Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Lời Sống mỗi ngày mùa chay 2011 !


Làm cho chính Ta (14.3.2011 – Thứ hai Tuần 1 Mùa Chay)


Làm cho chính Ta

Lời Chúa: Mt 25, 31-46

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?” Ðể đáp lại, Ðức Vua sẽ bảo họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Rồi Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc là trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” Thế là họ sẽ ra đi, bọn này để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính, để hưởng sự sống muôn đời.”

Suy niệm:
Thi hào Tagore trong tập thơ Gitanjali, bài số 50,
có kể chuyện một người ăn xin, tình cờ gặp nhà vua đi trên cỗ xe.
Anh đầy tràn hy vọng khi cỗ xe dừng lại gần anh, và nhà vua bước xuống.
Anh cứ nghĩ nhà vua sẽ cho anh thật nhiều, nhưng ngài lại chìa tay xin anh.
Người hành khất biết lấy gì mà cho, anh chỉ dâng ngài một hạt lúa nhỏ xíu.
Đến lúc chiều về, khi đổ những thứ trong bị ra, anh thấy một hạt vàng rất nhỏ.
Anh khóc vì tiếc mình đã không cho ngài tất cả những gì mình có.
Có khi nào nhà vua giàu có ngửa tay xin một người ăn mày không ?


Hơn nữa, có khi nào Đức Kitô ẩn mình dưới dạng một người ăn xin không ?
Trên chuyến xe lửa đi về vùng Darjeeling ở chân núi Hy-mã-lạp-sơn, năm 1946,
Chị Têrêsa Calcutta đã nhận được một ơn gọi thứ hai, dù chị đang tu ở dòng Loreto.
“Chính trong chuyến xe lửa đó, tôi đã nghe tiếng gọi bỏ tất cả
và theo Ngài vào khu ổ chuột – phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất.”
Chị đã viết như thế, và chị còn giải thích thêm :
“Thiên Chúa gọi tôi để làm giảm cơn khát của Đức Giêsu
bằng cách phục vụ Ngài nơi người nghèo nhất trong số các người nghèo.”
Chị Têrêsa được ơn gặp Đức Giêsu Kitô đang đói khát, đang ở khu ổ chuột.
Chị đã cho Ngài tất cả và chị không bao giờ phải ân hận về chuyện đó.


Bài Tin Mừng hôm nay hẳn đã chi phối đời của chân phước Têrêsa Calcutta.
Bài này cũng hợp với Mùa Chay, mùa chia sẻ, mùa làm việc bác ái.
Hơn nữa bài này vén mở cho ta thấy một lối hiện diện khác của Đức Giêsu.
Ngài không chỉ hiện diện nơi tấm bánh thánh, nơi tâm hồn ta, nơi Giáo hội,
mà Ngài còn ở nơi những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, ngồi tù.
Khuôn mặt của Ngài xem ra chẳng có gì cao quý, uy nghi, sáng láng,
nhưng đầy nét đau khổ, nhục nhằn, phiền muộn.
Đức Giêsu ở đây không phải là người ban phát đầy quyền năng,
mà là người ăn xin yếu đuối ngửa tay cần ta giúp đỡ.
“Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây,
là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (c. 40).
Ngài gọi những người khốn cùng trong xã hội là anh em nhỏ nhất của Ngài.
Làm cho họ là làm cho chính Ngài, chối từ họ là chối từ chính Ngài.
Chúng ta sẽ bị xét xử vào ngày tận thế dựa trên tình yêu.
Hôm nay ta có thể gặp Đức Giêsu ở nhà thương, nhà tù, nơi trại tỵ nạn,
nơi gần một tỷ người bị đói trên thế giới, nơi bao người thiếu nước sạch để dùng.
Hãy kính trọng trao cho Ngài những gì mình đã chắt chiu.

Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng
tấm bánh để dành của con thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công
chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người đói nghèo
là vì chúng con giữ quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.



Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Những Cơn Cám Dỗ ngọt ngào muôn thuở !





Cám dỗ

Đã mang thân phận con người, chẳng ai thoát khỏi cám dỗ. Cám dỗ luôn thường trực trong cuộc sống hằng ngày, như tấm lưới mạng nhện khổng lồ sẵn sàng chụp xuống để bao bọc và giết chết con mồi. “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, đối diện với cám dỗ cũng là dịp để chúng ta khẳng định mình, nhờ đó mà có thêm kinh nghiệm trên bước đường trần gian.

Cám dỗ là gì?

– Là khơi dậy lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã (Từ điển bách khoa W).
– Là tìm mọi cách quyến rũ làm việc gì không hay (Từ điền từ và ngữ Việt Nam – Nguyễn Lân, nxb Tp HCM 1998).

Hai định nghĩa trên cho thấy động lực của cám dỗ đều là xấu, đi ngược lại với luân thường đạo lý và để lại những hậu quả không tốt nơi bản thân cũng như nơi những người xung quanh.
Cám dỗ chẳng buông tha ai. Khi suy nghĩ về cuộc đời, cụ Tú Xương đã phải thốt lên:
“Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà”.
Đối với cụ Tú Xương, là người vui với rượu, buồn với trăng và chí thiết cùng thơ, chỉ có “ba cái lăng nhăng” được nhận diện trong một đại dương những cám dỗ đang muốn nhấn chìm con người. Trong thực tế, những cơn cám dỗ không dừng lại ở con số thống kê, nhưng nó đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Cám dỗ thường núp bóng dưới những ngôn từ bóng bẩy và những lời mời chào đường mật. “Mật ngọt chết ruồi”, biết bao người đã dại dột ảo tưởng nghe theo và khi tỉnh ngộ thì đã quá muộn màng. Trong thời buổi kinh tế thị trường, những cơn cám dỗ cũng kèm theo một “nghệ thuật tiếp thị” với những viễn tượng huy hoàng đầy ma lực hấp dẫn. Xin đưa ra vài nhận định về những loại hình cám dỗ trong cuộc sống hôm nay.
1- Loại hình cám dỗ thứ nhất là phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa
Núp dưới những danh từ rất ấn tượng như “nhân bản”, “tự do”, “giải phóng”, một số người muốn phủ nhận Thiên Chúa và tuyên dương chủ nghĩa vô thần. Họ hô to khẩu hiệu: “Thiên Chúa đã chết”, hoặc “Tôn giáo là thuốc phiện mê dân”. Họ coi con người chính là những “thượng đế”. Họ phủ nhận mọi tôn giáo cũng như các thần linh. Đây cũng là cơn cám dỗ của ông bà nguyên tổ Ađam và Evà. Con rắn đã dùng những lời ngọt nào để dụ dỗ ông bà bỏ qua lệnh truyền của Chúa. Vì muốn được ngang hàng với Thiên Chúa, ông bà đã phủ nhận thân phận thụ tạo của mình. Khi muốn “biết sự thiện sự dữ”, ông bà không chỉ muốn trở nên những người khôn ngoan, nhưng còn muốn nắm quyền bá chủ, vì biết sự thiện sự ác là vai trò của một quan tòa, nhằm đưa ra những kết luận để tuyên phạt các tội nhân. Trong xã hội hôm nay, do ảnh hưởng của chủ thuyết tương đối, người ta muốn cào bằng mọi tôn giáo cũng như mọi giá trị luân lý. Thiên Chúa bị xếp chung với một mớ tổng hợp các loại thần linh. Nơi một số tín hữu công giáo, đức tin cũng bị chao đảo: họ vừa tin Chúa vừa tin bói toán và mê tín dị đoan. Hiện tượng này có thể được gọi bằng một danh từ xem ra nghịch lý: tôn giáo vô thần. Bởi lẽ chúng mang danh tôn giáo mà lại không có đức tin hoặc nếu có thì đó là một đức tin cầu lợi. Thay vì tôn nhận Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên mình, con người hôm nay lại đang sáng tạo ra một “thiên chúa” dị dạng theo tham vọng của họ. Không có Thiên Chúa hiện hữu, cuộc sống này sẽ trở nên vô nghĩa. Đức Bênêđictô đã quả quyết: “Một nền nhân bản loại trừ Thiên Chúa là một nền nhân bản phi nhân” (Thông điệp Bác ái trong Chân lý, số 78).
2- Loại hình cám dỗ thứ hai là tôn thờ của cải vật chất
Trong nền kinh tế thị trường, xã hội bị biến đổi thành một cái chợ mênh mông. Chợ là nơi mà lợi nhuận là mục đích hàng đầu. Đó cũng là nơi người mua kẻ bán chẳng ai tin nhau, dù có là xóm làng thân thích. Khi cuộc sống này đã biến thành chợ, thì mọi sự đều có thể trở nên hàng hoá. Từ đất đai, nhà cửa cho đến tình nghĩa vợ chồng; từ con cá mớ rau cho đến tình thân huyết nhục. Tất cả đều có thể trở nên một món hàng để người ta mua đi bán lại. Tiền bạc vật chất đã gây ra biết xung đột khiến tình huynh đệ tương tàn, vợ chồng xa cách. Người ta vì vật chất mà đánh đổi cả tương lai, chấp nhận những cuộc hôn nhân như một canh bạc đỏ đen may rủi. Cũng vì lợi nhuận mà nhiều người chấp nhận làm những ngành nghề hái ra tiền một cách nhanh chóng, nhưng đó cũng là lý do dẫn họ vào tù. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay: “Sự tôn thờ của cải không những làm cho ta xa lìa tha nhân, mà còn làm cho con người trở nên trống rỗng, bất hạnh, bị lừa đảo, bị ảo tưởng mà không thực hiện được điều của cải hứa hẹn, vì con người đặt vật chất vào chỗ của Thiên Chúa là nguồn mạch duy nhất của cuộc sống” (Trích Sứ điệp Mùa Chay 2011). “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13). Đức Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh táo khôn ngoan trong việc sở hữu và sử dụng của cải nhất thời.
3- Loại hình cám dỗ thứ ba là sự hằn thù, chia rẽ
Vào thời điểm mà người ta không tin có hoạt động của ma quỷ, thì chính là lúc Satan đang hoành hành. Satan chính là kẻ nói dối, là tên sát nhân ngay từ ban đầu của lịch sử (x Ga 8,44). Trong vườn địa đàng, con rắn “ỡm ờ” nói với bà Evà: “chẳng chết chóc gì đâu, nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác” (St 3,4-5). Qua những lời kích động này, ma quỷ gieo vào lòng bà sự nghi ngờ Thiên Chúa, xem ra Thiên Chúa không thương ông bà thực sự. Dường như Ngài là “lực cản” khi ông bà muốn vươn tới hạnh phúc. Lời cám dỗ ngọt ngào của con rắn còn được minh hoạ bằng sắc đẹp và hương vị của trái cấm: “Người đàn bà thấy rằng cây đó ăn thì ngon, trông thật sướng mắt” (St 3, 6). Ngày nào cũng đi dạo trong vườn, mà chỉ hôm nay bà Evà mới thấy trái cây vừa đẹp vừa ngon! Thế rồi bà Evà đã phạm tội vì nghe “những lời có cánh” của con rắn. Tội đã chia rẽ mối thân tình giữa Chúa với ông bà. Còn đâu nữa những buổi đàm đạo với Chúa trong làn gió hiu hiu mỗi khi chiều về?. Satan cũng là kẻ cám dỗ Đức Giêsu trong hoang địa, nhằm mục đích phá huỷ chương trình của Thiên Chúa.

Trong mối tương quan đời thường, lý do dẫn đến chia rẽ rất đa dạng: có thể do vây cánh, họ hàng; có thể vì lợi lộc vật chất. Có trường hợp người ta chia rẽ nhau vì những lý do rất “thánh thiện”, như bất đồng quan điểm trong việc tổ chức hội đoàn, kinh lễ. Vì ích kỷ nên chẳng ai chịu ai, nên chia rẽ sinh ra từ đó.

Một loại hình cám dỗ mang ý đồ chia rẽ cũng xuất hiện qua những phương tiện thông tin. Theo tâm lý thông thường, người ta dễ tin dư luận xấu hơn là dư luận tốt. Những thông tin tiêu cực về một cá nhân lại được loan truyền nhanh hơn những thông tin tích cực. Nhiều tác giả đã không ngần ngại bẻ cong ngòi bút vì mục đích lợi nhuận hoặc vì muốn hạ bệ, tiêu diệt người khác. Không ít người đã cả nể dễ tin và rơi vào cạm bẫy của những cơn cám dỗ này.

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”

Mỗi khi Mùa Chay về, phụng vụ giới thiệu với chúng ta hình ảnh Đức Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa. Cách nói “tên cám dỗ” của Thánh Mátthêu cho thấy ma quỷ mang hình hài một con người, với những lời vừa ngọt ngào, vừa thách thức: “Nếu ông là con Thiên Chúa…”. Lời của tên cám dỗ mang cùng một âm hưởng với lời của con rắn vào thuở ban đầu của lịch sử. Bị cám dỗ về bánh ăn khi đang đói, Đức Giêsu còn bị lôi kéo để thử thách quyền năng Thiên Chúa và sở hữu quyền lực trần gian. Đức Giêsu đã chiến thắng những mưu mô của ma quỷ bằng Lời Hằng Sống và bằng niềm xác tín nơi Chúa Cha.

Khi nào thì người ta mắc tội “sa chước cám dỗ?”. Đối diện với cám dỗ, con người có tự do chấp nhận ngả theo hoặc chống lại. Cám dỗ mới chỉ là những hình ảnh, lời nói, môi trường hoàn cảnh “khơi dậy lòng ham muốn”. “Cám dỗ” trở thành “tội lỗi” khi người ta tự do ưng thuận và thoả hiệp với điều xấu. Đức Giêsu đã đối diện với cám dỗ và Người đã chiến thắng. Chúng ta cũng sẽ chiến thắng cám dỗ, nếu sống đời nội tâm sâu xa và thực thi Lời Chúa.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,38). Người đang hiện diện để nâng đỡ chúng ta trong cuộc chiến cam go của hành trình nên thánh. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, lời cầu nguyện do Đức Giêsu dạy, sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh và sự bình an.


Gm Giuse Vũ Văn Thiên