Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

BAN TRE HOM NAY SONG DAO CONG GIAO TRUONG THANH

Một thế hệ đặt hôn nhân lên ưu tiên hàng đầu

NEW HAVEN, Connecticut (Zenit.org).- Trong sự nghiệp lớn lao còn để lại, ĐGH Gioan Phaolô II chắc sẽ được tưởng nhớ về nỗ lực tiếp cận với những người trẻ tuổi. Việc thiết lập Ngày Giới Trẻ Thế giới, một truyền thống đến nay vẫn được Benedict XVI duy trì, đã chứng tỏ là một cơ hội giảng dạy mang tính cách viễn kiến, một đường lối để đến được với thế hệ sắp tới của những bậc cha mẹ Công giáo, linh mục và tu sĩ.

Cuộc thăm dò do Hội Hiệp sĩ Columbus (Knights of Columbus) cộng tác với Viện Marist thực hiện mới đây, đã chứng tỏ tầm quan trọng thực sự trong nhu cầu phải tìm cách tiếp cận với thế hệ sắp tới của người Công giáo. Kết quả cuộc thăm dò những người trẻ Hoa kỳ (sanh trong khoảng những năm từ 1978 đến 2000) đã tiết lộ cho thấy có cả niềm hy vọng lẫn những địa hạt đáng quan ngại đối với Giáo hội Công giáo. Đó là những điều rất hữu ích cho những ai đang rao giảng Tin mừng Công giáo – giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ – đặc biệt là những người phụ trách giới trẻ.

Điều đáng khích lệ là cuộc thăm dò cho thấy trong số những người trẻ tự nhận mình theo đạo Công giáo – không chỉ riêng những người Công giáo sống đạo mà thôi – có tới 85% tin ở Thiên Chúa. Ưu tiên hàng đầu của họ là lập gia đình và kết hợp gần gũi với Chúa. Khoảng 82% nghĩ rằng hôn nhân hiện nay bị coi thường, và trên 60% nghĩ rằng phá thai và an tử là những điều sai phạm về luân thường đạo lý.

Đó là những tin đáng mừng. Nhưng điều thật đáng lo là có tới 61% tin rằng người Công giáo có thể cùng lúc thực thi một hay nhiều tôn giáo khác. Gần 2 phần 3 nghĩ rằng họ chỉ có tính cách tâm linh (spiritual) chứ không sùng đạo (religious), và 82% coi những vấn đề luân lý đạo đức chỉ có tính cách tương đối.

Những khó khăn này không còn chỉ là suy đoán – mà là sự kiện có thật. Và đó là một sự kiện thực tế đã được Benedict XVI tiên đoán và nói lên khoảng 5 năm trước đây.

Trong đám tang ĐGH Gioan Phaolô II, chỉ mấy ngày trước khi được bầu chọn làm giáo hoàng, Hồng y Joseph Ratzinger lúc đó đã cảnh giác thế giới rằng một “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” đang hoành hành.

Ngài nói: “Ngày nay, ai có một niềm tin rõ rệt đặt căn bản trên Kinh Tin Kính của Giáo hội thì lại được dán cho nhãn hiệu là đi theo chủ thuyết cơ bản (fundamentalism). Trong khi đó, chủ thuyết tương đối (relativism), nghĩa là để cho mình “rơi vào hết chỗ này đến chỗ khác, cuốn đi theo mỗi luồng gió giáo điều”, dường như là thái độ duy nhất để có thể đương đầu với thời đại tân tiến. Chúng ta đang xây dựng một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, đã không công nhận bất cứ cái gì là xác thực, và mục tiêu tối hậu chỉ gồm có bản ngã và dục vọng riêng tư.”

Một mục tiêu khác

Trái ngược lại với nhãn quan lệch lạc như thế đối với thế giới, ngài đưa ra điều này: “Một mục tiêu khác: Con Thiên Chúa, con người thật. Người là thước đo của chủ nghĩa nhân bản chân chính. Một đức tin “trưởng thành” không phải là một đức tin theo khuynh hướng thời thượng và theo điều gì mới mẻ nhất; một đức tin trưởng thành ăn rễ sâu xa trong sự kết hợp với Chúa Kitô. Đó là một mối tình kết hợp mở ra cho chúng ta tất cả những gì là tốt đẹp và cho chúng ta một tiêu chuẩn để phân biệt giữa điều đúng điều sai, giữa sự giả trá và chân lý.”

Ngài cũng còn đưa ra cho chúng ta một giải pháp: “Chúng ta phải phát triển đức tin trưởng thành này; chúng ta phải dẫn dắt đàn chiên của Chúa Kitô hướng đến niềm tin này. Và chính đức tin này – chỉ có đức tin mà thôi – mới có thể tạo nên hiệp nhất và được thực hiện trong tình yêu.”

Thế hệ này đang đi tìm tình yêu. Họ muốn có hôn nhân – tức là tình yêu đích thực -- hơn bất cứ điều gì khác. Họ thấy tình yêu trong hôn nhân bị đánh giá thấp, bị coi thường.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho giới truyền thông nước Đức năm 2006, ĐGH Benedict XVI đã trình bầy chính xác cách thức để thực hiện được giải pháp cần thiết. Ngài nói: Điều cần thiết là trình bầy mặt tích cực, trình bầy niềm hạnh phúc mà Kitô giáo sống động cống hiến cho con người:

“Kitô giáo, Công giáo, không phải là một tập hợp những điều cấm kỵ: mà đó là một chọn lựa tích cực. Điều rất quan trọng là chúng ta cần nhìn lại bởi vì ý tưởng này ngày nay đã gần như biến mất. Chúng ta đã nghe quá nhiều về những điều không được phép làm, nên nay là lúc nói lên: chúng tôi có một tư tưởng tích cực để đưa ra, đó là người nam và người nữ đã được tạo dựng cho nhau, và thang độ tính dục, tức là tình yêu xác thịt (eros), tình yêu xả kỷ (agape) là các cấp độ của tình yêu, và chính trong chiều hướng đó mà hôn nhân phát triển, trước nhất, như là một cuộc giao kết hân hoan và tràn đầy hạnh phúc giữa một người nam và một người nữ, và sau đó đến gia đình, để bảo đảm sự tiếp nối của các thế hệ, và qua đó các thế hệ được hòa giải với nhau và cũng là nơi các nền văn hóa có thể gặp gỡ. Vì thế, trước nhất điều quan trọng là phải nhấn mạnh đến điều chúng ta mong muốn.”

Tháng này, ngài nhắc lại thông điệp đó cho các giám mục nước Scotland, và nói thêm điều này: “Hãy cố trình bầy giảng huấn này cách nào để có thể nhận ra đó là một thông điệp hy vọng.”

Đối với một nhóm người coi hôn nhân là ưu tiên hàng đầu, và thấy hôn nhân bị xã hội coi thường, thì một Giáo hội yểm trợ và tuyên dương vẻ đẹp trong ý nghĩa Kitô giáo của hôn nhân, là một Giáo hội sẽ trình bầy được một thông điệp có tiếng vang dội cho thế hệ kế tiếp của những bậc cha mẹ Công giáo.

Con đường Benedict XVI vạch ra đúng là con đường sẽ có tiếng vang dội đối với thế hệ này.

Sẽ có một số người cho rằng họ chẳng lắng nghe đâu. Nhưng hãy để ý sự kiện này: gần 2 phần 3 đang rất mực hay phần nào quan tâm đến vấn đề học hỏi thêm về đức tin của mình.

Đó là lý do tại sao công việc soạn thảo tài liệu về hôn nhân, đang được Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình chuẩn bị, là điều rất quan trọng. Công trình này nay được hưởng lợi từ tiến trình thần học và mục vụ của các giáo hoàng Gioan Phaolô II và Benedict XVI

Còn lại là phần chúng ta phải trình bầy niềm tin này sao cho có ý nghĩa đối với cuộc sống của người trẻ Công giáo, và không chỗ nào tốt đẹp hơn để khởi sự, bằng cách chứng tỏ cho những thanh niên nam nữ này cách thức xây dựng những cuộc hôn nhân hạnh phúc, lành mạnh, và nhất là thánh thiện, dựa trên gia tài phong phú lớn lao về tiến độ thần học và mục vụ của cả hai Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Benedict XVI.

Nguồn: Carl Anderson/Zenit.org.

Carl Anderson là chủ tịch Hội Hiệp sĩ Columbus.
Phụng Nghi

Hứa hẹn và thách đố đối với Giáo hội qua cuộc thăm dò giới trẻ

WASHINGTON (CNS) - Giới trẻ Công giáo Mỹ - những người dưới 30 tuổi – đã dấn thân hoạt động trong các lãnh vực bác ái và tình nguyện như những thế hệ lớn tuổi hơn, nhưng lại có khuynh hướng coi các vấn đề luân lý đạo đức chỉ có tinh cách “tương đối”. Đó là kết quả cuộc thăm dò mới đây của Hội Hiệp sĩ Columbus (Knights of Columbus) tiến hành cùng với Viện Đại học Marist về Công luận tại Poughkeepsie, N.Y. Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 23 tháng 12 đến ngày 4 tháng giêng trên tổng cộng 2243 người Mỹ, trong số này có 1006 người được mệnh danh là “Millennials”, tức là những người trẻ, tuổi từ 18 đến 29.

Cuộc thăm dò đưa ra một loạt những câu hỏi trong nhiều lãnh vực, về ý thức hệ, thực hành tôn giáo, đức tin, mục tiêu trong cuộc sống, và cảm nghĩ về tương lai của đất nước, ngoài ra còn so sánh các câu trả lời giữa những người khác thế hệ, giữa người Công giáo nói chung, những người Công giáo hành đạo, tức là những người có tham dự các lễ nghi tôn giáo mỗi tháng ít nhất một lần, và cả người Mỹ nói chung nữa.

Sau đây là những điểm tích cực trong kết quả cuộc thăm dò:


Khi được hỏi hãy chọn lựa trong 5 mục tiêu dài hạn của cuộc sống, có 31% người trẻ (millennials) chọn “sống tâm linh hay mật thiết với Chúa” là mục tiêu cao nhất. Đây là tỷ lệ cao nhất nếu so sánh với các thế hệ khác.
67% (tức 2 phần 3) người trẻ và 71% người trẻ Công giáo cho biết trong 12 tháng vừa qua họ đã tình nguyện bỏ thì giờ để phục vụ. Tỷ lệ này gần bằng với các thế hệ khác.
Đa số người trẻ (56%) và người trẻ Công giáo (52%) trong năm qua đã tặng tiền bạc cho một tổ chức bác ái. Tỷ lệ này là thấp hơn so với cả người Mỹ nói chung lẫn người Mỹ Công giáo nói riêng (67%), nhưng sự khác biệt có thể là vì người trẻ thường có lợi tức thấp hơn.
Quá nửa số người trẻ (61%) và người trẻ Công giáo (65%) đã rất quan tâm hoặc ít ra cũng có quan tâm đến việc học hỏi thêm về đức tin của họ. Tỷ lệ này nơi số người Công giáo hành đạo là 84%.


Nhưng kết quả cuộc thăm dò cũng cho thấy những mặt tiêu cực:


Gần 2 phần 3 (64%) người trẻ nói chung và 82% người trẻ Công giáo đồng ý với mệnh đề này, là “các vấn đề đạo đức, luân lý đều tương đối, tức là không triệt để đúng hay sai cho tất cả mọi người.” Đa số những loại người khác – ngoại trừ người Công giáo hành đạo với 46% -- đều đồng ý với mệnh đề đó.
Chỉ có 33% người trẻ và 25% người trẻ Công giáo cho biết họ đã tham dự các nghi lễ tôn giáo mỗi tháng ít nhất một lần.
Gần 2 phần 3 người trẻ Công giáo (64%) tự mô tả họ ít ra là người có “tâm linh (spiritual)” hơn là “sùng đạo (religious)”. Tỷ lệ này là 66% nơi người trẻ nói chung, và là 63% nơi người Mỹ nói chung.
61% người trẻ Công giáo tin rằng một người có đạo có thể cùng lúc thực hành nhiều tôn giáo khác. Tỷ lệ này là 54% nơi người Mỹ nói chung và 43% nơi người Công giáo hành đạo.


Cuộc thăm dò còn hỏi người tham dự xác định xem một số chọn lựa nào là chấp nhận được về phương diện luân lý đạo đức, chọn lựa nào là sai lạc hoặc không phải là một vấn đề liên quan đến luân lý. Dưới đây là một số vấn đề:


Phá thai: Đa số người Mỹ nói chung (57%), người trẻ nói chung (58%), người Công giáo Mỹ (61%) và người trẻ Công giáo (66%) nói phá thai là điều sai lạc về luân lý.
Cờ bạc: Quá nửa hay gần phân nửa số người trong mỗi nhóm nói rằng cờ bạc không phải là một vấn đề luân lý.
Ăn cắp công trình của người khác: 90% số người trong mỗi nhóm đều cho đó là sai phạm về luân lý. Đây là tỷ lệ đồng thuận cao nhất.
Không chung thủy trong hôn nhân: Được coi là sai phạm về luân lý với tỷ lệ từ 87% (người trẻ Công giáo) đến 90% (người Mỹ nói chung).
Hôn nhân đồng giới: 54% người Mỹ nói chung, 48% người Mỹ Công giáo cho đó là sai phạm về luân lý, nhưng chỉ có 37% người trẻ Công giáo đồng ý với quan điểm đó.


Sai số của cuộc thăm dò là + hoặc – 2% đối với người Mỹ nói chung, và là + hoặc -3% đối người trẻ.

Theo lời Hiệp sĩ tối cao Carl Anderson, các nhà lãnh đạo Giáo hội cần tìm hiểu viễn cảnh của thế hệ những người Công giáo trưởng thành sắp tới đây.

Ông nhận định: “Người trẻ Công giáo ủng hộ những lời giảng huấn của Giáo hội trong nhiều lãnh vực rộng lớn, như đồng thuận trong các vấn đề phá thai và an tử. Trong các lãnh vực khác, chủ nghĩa tương đối về văn hóa mà Đức giáo hoàng Benedict XVI đã nhiều lần đề cập, cho thấy là một điều rất hiển nhiên, và khẳng định sự khôn ngoan của ngài trong việc chú tâm đến vấn nạn này như là trọng tâm của công tác Tân Phúc âm hóa.”

Ông kết luận: “Có nhiều tin mừng cho Giáo hội trong cuộc thăm dò này, nhất là khi chúng ta thấy có tới 2 phần 3 số người trẻ Công giáo muốn học hỏi thêm về đức tin của họ. Giáo hội có cơ may lớn lao để rao truyền Tin mừng, và có nhiều điều để xây dựng đối với thế hệ những người Công giáo sắp tới, nhưng phải hành động và giảng huấn thế nào để làm sáng tỏ những lý do cho biết lời giáo huấn của Giáo hội là một trong những điều được Đức giáo hoàng gọi là lời đáp trả “Xin vâng” của chúng ta với tiếng gọi của Chúa Giêsu Kitô.

Toàn văn bản kết quả cuộc thăm dò có thể đọc tại:

www.kofc.org/un/cmf/resources/Communications/documents/poll_mil_religion.pdf
Phụng Nghi

SONG MUA CHAY THANH 2010 VOI GIAO HOI HOAN VU

Đức Thánh Cha ban cho kitô hữu bí quyết
để chống lại các chước cám dỗ

Suy niệm trước kinh Truyền Tin

Rôma, Chúa Nhật 21 tháng 2, 2010 (Le Monde vu de Rome) – Vào tuần lễ đầu Mùa Chay, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã ban cho các kitô hữu bí quyết để chống lại các chước cám dỗ của ma qủy: đó là sự trung thành với Lời Chúa.

Đức Thánh Cha tuyên bố trước kinh Truyền Tin, trước hàng vạn khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô.

Hôm nay Đức Thánh Cha Benedict XVI đã giảng về đoạn Phúc Âm Thánh Luca khi Chúa Giêsu ở trong sa mạc và chịu sự thử thách của ma quỷ.

Ngài đã trình bầy ba chước ma quỷ đã dùng để thử thách Chúa Giêsu: “Cái đói, nghiã là nhu cầu vật chất, cám dỗ về quyền bính, cám dỗ thử thách Thiên Chúa, là đòi hỏi Chúa phải chứng tỏ mình chính là Thiên Chúa.”

Chúa Giêsu mỗi lần đều trả lời bằng cách dẫn chứng Thánh Kinh. “Người ta sống không riêng bởi bánh,” rồi “ngươi phải xấp mình trước Thiên Chúa là Chúa của ngươi, và ngươi chỉ được tôn thờ một mình Người mà thôi.” Cuối cùng Đức Thánh Cha giải thích rằng “Chúa Giêsu chống lại các tiêu chuẩn của con người bằng tiêu chuẩn duy nhất và đích thực: đó là sự vâng lời, tuân theo Thánh Ý Chúa, và là nền tảng của sự hiện hữu của chúng ta.”

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng “đây cũng là một giáo huấn nền tảng cho chúng ta: nếu chúng ta gìn giữ Lời Chúa trong tâm trí, nếu Lời Chúa ở trong đời sống chúng ta, nếu chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa, chúng ta có thể đẩy lui mọi chước cám dỗ của ma quỷ.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã mời gọi các tín hữu hãy lợi dụng Mùa Chay “để hồi tâm, và lắng nghe Lời Chúa, để vượt thắng các chước cám dỗ của ma quỷ và tìm được chân lý cho sự hiện hữu của mình,” vì Mùa Chay là “một thời kỳ - có thể nói là – để ‘thao luyện tâm linh’ để sống với Chúa Giêsu, không với sự kiêu ngạo và tự tôn, nhưng bằng cách sử dụng vũ khí của đức tin, nghĩa là cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và hãm mình đền tội.

Đức Thánh Cha đã kết luận bằng việc xin Đức Mẹ Maria giúp đỡ các kitô hữu sống “trong niềm vui và đạt được kết quả trong thời kỳ ân sủng này,” và xin Mẹ cầu bầu đặc biệt cho ngài và các cộng sự viên của ngài tại giáo triều Rôma, vì họ bắt đầu cấm phòng Linh Thao vào buổi chiều Chúa Nhật.”

Nói với các tín hữu người Pháp, sau kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã tuyên bố: “Vào tuần thứ nhất của Mùa Chay chúng ta được mời gọi tiến bước về Phục Sinh bằng một cuộc chiến tâm linh, đi theo Chúa Giêsu vào sa mạc, nơi Người trải qua 40 ngày chay tịnh và bị ma quỷ cám dỗ. Tận đáy sâu tâm khảm, con người biết cái cám dỗ của quyền bính, của tham vọng và khoái lạc chủ nghĩa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Kitô dẫn dắt chúng ta vào mầu nhiệm của sự vâng lời Chúa Cha, để không sa chước cám dỗ và được giải thoát khỏi sự dữ. Xin Đức Nữ Đồng Trinh Maria giúp đỡ chúng ta biết tự dâng hiến mình cho Con của Mẹ và đi theo con đường của Người!

Chúc tất cả các bạn một Chúa Nhật và một Mùa Chay thánh thiện!”
Bùi Hữu Thư

Đức Thánh Cha giải thích tại sao nhân loại phải vui mừng vì sự mỏng dòn của mình.

Ngài nói chúng ta là loài tro bụi được Chúa thương yêu.

Rôma, ngày 18 tháng 2, 2010 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Con người là những tạo vật mỏng dòn có số mệnh là phải trở về với tro bụi – phải, tro bụi, nhưng là loài tro bụi được yêu thương và được nhào nặn bởi tình yêu Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha chia sẻ suy tư này ngày thứ Tư tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Sabina, nơi ngài chủ tế thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro vào lúc khai mạc Mùa Tro.

Cũng như những tín hữu khác trong nhà thờ, Đức Thánh Cha cũng xức tro trên đầu mình, theo nghi thức cổ truyền.

Ngài nói, việc xức tro chính là “một cử chỉ khiêm tốn có ý nghĩa là: Tôi chấp nhận con người của tôi, một tạo vật mỏng dòn được nặn bằng bùn đất và phải trở về với bùn đất, nhưng cũng được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và phải quay trở về với Người. Thật là tro bụi, nhưng là loại tro bụi được yêu thương và được nhào nặn bởi tình yêu của Người, và được làm cho sinh động bởi Thần Khí ban sự sống, có thể nhận biết tiếng Người và đáp lời Người; có tự do và do đó có thể bất tuân lời Người, và đầu hàng trước những cám dỗ của sự kiêu ngạo và tự chủ.”

Đức Hồng Y Jozef Tomko, 85 tuổi, Bộ Trưởng đã hưu trí của Bộ Truyền Giáo các Dân Tộc, xức tro trên trán của Đức Thánh Cha. Đức Hồng Y là giám mục hiệu tòa của Vương Cung Thánh Đường Thánh Sabina.

Đến lượt Đức Thánh Cha xức tro trên trán của nhiều Hồng Y, trong đó có Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone; Hồng Y Agostino Vallini, Giám Mục Phó Giáo Phận Rôma; và vị tiền nhiệm là Hồng Y Camillo Ruini.

Trước Thánh Lễ, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã chủ tế cuộc rước kiệu xám hối cổ truyền từ nhà thờ Thánh Anselm trên đồi Aventine tới Vương Cung Thánh Đường thánh Sabina.

Theo Đức Kitô

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha trình bầy toàn thể hành trình Mùa Chay dựa trên “sự toàn năng của tình yêu Thiên Chúa, dựa trên quyền năng trọn vẹn của Người đối với mọi tạo vật, được diễn tả bởi một sự khoan dung vô bờ, và con người được thúc đẩy bởi một ước muốn thường trực và hoàn vũ là được sống.”

Ngài nói, "Sự Cứu Rỗi, thực sự là một quà tặng, một ân sủng của Chúa, nhưng muốn cho ân sủng này có ảnh hưởng trong cuộc sống của ta, ân sủng ấy cần có sự ưng thuận của ta, đó là một sự chấp nhận được chứng tỏ bằng hành động, nghĩa là, bằng ước muốn được sống như Chúa Giêsu, và noi bước theo Người.”

Đức Thánh Cha nói: Đi theo Chúa Giêsu trong “sa mạc Mùa Chay” là điều kiện cần thiết để tham dự vào sự Phục Sinh.

Ngài nói, "Adam bị đuổi ra khỏi thiên đàng hạ giới, đó là biểu tượng của sự mất hiệp thông với Thiên Chúa. Bây giờ, để có thể trở về với sự hiệp thông này và do đó trở về đời sống chính thực, đời sống vĩnh cửu, chúng ta phải đi qua sa mạc, đó là sự thử thách đức tin. Không phải đi một mình, nhưng cùng đi với Chúa Giêsu! Người luôn luôn dẫn đường chúng ta và đã chiến thắng trận đấu với thần dữ.”

Đức Thánh Cha khẳng định: "Đây là ý nghĩa của Mùa Chay, thời kỳ phụng vụ hàng năm, mời gọi chúng ta lập lại quyết định đi theo Chúa Kitô trên con đường khiêm nhường để có thể tham dự vào chiến thắng của Người đối với tội lỗi và sự chết.”
Bùi Hữu Thư

Tình người trong xã hội vô cảm:

Tình người trong xã hội vô cảm: đây là đề tài của chuyện tử tế tuần này của chúng tôi...

(Radio Veritas Asia 20/02/2010) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mới đây phóng viêng Trần Mộng Tú của báo Người Việt phát hành tại Hoa kỳ, đã cùng với chồng là một người Mỹ viếng thăm một tu viện nữ Ða Minh tại Nam Ðịnh, Việt nam. Sau đây là bài tường thuật của phóng viên Trần Mộng Tú:

"Từ Hà Nội đến Nam Ðịnh gần một trăm cây số, chúng tôi sẽ mất khoảng hai tiếng xe để đến tu viện Ða Minh thuộc Trung Lao, huyện Trực Ninh, Nam Ðịnh.

Anh Sơn tôi, thời gian gần đây đã đi đi, về về giữa thành phố Vienna, tiểu bang Virginia đến Trung Lao, Nam Ðịnh, phụ giúp các sơ dòng Ða Minh giúp nuôi các cụ già mồ côi con, và các trẻ em mồ côi cha mẹ.

Xe đến Trung Lao, gặp lúc đường đang sửa, các lối đi bị cản ngang, mặc dù anh tài xế taxi quen, đã nhiều lần chở anh Sơn tôi đến đây, vẫn phải gọi điện thoại cho một sơ trẻ đi xe gắn máy ra dẫn đường vào tu viện. Ðã có năm, sáu sơ đứng đợi chúng tôi trước cửa chính, có một vài người già đang sống ở đó cũng áo bông, áo len, co ro ra đón chúng tôi.

Khuôn viên tu viện khá rộng, nhưng cũ kỹ và không đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn cần thiết. Các sơ dòng Ða Minh tự chăn nuôi (cá, heo, gà) và trồng trọt (rau, lúa, ngô, khoai) nhưng những gặt hái này ngay cả chỉ dùng cho các sơ cũng đã thiếu hụt, nói chi đến việc phải nuôi thêm người ngoài.

Một sơ giới thiệu cho chúng tôi gia đình của ba anh em ruột, vừa mù, câm và điếc đang được các sơ nuôi. Họ chưa từng lập gia đình, họ cũng chẳng hề có một thân nhân nào khác, ngoài một người anh cũng vừa mù, vừa câm, vừa điếc nữa; ông này có vợ, có con. Nhưng sơ nói thêm, ông đó gầy ốm lắm, vì suy dinh dưỡng.

Frank, chồng tôi, đến khoác tay cả hai ông; ông anh gần bảy mươi tuổi, ông em hơn sáu mươi tuổi. Frank đứng giữa cầm tay hai ông cho hai ông xoa vuốt lên mặt mình, xong anh lại lấy hai bàn tay ôm từng mặt hai người xoa đầu xoa cổ họ, như biểu hiệu của những lời chào. Anh ôm tay quàng sang vai hai người; ba người đàn ông thân mật như ba người anh em ruột, họ bước đi vòng quanh khuôn viên tu viện. Tôi nhìn thấy giọt lệ ứa ra ở hai con mắt nhắm của người em, và nét mặt đầy xúc động của người anh.

Trong cái gió lạnh của mùa Ðông đất Bắc, mặt trời vừa lên, ánh nắng vừa đủ dịu dàng trên đầu, trên tóc, của ba người đàn ông, tôi cũng thấy mắt mình ứa lệ. "Tất cả chúng ta đều là anh em trong Chúa." Câu nói này, đang được nói lên không thành lời trong buổi sáng hôm nay. Tôi biết họ ít khi (có thể nói là chưa bao giờ) được ai chạm tay, vuốt ve như vậy. Các sơ chỉ có thể cho họ những lời dịu dàng thôi.

Tôi đi theo một sơ khác thăm các cụ già nằm ở trong buồng. Có cụ gần trăm tuổi, sống hoàn toàn vào sự chăm sóc của các sơ. Cụ có con không? Có cháu không? Có nhà không? Trả lời cho cả ba câu đó là: "Không."

Ai đó đến báo cho các sơ, ở một nơi nào đó, có một người thật già, thật bệnh, thật đói, không con cháu, thân nhân, là các sơ đón về. Cơm đâu, thuốc đâu, quần áo đâu? Những điều đó tính sau. Các sơ biết chắc chắn các sơ có một cái quỹ rất đầy và các sơ có thể mang ra phân phát cho các cụ "mồ côi con," đó là: "tình thương" của các sơ.

Ba người đàn ông vẫn tay khoác tay đi dưới vầng nắng dịu dàng. Tôi đi tìm người em gái út, chị năm nay ngoài năm mươi tuổi, trông chị tươi tắn, khỏe mạnh; các sơ cho chị mặc ấm áp, tươm tất; chị tên Hồng. Tôi cầm tay chị Hồng hỏi han, chị cười, nhưng chỉ u ơ, gật lắc. Chị cứ nắm chặt tay tôi cho đến khi tôi từ giã về, nhất định chị không buông ra, thậm chí chị còn lôi tôi về phía cổng như muốn cùng đi với tôi.

Sơ Liên cho tôi biết, chị mù 90%, nên ban ngày, có nắng, chị có thể nhìn được lờ mờ. Có ngày chị dắt hai anh đi chơi, buổi chiều ập xuống, bóng tối phủ nốt 10% còn lại, chị không biết đường về. Tu viện phải phái người đi tìm.

Tôi cầm cả hai tay chị dỗ dành mãi, hẹn chị tôi sẽ trở lại, sẽ thế này, sẽ thế kia (toàn là hứa mơ hồ, ngay cả cho chính mình,) chị mới chịu buông tay tôi ra. Tôi ôm chị rất khẽ, như sợ phải ôm một sự thật không vui.

Frank đang chia tay hai người anh em mới của mình, Frank giỏi lắm, anh buông họ ra và nói: "Ðã đến lúc tôi phải đi," và anh không tỏ dấu bịn rịn. Lúc lên xe anh nói với tôi, mình phải làm cho nhanh, càng chần chừ họ càng buồn. Mình làm nhanh, họ biết là mình bắt buộc phải hành động như vậy.

Chúng tôi lên xe sang một địa điểm thứ hai của các sơ cũng thuộc dòng Ða Minh. Ở đây có hai khu nhà. Khu thứ nhất nuôi người già, cũng tương tự như khu chúng tôi vừa thăm. Các cụ ở đây có cụ ngoài tám mươi, lưng cong như con tôm, nhưng vẫn đi lại trong sân, vẫn xâu tràng hạt để phụ giúp chi thu cho các sơ. Một cụ ngoài tám mươi, vừa thấm nước mắt vừa nói, chồng con cụ chết hết vì nạn đói Ất Dậu, không biết tại sao mà chỉ có mình cụ sống. Tôi chẳng biết trả lời cụ thế nào, đó là bất hạnh hay may mắn! Ở phòng khác có cụ cả trăm tuổi, nằm hắt hiu một góc buồng, chờ sơ đổ sữa, chờ sơ làm vệ sinh.

Khu thứ hai đi cách một cái sân rộng và sang hẳn một tầng nhà khác, nơi nuôi bốn mươi em mồ côi. Các em mồ côi này đặc biệt lắm, các em vẫn có cha có mẹ. Cha các em chưa hẳn đã chết, họ là nạn nhân của bệnh HIV hay là nạn nhân của ma túy. Cha các em biến mất trong đời sống các em, bay vèo như chiếc lá cuối thu. Mẹ các em buổi sáng thả các em vào tu viện, các sơ cho ăn, cho ngủ, dạy học. Có bà mẹ trả cho nhà dòng năm, bảy ngàn một ngày (mười tám ngàn bằng một Mỹ kim,) có bà mẹ chẳng trả đồng nào.

Chúng tôi bước vào một căn buồng khá rộng. Lúc đó, ở một góc phòng, có hơn hai mươi em đang ngủ trưa, (hôm nay trưa Thứ Bảy, có em được về nhà) chúng nằm cạnh nhau, xếp thành hai hàng, bên dưới chúng là một cái vỉ tre, trên trải chiếu, chúng co ro, không có chăn.

Hôm nay anh Sơn tôi đưa chúng tôi đến thăm trả tiền cho bốn mươi tấm nệm, bốn mươi cái chăn anh đã đặt. Sơ chăm sóc các em còn rất trẻ, chắc mới trên hai mươi, sơ xưng con với chúng tôi. Sơ chỉ những bức tranh vẽ trên tường, tranh vẽ con thỏ, con sóc, Bạch Tuyết và bẩy chú lùn rất đẹp. Sơ nói, con vẽ đó, các em không có đồ chơi, con vẽ cho các em xem!

Sơ dắt chúng tôi ra sân, chỉ cho tôi các phòng trống, cũ kỹ, gần như bỏ không, vì không có phương tiện tu sửa, nước không có thì không dùng phòng được nữa. Ở một góc sân, sát buồng của các em, có năm sáu cái "bô" cho các em làm vệ sinh; buổi sáng sơ xếp ra, buổi chiều sơ đem đi rửa.

Tôi vừa nghe Sơ nói chuyện, vừa nhìn khuôn mặt còn rất trẻ của sơ, mấy cái mụn trứng cá lấm tấm, nụ cười tươi và dung dị như hoa cúc trắng, tôi thấy thật xúc động. Phải có lý tưởng lắm, yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân lắm, mới hiến cả tuổi trẻ của mình ở một chốn xa xôi như thế này, làm một công việc bác ái, cao cả như thế này. Trông bên ngoài chẳng có gì là vĩ đại cả, nhưng không phải ai cũng làm được, nhất là người tuổi trẻ. Tuổi trẻ phòng trà, tuổi trẻ phóng xe, tuổi trẻ thuốc lắc, tuổi trẻ rượu mạnh, tuổi trẻ kiếm tiền bằng đủ mọi cách, tuổi trẻ phung phí đời mình, như sáng mai sẽ chết! Tôi nhìn tuổi trẻ của sơ không biết nói lời gì, cho xứng.

Ngày còn nhỏ, đi học, thỉnh thoảng trường Công giáo hay tổ chức cho đi thăm viện mồ côi. Tôi hiểu, mồ côi có nghĩa là cha mẹ mình mất từ khi mình còn rất bé, không có họ hàng giơ tay ra vớt nên mình phải vào viện mồ côi. Bây giờ tôi được biết thêm, người ta bất cứ tuổi nào, nếu không có ai thân thích cũng có thể gọi là mồ côi như các cụ đang sống ở trong bàn tay săn sóc của các sơ Ða Minh, các cụ "mồ côi con."

Cũng thật may, trên trái đất này, vẫn còn những con người tốt đẹp, còn có những tấm lòng thơm hơn cả hương hoa của các sơ, các ni cô. Thánh đường có bị đạp đổ, Thánh giá có bị kéo xuống, tăng ni có bị đuổi ra khỏi chùa, thì những trẻ em mồ côi cha mẹ, những người già mồ côi con cái, vẫn còn một chỗ dung thân".

Bài tường thuật trên đây của phóng viên Trần Mộng Tú hẳn không phải là bài viết đầu tiên và duy nhứt về các hoạt động từ thiện và bác ái của các nữ tu Việt nam nói riêng và của Giáo hội Công giáo tại Việt nam nói chung. Từ Bắc chí Nam, ở đâu có các tu sĩ thì ở đó có những bàn tay luôn biết đưa ra để băng bó các vết thương, xoa dịu nỗi khổ đau của người đồng loại.

Cũng may, trong một xã hội mà nhiều người cho là vô cảm, vì được xây dựng trên hận thù giai cấp và chủ trương "sống chết mặc bay, mạnh ai nấy sống", vẫn còn một chỗ dung thân "cho các trẻ em mồ côi cha mẹ, cho những người già mô côi con cái".

Chúng tôi xin tạm ngưng chuyện tử tế tuần này tại đây. Xin thân ái chào quý vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Bảy tuần sau.

Chu Văn