Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010
"Phuc cho ai song trong sach, vi ho se duoc nhin xem Thien Chua"
Chính trị của khiêu dâm
Tại nhiều thành phố lớn của Mỹ, các khu hào nhoáng trước đây vốn chứa những rạp chiếu bóng, những tiệm sách khiêu dâm và nhiều ổ múa cởi truồng đã biến đi, nhường chỗ cho những cao ốc tráng lệ dùng làm văn phòng hay những tiệm cà phê sang trọng. Có phải dấu chỉ canh tân đô thị ấy cũng có nghĩa việc canh tân luân lý hay không? Phải chăng nước Mỹ, sau cùng, đã chán chường cái trò khiêu dâm kia? Bất hạnh thay, không hẳn như vậy. Kỹ nghệ khiêu dâm chỉ rời địa điểm từ những khu phố nội thành tới một chỗ còn gây hại hơn nữa, đó chính là gia đình, nơi nó xâm nhập một cách nhẹ nhàng nhờ những phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất.
Tờ U.S. News and World Report số ngày 10 tháng Hai năm 1997, tiết lộ nước Mỹ đã sa lầy một cách sâu xa ra sao trong việc mô tả mồn một những tồi tệ về tình dục của mình. Và một trong các dấu chỉ của thời đại là bài báo về khiêu dâm được dùng làm bìa này đã được trình bày trong phần “Kinh Doanh và Kỹ Thuật”. Bài báo này cho hay: văn hóa khiêu dâm hạng nặng hiện đã trở thành một kỹ nghệ trị giá tới 8 tỷ mỹ kim. Một bài báo khác, tựa là “Khiêu Dâm Đi Vào Chính Dòng” (Porn Goes Mainstream) cũng được đăng trong phần “Kinh Doanh”, nhưng của tạp chí Time số ngày 7 tháng Chín năm 1998, còn ước lượng lớn hơn thế, cho rằng kỹ nghệ ấy đạt tới 10 tỷ mỹ kim. Điểm giống nhau của hai bài báo ấy là: văn hóa khiêu dâm hạng nặng hiện vượt quá số thu nhập của mọi cuốn phim của Hollywood chiếu tại các rạp trong nước và hơn hẳn mọi doanh nghiệp nhạc rock và nhạc “đồng quê” (country music) gộp lại. Năm 1996, 665 triệu cuốn video khiêu dâm hạng nặng đã được thuê bao, hơn hai cuốn cho mỗi người đàn ông, đàn bà, và trẻ em tại Mỹ. Tình dục hiển thị đã trở thành yếu tố quyết định đối với các tiệm video, các công ty vận chuyển đường dài như AT&T, các công ty truyền hình cáp hệ (cable companies) như Time Warner và Tele-Communications, Inc., cũng như các hệ thống khách sạn như Marriott, Hyatt, và Holiday Inn. Thêm vào đó, còn có khoảng 100,000 trang mạng khiêu dâm trên Liên Mạng, cung ứng hàng triệu các hình ảnh khiêu dâm hạng nặng, mà một số người ta còn có thể “hành động qua lại” (interactive) được. Văn hóa khiêu dâm quả đã trở thành chính dòng. Làm thế nào một việc như thế lại có thể xẩy ra?
Dân chủ trị sản sinh ra khiêu dâm trị
Một câu giải đáp đã được Milos Forman đưa ra. Ông này vốn là nhà đạo diễn của The People vs. Larry Flynt, một cuốn phim nói về nhà xuất bản của tạp chí Hustler. Để bênh vực cho cuốn phim của mình, Forman cho rằng dù ta không thích văn hóa khiêu dâm, nó vẫn hết sức chủ yếu đối với nền tự do của ta. Ông ta lấy kinh nghiệm bản thân đã sống dưới hai chế độ Quốc Xã và Cộng Sản để minh họa tầm quan trọng của Tu Chính Án Thứ Nhất. Forman chủ trương rằng: nếu ta cho phép hủy diệt một hình thức ngôn luận dựa vào ý kiến của một số người không thích hình thức ấy, thì ta không thể không cho phép việc hủy diệt bất cứ hình thức ngôn luận nào. Bác bỏ một chọn lựa, là bác bỏ mọi sự chọn lựa khác. Đã nhận là nhận tất cả. Đã bác bỏ là bác bỏ tất cả. Dân chủ trị phải sản sinh ra khiêu dâm trị, vì xem ra dân chủ là phải được hoàn toàn tự do chọn lựa bất cứ điều gì mình muốn.
Ngày nay, một quan điểm như trên ít còn bị ai coi là cực đoan nữa. Dù sao, chính Tối Cao Pháp Viện, trong phán quyết Planned Parenthood vs. Casey năm 1992 đã phát biểu rằng: “Ở tâm điểm của tự do, chính là quyền người ta được tự xác định lấy ý niệm riêng của mình về hiện hữu, về ý nghĩa, về vũ trụ và về lẽ huyền nhiệm của sự sống con người”. Áp dụng thứ triết lý “giải phóng” ấy vào văn hóa khiêu dâm, Chánh Án Liên Bang của New Jersy là Alfred Wolin đã nghiêng về phía hai tên ấu dâm, lúc ấy đang thách thức lệnh cấm văn hóa khiêu dâm tại cơ sở cải tạo Avenel của tiểu bang dành cho các phạm nhân liên tiếp phạm tội tình dục. Và Tòa Thượng Thẩm thứ 9 ở San Fransisco đã phán quyết là vi hiến lệnh của một quận thuộc tiểu bang Arizona cấm không cho vẽ hình loã thể tại các phòng giam của quận
Nếu thứ triết lý đứng đàng sau phán quyết Casey mà đúng, thì chủ trương của Forman cũng đúng luôn. Và nếu cứ như thế, thì kết cục không còn tiêu chuẩn nào nữa để phân biệt giữa khiêu khâm và các hình thức ngôn luận khác, tất cả chỉ tùy ở khiếu thưởng thức của bản thân mình mà thôi. Việc nhìn nhận rộng rãi đối với quan điểm này đã mở rộng cửa cho văn hóa khiêu dâm hạng nặng tràn vào. Chỉ có vấn đề là việc tràn ngập này đe dọa chính nền dân chủ đã từng cho phép nó tràn vào.
Chìa khóa tự do là đức hạnh
Lý do: chìa khóa của tự do không phải là việc tự do chọn lựa. Như ta biết trong trường hợp Cộng Hòa Weimar, người dân được tự do chọn lựa bất cứ điều gì, kể cả Hitler. Thực ra, như các nhà lập quốc của Hoa Kỳ từng chủ trương, chìa khóa của tự do chính là đức hạnh (virtue). Chỉ có con người đức hạnh mới có khả năng biết đồng ý cách hợp lý vì chỉ có lý trí của con người đức hạnh mới không bị các lý giải thường tình của tội ác phủ mây mù. Tội ác luôn luôn làm độc khả năng phán đoán. Bất chấp các định chế của họ có dân chủ đến đâu, những con người bị yếu liệt về luân lý không thể nào tự do được. Và những người đã trở thành nô lệ cho dục vọng của mình chắc chắn cũng trở thành nô lệ cho những tên bạo chúa. Chính vì thế, các vị lập quốc của Mỹ đã xây dựng sự thành công của nền dân chủ Mỹ trên đức hạnh của người dân Mỹ.
Dưới ánh sáng trên, quả là sai lầm hay xuyên tạc theo kiểu Orwell khi cho rằng nước Mỹ tự do vì nó đã sản xuất ra văn hóa khiêu dâm hạng nặng, như Forman vốn nghĩ. Các tác giả của Tu Chính Án Thứ Nhất chắc chắn nghĩ ngược lại, mà cho rằng: việc chấp nhận văn hóa khiêu dâm sẽ đưa tới chỗ hủy diệt khả năng tự do của ta, cả theo nghĩa bản thân lẫn nghĩa chính trị, và do đó phải bị nghiêm cấm.
Các vị lập quốc của Mỹ từng ngăn cấm văn hóa khiêu dâm không những vì nó phá hoại đức hạnh, nhưng vì nó còn tấn công cả nền tảng chính trị của xã hội nữa. Dù phần lớn được tiêu thụ một cách tư riêng, nhưng khiêu dâm đã trở thành một vấn đề chính trị khi được phổ biến vì nó phá hoại đức trong sạch (chastity). Trong sạch không phải chỉ là một nhân đức luân lý; nó còn cần thiết đối với trật tự chính trị. Trong sạch là thành phần yếu tính đối với việc vận hành của cốt lõi chính thể. A-rít-tốt không khởi đầu cuốn The Politics bằng một cá nhân nhưng bằng việc mô tả một người đàn ông và một người đàn bà sống với nhau trong một gia đình. Không có gia đình ấy thì toàn bộ xã hội không hiện tồn. Một gia đình lành mạnh phải được đặt căn bản trên liên hệ tính dục độc hữu giữa một người chồng và một người vợ. Chỉ riêng gia đình mới có khả năng đem lại sự ổn định cần thiết cho mối liên hệ sâu xa mà sự kết hợp tính dục vừa biểu tượng vừa keo sơn gắn bó, và cho phúc lợi của con cái vốn từ đó phát sinh ra. Phạm đến đức trong sạch không những phá hoại gia đình, mà còn phá hoại cả toàn bộ xã hội nữa. Cho nên, ta có thể gọi đức trong sạch là nguyên tắc chính trị đầu hết.
Phá hoại mối liên kết tính dục của vợ chồng
Không gì phá hoại mối liên kết tính dục của vợ chồng bằng văn hóa khiêu dâm. Như cha
James Schall từng viết trên Crisis, “Bất cứ khi nào ta tìm khoái lạc mà không đặt cơ sở đúng sai của nó trên hành động trong đó nó hiện hữu, là ta tách rời khoái lạc, hay hành động, ra khỏi thực tại”. Văn hóa khiêu dâm tách biệt hành động thể lý của làm tình và khóai lạc nó đem lại ra khỏi thực tại bằng cách biến nó thành một đồ vật để ngắm nghía. Văn hóa khiêu dâm thu gọn hành vi phu thê vào một biến cố có tính tuyến hộ (glandular); nó không thể “nhìn” hành vi kia như một hành vi yêu thương, cùng lắm chỉ như những người làm tình. Nhưng như John Wayne có lần phát biểu, tình dục không phải là một môn thể thao dành cho khán giả (spectator sport).
Biến việc làm tình thành một vật để nhìn là giật gân hóa nó và tách biệt nó khỏi hậu cảnh kết hợp và phụ tạo (procreative) của nó. Văn hóa khiêu dâm biến thành phần thành toàn bộ và biến phương tiện thành mục đích. Làm thế, nó đã dối trá về điều nó muốn trưng bày: chính bản chất của bộ phận sinh dục đã bị bác bỏ. Vì chúng hoàn toàn vô sinh (sterile). Văn hóa khiêu dâm loại bỏ việc thụ thai, vì theo lẽ tự nhiên, khả thể có thai đã qui hướng việc làm tình theo một mục đích bên trong gia đình. (Nếu coi việc làm tình có tính sản sinh, thì việc mô tả về nó gần như không bao giờ bị coi là khiêu dâm cả. Đó chính là lý do khiến các hình ảnh sinh nở trong nghệ thuật thị tộc của Phi Châu, như các hình ảnh âm hộ hay nhũ hoa phần lớn quá khổ của họ, không bao giờ bị coi là khiếm nhã cả về ý hướng lẫn hiệu quả). Việc vi phạm tới mối liên hệ nhân bản căn rễ giữa vợ chồng đã gieo họa cho toàn bộ trật tự xã hội và chính trị. Nếu đức trong sạch cần thiết, không thể không có, đối với trật tự chính trị, thì nền chính trị của khiêu dâm quả là hỗn mang, và sự hỗn mang này chắc chắn sẽ dẫn tới chế độ bạo quyền.
Người xưa hiểu rõ điều trên. Euripides và các nhà Cổ Điển Hy Lạp, vốn được các nhà lập quốc Mỹ học hỏi, biết rất rõ rằng Eros (tình yêu nhục dục) không phải là một trò đùa. Trong The Bacchae, Euripides chứng minh cho thấy việc làm tình sẽ bất ổn xiết bao khi tách nó ra khỏi trật tự luân lý. Khi Dionysus viếng thăm Thebes, ông dụ Vua Penthius bí mật đi coi các phụ nữ loã thể đang khiêu vũ tại sườn núi phía địch thù l à ph ía c ủa Dionysus. Vì Penthius sa ngã, chiều theo ham muốn xác thịt, nên trật tự chính trị của ông xụp đổ, và bà mẹ ông là hoàng thái hậu Agave chỉ còn biết tiếp nhận thủ cấp con trong lòng.
Bài học khá rõ: một khi buông lỏng Eros ra khỏi các ràng buộc của gia đình, thì các đam mê sẽ chiếm hữu linh hồn. Chiều theo chúng là một hình thức điên loạn vì các thèm muốn xác thịt không được qui về một cùng đích nào có thể làm chúng thỏa mãn. Thèm khát ấy không bao giờ no thỏa. Nguyên khối lượng văn hóa khiêu dâm đủ để minh chứng điều ấy. Tại sao lại có quá nhiều thứ văn hóa ấy? Vì khiêu dâm chỉ nói về một chuyện, nên các khả thể nói về nó hiển nhiên phải hạn chế mới đúng chứ, cùng lắm chỉ để làm tài liệu. Như thế chỉ cần một bộ gồm một ngàn phim khiêu dâm là đủ rồi mới đúng chứ. Nhưng rõ ràng không phải thế, vì trên thực tế có cả hàng ngàn phim khiêu dâm như vậy. Mỗi tuần, riêng tại Mỹ mà thôi, có đến 150 phim được sản xuất, mỗi năm có tới 8,000 phim. Thêm vào đó, còn có hàng triệu hình ảnh khiêu dâm trên liên mạng và vô vàn tạp chí khiêu dâm hàng tháng. Ấy thế nhưng hình như vẫn không đủ, vẫn thiếu. “Không bao giờ đủ” chính là khủng hoảng thèm thuồng và là công thức đem tới thảm họa chính trị. Vì hứa hẹn một điều mà nó không có khả năng đem tới, nên sau cùng nền văn hóa khiêu dâm này chỉ đem lại một cảm thức bị phản bội. Sự vô nghĩa phù phiếm, nội tại ngay trong văn hóa khiêu dâm, rốt cuộc sẽ sản sinh ra giận dữ dẫn tới bạo lực, chán nản dẫn tới tự hủy.
Khiêu dâm từng được cố tình sử dụng như một thứ thuốc mê hoặc về xã hội và chính trị trong thời buổi có những thay đổi cách mạng. Để chuẩn bị cho Cách Mạng Pháp, nhóm Jacobins từng làm Paris tràn ngập văn hóa khiêu dâm. Còn có ai hiểu nền chính trị của khiêu dâm hay hơn Marquis de Sade, nhà khiêu dâm hàng đầu? De Sade từng hết sức thèm khát dục vọng xác thân mà không đếm xỉa gì tới các hạn chế của luân lý và thấy rõ điều ấy cuối cùng sẽ có nghĩa như thế nào. Trong cuốn The Philosophy of the Boudoir, de Sade viết rằng việc sát hại Vua Louis XVI không đủ đem lại tự do cách mạng hằng mong muốn. Luân lý tính của trật tự xã hội và chính trị đâu có chết sau khi nhà vua bị chặt đầu! Làm thế nào để triệt hạ cho bằng được cái luân lý tính ấy? Là người đầu tiên sử dụng lối nói, de Sade viết rằng việc sát hại nhà vua kia phải được tiếp nối bằng việc “sát hại Thiên Chúa”. Chỉ khi nào bãi bỏ được cái nền luân lý do Ông Vua Thần Thánh kia biểu tượng thì con người mới thực sự tự biểu lộ qua cái viên mãn của một cuộc hiện sinh khiêu dâm. Điều ấy, sau việc giết vua và giết Chúa, phải bao gồm cả việc giết người nữa. De Sade nhận ra và mô tả trong tác phẩm của mình một thứ luận lý chắc nịch về khiêu dâm: làm tình bên ngoài trật tự luân lý cuối cùng sẽ dẫn tới sát nhân và cái chết. Ông Hầu Tước chắc chẳng ngạc nhiên bao nhiêu khi FBI, trong một cuộc nghiên cứu về sát nhân, cho biết: khiêu dâm là ý thích thông thường nhất của các tên sát nhân hàng loạt. Như một tội phạm sát nhân và là người xách nhiễu tình dục trẻ em từng nói với Ủy Ban Meese: “Hiệu quả của khiêu dâm đối với tôi thật tàn hại. Tôi mất hết ý thức về thuần phong và tôn trọng sự sống con người”.
Khiêu dâm dẫn tới tự hủy
Ngày nay, người ta xem ra không học được bài học nào trên đây của Euripides vì ông ta đâu có được kể tên trên học trình hiện nay. Nhưng một sứ điệp y hệt đang trồi lên một cách rõ nét trong các phim khiếp đảm tân thời. Lời dạy không thay đổi và gần như không cố ý của những cuốn phim trên là như thế này: nếu bạn hoang dâm, bạn sẽ chết. Điều ấy được phát biểu một cách không chải chuốt trong những phim giết người (slasher movies) như Friday the 13th (Thứ Sáu Mười Ba), trong đó, việc làm tình trước hôn nhân của thiếu niên đã làm gia tốc việc xuất hiện của con quái vật, m ột con vật sẽ đóng cọc qua tim hay đóng búa vào đầu những người hoang dâm. Tuy nhiên, một cách bàn bạc có tính tân kỳ hơn về đề tài này tìm thấy trong Aliens 3, là cuốn thứ ba trong bộ bốn cuốn phim khiếp đảm.
Trong cuốn phim khiếp đảm có tính giả tưởng khoa học này, các tội phạm đàn ông lì lợm nhất đã bị cách ly trên một hành tinh không có người ở, nơi đó họ phải tự xoay sở mà sống. Nhận ra nhu cầu phải thiết lập một trật tự chính trị, các tù nhân đã chọn lời thề giữ mình trong sạch làm nguyên tắc nền tảng. Nhờ thế, họ có thể sống một cách thoải mái trong lối sống gần như đan viện này. Tuy nhiên, sau đó, người ta gửi tới họ một nữ phi công tên Ripley. Cô ta phá bỏ lời thề bằng cách ăn nằm với vị bác sĩ của các tù nhân. Vì thế, lẽ dĩ nhiên, vị bác sĩ này phải chết trong tay con quái vật. Ripley cố gắng chiến đấu với con quái vật đó, nhưng không thành công. Vì luật sắt của loại phim khiếp đảm đòi buộc chỉ có trinh nữ mới có thể đánh bại quái vật mà thôi. Thực ra, ta thấy trứng của con quái vật đã được ‘cấy’ vào Ripley ngay trong chuyến du hành cô tới đây. Tính biểu tượng ở đây khá hoàn bị: con quái vật thực sự chính là Eros; nó vốn không bị trói buộc bởi trật tự luân lý và đã nằm sẵn trong chính bản ngã ta khi ta đầu hàng nó. Khỏi cần nói ta cũng thấy rằng sự phản bội của Ripley đối với nguyên tắc nền tảng của hành tinh này sẽ đem tai họa lại cho mọi cư dân của nó. Cô ta chỉ có thể tự cứu chuộc mình qua một hành vi hoàn toàn tự hiến sinh bằng cách tự gieo mình vào chảo kim khí nóng chẩy, trong khi con quái vật xé nát lồng ngực cô ra. Cô ta lao mình xuống đó trong trạng thái vươn hai cánh tay ra như hình thập tự. Một lần nữa, ta lại thấy Eros hoàn toàn phóng túng đã dẫn tới sự tự hủy hoàn toàn, dù có đôi chút ý nghĩa cứu chuộc, như trong trường hợp này.
Điều duy nhất có thể thuần thục hóa được Eros và hướng nó tới một cùng đích có thể thoả mãn được đam mê tính dục là tình yêu, là thứ tình sẽ dẫn Eros ra khỏi sự chết, và đúng hơn, theo nghĩa đen, dẫn nó tới sự sống mới. Khi một con người đặc thù nào đó trở thành đối tượng của tình yêu, thì không ai có thể thay thế người này được. Tình yêu đòi độc chiếm, và tính độc chiếm đó, ta tìm thấy nơi hôn nhân. Thèm muốn nên một trong kết hợp phu phụ cũng là thèm khát được mầu mỡ đơm bông kết trái. Việc hiến thân trong mê dại và toàn diện của hành vi phu phụ là một khẳng nhận đầy hân hoan khả thể muốn có được nhiều hơn, nơi con cái.
Văn minh là biết nhận người khác như một hữu thể nhân bản
Khiêu dâm là một lừa dối, một giả mạo vì nó mô tả “tình yêu” mà chả có tình yêu chút nào. Khi con người kia không được yêu thương, thì khiêu dâm quả chỉ đòi hỏi việc phi nhân bản vị (depersonalization) và tính nặc danh. Với tính dục khiêu dâm, việc thay ‘ngựa’ không những là việc có thể chấp nhận được mà còn chủ yếu nữa. Như nhà thần học Josef Pieper từng nói, khiêu dâm lột bỏ chiếc lá che khỏi các bộ phận sinh dục và đặt nó vào mặt con người. Khiêu dâm không phải chỉ lột bỏ áo quần người dự cuộc; nó lột bỏ chính tính người của họ.
Hành vi chính yếu của văn minh là nhìn nhận người khác như một hữu thể nhân bản. Khiêu dâm ‘treo chén’, nếu không muốn nói là kết liễu, hành vi nhìn nhận kia vì nó phi nhân hóa cả đối tượng lẫn chủ thể. Solzhenitsyn có lần tự hỏi, “nếu mất đi các ý niệm tốt xấu, thì ta còn lại gì? Chẳng còn lại gì hết ngoại trừ sự thao túng lẫn nhau. Ta sẽ thoái hóa xuống hàng thú vật”. Câu nói của Solzhenitsyn cho thấy rõ các vấn đề chính trị của khiêu dâm. Làm thế nào cai trị được các con vật? Chúng có cần tự do ngôn luận hay không?
Giải pháp thay thế
Giải pháp thay thế cho khiêu dâm không làm người ta mất tự do như Forman nghĩ, nhưng giúp duy trì sự tự do đó. Kiểm duyệt khiêu dâm là dấu chỉ của một xã hội lành mạnh về luân lý, một xã hội biết phân biệt giữa tục tĩu nhầy nhụa và tự do ngôn luận. Từ thời các vị lập quốc cho tới những ngày gần đây, nước Mỹ vẫn là nơi không những ngăn cấm văn hóa khiêu dâm hạng nặng mà còn dùng luật lệ và thuần phong mỹ tục mà khích lệ các cuộc sống đức hạnh. Các ảnh hưởng có tính đào luyện này cho người ta thấy rõ: việc làm tình nằm trong bối cảnh gia đình. Lời dạy dỗ đó không phải là kết quả của thẹn thùa (prudery), mà là hoa trái của khôn ngoan chính trị và luân lý, vốn tạo căn bản cho một xã hội tự do.
Thiếu vắng kiểm duyệt là dấu chỉ của một xã hội không còn chú ý chi tới các phân biệt trên hay đã đánh mất khả năng thực hiện các phân biệt ấy. Chính vì thế, việc luật pháp thừa nhận cho khiêu dâm hiện hữu gây hại tới cả những người không sử dụng nó. Tại hầu hết các sạp báo (hay các máy TV cáp hệ), người ta thường thấy tạp chí Playboy nằm cạnh tạp chí Good Housekeeping. Người có suy nghĩ học được gì khi thấy cái lối sắp xếp cận kề quái dị đó? Vì lối sống do Playboy tuyên truyền chắc chắn thù nghịch với lối sống do tạp chí nội trợ kia chủ trương. Thế nhưng ở đây, chúng nằm kề nhau, mời bạn tự do chọn lựa! Nói cách khác, chắc người ấy sẽ thấy ra điều này: đây chỉ là vấn đề công chúng dửng dưng đối với việc sử dụng đúng hay sử dụng không đúng việc làm tình mà thôi. Nói chính xác hơn, việc bán buôn hợp lệ các văn hóa phẩm khiêu dâm muốn dạy người ta rằng: chẳng có sự phân biệt nào cả. Nếu người ta chịu học bài học này, thì đường ranh phân cách làm gì còn nữa? Nếu làm tình chỉ còn là một hình thức chơi vui hay giải trí, thì có gì là sai khi người ta kê gian (sodomy), đồng dâm nam (pederasty) hay ngay cả loạn luân? Chúng ta từng xuống sâu con đường này đến độ ngày nay, công chúng chỉ còn lại một chống đỡ duy nhất chống lại khiêu dâm là việc bảo vệ trẻ em. Mọi luận chứng khác đều biến mất hết.
Trong tình thế ấy, cố gắng tái lập kiểm duyệt trong đoản kỳ là một việc khó khăn và gần như không hữu hiệu về phương diện chính trị. Cố gắng ấy đã không thành công với Augustus Caesar, người đã cố gắng tái lập việc kiểm duyệt nhưng đã thất bại không ngăn được đà thoái hóa của xã hội La Mã. Điều đầu tiên cần có và quan trọng hơn nhiều là tái lập tính nhậy cảm đối với việc ngăn cấm chống lại sự mạo phạm (desecration) tính dục. Việc tái lập này không phải chỉ là việc của tôn giáo, mà phải là quan tâm chính trị sâu xa đối với tương lai của tự do. Tự do ấy đang bị lâm nguy lớn do hậu quả của khiêu dâm. Làm tình quan trọng đến độ lạm dụng nó đã trở thành phương tiện chính để người ta triệt hạ văn hóa và trật tự chính trị. Chúng ta đã tự làm cho mình mù lòa không nhìn ra mối liên kết giữa văn hóa khiêu dâm và việc tan vỡ gia đình (những người có con hiện chỉ chiếm 25% dân số Mỹ), tội ác tràn lan về tình dục (tăng 236 lần tại các trường công kể từ năm 1994), số con cái đẻ hoang gia tăng một cách ngoại thường (một trong ba trẻ mới sinh), phá thai (một triệu rưỡi một năm), và hiện tượng thô tục hóa nền văn hóa của ta một cách không kiêng nể. Ấy thế mà dù văn hóa khiêu dâm đang làm xã hội ta băng hoại như thế, vẫn không thấy một ai dám nhắc đến nó như nguyên nhân chính gây ra cảnh sa đọa của ta. Livy đề cập tới loại tê liệt trên khi ông than tiếc cảnh xuống dốc của Rôma xưa: “Ta đã tới ngày không còn chịu được cái xấu của mình và phương thuốc chữa trị các cái xấu đó”. Liệu ta có nên than thở như bà Agave của Euripides: “Dionysius đã đánh bại chúng ta. Ta thấy điều ấy quá trễ rồi”?
Theo Robert R. Reilly, InsideCatholic.com 18-02-2009
Vũ Văn An
"Hay de cac tre nho den cung Chua Gie-su Kito "
Tác hại của văn hóa khiêu dâm đối với trẻ em
Bản tin Zenit hồi tháng Mười năm rồi có đăng một bài phân tích của linh mục John Flynn, LC, về tác hại của văn hóa khiêu dâm người lớn đối với trẻ em. Theo cha Flynn, bảo vệ trẻ em khỏi bị khai thác về tính dục hiện là một ưu tiên đối với nhiều cơ quan chính phủ cũng như tư nhân. Tuy thế, một phúc trình gần đây cho hay người ta vẫn làm chưa đủ trong cố gắng chống lại các tai hại do văn hóa khiêu dâm của người lớn gây ra cho trẻ em.
Tháng Chín vừa qua, tổ chức “Morality in Media” (Luân Lý trong Truyền Thông), một tổ chức bất vụ lợi đặt trụ sở tại New York, cho công bố một bản nghiên cứu tựa đề là “Văn hóa khiêu dâm người lớn góp phần ra sao vào việc khai thác tình dục trẻ em”. Bản nghiên cứu này cho rằng nhiều cơ quan chính phủ cũng như nhiều nhóm tư nhân hiện đang làm ngơ các hậu quả tai hại của điều được họ gọi là “cuộc bùng nổ” nền văn hóa khiêu dâm hạng nặng của người lớn trên hệ liên mạng và nhiều nơi khác.
Theo phúc trình trên, nền văn hóa khiêu dâm người lớn đe dọa trẻ em nhiều cách:
-- Những kẻ tồi bại sử dụng sản phẩm của nền văn hóa này để dẫn dụ các nạn nhân của chúng;
-- Một số kẻ tồi bại tiến từ việc coi các sản phẩm văn hóa khiêu dâm người lớn qua việc coi các sản phẩm văn hóa khiêu dâm trẻ em;
-- Nhiều kẻ tồi bại thực hành những điều họ thấy trong các sản phẩm văn hóa khiêu dâm người lớn với các đĩ điếm trẻ em, và nhiều tên ma cô ma cạo sử dụng các sản phẩm văn hóa khiêu dâm người lớn để huấn luyện các đĩ điếm trẻ em;
-- Trẻ em bắt chước tác phong chúng thấy trong các sản phẩm văn hóa khiêu dâm người lớn với các trẻ em khác;
-- Việc nghiền văn hóa khiêu dâm người lớn phá hủy hôn nhân, và con cái của những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đơn lẻ dễ bị khai thác về phương diện tình dục.
Dẫn dụ
Robert Peters, tác giả bản phúc trình trên và cũng là chủ tịch của “Morality in Media”, cho hay: mấy thập niên trước đây, khi nghiên cứu các vụ án, ông đã gặp nhiều trường hợp điển hình liên quan tới việc khai thác tình dục trẻ em trong đó các phạm nhân người lớn đã từng chiếu hay cho nạn nhân trẻ em coi các sản phẩm văn hóa khiêu dâm người lớn như là một bước trong diễn trình dẫn dụ chúng.
Theo ông, từ trước đến nay, người ta vẫn tranh luận để tìm hiểu xem liệu nền văn hóa khiêu dâm của người lớn có phải là nguyên nhân gây ra các tội ác về tình dục hay không. Nhưng căn cứ vào kinh nghiệm riêng, ông nghĩ rằng dù người ta chưa nhất trí đối với nguyên nhân trực tiếp của nó, thì việc những tên tồi bại sử dụng nền văn hóa khiêu dâm của người lớn để gợi dục và vô cảm hóa các nạn nhân trẻ em của chúng chắc chắn đã là một cách góp phần gây hại của nền văn hóa này.
Nhận định của Peters không hẳn chỉ là ý kiến cá nhân. Vì một trong các phụ chương của phúc trình có chứa tới hơn 100 trang các trích đoạn từ các bản tin cũng như án tòa cho thấy các phạm nhân đã cho trình chiếu hay cho các trẻ em coi các sản phẩm khiêu dâm người lớn hay bắt các trẻ em phải coi các sản phẩm ấy.
Bản phúc trình trên tiếp tục cho hay: với thời gian, những người nghiền nền văn hóa khiêu dâm càng ngày càng cần những sản phẩm khiêu dâm lộ liễu và xấu xa hơn, hệt như những người nghiền ma túy vậy. Do đó, mỗi ngày họ mỗi cần nhiều kích thích hơn mới có được cùng một hiệu quả như trước.
Peters cũng cho hay: càng ngày càng có khuynh hướng muốn thủ diễn các tác phong nhục dục thấy trong các sản phẩm khiêu dâm. Như thế, những người sử dụng văn hóa khiêu dâm không phải là những người tiêu thụ thụ động, nhưng họ sẵn sàng thực hành điều họ thấy trong các sản phẩm đồi trụy ấy.
Các đe dọa của truyền thông
Đề cập đến chính các trẻ em, phúc trình trên cho rằng nếu một em nhỏ nào đó dám bước vào một tiệm bán đồ khiêu dâm, chắc chắn người ta sẽ ngăn cản em, vì bán đồ khiêu dâm cho trẻ em là điều phạm pháp. Nhưng ngược lại, nếu em bé đó “click” vào bất cứ trang mạng thương mại chuyên phân phối sản phẩm khiêu dâm nào, thì làm gì có ai ngăn cản, em mặc tình coi miễn phí các sản phẩm ấy, coi không hạn chế! Theo nguyên tắc, trách nhiệm ngăn cản ấy nằm trong tay cha mẹ. Họ phải dùng các đồ lọc (filters) để chu toàn trách nhiệm trên. Peters cho rằng: đã đành cha mẹ là những người đầu tiên có nhiệm vụ bảo vệ con cái khỏi các trang mạng tồi tệ. Nhưng dù các cha mẹ có cố gắng đến đâu, con cái họ vẫn có khả năng vào được các trang mạng khốn nạn trên bên ngoài gia đình hay nhờ các dụng cụ di động. Chỉ cần một em nào đó trong nhóm vào được các trang mạng đó là cả nhóm vào được.
Một trong các kết luận của bản phúc trình là lời khẩn khoản yêu cầu các giáo hội và các tổ chức tôn giáo khác hãy làm hơn nữa để đương đầu với tệ nạn văn hóa khiêu dâm của người lớn. Văn hóa khiêu dâm là một vấn đề không những đối với những người vô tôn giáo mà đối với cả những người có tôn giáo nữa. Các phương tiện truyền thông về tin tức và tiêu khiển phải hỗ trợ bằng cách tra vấn việc sản xuất và tiêu thụ văn hóa khiêu dâm, chứ không nên dửng dưng coi chúng như không có ý nghĩa gì về phương diện luân lý hay xã hội.
Đời sống gia đình
Việc bản phúc trình này cho rằng văn hóa khiêu dân đang phá hoại đời sống gia đình và trẻ em không hề là một ý kiến riêng rẽ. Tại Úc, trong một bài báo hồi tháng Ba năm 2009, tờ Sydney Morning Herald đã thuật lại hoàn cảnh một người đàn ông có gia đình bị khám phá mắc chứng nghiền văn hóa khiêu dâm. Hậu quả của cơn nghiền này hết sức đáng buồn. Bài báo này cho hay: năm 2008, các huấn đạo viên bằng điện thoại tại Mensline Australia báo cáo có sự gia tăng 34% các cú điện thoại từ những người đàn ông cho biết văn hóa khiêu dâm đang trở thành một vấn đề đe dọa mối tương quan hôn nhân của họ.
Khả năng có thể xem các sản phẩm khiêu dâm trên máy vi tính hay điện thoại di động đã phá bỏ mọi rào cản từng ngăn trở người ta trước đây, nghĩa là sự mắc cỡ khi phải bước vào một tiệm bán đồ khiêu dâm để mua hay để thuê một tạp chí hay một cuộn băng video.
Bài báo trên cho hay thêm: đối với phụ nữ, đây cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Phần lớn phụ nữ coi việc người phối ngẫu của họ sử dụng văn hóa khiêu dâm như một tội bất trung. Đó là nhận định của nhà xã hội học Michael Flood. Ông cho biết thêm: “Ngay cả lúc người chồng trung thực trong truyện này, một số phụ nữ vẫn coi việc anh ta sử dụng văn hóa khiêu dâm như một thứ ngoại tình”.
Trong khi đó, nhà duy nữ Naomi Wolf, trong một bài báo trên tạp chí Times ngày 4 tháng Tư năm 2009, ví mối liên hệ giữa kỹ nghệ khiêu dâm nhiều tỷ đô-la và việc thèm khát tình dục với mối liên hệ giữa những phần ăn quá cỡ và bệnh mập phì. Bà viết: “Việc nhìn đâu cũng thấy hình ảnh khiêu dâm không hề giải thoát quyền lực Dâm Tính (Eros), nhưng làm cho quyền lực ấy loãng ra”.
Nhiều chứng cớ khác cho thấy hậu quả của hiện tượng trên đối với trẻ em được trình bày trong một bài báo trên tờ Ottawa Citizen ngày 29 tháng Năm năm 2009. Tác giả bài báo là Richard Poulin, giáo sư xã hội học tại Đại Học Ottawa. Tại một cuộc hội nghị ở Montréal với chủ đề “Youth, Media and Sexualization” (Tuổi Trẻ, Truyền Thông và Nạn Tình Dục Hóa), ông cho hay: những vụ tấn công tình dục hiện đang được những người trẻ tuổi hơn thực hành đối với các nạn nhân ít tuổi hơn của chúng. Hơn nưa, một cuộc thăm dò được ông thực hiện giữa các sinh viên của Đại Học Ottawa cho thấy tuổi trung bình của những người lần đầu tiên nhìn xem sản phẩm khiêu dâm là 13. Tuy nhiên, tuổi trung bình ấy còn thấp hơn nữa nơi những người có cha mẹ lưu trữ văn hóa phẩm khiêu dâm trong nhà: có khi chỉ là 10 hay 11 tuổi! Ông cũng trích dẫn một cuộc thăm dò khác để nói rằng: một trong 5 người đàn ông tuổi từ 22 tới 23 đã thú nhận là họ bị lôi cuốn bởi các em gái 13 tuổi về phương diện nhục dục. Ông bảo “Đó không phải là một chiều hướng tầm phào”.
Môi trường lành mạnh
Trong bài diễn văn trước các vị giám mục Hoa Kỳ nhân chuyến viếng thăm New York và Washington D.C. năm 2008, Đức Bênêđíctô XVI có đề cập tới vấn đề văn hóa khiêu dâm. Ngài nhận định: “Trẻ em xứng đáng được lớn lên với một hiểu biết lành mạnh về tính dục và vị trí thích đáng của nó trong các mối liên hệ nhân bản. Cần phải tránh cho chúng các biểu hiện hạ cấp cũng như các khai thác thô bạo về tính dục hiện đang rất thịnh hành ngày nay”. Theo ngài, trẻ em có quyền được dạy bảo các giá trị luân lý chân chính, tức các giá trị đặt căn bản trên phẩm giá con người. Đức Giáo Hoàng cật vấn: “Nói tới việc bảo vệ trẻ em còn có nghĩa gì không khi văn hóa khiêu dâm và bạo lực được quá nhiều gia đình thưởng ngoạn nhờ truyền thông phổ biến rộng rãi ngày nay?”. Muốn đương đầu với vấn nạn này, Đức Giáo Hoàng cho hay ta cần khẩn trương lượng định các giá rị hiện đang điều hướng xã hội hiện đại. Nếu ta thực sự quan tâm tới giới trẻ, ta phải có trách nhiệm cổ vũ và sống thực các giá trị luân lý chân chính. Theo ngài, các giá trị này sẽ giúp con người triển nở.
Vũ Văn An
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)