Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011
Anh chị em của tôi - nước Nhật Khát khao Thiên Chúa trong hy vọng vươn lên từ đổ nát !
Khát vọng
Trong những ngày qua, cùng với tin tức về thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản, có rất nhiều bài viết ca tụng người dân Nhật. Chẳng hạn, trên báo Tuổi Trẻ, số Chúa nhật 20-3-2011, một tác giả kể rằng ông không tin vào những điều người ta ca tụng dân Nhật “bình tĩnh, trật tự trong và sau trận động đất kinh hoàng”. Lý do là vì ông “đã chứng kiến tận mắt rất nhiều người cứ hay thổi phồng những câu chuyện họ thấy ở nước ngoài để dạy dỗ ngược trở lại những điều diễn ra ở Việt Nam”. Nhưng lần này ông buộc phải nghĩ lại khi nhìn thấy “những hình ảnh của người dân Nhật trong và sau sự cố được phát trên bản tin thời sự của VTV: những người dân quy củ xếp hàng nhận đồ cứu tế, dòng người xếp hàng nhiều đến nỗi người ta không thể đứng thành một hàng dọc, mà phải uốn thành hình cong trong một trật tự đáng khâm phục”.
Đúng là cả thế giới phải khâm phục dân tộc Nhật Bản. Trước đây người ta khâm phục Nhật Bản về những tiến bộ kỹ thuật và phát triển xã hội, nhưng bây giờ người ta thấy rõ hơn và khâm phục cái làm nên những tiến bộ và phát triển đó, chính là những người dân Nhật Bản. Nhiều cơ quan truyền thông không ngần ngại gọi Nhật Bản là dân tộc vĩ đại.
Tuy nhiên, cùng với sự khâm phục đó, có một thực trạng khác không nên quên: tại Nhật Bản, mỗi ngày trung bình có 100 người tự tử. Riêng trong năm 2007, số người Nhật tự tử là 33.093 người. Con số này có chiều hướng gia tăng chứ không giảm. Cụ thể là so với năm 2006, số người tự tử tăng 3%. Thế nên một trong những cam kết của Chính phủ mới là nỗ lực kéo tỷ lệ tự tử xuống. Với số người tự tử cao như thế, thiệt hại nhân mạng trong thảm họa sóng thần và động đất vừa qua, tuy khủng khiếp nhưng mới chỉ bằng một nửa.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao người dân sống trong một đất nước giàu có và văn minh như thế lại muốn tìm đến cái chết đông như vậy? Có thể có nhiều cách trả lời. Tôi đặc biệt chú ý đến bài viết của nhà văn người Nhật Ryu Murakami trên tờ New York Times ngày 16-3-2011. Ông là một cây viết nổi tiếng đã được trao tặng nhiều giải thưởng tại Nhật. Khi thảm họa xảy ra, từ Tokyo, nhà văn mô tả tình trạng động đất và những tác động trong đời sống người dân Nhật. Sau đó ông viết: “Cách đây 10 năm tôi có viết cuốn tiểu thuyết trong đó có kể câu chuyện một học sinh trung học đã tuyên bố trước quốc hội: Đất nước này thừa mứa mọi thứ. Ở đây người ta có thể tìm được mọi thứ mình muốn. Cái thiếu duy nhất là hi vọng”.
Lại chẳng phải là lời lý giải sâu sắc cho tình trạng tự tử hay sao? “Cái thiếu duy nhất là hi vọng”. Đã không còn hi vọng nữa thì sống làm gì? Một cuộc sống vô nghĩa, và vì thế, cần phải chấm dứt. Như thế, cái mà con người cần, cái đem lại hạnh phúc cho con người không chỉ là những tiến bộ kỹ thuật và sự giàu có thịnh vượng vật chất nhưng còn là niềm hi vọng.
Thế rồi Ryu Murakami hân hoan loan báo: “Bất kể những gì đã mất, người Nhật chúng ta đã tìm lại được một điều, đó là hi vọng. Cơn động đất sóng thần kinh hoàng đã cướp mất của chúng ta bao sinh mạng và bao nguồn của cải. Nhưng chúng ta, những người từng thừa mứa với sự thịnh vượng của mình, nay đang gieo trồng lại hạt mầm của hi vọng”. Hay quá! Nhưng niềm hi vọng mà nhà văn vui mừng loan báo là gì vậy? Ấy là vì trước đây người ta có đủ mọi thứ ngoại trừ hi vọng, còn bây giờ thì ngược lại: “Các trung tâm di tản đang phải đối mặt với bao thiếu thốn nghiêm trọng về thực phẩm, nước ngọt và thuốc men. Thiếu cả lương thực và điện ngay tại khu vực Tokyo. Cuộc sống của người dân đang bị đe dọa. Chính phủ và các cơ quan dịch vụ công đã không phản ứng đúng như lẽ ra phải có”. Chính tình trạng thiếu thốn đó khiến cho người ta phải đợi chờ và biết hi vọng vào tương lai tươi sáng hơn.
Hóa ra vậy! Bỗng cảm thấy chút thất vọng khi bài báo chỉ ngưng lại ở đó. Thất vọng vì tự nghĩ: đối với một dân tộc giàu có và hùng mạnh như dân Nhật, chắc sẽ không lâu để mọi sự đi vào ổn định. Sẽ không còn cảnh xếp hàng nhận đồ cứu tế hay đổ xăng. Sẽ không còn những kệ hàng trống vắng trong các siêu thị. Sẽ không còn những trại tạm cư thiếu thốn, và trên đống hoang tàn đổ nát sẽ mọc lên những ngôi nhà mới còn đẹp đẽ hơn bội phần. Lại sẽ thừa mứa mọi thứ. Phải chăng đến lúc đó – và không xa lắm đâu – niềm hi vọng lại sẽ lụi tàn? Lại sẽ tự tử mỗi năm mỗi nhiều hơn?
Nếu chân trời hi vọng chỉ là sự thịnh vượng và giàu có vật chất thì đúng là thế. Thành ra câu hỏi cốt yếu ở đây là câu hỏi về chân trời hi vọng của con người. Trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp, từ vị trí của một người xin nước uống: “Chị cho tôi xin chút nước uống” (Ga 4,7), Chúa Giêsu giúp chị phụ nữ khám phá khát vọng sâu kín trong lòng chị, khát vọng mà không có ai và không có gì trong cuộc đời này có thể lấp đầy: “Chị nói tôi không có chồng là đúng vì chị đã năm đời chồng rồi và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (4,19). Rồi từ đó, Người giúp chị khám phá nguồn nước hằng sống có khả năng lấp đầy khát vọng của lòng người: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với chị “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin và người ấy sẽ ban cho chị nước hằng sống” (4,10).
Phải chăng đây là thách đố lớn nhất cho Hội Thánh trong nền văn hóa kỹ trị và duy vật ngày nay: đồng hành với con người trong mọi nỗi niềm cuộc sống để cùng với họ khám phá khát vọng sâu xa trong lòng người, và mạnh dạn giới thiệu với họ Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ? Người Kitô hữu có thể đáp trả thách đố này nếu niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô thực sự trở thành xác tín cá nhân xuyên qua những trải nghiệm của đời sống. Đó chính là con đường thánh Augustinô đã kinh qua để trở thành người loan báo Tin Mừng. Rất nhẹ nhàng mà đầy sức thuyết phục: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.
(26-03-2011)
Theo Website Hdgmvietnam.org
Chúa Giê-su Khát các tâm hồn nơi Tòa Giải Tội !
Giá trị giáo dục của bí tích Hòa giải
WHĐ (27.03.2011) – Sáng 25-03, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến các đại biểu tham dự hội thảo do Tòa Ân giải tổ chức. Đức Hồng y Chủ tịch Fortunato Baldelli và Đức cha Gianfranco Girotti, OFM, Nhiếp chính Tòa Ân giải, đã dẫn đầu phái đoàn yết kiến ĐTC.
Bài huấn từ của ĐTC trong buổi tiếp kiến đề cập đến giá trị giáo dục của bí tích Hòa giải đối với linh mục ban bí tích, cũng như đối với hối nhân lãnh nhận bí tích.
ĐTC nói: “Linh mục được trao một nhiệm vụ độc đáo, riêng biệt, giống như một đài thiên văn để hằng ngày đều được chiêm ngắm vẻ huy hoàng của lòng Chúa thương xót… Được trao trách nhiệm quản lý bí tích Hòa giải, mỗi linh mục phải học sống khiêm hạ và tin tưởng, đồng thời được thúc giục mạnh mẽ phải ý thức về căn tính của mình. Nếu chỉ cậy dựa vào sức riêng nhân loại, linh mục không bao giờ có thể nghe được những lời xưng tội của anh chị em mình. Sở dĩ họ đến với linh mục vì linh mục được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, vị linh mục tối cao và đời đời, nên có thể hành động nhân danh Ngài và trong tư cách của Ngài. Qua linh mục, Chúa thực sự hiện diện, ban ơn tha thứ, canh tân và làm cho biến đổi”.
ĐTC nhắn nhủ các linh mục, những người được trao năng quyền tha tội: “Khi cử hành bí tích Hòa giải, chính linh mục cũng được Chúa dạy bảo về đức Tin, về sự thật và sự thiếu thốn của bản thân, bồi dưỡng ý thức về căn tính bí tích của mình”.
ĐTC tiếp tục bài huấn từ: “Rõ ràng việc lãnh nhận bí tích Hòa giải đặc biệt thể hiện sự tự do và ý thức về bản thân. Do đó trong thời đại phát triển chủ nghĩa tương đối và mất dần ý thức về bản thân, người ta ngày càng ít đến với tòa cáo giải. Việc xét mình xưng tội mang giá trị giáo dục rất lớn, dạy chúng ta biết chân thành nhìn nhận cuộc sống của mình, đối chiếu với chân lý Tin Mừng, thẩm định cuộc sống không chỉ bằng những thông số nhân loại mà do ơn Chúa soi sáng. Bài học lớn lao đầu tiên được dạy ở trường bí tích Hòa giải là biết sống với các Điều răn, các mối Phúc thật và Lệnh truyền yêu thương”.
Kết thúc bài huấn từ, ĐTC nhắn nhủ các linh mục:
“Các linh mục thân mến, anh em đừng quên sắp xếp cho việc ngồi tòa giải tội trong các hoạt động mục vụ của mình một cách thích đáng. Biết đón nhận và lắng nghe chính là dấu chỉ nhân văn về Thiên Chúa đang đón nhận và thương yêu con cái của Ngài. Việc xưng hết các tội giúp hối nhân biết sống khiêm nhường, nhận ra mình yếu đuối, đồng thời ý thức mình cần được Chúa tha thứ và tin rằng ơn Chúa sẽ giúp thay đổi đời sống”.
(Theo VIS)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)