chế riễu, nhất là vì cuộc viếng thăm Anh Quốc vào cuối năm nay của ngài. Đứng trước ý niệm lầm lẫn ấy về bình đẳng, điều cần không những là phân biệt quyền chân chính với quyền giả tạo mà còn phải tái khẳng định phẩm trật cho các quyền ấy. Nhân quyền căn bản nhất là quyền sống vì muốn đạt được mọi quyền khác, người ta phải tùy thuộc quyền này. Và quyền quan trọng nhất là quyền tự do tôn giáo, vì quyền này bảo vệ mục tiêu tối hậu của sự sống con người, tức việc hiệp thông với Thiên Chúa. Khi quyền này bị hy sinh để mưu cầu các quyền tự nhận hay các quyền chân thực khác, chắc chắn đã có điều gì đó hết sức lầm lẫn trong ý niệm quyền lợi của xã hội ấy.
Vũ Văn An
Trong diễn văn ngày 8 tháng 2 vừa qua ngỏ với Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Đức Bênêđíctô XVI đã nhận định về quyết định của hội đồng dành Đại Hội Toàn Thể lần thứ 19 của mình để thảo luận về “Các Quyền của Trẻ Em”. Chủ đề này được chọn để kỷ niệm năm thứ 20 ngày ban hành Quy Ước Liên Hiệp Quốc về Các Quyền Của Trẻ Em. Đây là một quy ước quốc tế ấn định ra các quyền xã hội, kinh tế, và văn hóa cho trẻ em.
Đức Thánh Cha nói rằng Quy Ước trên “được Tòa Thánh nồng nhiệt tiếp nhận”. Điều ấy cho thấy dù biết rõ phương thức đầy tai hại của một số cơ quan LHQ trong lãnh vực dân số và phái tính, Giáo Hội, nói chung, vẫn rất tích cực đối với công việc của cộng đồng quốc tế, nhất là của Liên Hiệp Quốc.
Giáo Hội nhìn nhận rằng trong thế giới hiện đại, càng ngày càng có nhiều vấn đề, như phát triển, nhân quyền, hòa bình, và môi sinh, chỉ có thể giải quyết một cách thỏa đáng trên bình diện quốc tế. Trong thông điệp mới đây của ngài, tức thông điệp “Bác Ái Trong Chân Lý”, Đức Bênêđíctô XVI nói rằng diễn trình hoàn cầu hóa nâng cao tầm quan trọng của cộng đồng QT và đòi một cuộc cải cách nhằm củng cố ảnh hưởng của nó, để “ý niệm gia đình các dân tộc thực sự có ý nghĩa” (Đức Ái Trong Chân Lý, số 67).
Rất may, Quy Ước về Các Quyển của Trẻ Em đã tránh được nhiều cạm bẫy ý thức hệ tìm thấy trong các tài liệu của các hội nghị LHQ về dân số (tại Cairo) và về chủ đề phụ nữ (tại Bắc Kinh). Trong bài diễn văn với Hội Đồng GH về Gia Đình, Đức Thánh Cha nói rằng Quy Ước đã tái khẳng định địa vị không thể thay thế được của gia đình trong việc bảo đảm các quyền của trẻ em, vì Quy Ước này cho rằng gia đình là “môi trường tự nhiên để các thành viên của mình, đặc biệt là trẻ em, phát triển và được an vui”. Ở chỗ khác, Quy Ước còn nhắc tới các quyền của trẻ em chưa sinh ra khi cho rằng trẻ em “cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, trong đó có việc bảo vệ thích đáng về luật pháp trước và sau khi sinh”.
Các nền tảng của gia đình
Tuy nhiên, dù Quy Ước cho thấy phúc lợi của trẻ em chỉ có thể được bảo đảm trong tư cách là thành viên của gia đình, nó lại không nói gì về hôn nhân, vốn là nền tảng của đời sống gia đình. Ý thức được điều đó, Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh rằng “gia đình, đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, là trợ giúp lớn lao nhất người ta có thể đem lại cho trẻ em. Chúng muốn được yêu thương bởi một người mẹ và một người cha biết yêu thương nhau”.
Thành thử ra, đối với các chính phủ muốn tranh đấu cho quyền lợi trẻ em nhưng đồng thời lại không làm gì để hỗ trợ hôn nhân, có khi còn gây hại cho nó như trường hợp công nhận các hình thức kết hợp khác cũng có giá trị như hôn nhân, thì quả họ đang xây tay này mà đập phá tay kia vậy.
Một mâu thuẫn khác hiện đang xuất hiện mấy năm gần đây (và từng được Tòa Thánh thấy trước trong các dè dặt của mình đối với Quy Ước) là đặt quyền lợi trẻ em chống lại quyền lợi cha mẹ; là tối thiểu hóa ảnh hưởng của cha mẹ trong khi tối đa hóa ảnh hưởng của nhà nước. Đôi khi người ta làm việc ấy bằng cách nại tới Quy Ước. Một điển hình là khi người ta ban quyền cho vị thành niên được phá thai mà cha mẹ không hay biết gì, nói chi đến đồng thuận. Vấn đề quyền của cha mẹ đối với việc giáo dục con cái mình là một điển hình khác gây mâu thuẫn.
Chính vì mối liên kết giữa các quyền của trẻ em, gia đình bền vững và hôn nhân bền vững mà lúc còn đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã viết rằng: “đứa trẻ có quyền được thụ thai, được duy trì trong dạ mẹ, được sinh ra đời và được nuôi dưỡng trong hôn nhân” vì “chính nhờ mối liên hệ vững ổn và được nhìn nhận với cha mẹ mình, đứa trẻ mới có thể khám phá ra căn tính của riêng mình và thực hiện được sự phát triển nhân bản riêng của mình” (Domum Vitae).
Đúng thế, đứa trẻ có quyền chờ mong sự cam kết không dè dặt của cha mẹ dành cho nhau. Nó có quyền đó vì đó là điều kiện tiên quyết để nó triển nở trong tư cách một con người nhân bản. Ở đây, Đức Bênêđíctô XVI nhắc ta nhớ rằng nhân quyền không phải tự chúng là mục tiêu; đúng hơn, chúng là phương tiện cho một mục tiêu xa hơn đó là sự triển nở nhân bản.
Phải chú ý tới hố phân cách
Vì ý thức được mối liên kết giữa nhân quyền và sự triển nở nhân bản, nên vị tiền nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã tuyên bố rằng trẻ em có “quyền được sống trong một gia đình hợp nhất”. Ngài còn thêm rằng chúng có quyền được sống “trong một môi trường luân lý dẫn tới việc phát triển nhân cách của đứa trẻ” ("Centesimus Annus," 21). Lẽ dĩ nhiên, phát biểu các điều trên như thế là đi ngược hẳn lại tâm thức hiện đại vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa duy tương đối. Ý thức hệ của chủ nghĩa duy tương đối cho rằng áp đặt bất cứ tiêu chuẩn luân lý nào lên một người, nhất là trẻ em, là một vi phạm nghiêm trọng tới quyền tự do của người ấy. Nhưng chủ nghĩa duy tương đối, một mối quan tâm hàng đầu của Đức Bênêđíctô XVI, không hề là bằng hữu của nhân quyền. Thực thế, nó đứng đàng sau cơn khủng hoảng hiện đại về quyền lợi. Một lần nữa, trong “Đức Ái Trong Chân Lý”, Đức Bênêđíctô XVI lưu ý tới việc xuất hiện của điều có thể gọi là “hố phân cách các quyền” (rights gap): “Một đàng, người ta nại tới các quyền tự nhận là quyền (alleged rights), điều trong bản chất vốn võ đoán và không chủ yếu (như quyền của người đồng tính luyến ái được kết hôn) đi đôi với đòi hỏi các cơ cấu công phải nhìn nhận và cổ vũ chúng, trong khi ấy, các quyền sơ yếu và căn bản lại không được nhìn nhận và bị vi phạm khắp nơi trên thế giới (như quyền được sống đúng tiêu chuẩn nhân bản)” (Bác Ái Trong Chân Lý, số 43).
Trong trường hợp đầu, chủ nghĩa duy tương đối thất bại trong việc không áp dụng cùng một tiêu chuẩn căn bản về quyền lợi cho mọi người (người nghèo và người giầu). Còn trong trường hợp sau, chủ nghĩa ấy thất bại không đặt các nhân quyền trên căn bản sự thật về con người nhân bản vì nó không nhìn nhận một sự thật như thế. Bởi vậy, bất cứ quan niệm về nhân quyền nào lấy chủ nghĩa duy tương đối làm khởi điểm đều nhất định sẽ thất bại.
Đứng trước việc “nở rộ” các điều tự nhận là nhân quyền, nhất là ở thế giới Tây Phương, làm sao phân biệt được đâu là quyền chân chính, đâu là quyền giả tạo? Phải dùng tiêu chuẩn nào để phán định? Đức Bênêđíctô đã phác thảo một câu trả lời cho câu hỏi đó trong một bản văn khá canh tân trong “Bác Ái Trong Chân Lý”. Ngài nói: “các quyền cá biệt, nếu tách rời khuôn khổ bổn phận là khuôn khổ đem lại ý nghĩa đầy đủ cho chúng, sẽ trở thành bừa bãi (wild)” nhưng “các bổn phận sẽ giới hạn các quyền ấy vì chúng chỉ cho thấy khuôn khổ nhân học và đạo đức học mà các quyền kia chỉ là một thành phần, nhờ thế chúng hết trở thành bừa bãi hoang đàng” (Bác Ái Trong Chân Lý, số 43).
Khi viết “các bổn phận giới hạn các quyền lợi”, Đức Thánh Cha muốn nói rằng theo một nghĩa nào đó, bổn phận chính là nền tảng của quyền lợi. Bổn phận phải đến trước! Bởi thế, quyền được biết chân lý phải đi sau bổn phận tìm kiếm chân lý.
Từ đó, tiêu chuẩn phán định là như sau: mọi quyền chân chính giả thiết phải chỉ tới một bổn phận mà quyền ấy tìm cách chu toàn. Bởi thế, quyền kết hôn phải theo sau bổn phận sinh sản và dạy dỗ con cái. Vì chỉ cuộc kếp hợp của một người đàn ông và một người đàn bà mới chu toàn đầy đủ bổn phận này, nên chỉ có họ mới có quyền kết hôn. Hôn nhân đồng tính không thể là một quyền bởi không có một bổn phận tương ứng để quyền kia tìm cách chu toàn.
Trường hợp Tô Cách Lan
Trước đó ít ngày, Đức Bênêđíctô XVI cũng đã tiếp kiến các giám mục Tô Cách Lan nhân chuyến viếng thăm “ad limina” 5 năm một lần của các vị. Ngài nhắc các vị giám mục nhớ đến trách nhiệm “duy trì và bênh vực quyền của Giáo Hội được sinh hoạt tự do trong xã hội theo các niềm tin của mình”.
Lời ấy hiển nhiên có ý nhắc tới đạo luật đang được thảo luận tại quốc hội Anh, là đạo luật, nhân danh quyền bình đẳng phái tính, có thể cản trở khả năng các tổ chức tôn giáo như Giáo Hội Công Giáo được sống theo các niềm tin của mình, bằng cách kết hình tội họ nếu họ từ khước không chịu sử dụng người đồng tính hay không chịu truyền chức thánh cho phụ nữ.
Tuần lễ trước đó, Đức Bênêđíctô XVI cũng tiếp kiến các vị Gám Mục Anh và xứ Wales nhân chuyến viếng thăm “ad limina” ở Rôma. Sau khi nhận định rằng xứ sở của các vị “nổi tiếng về cam kết dành quyền bình đẳng về cơ hội cho mọi thành viên trong xã hội”, ngài than phiền về “đạo luật nhằm đạt mục tiêu trên (…nhưng lại) áp đặt các giới hạn bất công lên quyền tự do của các cộng đồng tôn giáo được hành động theo các niềm tin của mình”.
Lời chỉ trích của Đức Bênêđíctô XVI bị nhiều giới báo chí Anh chế riễu, nhất là vì cuộc viếng thăm Anh Quốc vào cuối năm nay của ngài. Đứng trước ý niệm lầm lẫn ấy về bình đẳng, điều cần không những là phân biệt quyền chân chính với quyền giả tạo mà còn phải tái khẳng định phẩm trật cho các quyền ấy. Nhân quyền căn bản nhất là quyền sống vì muốn đạt được mọi quyền khác, người ta phải tùy thuộc quyền này. Và quyền quan trọng nhất là quyền tự do tôn giáo, vì quyền này bảo vệ mục tiêu tối hậu của sự sống con người, tức việc hiệp thông với Thiên Chúa. Khi quyền này bị hy sinh để mưu cầu các quyền tự nhận hay các quyền chân thực khác, chắc chắn đã có điều gì đó hết sức lầm lẫn trong ý niệm quyền lợi của xã hội ấy.
Vũ Văn An
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)