Thánh Augustinô: Sự cứu rỗi duy chỉ đến từ Thiên Chúa
(Thánh Augustinô: Confessio – Tự thú)
Lm Nguyễn Hữu Thy
Sau một thời gian dài tinh thần bị lạc lối trong đêm tối vô tri lầm lẫn và phải tự lần mò tìm ra lối thoát tiến về ánh sáng chân lý, vào năm 386 triết và thần học gia thời danh Augustinô – sinh năm 354 tại Bắc Phi Châu – đã trở lại Kitô giáo. Từ một môi trường sống bình dị ở tỉnh lẻ Hippo, giáo sư khoa tu từ học – cũng được gọi là khoa hùng biện - Augustinô đã trở thành một ngôi sao trí thức sáng chói tại kinh thành hoa lệ Milanô thuộc miền Bắc Ý, mà từ lâu đã được coi như thủ đô mới của Đế quốc Roma.
Thánh Augustinô thành Hippô: Nhà triết và thần học gia thời danh
Trong gần mười năm trời, Augustinô là đồ đệ của thuyết Nhị Nguyên, (Manichäismus), một phong trào cho rằng một thực tại luôn chứa đựng hai nguyên lý mâu thuẩn nhau; nói cách khác, trong một thực tại bao gồm cả phương diện tốt và phương diện xấu, và điều đó có nghĩa là không chỉ cái tốt mới cần thiết mà thôi, nhưng cả cái xấu nữa cũng là một điều đương nhiên.
Nhưng rồi cái học thuyết vô lý đó đã trở thành một thảm kịch nội tâm đối với sự nhận thức của Augustinô, khi một người bạn vô cùng keo sơn thân thiết của ông (mà người ta không biết tên) qua đời và khiến ông rơi vào trong một tình trạng hoài nghi cực độ, đến nỗi ông đã nghi ngờ ngay cả chính bản thân mình: "Tôi đã trở nên một vấn nạn cho chính tôi." Đúng vậy, theo tâm lý mà nói, khi một sự xác tín cơ bản của con người bị sụp đổ, thì thường người ta không thể đơn giản thay thế vào đó một sự xác tín khác được. Augustinô trở thành một kẻ hoài nghi. Nhưng sau đó ông đã tìm gặp được nơi tân học thuyết Platon một điểm tựa tinh thần.
Tuy nhiên, kinh nghiệm về sự vô lý và trống rỗng vẫn còn theo đuổi ông, chứ nó chưa dễ dàng chịu buông tha. Tại kinh thành sầm uất hoa lệ Milanô, vị giáo sư khoa hùng biện thời danh đã đưa hết tâm huyết nghiên cứu ngành thơ phú và nghệ thuật diễn thuyết của người Roma. Tất cả những nghiên cứu này đã phong phú hóa rất nhiều cho kiến thức, nhưng trái lại không đem đến cho cuộc sống thực tiễn của Augustinô một sự định hướng và ý nghĩa rõ ràng nào cả. Một đàng, ông có ý định muốn trở thành Kitô hữu; nhưng đàng khác, những hiệu quả của sự hoài nghi vẫn còn in dấu sâu đậm nơi ký ức ông. Đây quả là một sự giằng co nội tâm đầy rắc rối khó khăn, đòi hỏi đương sự phải có một sự can đảm, sáng suốt, để có thể tìm ra được một lối thoát hợp lý, một bước ngoặt đúng đắn. Và bước ngoặt có tính cách quyết định trong đời Augustinô, chúng ta chỉ biết được và có lẽ chúng ta cũng có thể thực thi được, bởi vì chính Augustinô đã tự trình bày công khai. Đó chính là điều Augustinô đã làm trong tác phẩm thời danh "Confessio" (Tự Thú) của ông. Nhưng hai từ "Tự Thú" ở đây mang ý nghĩa kép: Trước hết, ông nhìn nhận tội lỗi và những sai lầm của mình và tiếp đến, ông tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa.
Sau khi được bầu làm Giám Mục thành phố hải cảng Hippo ở Bắc Phi Châu vào năm 395, và một ít năm sau đó Augustinô đã viết ra tác phẩm "Confessio". Quả thực, vị Giám Mục thành Hippo muốn thay đổi cuộc sống của mình, vì thế, cùng với các bạn hữu ông đã chuyên lo về vấn đề suy tư triết học. Với tư cách là một vị Giám Mục, Augustinô không chỉ chuyên tâm vào việc ấn hành sách vở và việc giảng thuyết, những việc làm rất được dân chúng ca ngợi, nhưng ngài còn phải thực hiện một cộng đồng thân hữu.
Nhưng dĩ nhiên, không vì tình bạn hữu thân thiện mà con người được phép để cho mình bị cuốn hút vào những tiêu cực thế nhân. (Bởi vậy, không phải là một chuyện tình cờ, khi Đức Bênêđíctô XVI trong thông điệp "Spe Salvi" vừa qua đã nhắc đến sự tự tìm gặp chính mình và qua đó sự vượt thắng chính mình.) Augustinô thường chỉ có thời giờ vào ban đêm để biên soạn các văn bản, và nhờ thế, ngài đã để lại trong kho tàng triết học và thần học Giáo Hội một tác phẩm vĩ đại. Tác phẩm "Tự Thú" là một cuốn sách mà không có một cuốn sách nào khác về triết học thời cổ đại, cũng như không một cuốn sách nào khác về thần học vào thời hậu cổ đại có thể so sánh được. Mặc dù cuốn sách mang tính cách tự thuật, nhưng trong đó người ta lại biết được rất ít về đời sống tư của tác giả. Ở đây các giai đoạn cuộc sống được đưa ra làm đối tượng cho những phân tích mổ xẻ, hay trở thành dịp cho những vấn nạn dồn dập xuất hiện, để rồi không được giải đáp.
Chẳng hạn nhà tư tưởng Augustinô tường trình về một lỗi lầm của tuổi trẻ: Ông đã lẻn sang vườn cây ăn quả của hàng xóm hái trộm một trái lê. Bây giờ những suy tư về vấn đề mang tính cách triết học và luân lý được đặt ra là: Nếu vườn cây trái lê của gia đình hàng xóm không hấp dẫn, thì phải chăng đã không có vấn đề hái trộm? Vâng, vị Giám Mục thành Hippo đã thú nhận tội hái trộm trái lê của hàng xóm khi ông còn trẻ. Tuy nhiên, vấn đề trọng yếu ở đây là ông muốn trình bày cái bí ẩn khó hiểu của các lý do. Ông xác tín tín rằng, nếu chỉ một mình mà thôi thì ông đã không làm điều đó. Như vậy là do sự ép buộc của một nhóm bạn bè? Nhưng tại sao lại bị ép buộc?
Nhà tư tưởng Augustinô mổ xẻ điều đó với nhiều ý nghĩa khác nhau được chứa đựng trong tiếng "tốt": Phải chăng những quả lê của hàng xóm thơm ngon đến nỗi khiến người ta không thể cầm mình được sao? - Thực ra, không phải thế, trong thực tế có lẽ những quả lê của khu vườn nhà mình còn thơm ngon hơn. Hay: Đám thanh niên chỉ muốn lấy trộm để ăn cho bớt đói? - Không, đó cũng không phải là lý do, bởi lẽ sau khi lấy trộm xong, họ lại ném mấy trái lê đi. Như vậy, nhà tư tưởng Augustinô đã xác nhận rằng hành động hái trộm quả lê của vườn nhà hàng xóm hoàn toàn không vì do sự vui thích hay vì một lợi ích nào cả; tuy nhiên, phải có một lý do "tốt" nào đó chứa ẩn trong hành động trên – tức giá trị thầm kín thôi thúc đưa tới hành động đó – nếu không, hành động "hái trộm" đã không xảy ra.
Nhà tư tưởng Augustinô đã trình bày điều đó bằng những lời quá nghiêm khắc và bi thảm, đến nỗi khiến cho không ít độc giả tân thời ngày nay cảm thấy như bị khiêu khích về cách quá "phóng đại" vấn đề tội lỗi. Bởi vì, theo họ, nội dung vấn đề ở đây chỉ là một vài quả lê lặt vặt. Nhưng đối với Augustinô thì ông lại xác tín rằng vấn đề trọng tâm ở đây là vấn đề nguyên tắc. Vì cuối cùng hành động bị cấm kị đã thực sự xảy ra. Nhưng nếu người ta làm một điều gì đó, bởi vì nó bị cấm, thì nó trở nên điều cấm kị, tức chính điều xấu trở thành nguyên tắc cho hành động, còn một vài quả lê trên thực tế chỉ còn là dịp để hành động được cụ thể hóa mà thôi.
Trong cuốn sách thứ bảy, Augustinô còn bàn đến đề tài này một lần nữa. Sau khi những xác tín của ông về thuyết Nhị Nguyên sụp đổ, nhà tư tưởng Augustinô đã tìm gặp nơi học thuyết hậu Platonisme một ánh sáng giúp nhìn thấy được rằng không phải tất cả đều trở thành thực tiễn trong cùng một cách thức như nhau. Bằng mọi giá, nhà tư tưởng Augustinô muốn biết là sự dữ xuất phát từ đâu, tức đâu là nguồn gốc sự dữ. Ông cũng cho hay là xưa kia ông rất sợ chết trước khi có thể khám phá ra được chân lý. Nhưng Augustinô đã nhận thức được rằng bản chất của sự dữ là sự tiêu diệt. Tuy nhiên, sự dữ không thể trở thành thực tiễn cùng một cách thức như cái bị tiêu diệt. Điều đó cũng muốn nói rằng, sự dữ thực sự hiện hữu và gây tác dụng thực tiễn. Tất cả những gì được tạo dựng nên đều thiện hảo, còn cái ngược lại, tức nguyên nhân gây ra sự tiêu diệt là xấu. Sự dữ không phải là một cái gì chỉ có vẻ bề ngoài, nhưng là một thực tại. Vì thế, nếu trong Kinh Lạy Cha chúng ta cầu nguyện: "Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ", thì điều đó gián tiếp quả quyết sự hiện hữu của sự dữ, vì chúng ta không cầu xin được gìn giữ trước một sự dữ "vô hữu". Một sự sợ hãi trước một sự dữ chỉ có vẻ bề ngoài mà thôi, chứ không hiện hữu thực sự, thì chỉ là một sợ hãi viễn vông, vô lý do. Như vậy, sự dữ là một cái gì thực tiễn.
Có lẽ thời kỳ nổi danh nhất của Augustinô, là khi ông tường trình về quyết định dứt khoát là xin được chịu Phép Thánh Tẩy của mình. Đó là điều đã xảy ra vào Lễ Phục Sinh năm 387 tại Milanô do Giám Mục Ambrôsiô chủ sự. Tuy nhiên, lúc bấy giờ trong lòng Augustinô không chỉ ngự trị hai "linh hồn", nhưng chính ông cũng bị phân hóa sâu xa với chính mình. Đúng lúc đó, ông đã nghe được câu hát của những đứa trẻ đang chơi ở vườn nhà bên cạnh: "Cầm lấy và hãy đọc đi!" Câu hát đơn sơ này đối với Augustinô trong lúc bấy giờ có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Ông vội chạy đến nhà người bạn tên Alypius và mở Thư Thánh Phaolô liền gặp ngay câu này: "Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Đức Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng…" (Rm 13,13tt)
Như vậy, nhà tư tưởng Augustinô đã tìm được cho đời mình một định hướng rõ rệt. Nhiều năm sau đó, trong tác phẩm "Tự Thú", Augustinô còn suy tư và tự hỏi một lần nữa: Phải chăng ý chí không phải là một động lực thúc đẩy tự nhiên trong tác động của con người? Bình thường, người ta muốn hoặc cũng có thể người ta không muốn; hay nói rõ hơn, người ta muốn một điều gì đó, nhưng người người ta lại không muốn thực hiện nó. Nhưng dĩ nhiên, điều đó chỉ có giá trị nếu như trong những tình huống đòi hỏi phải có sự quyết định và đồng thời sự định hướng vẫn không thay đổi.
Nhưng bây giờ một vấn đề khác có liên quan đến điều mà Augustinô muốn định hướng trong tương lai. Ý chí của ông không bị phân hóa, ông cũng không lưỡng lự giữa hai ý chí, chẳng hạn: một đàng thì muốn chịu Phép Thánh Tẩy, còn đàng khác lại không muốn. Nhưng ý chí của Augustinô chỉ còn non yếu, chưa vững mạnh mà thôi. Và một ý chí còn non yếu thì không thể trở nên mạnh mẽ qua một sự quyết định được. Đối với Augustinô, điều đó cho thấy rõ ràng là trong một tình huống như vậy, chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể tìm ra được một lối thoát, một cách giải quyết hợp lý được. Vì thế theo ông, giáo huấn về ơn thánh là chính thần học giải phóng.
Nhà tư tưởng Augustinô muốn nói lên rằng mặc dù ông đã xa lìa Thiên Chúa, nhưng ngược lại, Thiên Chúa luôn ở bên ông và đồng hành với ông, cả khi ông bước đi trên con đường lầm lạc. Đúng vậy, Thiên Chúa luôn luôn gần gũi bên con người, dù cho con người thường đã không ý thức được sự hiện diện gần kề đó của Thiên Chúa. Đối với Augustinô, Thiên Chúa "còn gần gũi thân thiết với con người hơn cả con người đối với chính mình."
Sự cứu thoát không phát xuất từ con người, nhưng phát xuất từ nội tâm dưới tác động của Thiên Chúa. Điều đó cho thấy rằng, nhà tư tưởng Augustinô không viết cho những người tò mò, nhưng cho những người thường thất vọng nghĩ rằng cuộc sống của họ vô ý nghĩa và không có mục đích hay không phải là mục đích mà họ có thể đạt tới và hiện thực được. "Con đã yêu Chúa trễ tràng". Trễ tràng, nhưng không quá trễ.
Đây quả thực là lịch sử một cuộc đời đi tìm kiếm đức tin một cách lạ lùng không thể tưởng tượng được. Chính từ cuộc đời đó nhà tư tưởng Augustinô đã biên soạn ra được một tác phẩm vĩ đại và vô giá: Cuốn "Confessio" - hay Bekenntnisse, hay Tự Thú. Và đó phải là tác phẩm của một vị thánh. Vâng, tác giả của tác phẩm vĩ đại "Tự Thú" là một vị thánh, một vị đại thánh của Giáo Hội: Thánh Augustinô!Sách tham khảo:
Augustinus: "Bekenntnisse"(Tự Thú). Sel Verlag, Frankfurt am Mainz 2006.
Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010
Guong Thanh Nhan
St. Augustinus of Hippo
Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
(354-430)
Aurelius Augustinus sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Tagaste, Numidia thuộc Bắc Phi Châu. Cha Ngài là người ngoại giáo, mẹ Ngài là Thánh nữ Monica.
Nhận thấy Augustinô sáng trí và có nhiều triển vọng nên hai ông bà quyết định cho Ngài theo đuổi việc học tới cùng. Nhưng tại kinh thành Carthage, Augustinô bị tiêm nhiễm bởi nếp sống trụy lạc sa đoạ và chạy theo những tư tưởng lạc giáo Manichaeans trái nghịch với đức tin Công Giáo. Mẹ Ngài hết sức đau buồn và bà hằng cầu nguyện cho Ngài.
Sau những năm đắm mình trong tà thuyết và lạc thú, Augustinô chán ngán và rơi vào một tình trạng cô đơn, sầu muộn tột độ. Chính trong lúc ấy, Chúa đã đến gõ cửa lòng Ngài; chỉ một câu Thánh kinh: "Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô nữa, nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô" đã khiến đời Ngài chuyển hướng hoàn toàn. Ngài bắt đầu nghiên cứu giáo lý Công Giáo, theo sự chỉ dẫn của Ðức Cha Ambrosiô ở Milan và Ngài đã được rửa tội năm 387, lúc đó Ngài đã 33 tuổi.
Mẹ ngài qua đời, ngài trở về Carthage (Phi Châu) và bán hết tài sản cho người nghèo, sống một cuộc đời khổ hạnh và sám hối trong một dòng tu. Sau đó Ngài được đề cử làm Giám Mục thành Hyppo năm 396. Sự khôn ngoan và thánh thiện của Ngài đã giúp cho Giáo Hội Phi Châu tiến triển rất nhiều. Ngài còn để lại những bộ sách quý giá về thần học, minh giáo và chú giải Thánh kinh. Trong suốt khoảng thời gian làm Giám Mục, Ngài còn thể hiện một tinh thần khiêm tốn và tình huynh đệ bác ái tuyệt hảo đối với các Linh Mục dưới quyền Ngài.
Thánh nhân qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo, hưởng thọ 76 tuổi. Mộ thánh nhân được an vị trong VCTĐ San Pietro tại Cielo d’Oro, Pavia thuộc miền Bắc nước Ý Đại Lợi, nơi giữ hài cốt của thánh Augustinô kể từ năm 725. Ngày 20 tháng 9 năm 1295, Đức Giáo Hoàng Bonifacius VIII đã tuyên phong thánh Augustinus ở Hippo cùng với thánh Ambrosius, thánh Gregory Cả và thánh Jérome là các thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội La Tinh .
Là Kitô Hữu lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, được tấn phong giám mục lúc 41 tuổi: ai ai cũng quen thuộc với tiểu sử tóm lược của Thánh Augustine Hippo, một tội-nhân-trở-thành-thánh-nhân. Nhưng có thực sự biết về cuộc đời thánh nhân thì điều đó mới có giá trị. Dù khi xa cách Thiên Chúa hay hướng về Thiên Chúa, đời sống của ngài mau chóng đạt đến mức độ mãnh liệt. Nước mắt của mẹ ngài, những lời huấn đức của Thánh Ambrôsiô và, trên hết mọi sự, chính Thiên Chúa nói với ngài qua Kinh Thánh đã thay đổi tính yêu đời của Augustine thành một cuộc đời đầy bác ái.
Từng đắm chìm trong sự cao ngạo về cuộc đời mình trong thời niên thiếu và từng say sưa cặn bã cay đắng của cuộc đời, nên người ta không ngạc nhiên khi thấy Augustine quay trở về, với sự thánh thiện mãnh liệt, để chống trả những tấn công của ma quỷ trong cuộc đời ngài. Thời đại của ngài thực sự sa sút -- về chính trị, xã hội và luân lý. Người ta vừa sợ và vừa mến ngài, giống như Thầy Giêsu. Ngài bị chỉ trích không bao giờ cùng: là bản tính khắt khe của loài người.
Cuộc đời ngài, do thiên ý, ngài đã chu toàn nhiệm vụ của một ngôn sứ. Như ngôn sứ Giêrêmia và các vị đại ngôn sứ khác, ngài bị chèn ép nhưng không thể giữ im lặng. "Tôi tự nhủ, tôi sẽ không nhắc đến Ngài, tôi sẽ không nhân danh Ngài mà lên tiếng nữa. Nhưng rồi như lửa bừng cháy trong tim, giam hãm thân thể tôi; và tôi cầm hãm không nổi, chịu đựng không thấu" (Giêrêmia 20:9).
Lời Bàn
Trong thời đại chúng ta, Thánh Augustine vẫn còn được xưng tụng và vẫn còn bị kết án. Ngài là vị ngôn sứ của thời đại ngày nay, thúc giục chúng ta phải từ bỏ khuynh hướng thoát ly thực tế và can đảm đối diện với trách nhiệm và phẩm giá của mỗi một con người.
Lời Trích
"Thật quá trễ để con yêu mến Ngài, ôi Ðấng Tuyệt Mỹ của ngày xa xưa ấy, nhưng mới lạ hơn bao giờ hết! Thật quá muộn để con yêu mến Ngài! Và đây, Ngài ở bên trong, và con ở bên ngoài, và con đi tìm Ngài; con bị méo mó, đắm chìm trong những hình dạng đẹp đẽ mà Ngài đã dựng nên. Ngài ở với con, nhưng con không ở với Ngài. Nhiều thứ đã giữ con xa Ngài -- những thứ mà nếu chúng không ở trong Ngài, thì chẳng là gì cả. Ngài kêu lớn và gào thét vào sự ngơ điếc của con. Ngài lấp lánh và chiếu sáng vào sự mù quáng của con. Ngài thở hương thơm và con bị lôi cuốn -- và con khao khát Ngài. Con đã nếm thử, và con đói khát. Ngài chạm đến con, và con đã bừng cháy vì sự bình an của Ngài" (Tự Thú của Thánh Augustine).
(Trích Gương Thánh Nhân - ns Người Tín Hữu online)
(Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints)
Guong Thanh Nhan
THÁNH NỮ MONICA (St. Monica)
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
Có những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác.Có những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác . Giọt nước mắt của người mẹ luôn có tác dụng rất lớn đối với con cái. Giọt nước mắt của thánh nữ Monica đã biến đổi cả cuộc đời của Augustinô,người con trai, đầu lòng thông minh nhưng ngang tàng, trụy lạc. Thánh nữ Monica đã cầu nguyện, đã khóc lóc, Chúa đã nhậm lời và ban cho con của thánh nữ là Augustinô ơn cải hóa từ tâm, ơn đổi mới tâm hồn,ơn làm đẹp con tim :con tim mới,cái nhìn mới .
MỘT CON NGƯỜI
Có một người nữ được sinh ra trong một gia đình đạo hạnh, thánh thiện:tên người nữ ấy là Monica . Monica sinh vào năm 332 tại làng Sucara bên Phi Châu.Gia đình Monica vốn có truyền thống đạo đức,yêu thương tha nhân,yêu thương người nghèo .Được sống trong bầu khí đạo đức của gia đình, monica sớm trở thành một cô bé ngoan hiền, nhiệt thành, sốt sắng. Ngay từ lúc còn nhỏ Monica đã có tâm hồn quảng đại yêu thương người nghèo:mỗi bữa cơm Monica thường dành ra một phần cho người đói túng thiếu và Monica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật nói chuyện với Chúa .Monica đã biết biến những phút giây gặp gỡ người nghèo, chia sẻ cho người nghèo, cầu nguyện làm hạnh phúc cho đời mình. Cô đã biết biến những phút giây ấy làm phút giây cứu độ cho mình và cho người khác.
Con người đạo đức vẫn thường gặp truân chiên như nhiều người thường nói . Oâng Gióp đã là chứng minh hùng hồn cho cuộc đời thánh thiện,nhưng gặp toàn những chuyện thử thách,rắc rối .
Thánh Giuse là người công chính nhưng cũng gặp đắng cay nếu không hiểu được ý Chúa, chắc chắn Người đã đứt gánh giữa đường. Monica cũng nằm trong diện ấy . Năm 22 tuổi,vì vâng lời cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi quí phái,nhưng tính tình xấu xa,ngang ngược,độc ác và lại hơn Monica cả hai con giáp.Đau khổ nhưng Monica đã chấp nhận ý cha mẹ và âm thầm cầu nguyện cho chồng vì thánh nữ xác tín mình sẽ cứu được một linh hồn trở về với Chúa.Nhờ lòng quả cảm,đức tính khiêm nhường,và nhờ cầu nguyện vững tin vào Chúa, Monica đã cảm hóa được người chồng và sau này bà sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng sau này chính nhờ những giọt lệ thành tâm và nhờ lời cầu nguyện liên lỉ của thánh nữ, Augustinô đã trở lại và trở nên thế giá , trở nên thánh .
VẪN GIỌT NƯỚC MẮT CỦA MONICA
Monica tuy sống trong một gia đình ngoại giáo,đã luôn chứng tỏ bà có Chúa ở cùng.Sự thánh thiện, lòng quảng đại, yêu thương của Monica đã cảm hóa được người chồng ác độc,ngang tàng,ích kỷ. Monica luôn dậy con cái biết mến Chúa, yêu người .Bà luôn yêu thương con cái với tất cả con tim,với tâm hồn đầy ắp Chúa . Bà đã biết biến mọi giây phút trong cuộc đời của bà trở thành những giây phút,những cơ hội hồng ân để thay đổi lòng người khác. Chính cái phút giây bà vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius đã thay đổi đời bà, nghĩa là bà đã chấp nhận điều mình không ưa thích để biến nó thành phút giây cứu độ cho mình và cho người mình sẽ sống, sẽ nhận làm chồng dù rằng bà biết bà sẽ phải đau khổ nhiều, phải hy sinh, phải từ bỏ.Tình yêu Đức Kitô thúc bách bà . Bà đã đi tới cùng, bà đã làm thay đổi chồng, con và biến đổi người con trụy lạc,ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp cho Giáo Hội . Qua những giọt lệ của Monica, qua lời cầu xin tha thiết của bà, monica đã làm thay đổi tất cả, đã làm mới mọi sự để bà có thể nói được như ông già Siméon :” Giờ đây xin để tôi tớ ra đi bình an…” .
Thánh nữ Monica đã qua đời năm 387 sau khi Augustinô được thánh Giám mục Ambrosiô rửa tội.Thánh nữ được an táng tại Otti . Đức Thánh Cha Martinô truyền đem xác thánh nữ về nhà thờ Thánh Augustinô ở Roma vào năm 1430.
Lạy Thánh nữ Monica, xin ban cho các bà mẹ công giáo luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức như thánh nữ .
Xin cho các bà mẹ luôn biết giáo dục con cái mình biết mến Chúa và yêu người .
Xin cho các bà mẹ công giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu tha nhân.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)