Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Sống Mùa Chay Thánh 2011 ! Tạ ơn Chúa. Lm Inhaxio Trần Ngà

TÂM TÌNH MÙA CHAY


--------------------------------------------------------------------------------

THỨ TƯ LỄ TRO

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

"Cá thì dễ ươn, thây ma dễ thối, con người dễ hư."


Con người vốn mang xác thịt nặng nề, là mục tiêu cho ma quỷ và dục vọng tấn công và xâu xé. Chỉ một phút yếu lòng, thiếu canh phòng là con người bị sa ngã, bị hư hỏng và ươn thối. Vua Đa-vít vốn là một vị vua khôn ngoan, sáng suốt, tài năng đức độ được liệt vào hàng thánh vương, thế mà chỉ vì hình ảnh của một phụ nữ xinh đẹp là Bát-sê-ba lọt vào tâm trí cũng đủ làm nhà vua chao đảo, rồi nhà vua sa ngã, phạm tội cướp vợ người khác và giết luôn cả chồng bà là U-ri-gia, đang khi anh ta đang anh dũng chiến đấu ngoài chiến trường để bảo vệ ngai vàng của vua! (II S 11) Rồi ngay cả con vua Đa-vít là Salômôn, một vị vua có tiếng là khôn ngoan vô tiền khoáng hậu, nhưng cũng quá mê đắm xác thịt, có đến bảy trăm thê thất và ba trăm hầu thiếp, xiêu lòng theo các tà thần của dân ngoại, xây đền thờ cho họ đối diện với núi thánh Giê-su-sa-lem và đã làm sự dữ trước mắt Gia-vê (I V 11, 1-13). Nói chung, dù ở bất cứ địa vị nào, đẳng cấp nào trong xã hội và tôn giáo cũng có những con người danh giá cao trọng đã phải ngã gục thảm thương và hư thối : hư thối vì tham nhũng, hư thối vì những bê bối tình dục, hư thối vì lạm quyền, độc đoán…

Triết gia Platon diễn tả thân phận con người "như cỗ xe có hai ngựa kéo". Một con ngựa trắng kéo ta về đường lành, đang khi con ngựa đen luôn lôi kéo ta về điều dữ. Thế là con người luôn bị giằng co xâu xé bởi hai thế lực đối kháng nhau. Ngay cả thánh Phao-lô là vị tông đồ rất nhiệt thành và thánh thiện cũng cảm thấy những dục vọng đen tối làm xáo trộn tâm hồn của ngài: "Điều lành tôi muốn, tôi lại không làm; trong khi tôi lại làm những điều tôi gớm ghét", …thật khốn thân tôi!”

Nhân loại phải mất hàng triệu năm tiến hoá mới có thể thoát ra khỏi hang động và đời sống man rợ, nhưng con người ngày nay chỉ cần vài phút yếu lòng là có thể trở về với đời sống man rợ đó. Dường như thân phận con người cũng như những viên bi tròn được đặt trên những mặt phẳng nghiêng. Sức nặng của viên bi lôi kéo nó lăn xuống thế nào thì cũng chính sức nặng của xác thịt và bản năng hư hèn cũng thường xuyên lôi kéo chúng ta xuống bùn như thế.

Hãy cùng chiến đấu với Chúa Giê-su.

Cuộc đời chúng ta cũng giống như những con thuyền bơi ngược dòng, phải luôn luôn vững tay chèo lái, phải luôn quyết tâm vươn về nguồn mà không để đời mình trôi xuôi theo dục vọng, thì mới có thể tiến về nguồn là Chúa Ki-tô. Sống là tranh đấu. Bao lâu còn chiến đấu, con người mới có thể tồn tại như một con người. Khi ngừng chiến đấu, con người không còn giữ được phẩm chất cao đẹp của mình.

Khi làm người, Chúa Giê-su mang thân phận con người hoàn toàn y như chúng ta. Ngài cũng từng bị cám dỗ y như ta. Những cơn cám dỗ mà hôm nay chúng ta đang phải chịu thì Ngài cũng đã từng chịu, có khác là Ngài đã chiến đấu rất anh dũng, rất kiên cường, không bao giờ lùi bước trước mọi cám dỗ và thử thách. Nhờ đó Ngài luôn luôn chiến thắng và chiến thắng rất vinh quang. Thư Do-thái viết: “Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4, 15). Y chí chúng ta vốn mềm yếu. Xác thịt thì quá nặng nề. Đam mê tội lỗi luôn thôi thúc lôi kéo chúng ta xuống vực. Những quyến rũ ở đời dễ làm chúng ta ươn thối… Chúng ta thừa biết rằng tự sức mình, chúng ta không thể nào vượt thắng các thách thức và cám dỗ. Vậy trong mùa chay nầy, chúng ta hãy vào sa mạc tâm hồn mà chiến đấu cùng Chúa Giê-su, với Chúa Giê-su. Hãy luôn kết hiệp với Chúa Giê-su, hãy để cho lời Ngài nên khí cụ giúp ta chiến đấu. Hãy rước lấy Mình Máu thánh Ngài hằng ngày để kết hiệp gắn bó với Ngài hơn. Và một khi có Ngài ở bên chúng ta, ở trong chúng ta, cùng chiến đấu với chúng ta thì chúng ta mới có thể chiến thắng được tội lỗi và trung thành đi theo đường lối Thiên Chúa như Ngài.

Sống Mùa Chay Thánh 2011 ! Tạ ơn Chúa.

TÂM TÌNH MÙA CHAY


--------------------------------------------------------------------------------

Ý NGHĨA MÙA CHAY

I. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ MÙA CHAY
Trong tiếng La-tinh, Mùa Chay là QUADRAGESIMA, từ nầy có nghĩa là “40”. Trong Mùa Chay, chúng ta cùng sống với Đức Kitô 40 ngày trong sa mạc, để trải qua cuộc hành trình 40 năm của dân It-ra-en tiến về Đất hứa. Trong suốt thời gian dài đằng đẳng nầy, đoàn dân ông Mô-sê lãnh đạo thường phải đói khát, đôi khi nản chí và lắm lần quị ngã bất trung. Nhưng đặc biệt, chính trong cuộc “trường hành” nầy, họ đã có được cái kinh nghiệm độc nhất vô nhị về sự dạy bảo và lòng ưu ái thiết tha của Thiên Chúa dành cho họ.

Cuộc trải nghiệm đó cũng chính là kinh nghiệm thân mật với Chúa mà tất cả cộng đoàn Dân Mới, những người đã chịu phép rửa, cũng như các Dự Tòng, muốn sống một lần nữa trong lúc lên đường chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục sinh, và để tìm được trong đó niềm vui của tâm hồn được thanh luyện, khi thông hiệp với Đức Kitô Đấng đã hoàn tất cuộc Vượt Qua bằng cái chết và sự sống lại của mình.

Trong Mùa Chay, Dân Chúa bắt đầu một cuộc cố gắng tuy đòi hỏi nhưng đem lại sự giải thoát, đưa họ tới chỗ lắng nghe tiếng gọi của Chúa cũng như tiếng kêu của cộng đồng nhân loại. Khi họ tự cắt giảm những của ăn trần thế, dưới những hình thức khác nhau, họ sẽ học biết cách thưởng thức hơn Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể ; đồng thời cũng am hiểu hơn những nghĩa vụ của sự sẻ chia bác ái huynh đệ.

Ngày xưa, khi bước vào Mùa Chay, Hội Thánh nhấn mạnh đến những cách thế hy sinh hãm mình. Ngày nay, Hội Thánh nhắc lại cho chúng ta mục đích và ý nghĩa của công việc đó. Việc hy sinh hãm mình trong Mùa Chay qui hướng về Thiên Chúa , tôn vinh Người, đồng thời cũng qui hướng về tha nhân, để lưu tâm giúp đỡ, sống tình bác ái huynh đệ.

Khi ăn chay hãm mình như thế,chúng ta chứng tỏ một cách hùng hồn lòng tuân phục khiêm tốn của người môn đệ Đức Kitô đối với hai giới răn yêu mến. Bài Kinh Tiền Tụng thứ III của Mùa Chay đã tìm được lời lẽ thích hợp để nói lên điều đó như sau :

“Cha dạy chúng con là những kẻ tội lỗi phải ăn chay hãm mình, làm của lễ hy sinh đền tạ. Như vậy, chúng con vừa bớt được tính kiêu căng, vừa biết noi gương Cha từ bi nhân hậu, mà chia cơm xẻ áo cho kẻ đói nghèo…”

Đối với tất cả những ai không đóng cửa lòng lại, nhưng lắng nghe tiếng Chúa, thì ngay từ bây giờ, Hội Thánh hứa hẹn là khi đi hết độ đường trong ánh sang Đêm Thánh, “họ sẽ được tràn đầy ân sủng mà Chúa dành sẵn cho con cái thảo hiền”.

II. SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG MÙA CHAY
Khi một con người, vào lúc nào đó trong đời, bừng tỉnh dậy trước đức tin và khám phá ra Đức Kitô, nếu muốn bước vào sự hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh, họ cần được chuẩn bị và học hỏi.

Hơn nữa, không người kitô hữu nào có thể tự hào rằng vì mình đã sống lâu năm trong đức tin, nên đã biết đầy đủ về mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, và đã chuẩn bị sẵn sàng để tham dự mầu nhiệm ấy.

Do đó, chúng ta phải qua 6 tuần lễ liên tục, vượt qua chặng đường 40 ngày để chuẩn bị lễ Phục Sinh. Sáu tuần lễ chăm chú lắng nghe Lời Chúa và tăng cường tập luyện sống đức tin chính là trọng tâm ý nghĩa thiêng liêng và định hướng sống đạo của Mùa Chay thánh.

Đối với các Dự Tòng sắp lãnh nhận các bí tích gia nhập Kitô giáo vào dịp Phục sinh, thì mấy tuần lễ nầy là thời gian tối quan trọng và cần thiết. Đây chính là thời điểm mà mầu nhiệm Kitô giáo, dưới ánh sáng của Lời Chúa, được trình bày cho họ trong tất cả vẽ rực rỡ của chân lý cứu rổi, và với tất cả những đòi hỏi nghiêm túc của hành trình đức tin. Bởi vì thời gian nầy cũng chính là lúc họ phải chấp nhận đời sống trong Hội Thánh như một cuộc dấn thân đi theo Chúa Kitô và phụng sự Người.

SONG MUA CHAY THANH 2011 VOI GIAO HOI HOAN VU


Sứ điệp Mùa Chay của ĐHY Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ gửi các linh mục
G. Trần Đức Anh OP
T3, 08/03/2011 - 09:15
ĐHY Tổng trưởng Bộ giáo sĩVATICAN. ĐHY Mauro Piacenza, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, mời gọi các LM ngày càng trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô Mục Tử nhân lành.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp ngắn gửi các LM toàn thế giới nhân dịp mùa chay, bắt đầu từ ngày 9-3-2011.

ĐHY Piacenza nhắc đến ý nghĩa mùa chay là mùa hoán cải và khẳng định rằng: ”Đối với các LM chúng ta, hoán cải trước tiên có ý nghĩa là ngày càng thích ứng đời sống của chúng ta với lời rao giảng mà hằng ngày chúng ta có dịp trình bày cho các giáo hữu, qua đó, chúng ta trở thành những ”đoạn Phúc Âm sống động” mà mọi người có thể đọc và đón nhận”.

”Căn bản cho thái độ như thế chắc chắn là sự trở về với căn tính của mình: chúng ta phải hoán cải trở thành chính bản chất LM của chúng ta! Căn tính - mà chúng ta nhận lãnh theo thể thức bí tích và được bản tính nhân loại bị tổn thương của chúng ta đón nhận,- đòi phải dần dần trở nên đồng hình dạng trong tâm trí, trong các thái độ và tất cả con người của chúng ta với hình ảnh Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, hình ảnh Người đã được in vào trong chúng ta theo thể thức bí tích”.

ĐHY Tổng trưởng Bộ giáo sĩ cũng nhận xét rằng ”Thế giới xa lìa Kitô giáo đòi phải có một công cuộc truyền giáo mới, nhưng công cuộc này đòi phải có những LM ”mới”, không phải theo nghĩa hời hợt chạy theo thời trang phù du chóng qua, nhưng theo nghĩa đó là một tâm hồn được đổi mới sâu xa nhờ mỗi Thánh Lễ; đổi mới theo mẫu mực tình thương của Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu, Linh Mục và Mục Tử nhân lành”.

Trong sứ điệp, ĐHY Piacenza nhấn mạnh rằng: ”Một điều đặc biệt cấp thiết là phải hoán cải từ ồn ào thành thinh lặng, từ sự miệt mài ”hoạt động” thành thái độ ”ở với Chúa Giêsu”, ngày càng tham dự một cách ý thức vào cuộc sống của Chúa. Mỗi hoạt động mục vụ phải luôn luôn là tiếng vọng và là sự biểu hiện những gì là bản chất thực sự của LM!

”Chúng ta phải trở về với tình hiệp thông, tái khám phá thực chất của nó: đó là sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Giáo Hội, và trong đó, với anh chị em. Tình hiệp thông Giáo Hội có đặc tính cơ bản là tái ý thức chúng ta sống và rao giảng cùng một đạo lý, cùng một truyền thống, cùng lịch sử thánh thiện, và vì thế cùng một Giáo Hội. Chúng ta được mời gọi sống Mùa Chay với một cảm thức sâu xa về Giáo Hội, tái khám phá vẻ đẹp được ở trong một cuộc xuất hành của dân, bao gồm toàn thể hàng tư tế và mọi người dân của chúng ta, họ coi các vị Mục Tử của mình như một mẫu gương chắc chắn để tham chiếu và họ mong đợi chứng tá được canh tân và rạng ngời của các vị”.

”Chúng ta phải hoán cải tham dự hằng ngày vào Hy tế của Chúa Kitô trên Thánh Giá. Như Ngài đã nói và thực hiện trọn vẹn chắc năng đại diện thay thế làm cho việc cứu độ chúng ta trở nên khả dĩ và hữu hiệu, cũng vậy, mỗi linh mục, trong tư cách là Alter Christus, được mời gọi đích thân sống mầu nhiệm thay thế như thế, để phục vụ anh chị em, nhất là trong khi trung thành cử hành bí tích Hòa Giải, cho bản thân và quảng đại dâng hiến cho anh chị em, cùng với sự linh hướng, và trong sự hiến thân hằng ngày để đền tạ tội lỗi của thế giới. Các linh mục thanh thản sống như hối nhân trước Bí Tích Cực Thánh, có khả năng mang ánh sáng của sự khôn ngoan Phúc Âm và của Giáo Hội vào những hoàn cảnh ngày nay, những hoàn cảnh đang thách thức đức tin của chúng ta. Các linh mục như thế trong thực tế trở thành những ngôn sứ chân chính, có khả năng thách thức thế giới: một thứ thách đố của Tin Mừng, mời gọi hoán cải.”

ĐHY Piacenza nhận xét rằng ”Đôi khi mỏi mệt vất vả thật là nhiều và chúng ta cảm thấy mình thực là ít ỏi, so với các nhu cầu của Giáo Hội. Nhưng nếu chúng ta không hoán cải, thì chúng ta ngày càng ít ỏi hơn, vì chỉ khi nào một linh mục được đổi mới, hoán cải, ”mới mẻ” thì mới trở thành phương thế qua đó Chúa Thánh Linh kêu gọi các linh mục mới.

Trong lời kết, ĐHY mời gọi các linh mục ”phó thác hành trình mùa chay cho Mẹ Maria, Nữ Vương các Tông đồ, và khẩn cầu lòng từ bi Chúa, theo mẫu gương của Mẹ Thiên Chúa, để con tim linh mục của chúng ta cũng trở thành ”Refugium peccatorum”, nơi nương náu cho kẻ có tội”.

ĐHY Piacenza năm nay 71 tuổi (1944), người Italia, nguyên là TGM Tổng thư ký Bộ giáo sĩ từ năm 2007 và được ĐTC bổ nhiệm làm Tổng trưởng hồi tháng 10 năm ngoái và thăng Hồng Y tháng 11 sau đó. (SD 7-3-2011)

Nguồn: vietvatican

Sống Mùa Chay Thánh 2011 ! Tạ ơn Chúa.


Sống Mùa Chay 2011
T2, 07/03/2011 - 10:58
Mùa Chay là gì?


Mùa Chay là một trong 5 Mùa Phụng vụ của Hội Thánh Công giáo, gồm Mùa Thường niên, Mùa Chay, Mùa Phục sinh, Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh.

Như vậy, Mùa Chay là thời gian các Kitô hữu chuẩn bị đón Lễ Phục sinh, mừng Đức Kitô từ cõi chết sống lại.

Mùa Chay bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro và kết thúc vào đêm thứ bảy – Lễ vọng Phục sinh.

Năm nay thứ tư Lễ Tro nhằm ngày 9 tháng Ba 2011 và Lễ vọng Phục sinh nhằm ngày thứ bảy 23 tháng Tư 2011.

Vì sao Giáo Hội thiết lập Mùa Chay?

Mùa Chay là giai đoạn chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa sống lại và nhờ đó loài người cũng được Chúa cho sống lại trong ngày sau hết.

Vì thế lễ Phục sinh chính là một khởi điểm, bắt đầu một đời sống mới.

Ngay từ xa xưa, Giáo Hội nhận thấy luôn phải chuẩn bị để bước vào sứ vụ mới, cuộc đời mới:

– Chúa đã chuẩn bị cho Dân được Chúa tuyển chọn bước vào Đất Hứa, bằng cách thanh luyện Dân trong suốt 40 năm đi trong sa mạc.
– Chúa Giêsu đã từng chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc khởi đầu cuộc đời công khai, loan báo Ơn Cứu độ đã đến, bằng việc ăn chay 40 ngày trong hoang địa.

Vì thế Giáo Hội thiết lập Mùa Chay kéo dài 40 ngày, nhằm mời gọi các tín hữu:

- Sống như Dân được tuyển chọn, trải qua 40 năm trong sa mạc, để đức Tin được củng cố.
- Theo gương Chúa Giêsu, chuẩn bị kỹ luỡng cho sứ vụ được Chúa Cha trao phó, bằng cách ăn chay 40 ngày trong hoang địa, chịu sự cám dỗ của ma quỷ và đã chiến thắng, hoàn toàn sẵn sàng cho sứ mạng lớn lao là cứu chuộc loài người.

Vậy, các Kitô hữu chuẩn bị cho việc đổi mới cuộc sống, bằng cách ăn chay, cầu nguyện, sống bác ái yêu thương trong suốt thời gian Mùa Chay 40 ngày.

Ý nghĩa ngày Thứ Tư Lễ Tro

Mùa Chay được bắt đầu với việc cử hành Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro.

Trong Lễ Tro, các Kitô hữu đều được nhận tro trên đầu.

Tro là hình ảnh nói lên thân phận mong manh của con người: con người yếu đuối, dễ sa ngã, phải chết…

Nhưng tro cũng là hình ảnh nói lên niềm hy vọng con người sẽ được Chúa thương xót: chính Con Chúa đã làm người, chấp nhận sống thân phận mong manh của con người. Con Chúa cũng đã chịu đau khổ, chịu chết và đã Phục sinh. Vì thế, con người hoàn toàn tin tưởng đã được Chúa thương yêu và cứu độ.

Với việc nhận tro và lời thừa tác viên nói khi xức tro: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”, các tín hữu chính thức bước vào Mùa Chay.

Sống Mùa Chay như thế nào?

Mùa Chay là mùa chuẩn bị tiến đến đổi mới cuộc sống, canh tân đời sống đức Tin.

Truyền thống cử hành Mùa Chay của Giáo Hội luôn gồm ba việc: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.

Ba việc này sẽ giúp mỗi người hoán cải bản thân, thay đổi đời sống.

Năm nay, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi Sứ điệp Mùa Chay 2011 cho mọi thành phần Dân Chúa, cũng đã nhấn mạnh ba việc cần thực hiện, là:

Ăn chay: “Đối với Kitô hữu, việc ăn chay giúp chúng ta mở lòng hướng đến Chúa và những nỗi khốn cùng của con người, để tình yêu đối với Thiên Chúa cũng trở thành lòng thương yêu tha nhân” (Bênêđictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2011).

Cầu nguyện: “Khi cầu nguyện, chúng ta dành thời gian cho Thiên Chúa để nhận ra những lời Chúa nói “sẽ không hề qua đi” (Mc 13, 31) và bước vào sự kết hiệp mật thiết với Chúa “sẽ không ai lấy mất được” (Ga 16, 22) (Bênêđictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2011).Làm việc bác ái: “Việc làm phúc giúp người nghèo đưa chúng ta trở về tin nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa và biết quan tâm đến tha nhân, đồng thời giúp chúng ta lại nhận ra được lòng nhân từ của Chúa Cha và lãnh nhận lòng thương xót của Ngài” (Bênêđictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2011).

Mục đích sống Mùa Chay năm 2011
Mục đích của việc cử hành Mùa Chay năm nay được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nêu rõ trong Sứ điệp Mùa Chay 2011:

Qua việc gặp gỡ cá nhân với Đấng Cứu chuộc và qua việc ăn chay, làm phúc giúp người nghèo và cầu nguyện, cuộc hành trình hoán cải hướng đến lễ Phục sinh sẽ giúp chúng ta tái khám phá ý nghĩa của Bí tích Thánh tẩy mình đã lãnh nhận” (Bênêđictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2011).
Như vậy mục tiêu cần đạt tới trong Mùa Chay năm nay là “tái khám phá ý nghĩa của Bí tích Thánh tẩy mình đã lãnh nhận”.

Ý nghĩa của Bí tích Thánh tẩy là:
– Khi được dìm trong nước Rửa tội, chúng ta cũng dìm tội lỗi vào trong cái chết của Chúa.
– Khi được xức dầu, mặc áo trắng và nhận nến Phục sinh, chúng ta chính thức bước vào đời sống mới, được sống trong sự sống của Đấng Phục sinh: hoàn toàn thuộc về Chúa và yêu thương mọi người.
Nguồn: WHĐ