Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

HAY SAM HOI VA TIN VAO TIN MUNG - Good News


NĂM THÁNH 2010 -- SÁM HỐI

"Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt. 3:2).

Một cha bề trên đang đi dạo với các đệ tử, một em trong nhóm hỏi: Thưa cha, khi nào người ta nên hối cải? Cha bề trên trả lời cách nhẹ nhàng: “Con hãy bảo đảm rằng con sẽ hối cải vào ngày sau cùng của cuộc đời”. Nhưng rồi có vài em khác phản kháng lại, chúng ta không bao giờ biết được ngày giờ nào là ngày sau cùng của cuộc đời. Cha bề trên cười và nói: “Cách đơn giản nhất là hãy hối cải ngay bây giờ”.
Mùa chay là mùa sám hối. Sám hối là nhận biết lỗi lầm của mình, rồi hối lỗi và xin tha lỗi, sau cùng là sửa lỗi để nên hoàn thiện. Mùa chay đưa dẫn chúng ta trở về với Chúa và về với lòng mình. Nếu lòng chúng ta đầy ứ những lo lắng và bận bịu trong cuộc sống bên ngoài, vậy còn chỗ đâu cho chính chúng ta. Chúng ta hãy dừng lại đôi chút và tìm nơi thanh vắng để vui hưởng sự thảnh thơi, thư giãn và tìm nhìn lại chính mình.

1. Biết Mình

Mùa chay là thời gian trở về. Chúng ta cần có những giây phút thinh lặng giúp suy tư và xét mình để nhận diện con người thật của mình. Truyện kể rằng những người hàng xóm thấy Nasruddin đang bò dưới đất. Một người hỏi: anh đang tìm gì thế? Ông trả lời: Tìm cái chìa khóa của tôi. Và cả hai người cùng bò xuống đất đi tìm. Tìm một hồi, không thấy, người hàng xóm hỏi: Anh mất chìa khóa ở đâu vậy? Nasruddin trả lời: Tôi mất chìa khóa tại nhà. Người bạn hỏi: Vậy chứ tại sao ông lại tìm chìa khóa ở đây? Ông trả lời: Bởi vì ở đây có nhiều ánh sáng hơn. Truyện lạ! Làm sao tìm được đồ vật đã mất nơi một địa điểm không liên quan gì cả. Mất ở đâu phải tìm ở nơi đó chứ. Chúng ta chỉ tìm đồ vật đã mất nơi chúng ta không biết chính xác khi có nhiều lý do để nghi ngờ thôi.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta không có vấn đề gì cả. Chúng ta vẫn chu toàn tốt mọi công việc hàng ngày. Sống yên vui trong tổ ấm gia đình của chúng ta. Chúng ta sống trọn vẹn mọi giây phút có được trong cuộc sống. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang sống trọn hảo. Nhưng chúng ta có biết đâu rằng, hầu như trong mọi lúc chúng ta đều bị cuốn hút vào một cái gì đó. Những hành động lập đi lập lại nhiều lần trở thành thói quen và chúng ta không còn nhận ra cái sai hay sự phiền hà mà chúng ta đang gây ra cho người khác. Như khi lái xe hay khi đi đường, chúng ta nghe nhạc lớn hoặc nói truyện phôn to. Chúng ta có nghĩ rằng chúng ta làm phiền người khác không? Khi chúng ta đi làm về nhà, chúng ta lại tự động mở máy vi tính hay truyền hình xem tin tức, thể thao và các mục chúng ta ưa thích nhưng chúng ta quên đi là chúng ta đang sống trong một gia đình. Chúng ta nên biết là cần phải tế nhị chia sẻ niềm vui với người khác.

2. Hoàn Cảnh Sống

Mỗi người chúng ta sinh sống ở những môi trường và hoàn cảnh khác nhau. Có người sống trong đời sống gia đình, có mẹ có cha và anh chị em. Có người sống riêng rẽ một mình, có người sống trong cộng đoàn lớn hoặc nhỏ hoặc có những người sống đời âm thầm lặng lẽ nơi cô tịch Chùa Chiền hay Tu Viện. Có những người sống công khai và suốt ngày phải đối diện với xã hội bên ngoài. Nhìn vào cuộc sống riêng của mình để tìm ra chỗ đứng của mình trong các sinh hoạt qua sự thành công hay thất bại và cả những lỗi lầm mình đã đang phạm phải. Tìm về nơi mình sinh sống để biết được con người thật của mình. Nơi đây sẽ giúp chúng ta xét mình và dễ dàng nhận diện ra mình để sám hối. Những lỗi lầm không xa lạ xảy ra hàng ngày và có thể lập đi lập lại. Thí dụ: những người sống trong bậc gia đình, chúng ta sống và đối diện với chính những người thân nhất. Chúng ta đã nghĩ gì, nói gì và làm gì hoặc không làm điều gì để phải phật lòng hay buồn phiền người khác. Môi trường gia đình giúp chúng ta xét đến các việc bổn phận của mình đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cái và cháu chắt trong nhà. Con cái đã làm điều chi mắc lỗi với bề trên như ông bà, cha mẹ, anh chị, cô dì chú bác của mình. Từ tổ ấm gia đình, chúng ta sẽ tìm thấy cái chìa khóa đã mất. Hãy hối lỗi và xin ơn tha thứ.

3. Về Nguồn

Những lỗi lầm chúng ta thường phạm xảy ra ở đâu? Có thể là nơi phòng khách, phòng ăn, phòng làm việc hay phòng ngủ? Thái độ cộc cằn hay những cơn cám dỗ của chúng ta thường lập đi, lập lại ở những nơi nào? Chúng ta có thể bị cám dỗ hay phạm những tội lỗi như nhìn xem những phim ảnh vô luân và kiêu dâm trên đài truyền hình hoặc trước màn ảnh vi tính hay là qua những cuộn phim lôi cuốn nào đó. Lỗi phạm cũng có thể xảy ra nơi chúng ta đang làm việc như tại bàn giấy, nơi phòng giao tiếp khách hàng. Qua những cách thế cư xử, bàn bạc công việc làm ăn, tính toán xổ sách, gian lận thuế má liên quan đến sự công bằng xã hội…nơi đây là môi trường làm ăn. Chúng ta thường hành xử thế nào?

Tiếp đến là các học sinh, sinh viên và nhà giáo trách nhiệm thế nào nơi Học Đường? Sự liên hệ phái tính, ngay thẳng trong bài vở, ghen tị qua khả năng, đối chọi về tôn giáo, phân biệt về văn hóa và chủng tộc và công bằng đối xử với nhau ra sao? Những đòi hỏi của sự chọn lựa văn hóa sự sống hay sự chết, liên hệ bạn bè, thói hư tật xấu như hút sách, chơi bời, phá phách hay dung tục luân lý thế nào? Ngoài xã hội, những nơi công cộng như ngoài công viên, trên đường phố, nơi siêu thị, trên xe lửa, xe bus hay những chuyên chở công cộng,… nơi chúng ta đặt chân đến, chúng ta đã để lại dấu vết gì?

Trong các nơi thờ phượng, nhà thờ, nhà nguyện, nơi hành hương và chỗ tụ họp đọc kinh cầu nguyện. Chúng ta cư xử với nhau thế nào? Dùng lời lẽ ra sao? Chúng ta có nhìn nhận nhau như là anh chị em con cùng một Cha, có cùng một đức tin, một niềm hy vọng và có tôn trọng lẫn nhau không? Thường thường chúng ta có ba nơi mà chúng ta thường xuyên có mặt: ở nhà, nơi làm việc hoặc trường học và nhà thờ.

Xét mình cuộc sống qua những nơi chúng ta đã đến, đã làm việc và những người mà chúng ta đã gặp. Khi chúng ta nhận diện ra được những yếu điểm của mình, chúng ta có thể bắt đầu có một thái độ khác trong cư xử và sự chọn lựa cách sống. Con người chúng ta dễ thường hướng chiều về sự dữ và làm điều xấu gọi là bản năng. Đôi khi chính chúng ta tự tìm đến những cơn cám dỗ và mở cửa cho thần dữ xâm nhập. Có khi chúng ta bị đặt vào trong những hoàn cảnh éo le khó tránh các cơn cám dỗ. Đôi khi chúng ta không đủ sức chống lại cơn cám dỗ và bị chìm đắm, nghiện ngập trong các cám dỗ về đàng xấu. Thường thì chúng ta sẽ thua cuộc trong các cơn cám dỗ, nhất là về sự tham lam và dục tình.

4. Tự Kiểm

Truyện kể có một người phụ nữ chuẩn bị rời nhà đi làm việc. Công việc của cô rất quan trọng, cô sẽ xuất hiện trên truyền tin để đưa tin tức mỗi ngày. Sự xuất hiện của cô đòi buộc cô phải rất cẩn thận trong cách trang phục. Thói quen mỗi buổi sáng, trước khi ra ngoài, lần cuối cùng cô ngó qua chiếc gương lớn và cẩn thận xem lại khuôn mặt mình, tóc tai và y phục cho xứng hợp. Cô hoàn toàn thỏa mãn với y phục và các trang sức của mình và cô nói: Bây giờ cô sẵn sàng đối diện với một ngày mới. Nhưng rồi trong thâm tâm của cô, một tiếng nói thì thầm bỗng hiện lên trong đầu: Những trang phục bên ngoài của cô đã sẵn sàng nhưng còn con người bên trong của cô thì thế nào? Cô đã có điểm tâm cho thân xác, nhưng cô đã có gì dưỡng nuôi cho tâm hồn và thần trí của cô không? Làm thế nào để đối diện qua con người thật của cô trong ngày mới? Bao nhiêu cay đắng, thù ghét, ghen tị, giận hờn mà cô đang mang theo với cô vào đời. Có những điều xấu có thể sẽ đổ trên đầu trên cổ những người chung quanh khi cô gặp gỡ họ?

Chúng ta đang sống trong thế giới xô bồ và lẫn lộn các giá trị luân lý đạo đức. Biết rằng hành trình cuộc sống của chúng ta được kết dệt bằng những lựa chọn không ngừng. Đôi khi chúng ta không biết lựa chọn thế nào cho đúng: giữa thiện và ác, giữa đúng và sai và giữa xấu và tốt. Đôi khi làm chúng ta phải so đo tính toán và rất khó quyết định giữa hai khoảng cách này. Chúng ta không thể buông xuôi theo thị yếu và sự đòi hỏi của nhu cầu cuộc sống. Chúng ta cần có những suy nghĩ đúng đắn và phân biệt thế nào là tốt, xấu và đúng, sai. Mỗi một quyết định chọn lựa của chúng ta, chúng ta phải trả giá và chịu trách nhiệm. Chúng ta không thể đổ thừa cho hoàn cảnh hay môi trường sống.

5. Sự Thay Đổi

Ma quỉ cám dỗ rất khôn khéo. Từng bước dẫn ta vào đường lầm lạc. Bà Evà đã bị trúng kế của ma qủy về sự cám dỗ. Bà đi từ việc muốn ăn trái cấm tới việc kiêu ngạo muốn được biết mọi sự bằng Thiên Chúa. Truyện kể về họa sĩ Leonardo de Vinci, khi ông vẽ bức họa nổi tiếng “Bữa Tiệc Ly”. Ông đã chọn một người bạn trẻ đẹp trai tên là Pietri Bandenelli, làm người mẫu để vẽ hình Chúa Giêsu. Bức vẽ phải mất mấy năm mới có thể hoàn thành. Nhân vật sau cùng là Giuđa. Họa sĩ đã đi tìm khắp hang cùng ngõ hẻm, cả những nơi sào huyệt tội lỗi, để kiếm người làm mẫu vẽ khuôn mặt của Giuđa. Sau cùng, ông đã tìm đuợc một người vừa ý, anh chàng tiều tụy và xấu xa ghê tởm. Khi ông đang vẽ, Leonardo cảm nhận có một cái gì quen quen với người này và ông đã hỏi chàng thanh niên rằng hình như chúng ta đã gặp nhau trước đây. Anh ta nói: Phải, chúng ta đã gặp nhưng đã có nhiều đổi thay trong đời tôi từ ngày đó. Anh nói rằng tên của tôi là Bandenelli, là người đã làm mẫu vẽ hình Chúa Giêsu trước đây.

Cuộc đời thay đổi nhưng chúng ta biết rằng, hiện bây giờ mỗi người đều còn có cơ hội đổi thay từ Giuđa trở thành Giêsu. Chúng ta hãy tỉnh thức cầu nguyện luôn, xin Chúa đừng để chúng con xa chước cám dỗ. Biết rằng chúng ta không thể tránh các cơn cám dỗ trong cuộc sống. Phải phấn đấu và thắng vượt các cơn cám dỗ, chúng ta sẽ được hưởng phước bên Chúa. Muốn thắng vượt các cơn cám dỗ, chúng ta không thể cậy dựa vào sức riêng mình mà cậy dựa vào ơn Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Thần Khí của Chúa thanh tẩy và rửa sạch tâm hồn. Vua thánh Đavid đã cảm nhận được sự yếu đuối và xấu xa tội lỗi của mình, ngài đã nài xin Chúa tẩy sạch tâm hồn nhơ nhớp: Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết (Tv. 51:9).

6. Ăn Năn

Truyện kể rằng: Ngày xưa, khi xã hội loài người chưa được phát triển, các hình phạt dành cho các tội nhân rất khắc nghiệt. Có một người đàn ông ăn trộm con cừu, ông đã bị đóng dấu trên trán chữ ST (sheep stealer) cho mọi người nhận diện. Sau đó, ông đã hối cải trở về cùng Chúa và dành hết giờ để phục vụ mọi người láng giềng. Khi ông về già, nhiều người rất qúy mến và tôn trọng ông. Khi các con cái, cháu chắt trong làng hỏi cha mẹ của chúng, chữ ST trên trán ông cụ có nghĩa gì? Cha mẹ chúng nói rằng đó là chữ Thánh (Saint).

Sự cám dỗ đưa đẩy chúng ta vào những việc sai trái mà đôi khi chúng ta không hay biết. Cứ thế chúng ta an vui tự tại trong cách suy nghĩ và cách sống của mình. Những cám dỗ thường ngày rất nhẹ nhàng và tinh tế. Chúng ta rất khó để phân biệt thiện hay ác. Khi chúng ta sa phạm tội lỗi thì chúng ta chỉ nghĩ là vui chơi tí thôi, đâu có hại chi và cứ thế chúng ta dìm ngập trong tội lúc nào không hay. Nhớ câu truyện con ếch ngồi trong nồi nước. Nếu chúng ta bỏ một con ếch vào trong một nồi nước lạnh, rồi đem đun xôi từ từ. Nước nóng dần, con ếch vẫn cảm thấy thoải mái nằm yên hưởng phước và rồi từ từ nước nóng xôi lên, chú ếch chết lúc nào không hay biết.

7. Sám Hối Trở Về

Chúa mời gọi chúng ta: “Thời giờ đã mãn, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Hãy sám hối, chúng ta đã nghe đi nghe lại biết bao nhiêu lần, nhưng chúng ta thực sự sám hối được gì. Muốn sám hối trước tiên chúng ta phải nhận biết mình. Biết mình đang ở đâu và tâm hồn mình đang trong tình trạng nào? Biết mình rồi, chúng ta có muốn sửa mình hay không ? Sửa mình là phải bỏ mình. Bỏ mình thì không dễ. Bỏ thì rất đau và tiếc nuối. Tiếc những thói hư đã nhiễm. Tiếc những tội đã làm chúng ta nghiện. Tiếc những giây phút ân ái nhẹ nhàng khoan khoái. Chúng ta tiếc thương cho tội phải chừa và phải bỏ đi. Chúng ta muốn nên hoàn thiện đòi hỏi là thế đó. Phải dứt khoát chừa bỏ thôi !

Sám hối là sửa mình và đổi mới con người. Sống theo lời mời gọi của Tin mừng. Muốn có một khởi đầu tốt, tiên vàn chúng ta phải tìm nơi thanh tịnh, xét mình và cầu nguyện. Có ơn Chúa phù trì, chúng ta có thể từng bước đổi thay cách sống và cuộc sống của chúng ta thành con người mới trong Chúa Kitô. Thánh Vịnh 51 là một bài ca tuyệt vời nói về lòng nhân hậu của Chúa đối với những tâm hồn tội lỗi sám hối trở về: Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy (Tv. 51:12).

8. Đừng Trì Hoãn

Những điều gì chúng ta có thể thực hiện được trong ngày hôm nay, đừng để tới ngày mai. Mỗi ngày có những niềm vui và nỗi buồn của nó. Chúng ta biết rằng những gì đã qua là quá khứ, chúng ta không thể làm gì với quá khứ nữa. Ngày mai thì chưa tới, chúng ta có thể dự tính nhiều việc cho ngày mai, nhưng thời gian vẫn là tương lai. Chúng ta có thể vui thú nghĩ về và nói về ngày mai nhưng chúng ta không thể sống khoảng thời gian chưa tới. Vậy mỗi giây phút hiện tại vẫn là món qùa qúy báu nhất mà chúng ta có được. Trong giây phút hiện tại chúng ta vẫn có thể nhớ về quá khứ và hướng tới tương lai nhưng chúng ta vui vì chúng ta biết rằng mình đang hiện hữu và đang sống. Từng giây phút nối dài làm cho đời của chúng ta thêm trưởng thành, khôn ngoan và kinh nghiệm. Chúng ta đừng để lỡ một giây phút nào mà chúng ta không sống. Có nghĩa là đừng để thời gian qua đi một cách vô ích.

Truyện kể rằng: Ngày xưa Archias là vua dân Thêba. Ngày đó, trong triều đình có một nhóm triều thần lập mưu ám hại ông. Một hôm bọn họ lẻn vào trong thành nhưng có một người bạn thân của vua hay cơ mưu, liền viết thơ khẩn báo cho vua. Người đưa thư tới giữa lúc vua đang dự tiệc. Dù được báo là tối quan trọng, nhà vua vẫn bỏ thư vào túi rồi nói: Việc quan trọng thì cũng để mai hãy tính. Nhưng thương thay đêm đó, nhà vua bị sát hại. Trong cuộc sống hàng ngày, Chúa cũng cảnh báo chúng ta bằng nhiều cách. Khi thì bằng lời giảng, sách đọc hoặc có khi thì bằng nghịch cảnh mà chúng ta phải đối diện. Giáo Hội luôn luôn mời gọi con cái mình qua các dấu chỉ thời gian. Một năm có 12 tháng, lịch phụng vụ phân chia có những mùa vui, mùa thương, mùa sám hối, mùa mong đợi để giúp mỗi người chúng ta ý thức về cuộc hành trình. Ai cũng phải đi tới cùng đích nhưng tới đích để lãnh triều thiên chứ không phải tới để lãnh hình phạt.Quyết Tâm

Lạy Chúa, chúng ta đang trong Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam. Những việc cử hành bên ngoài rất hoành tráng. Mỗi nơi, mỗi Giáo Phận hay Giáo Xứ có rất nhiều người đã đến tham dự. Chúng con đã có rất nhiều những suy tư gợi nhớ về hình ảnh các bậc Tiền Nhân. Họ đã anh dũng nêu cao ngọn cờ chiến thắng tin tưởng vào Chúa Giêsu, Vua của Vũ Trụ. Các Ngài đã đổ máu đào minh chứng niềm tin. Các Ngài đã chiến đấu và đã đi đến cùng đường. Các Ngài đáng hưởng triều thiên vinh quang, Chúng con đang lữ hành dưới thế, chúng con cũng đang dõi bước theo chân các cha ông để sống trọn lành. Xin Chúa thêm ơn phù trợ để chúng con biết bỏ đi những thói hư tật xấu, những dung tục trong cuộc sống thế trần và giúp chúng con sám hối trở về bên lòng Chúa khoan dung.

Bronx, New York, Mùa Chay 2010
Lm. Giuse Trần Việt Hùng