Làm bạn với mình và làm bạn với Chúa
học cùng Giê-su
Chúng ta thường sợ sống một mình. Mỗi khi gặp chuyện buồn hay chuyện khó khăn chúng ta vẫn thường muốn tìm ‘một ai đó’ để được an ủi đỡ nâng, muốn làm ‘một cái gì đó’ để nỗi buồn được khỏa lấp. Người ta chạy trốn tình trạng một mình của mình bằng nhiều cách. Trong thực tế, có nhiều người đi tìm khỏa lấp bằng việc hùng hục lao đầu vào công việc, có người lao đầu vào sách vở phim ảnh để giải trí, có người lao đầu vào bia rượu và ma túy để giải sầu, lại có người tìm đến với cái chết để mong giải thoát…
LÀM BẠN VỚI MÌNH và LÀM BẠN VỚI CHÚA
Các bạn thân mến,
Thời gian qua, trong giới trẻ dường như ai cũngđã từng nghevà từng hát nhiều lần bài hát của nhạc sĩ Đức Huy “VÀ CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI”. Trong bài hát, có một câu làm nhiều bạn trẻ thấm thía:
“Rồi cuộc vui tàn, mọi người bước đi
Một mình tôi về, nhiều lần ước mi”
Hai câu hát trên nói về thực trạng cô đơn khi một người phải một mình đối diện với chính mình. Đó có lẽ là tình trạng mà mỗi người trẻ chúng ta thường gặp. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin chia sẻ với các bạn đôi điềuvề kinh nghiệm sống một mình, về giá trị của việc làm bạn với chính mình và làm bạn với Chúa.
Chúng ta thường sợ sống một mình. Mỗi khi gặp chuyện buồn hay chuyện khó khăn chúng ta vẫn thường muốn tìm ‘một ai đó’ để được an ủi đỡ nâng, muốn làm ‘một cái gì đó’ để nỗi buồn được khỏa lấp. Người ta chạy trốn tình trạng một mình của mình bằng nhiều cách. Trong thực tế, có nhiều người đi tìm khỏa lấp bằng việc hùng hục lao đầu vào công việc, có người lao đầu vào sách vở phim ảnh để giải trí, có người lao đầu vào bia rượu và ma túy để giải sầu, lại có người tìm đến với cái chết để mong giải thoát… Trong tất cả những ‘giải pháp’ trên, hình như người ta đều hy vọng sẽ tìm thấy hướng ra cho tình trạng của mình từ những cái bên ngoài mình. Điều đó liệu có khả thi không? Chuyện gì sẽ xảy ra khi kẻ mà tôi sợ phải đối diện lại chính là tôi? Thật ngạc nhiên khi mà tôi thường đặt tất cả hy vọng của mình vào một ai đó bên ngoài mình. Tôi sống và chiến đấu hết mình cho một điều gì đó cũng ở bên ngoài mình. Kết quả là người khác luôn có quyền làm cho tôi thất vọng, những biến cố xảy ra ngoài ý muốn của tôi luôn có thể làm cho tôi sụp đổ.
Trong tâm lý nhân bản hiện đại, người ta vẫn thường khuyên người trẻ – Hãy làm bạn với chính mình! Có vẻ như ngày nay chúng ta vẫn thường thích làm bạn với nhiều người khác, nhiều thứ khác, ngoại trừ chính mình. Cuộc sống bên ngoài quá ồn ào và hấp dẫn nên nhiều người trẻ trong chúng ta ngại quay trở về với những giá trị thuộc về chiều sâu, thuộc về nội tâm của mình. Nhiều lúc chúng ta chỉ thích đi loanh quanh bên ngoài mình mà thôi. Từ thế kỷ thứ IV, khi nhìn lại kinh nghiệm thời trẻ của mình, Thánh Augustine trong tác phẩm Tự Thuật đã viết: “Người ta ra đi đến những miền xa lạ, để chiêm ngắm những độ cao thẳm của núi non, những làn sóng oai phong của biển cả, những con nước lớn cùng sự bao la của đại dương và những đường sao bay… mà không để ý gì đến thế giới bên trong họ” (Saint Augustine, The Confessions, X, vii).
Tương tự, cũng có câu chuyện kể về người thương gia đi tìm ngọc quý. Ông ta bán hết của cải vườn tược, thu gom mọi thứ để đi đến những vùng đất lạ với hy vọng sẽ tìm được những viên kim cương quý giá. Sau một thời gian tìm kiếm vô ích, ông ta trở về bên mảnh vườn xưa của mình, và bỗng phát hiện rằng giữa lòng con suối nhỏ trong khu vườn ấy là một mỏ kim cương khổng lồ.
Đôi lúc chúng ta cũng như người thương gia, cứ mãi đi tìm kiếm loanh quanh những kho tàng mơ tưởng mà không nhận ra rằng mình đang sở hữu nhiều kho tàng quý giá.
Thật đáng tiếc khi chúng ta đã trở nên xa lạ với mình. Dường như đó là nguồn gốc của mọi bi kịch trong đời sống chúng ta. Nói cho cùng, không làm bạn được với chính mình, làm sao tôi có thể làm bạn với một ai khác. Không chịu đựng được mình, làm sao tôi có thể chịu đựng được người khác. Không đọc ra được nét đẹp nơi chính mình, làm sao tôi có thể đọc ra được những nét đẹp của người khác. Không biết trân trọng mình, làm sao tôi có thể trân trọng ai khác.
Đáng tiếc hơn, một khi đã trở nên xa lạ với mình, tôi cũng dần xa lạ với Thiên Chúa, Đấng đang chờ đợi tôi ngay chính trong sâu thẳm tâm hồn mình. Bởi vì, Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa ở bên ngoài và xa cách con người. Thiên Chúa ấy trước hết ở ngay trong thẳm sâu tâm hồn tôi, cao hơn chỗ cao nhất của tôi và sâu hơn chỗ sâu nhất của tôi, như kinh nghiệm mà tác giả sách Tự Thuật đã viết. Do vậy, làm bạn với mình là bước đầu tiên để tôi đến với Thiên Chúa, Đấng đang ở sâu trong tâm hồn tôi, đang làm bạn với chính tôi. Càng hiểu biết mình hơn, tôi càng có cơ hội vươn đến với Thiên Chúa của tôi.
Đức Giêsu đã nói: “Anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 13-14). Muối và ánh sáng là những điều đã được phú bẩm trong tâm hồn mỗi người, cùng với ơn gọi được làm người, được làm con Chúa. Thế nên thái độ đầu tiên để sống như một người môn đệ của Chúa, không gì khác hơn chính là khám phá ra chất muối, chất ánh sáng ngay chính trong thâm sâu tâm hồn mình, và sống trọn vẹn với cái bản chất cao đẹp ấy.
Lạy Chúa, xin cho con biết con, để con biết Chúa.
Xin cho con trở nên thân quen với Chúa,
để con cũng trở nên thân thuộc với mình.
Xin giúp con nhận ra
mỗi người chúng con là một kho tàng vô giá.
Xin giúp con đủ trưởng thành và can đảm
để phám phá chính mình,
và khám phá chính Chúa trong con.
Những lúc con tưởng mình cô đơn,
xin giúp con khám phá ra khuôn mặt của Chúa
đang âm thầm hiện diện với con trong từng nhịp sống.
Những lúc con thấy mình bị ruồng rẫy,
xin giúp cho con xác tín
Chúa chẳng bao giờ bỏ rơi con.
Những lúc con chẳng còn tìm thấy giá trị nào
nơi con người của mình,
xin giúp con nhận ra ánh mắt yêu thương
mà Chúa đang ngắm nhìn con.
Xin dạy con biết làm bạn với chính mình,
như Chúa đã không ngại làm bạn với con. AmenRadio Vatican
Mục : Hãy Học Cùng Giêsu
Phụ Trách : Lưu Minh Gian
Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)