Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Mục Vụ Sống đạo !


Giáo Xứ Chúa Ki-tô Vua, P. Lộc Phát 2012 – by bapgioan sưu tầm
Mục Vụ> Sống Đạo (www.liengiaositusi.com)


SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BÍ TÍCH, Á BÍ TÍCH và ÂN XÁ

Hỏi: Xin cha giải thích lại sự khác nhau giữa bí tích, á bí tích và ân xá.?

Trả lời:

I. Bí tích (sacrament) là gì?
Trước hết, nói đến bí tích ( sacramentum) thì phải nói đến Chúa Kitô là Mầu Nhiệm( Mysterium) cứu độ độc nhất cho nhân loại, vì ngoài Chúa ra, không có Mầu Nhiệm nào khác mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho con người. Bí tích là những dấu chỉ hữu hình (visible signs) mà Chúa Thánh Thần dùng để ban ơn cứu độ của Chúa Kitô cho chúng ta trong Giáo Hội. Đây là những phương tiện cứu rỗi hữu hiệu mà chính Chúa Kitô đã thiết lập để ban phát ơn thánh hóa và cứu độ của Người cho chúng ta cho đến ngày mãn thời gian.. (SGLGHCG số 774). Có bảy bí tích như chúng ta quen thuộc từ xưa đến nay.
Điều kiện quan trọng nhất để lãnh cách hiêu quả bất cứ bí tích nào, là phải có đức tin, tức là vững chắc tin về hiệu quả thiêng liêng thật sự của bí tích muốn lãnh nhận hợp pháp trong Giáo Hội. Thí dụ, khi lãnh bí tích Thánh Thể, tức là rước Mình Máu Chúa Kitô, thì phải tin chắc rằng có Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh và rượu nho; nếu không, việc rước Chúa sẽ là vô ích và người rước Mình Máu Chúa cũng chỉ thấy mình ăn chút bánh và uống tí rượu nho mà không cảm nghiệm được điều gì có tác dụng đánh động tâm hồn cả. Cũng vậy, khi đi xưng tội, nếu hối nhân không tin có Chúa Giêsu hiện diện và tha tội cho mình qua tác vụ của một linh mục, dù là bất xứng dưới mắt người đời, thì việc xưng tội cũng sẽ không mang lại lợi ích nào cho hối nhân.Nói rõ hơn, khi ta xưng tội thì ta xưng tội với Chúa qua vị linh mục và chính Chúa Kitô sẽ tha tội cho ta qua công cụ loài người là linh mục hay giám mục, là các thừa tác viên chính thức của bí tích Hòa giải.
Chính vì thiếu điều kiện đức tin này, nên có người đã nói: tôi được rửa tội rồi mà có thấy mình được “tái sinh” ở chỗ nào đâu, tôi vẫn thấy tôi nguyên vẹn như cũ! hoặc “sau mỗi mùa chay và tuần thánh, tôi đâu có thấy mình chết đi và được sống lại với Chúa Kitô Phục Sinh như Giáo Hội nói đâu !”
Nói thế là vì không có đức tin, nên không tin có sự đổi mới trong tâm hồn sau khi nhận lãnh bí tích rửa tội, nhờ đó tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân được tẩy sạch và đươc tái sinh trong sự sống mới, và “mặc lấy Chúa Ktô” như Thánh Phaolô đã dạy.(x. Gl 3:27). Có đức tin thì mới tin có Chúa là Đấng tạo dựng mọi loài mọi vật, dù mắt ta không hề trông thấy Chúa, tai không hề nghe tiếng Ngài nhưng lòng vẫn tin chắc có Chúa như Giáo Hội dạy.
Giáo dân được khuyến cáo năng lãnh nhận các bí tích hoà giải và Thánh Thể để được thánh hoá, được giao hòa lại với Chúa, với Giáo Hội và với tha nhân sau khi đã lỡ sa phạm tội vì yếu đuối con người, và nhất là vì bị ma quỷ cám dỗ với gương xấu của thế gian.Bí tích Thánh Thể cũng ban sức mạnh thiêng liêng để giúp ta nên thánh, sống đức tin, đức cậy và đức mến cách nồng nàn trong trần thế này, sau khi đã được tái sinh qua Phép Rửa và được thêm sức mạnh, trí hiểu và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm sức.Nhưng cần nhớ là phải có đức tin khi lãnh nhận bất cứ bí tích nào, đặc biệt là hai bí tích hòa giải và Thánh Thể, để nhờ hiệu quả của bí tích có thể sinh hoa kết trái trong tâm hồn người lãnh nhận.
II. Á Bí Tích (Sacramentals)
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ( SGLGHCG) định nghĩa Á Bí tích " là những dấu hiệu linh thánh, phần nào giống như các Bí tích, nhờ đó các hiệu quả thiêng liêng được thông ban nhờ lời cầu nguyện của Giáo Hội. Nhờ các Á Bí tích này, chúng ta được chuẩn bị để lãnh nhận hiệu quả của chính các bí tích." ( SGLGHCG số 1667). Nói rõ hơn, Á Bí Tích là những dấu chỉ hay phương tiện có liên hệ phần nào đến các bí tích hay thực tại thiêng liêng, đã được Giáo Hội thiết lập để xin ơn Chúa cho người hoặc để thánh hoá đồ vật dùng trong phụng vụ thánh như: Thánh giá, nước phép, nến, dầu thánh ( Chrism), áo Đức Bà (scapular) tràng hạt, Kinh Thánh (Bible), sách kinh, sách lễ, phép lành,(kể cả phép lành của Đức Thánh Cha), hài cốt các thánh, bình đựng Mình Máu Chúa (Ciborium, chalice, paten) khăn thánh (corporal, purificator), bàn thờ, khăn bàn thờ, áo lễ (chasubles, stoles, Albs) tro dùng trong Thứ tư Lễ Tro ( Ash Wednesday) và lá làm phép.( Chúa Nhật Lễ Lá)... tất cả đều là các Á Bí Tích mà người tín hữu phải tôn trọng với lòng mộ mến vì giá trị thiêng liêng của các Á bí tích nói này.
III-ÂnXá(Indulgences)
Là ân huệ thiêng liêng mà Giáo Hội, với quyền cầm buộc và tháo gỡ, lấy từ kho tàng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô và công nghiệp của Đức Mẹ và các thánh, để tha hình phạt hữu hạn (temporal punishment) cho người còn sống hay các linh hồn đang còn ở luyện tội . Hình phạt này là hậu quả của tội nặng, nhẹ đã được tha qua bí tích hòa giải mà hối nhân phải làm sau khi xưng tội. (việc đền tội = penance). Nếu hối nhân không làm đủ việc đền tội này khi còn sống thì phải được thanh luyện sau khi chết ở nơi gọi là Luyện tội. Do đó, ân xá mà Giáo Hội ban chỉ có mục đích tha hình phạt hữu hạn này chứ không tha các tội nặng, nhẹ như mục đích và công dụng của bí tích hoà giải. Nghĩa là chỉ qua bí tích hoà giải, chúng ta mới được tha các tội nặng nhẹ đã phạm vì yếu đuối con người, và nhất là vì còn tin tưởng nơi lòng xót thương tha thứ của Chúa. Nếu không còn tin tưởng gì nơi lòng thương xót của Chúa để chậy đến xin Người tha thứ qua bí tích hòa giải, thì lại mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần, là tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình yêu của Người. Như vậy, bao lâu còn cứng lòng trong sự từ khước tình thương và ơn tha thứ của Chúa thì bấy lâu ở trong tội không thể tha thứ được như Chúa Giêsu đã nói rõ : " Bất cứ ai nói phạm đến Con Người , thì còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha." Lc 12 :10).Do đó, muốn được tha thứ, người ta phải có lòng tin nơi tình thương xót vô biên của Chúa và thành tâm muốn xin Người tha thứ mọi tội lỗi đã phạm vì yếu đuối người.
Xin nói lại một lần nữa : Ân xá không có mục đích tha bất cứ tội nào mà chỉ giúp tha hay tẩy xóa những hình phạt hữu hạn ( temporal punishments) là hậu quả của tội đã được tha còn để lại trong tâm hồn hối nhân. Ân xá có thể ban cho người còn sống và cho các linh hồn trong luyện tội để xin tha hình phạt hữu hạn nói trên. Ân xá có thể là toàn phần ( plenary Indulgences) hay bán phần
( Partial indulgences) để tha hết các hình phạt hữu hạn hay tha một phần hình phạt này. Giáo Hội ban phát ân xá trong những dịp trọng đại như Năm Thánh ( Jubilee Year) Kỷ niêm đăng quang của Đức Thánh Cha, kỷ niệm ngày thành lập Giáo Phận hay Dòng Tu, tham dự lễ mở tay của tân linh mục, viếng nghĩa trang trong tháng cầu cho các linh hồn, v.v. Người còn sống có thể lãnh ân xá cho mình hay để nhường lại cho các linh hồn trong Luyện tội nhưng không thể nhường lại ơn huệ này cho tín hữu còn sống được.
IV- Sự khác biệt giữa Bí tích và Á bí tích
Bí tích là chính phương tiện cứu độ mà Chúa Giêsu đã thiết lập để ban ơn cứu độ cho mọi tín hữu đã gia nhập và đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa trên trần thế.Do đó, các bí tích đều liên hệ trực tiếp đến việc lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô, như bí tích rửa tội tha tội nguyên tổ và các tội cá nhân (đối với người dự tòng = catechumens) bí tích Thánh Thể biến bánh và rượu thành Mình Máu Chúa Kitô, bí tích hoà giải tha mọi tội nặng nhẹ trừ tội phạm đến Đức Chúa Thánh Thần như đã nói ở trên. Bí tích Thêm sức cho ta những ơn sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần để giúp sống xưng đáng là Kitô hữu trong trần thế . Bí tích Truyền Chức Thánh tiếp tục truyền thống Tông Đồ để ban quyền Thánh ( Sacra potestas) cho các người được tuyển chọn làm Phó Tế, Linh mục và Giám mục để phục vụ , giảng dạy, thánh hóa và chăm sóc dân Chúa được trao phó cho các ngài coi sóc về mặt thiêng liêng. Sự khác biệt căn bản giữa Bi tích và Á bí tích là ở điểm bí tích ban ơn thánh, tha tội và chữa lành ( hai bí tích hòa giải và sức dầu) trong khi Á bí tích là phương tiện để xin ơn lành của Chúa ban qua Phép lành mà linh mục, Giám mục hay của Đức Thánh Cha ban cho tín hữu, hoặc để thánh hóa đồ dùng trong phụng vụ thánh ( nước phép, bình đựng Mình Thánh, Chén Lễ, khăn thánh, tràng hạt và các ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh... Nhưng cần nói thêm là Phép lành( Blessing) dù là của Đức Thánh Cha, thì cũng không có mục đích tha tội nặng nhẹ nào cho người nhận lãnh.Tuy nhiên, Đức Thánh Cha có thể ban phép lành Tòa Thánh và ơn toàn xá cho bệnh nhân đang hấp hối , đã được xức dầu và tha mọi tội trong cơn nguy tử đó.Linh mục có quyền ban Phép lành này của Tòa Thánh cũng như tha mọi hình phạt cho người đang lâm cơn nguy tử với công thức quy định.
Sau đây là một vài thí dụ về sự khác nhau giữa bí tích và á bí tích
1. Nước phép và dầu thánh là Á bí tích được dùng làm chất liệu cần thiết để cử hành bí tích rửa tội. Dầu thánh( Chrism) cũng được dùng trong các bí tích thêm sức, sức dầu bệnh nhân và truyền chức thánh.
2. Thánh giá với tượng Chúa chịu nạn (crucifix) hay bình đựng Mình Thánh Chúa (Ciborium), Chén lễ =(Chalice) là á bí tích nhưng bánh và rượu được truyền phép (consecrated) là bí tích về sự hiện diện thực sự (real presence) của Chúa Kitô trên bàn thờ, trong nhà tạm (tabernacle). Do đó, chỉ phải thờ lậy (adore) Chúa Kitô trong hình bánh và rượu của bí tích Thánh Thể mà thôi. Đối với mọi ảnh tượng khác của Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Thánh nam nữ thì chỉ được tôn kính (honor, venerate) chứ không thờ lậy vì đây là những á bí tích giúp ta liên tưởng đến Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Thánh đang ở trên Trời mà ảnh tượng kia là những biểu tượng hữu hình ( visible symbols) giúp ta dễ nâng lòng lên với Chúa và cầu xin ( nhờ cậy) Đức Mẹ và các Thánh chuyển cầu thay cho ta trước Tòa Chúa.
3. Toà giải tội là á bí tích được dùng làm nơi cử hành bí tích hoà giải (xưng và tha tội).
4. Áo lễ linh mục, giám mục mặc là á bí tích để cử hành bí tích Thánh Thể (Thánh lễ tạ ơn = the Eucharist).
Vì thể không được mặc y phục hay quốc phục của bất cứ dân tộc nào khi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn trong mọi dịp phụng vụ thánh, vì các y phục đó không phải là á bí tích được công nhận để dùng trong phụng vụ thánh.
Tóm lại, có sự khác biệt về mục đích và công dụng giữa các bí tích, á bí tích và ân xá như đã trình bày trên đây. Tuy khác nhau , nhưng đều có liên hệ với nhau trong mục đích lãnh nhận ơn thánh dồi dào của Chúa ban cho chúng ta trong Giáo Hội được thiêt lập như phương tiện hữu hiệu để ban phát ơn cứu độ của Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần.
Vì thế, mọi tín hữu đều được khuyến khích năng lãnh nhận các bí tích,( hòa giải, Thánh Thể và Sức dầu) dùng á bí tích với niềm tin và lòng mộ mến cũng như lợi dụng mọi dịp để lãnh ân xá hầu mưu ích thiêng liêng cho mình và cho các linh hồn trong luyện tội.
LM. Phanxixô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Giải pháp trong Kiến Trúc Xây Dựng hay !


Dùng mái tôn chống nồm ẩm trong nhà (theo vnexpress.net, ngày 27/03/2012)

Chỉ cần đặt một quạt hút gió nhỏ ở dưới mái tôn và quạt không khí nóng xuống các tầng dưới theo ô trống giữa cầu thang hoặc nếu cần thì theo các ống dẫn không khí bằng vải hoặc nilon sẽ có thể chống nồm ẩm trong nhà.
Mùa xuân hàng năm là mùa nồm ẩm ở miền Bắc, mọi thứ trong nhà đều chảy nước, mốc meo và xuống cấp thảm hại. Bài viết này trình bày một kinh nghiệm nhỏ, đơn giản nhưng có thể hạn chế phần nào tình trạng này.
Nồm là hiện tượng ngưng tụ của nước từ dạng hơi thành dạng lỏng khi có quá nhiều hơi nước trong không khí. Khi trời nắng, nhiệt độ không khí bên ngoài cao hơn trong nhà nên hơi nước ngưng tụ trong nhà dù ngoài trời rất quang đãng. Độ ẩm không khí càng cao, bề mặt các đồ vật càng lạnh sự ngưng tụ càng nhanh và nhiều.
Để chống nồm, một số người thường bật điều hòa hoặc dùng máy hút ẩm. Tuy nhiên, hai phương pháp này có một số bất tiện như tốn điện, khả năng hút ẩm chỉ mang tính cục bộ và không phải nhà nào cũng có hai phương tiện này.
Một biện pháp chống nồm khác là tăng nhiệt độ trong nhà để tăng ngưỡng ngưng tụ nước. Chỉ có điều biện pháp này đòi hỏi rất nhiều năng lượng, rất tốn kém nếu dùng lò sưởi điện, rất bất tiện và nguy hiểm nếu dùng lò sưởi than.
Nhưng có một “lò sưởi” khá phổ biến, “chạy” bằng năng lượng mặt trời ở ngay trên mỗi nóc nhà của chúng ta. Đó chính là mái tôn vốn được thiết kế để chống nóng và chống thấm dột.
Chỉ cần một chút nắng nhẹ, tôn sẽ hấp thụ ánh sáng mặt trời, tăng nhiệt độ rất nhanh và truyền nhiệt ra xung quanh khiến không khí dưới mái tôn thường cao hơn không khí bên ngoài từ vài độ tới cả chục độ (nhưng vẫn thấp hơn mức nóng mà một mái bê tông có thể đạt được nếu hấp thụ trực tiếp ánh nắng mặt trời nên mái tôn vẫn có tác dụng chống nóng).
***Tất cả những gì ta cần làm là đặt một quạt hút gió nhỏ ở dưới mái tôn và quạt không khí nóng xuống các tầng dưới theo ô trống giữa cầu thang hoặc nếu cần thì theo các ống dẫn không khí bằng vải hoặc nilon.
Phương pháp này không chỉ có hiệu quả trong những ngày có nắng mà cũng có hiệu quả nhất định ngay trong những ngày trời mù hay mưa phùn vì không khí ở trên cao nhìn chung vẫn ít ẩm hơn không khí ở phía dưới.
Cần lưu ý làm sạch trần nhà và mái tôn để không khí thổi xuống không có bụi, mốc. Cũng nên lưu ý bố trí công tắc bật - tắt quạt ở phía dưới để dễ điều khiển.
Đây là giải pháp đối với các nhà đã được xây. Với những nhà sắp xây dựng, có thể yêu cầu các nhà kiến trúc và xây dựng tích hợp luôn các phương tiện chống nồm trong quá trình xây dựng.
Như vậy, mái tôn không chỉ để chống nắng nóng vào mùa hè, chống mưa bão vào mùa thu mà còn có thể dùng để sưởi ấm vào mùa đông và chống nồm ẩm vào mùa xuân. Hoàng Giáp

Chúa Nhật V Phục Sinh năm B


Để Sinh Hoa Kết Trái Xum Xuê



Chúa Nhật V Phục Sinh B

Đức cố giáo hoàng Phaolô VI đã từng nhấn mạnh rằng phát triển là hình thức truyền giáo của thời đại hôm nay. Phát triển bản thân, xã hội cũng như Giáo Hội là một đòi hỏi có tính tất yếu để sống còn. Kitô hữu chúng ta vốn quen thuộc với dụ ngôn “những nén vàng hay nén bạc” mà Chúa Giêsu kể trong Tin mừng ( x.Mt 25,14-30; Lc 19,12-27 ). Không làm sinh lợi những gì chúng ta đã lãnh nhận là một thái độ không chỉ đáng trách mà còn đáng trừng phạt. Ngay đêm Tiệc ly, trước khi chịu tử nạn, Chúa Kitô đã khẳng định: “ Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” ( Ga 15,16 ). Người còn nói rõ: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” ( Ga 15,8 ).Qua hình ảnh cây nho, Chúa Kitô cho ta thấy hai điều kiện không thể thiếu nếu muốn đơm hoa kết trái. Đó là gắn bó và cắt tỉa.

Gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu:
Chúa Giêsu đã làm nổi rõ chân lý này khi tự ví mình là thân nho, còn chúng ta là cành nho. Tách lìa khỏi thân nho thì cành nho sẽ chết. Mọi sự đều là ân sủng Chúa. Sự hiện hữu của chúng ta là do ân ban từ trời. Để tồn tại và phát triển, không một ai có thể tách lìa khỏi nguồn mạch tác tạo nên chính mình. Đã là người, chúng ta dễ chân nhận rằng thái độ sống kiểu “vong bản”, hay “mất gốc”, không chóng thì chầy cũng sẽ bị huỷ diệt. Người ta cũng dễ đồng thuận với nhau về những nguồn gốc tự nhiên là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, là nơi chôn nhau cắt rốn, là tổ quốc, quê hương. Tuy nhiên, nguồn gốc của mọi nguồn gốc tự nhiên ấy là gì, là ai, là Đấng nào thì còn tuỳ ở quan điểm, ở niềm tin của mỗi người.

Như thế, nền tảng và động lực của sự gắn bó này đó là sự nhìn nhận nguồn gốc, xuất xứ của bản thân mình. Một trong những nét trỗi vượt của con người trên các loài thụ tạo hữu hình khác chính là biết hướng về cội nguồn. Thực tế cho ta khẳng định điều này. Các loài vật càng lớn lên thì chúng càng như quên mất cội nguồn sinh ra chúng. Với con người thì trái lại, càng thêm tuổi thì khao khát truy về nguồn càng mãnh liệt. Không kể các anh em vô thần hay vô tín, nói chung, nhân loại xưa nay vốn có tâm thức hướng về Đấng Tạo Thành, Đấng tác sinh mọi vật, mọi loài. Một trong những biểu hiện tâm thức này là lòng biết ơn, sự cảm tạ. Vào mỗi dịp năm hết, Tết đến hay vào các dịp lễ tiết theo phong tục tập quán như khởi đầu công việc, sau vụ mùa…những nén hương được thắp lên cùng các lễ vật bày ra cách này cách khác, chính là tấm lòng cảm tạ, biết ơn được dâng lên Đấng là cội nguồn các ơn lành đã lãnh nhận.

Với Kitô giáo, hình thức gắn bó với Thiên Chúa có thể gọi là căn bản, đó là sự thờ phượng. Cầu nguyện bằng nhiều hình thức là cách thế biểu lộ sự thờ phượng. Tuy nhiên một trong các tâm tình cầu nguyện nói lên sự gắn bó của chúng ta với Đấng là cội nguồn của mọi sự, mọi loài, đó là tâm tình cảm tạ, tri ân. Vừa qua, có anh bạn gửi cho tôi đoạn video clip thật cảm động trình bày một cảnh sống có thật như sau: Một anh nhà nghèo, làm nghề thu dọn thức ăn thừa trong một quán ăn ( theo cảnh quay thì có lẽ là ở nước Mỷ ). Các thực khách ăn uống rất phí phạm. Đồ ăn thừa đáng gọi là ê hề. Trong khi đổ các thức ăn thừa vào thùng rác thì anh nhà nghèo này không quên lọc, giữ lại những thức ăn có thể dùng được như là những đùi thịt gà mà người ta chỉ ăn một tí, qua loa hay chỉ ăn có một nửa và chí ít là còn một phần ba, phần tư thịt thừa. Cuối giờ làm anh ra về với bọc thức ăn thừa. Đó là mấy cái đùi thịt gà mà khách ăn còn dư chút thịt ít nhiều. Vào bàn dùng bữa, anh đổ các đùi thịt gà thu lượm được ra trước mặt vợ và bốn đứa con đang hăm hở chép miệng chờ ăn. Cả nhà ngồi vào bàn. Bổng cô con gái nhỏ, khoảng 8 tuổi, cầm vội một đùi thịt gà hầu như chỉ còn là xương, may ra còn dính chút thịt mà khách ăn còn dư. Cũng có thể vì quá đói, mà cũng có thể vì bé nghĩ rằng miếng này ít thịt nên cả nhà không tính số. Bổng người cha lấy tay ngăn em bé lại. Tôi ngạc nhiên, nhưng sự ngạc nhiên ấy lại tiếp nối bằng sự ngỡ ngàng cùng vài giọt lệ ngấn trên khoé mắt khi thấy người cha ra hiệu cho cả nhà làm dấu Thánh Giá, dâng lời cám ơn Chúa trước khi dùng những miếng thịt gà thừa mà khách ăn đã bỏ đi.

Kitô hữu chúng ta hiểu rằng đỉnh cao của việc thờ phượng là Thánh Lễ. Tham dự Thánh Lễ là tham dự vào hy tế tạ ơn mà Chúa Kitô đã hiến dâng trên thập giá xưa nay được hiện tại hoá trên các bàn thờ. Chúa Kitô nhìn nhận mọi sự của Người là do Chúa Cha trao ban. Trên thập giá, Người trao dâng lại cho Chúa Cha tấm xác thân và linh hồn mà Cha ban cho Người khi Người vào trần gian. Hành vi tự hiến này nói lên sự gắn bó thiết thân của Người với Cha trên trời. Người đã khẳng định rằng Người với Cha là một ( x.Ga 10,30 ). Sự tạ ơn là một động thái thờ phượng tuyệt hảo, biểu lộ sự gắn bó của chúng ta với cội nguồn của mình. Và khi gắn bó với nguồn của mọi ân sủng thì chuyện sinh hoa kết trái là chuyện đương nhiên sẽ đến.

Cắt tỉa:
Để đơm bông kết trái ngày càng nhiều và tươi tốt, Chúa Giêsu còn đề cập đến sự cắt tỉa. Nói đến sự cắt tỉa thì nông gia rất dễ am tường. Sự thưòng của cây trồng, khi giảm phát sinh thì tăng phát dục. Cứ đến kỳ, đến vụ, nhà nông lại làm cành, tỉa cây để mong có mùa màng bội thu.. Để lớn lên, con rắn cần phải lột bỏ lớp da cũ. Để tung bay giữa trời xanh cánh bướm phải giả từ cái kén ấm êm. Cuộc đời con người cũng tương tự, dù là cá nhân hay tập thể, để tồn tại và phát triển, rất cần đến sự cắt tỉa, nói cách khác là cần sự dứt bỏ, đoạn tuyệt. Tuy nhiên, phải làm rõ những gì cần dứt bỏ và đoạn tuyệt.

Trước hết, cần dứt bỏ những yếu tố không còn sự sống hay những yếu tố tật bệnh làm ảnh hưởng đến sự sống, sự phát triển. Người ta dễ dàng loại bỏ các cành khô của cây, nhưng lại rất khó để đoạn tuyệt với tội lỗi của bản thân mình, dù tội lỗi được đồng hoá với sự chết. Dưới cái nhìn luân lý học ngày nay, thì chỉ có tội trọng mới được gọi là tội nguy tử, gây ra cái chết đời đời. Người phạm tội nguy tử là lỗi phạm luật Chúa trong một điều nặng, có ý thức đầy đủ và tự do hoàn toàn. Là Kitô hữu bình thường thì ít ai dám to gan ở lì trong tình trạng nguy tử này. Nhưng chúng ta có thể dây dưa trong tình cảnh chẳng chết mà chẳng sống. Có thể xem tình trạng này như những cành cây đang bị sâu bệnh. Nhà nông thì không tiếc xót gì khi cắt tỉa chúng, còn chúng ta thì quả là khó dứt bỏ những lỗi mọn. Xin hãy nhớ lại những lần chúng ta đến toà cáo giải, hình như đang có đó nhiều tội mà bản thân cứ mãi xưng thú đi, xưng thú lại không biết bao nhiêu lần.

Trở lại với nghề nông, các nông gia chuyên nghiệp vẫn không ngần ngại cắt tỉa những cành lá không sâu bệnh, có khi là xanh tốt, nhưng chúng không có khả năng sinh hoa trái, lại còn ảnh hưởng đến sự sinh hoa trái của các cành khác, chẳng hạn như những chồi vượt sát gốc thân cây…Đọc sách Công vụ tông đồ, chúng ta cần chân nhận sự can đảm của các nghị phụ Công đồng Giêrusalem. Đoạn tuyệt với lễ nghi cắt bì, một nghi lế gia nhập Da Thái giáo ( tương tự với bí tích Thánh Tẩy của Kitô giáo ), đúng là một quyết định kiên cường, dĩ nhiên sẽ phải hứng chịu nhiều điều không như ý: bị cho là bội giáo, mất gốc, vong bản, phản bội…

Vừa phải biết trở về nguồn để đi theo đường lối tông truyền, khỏi phải chệch hướng, nhưng cũng phải biết cắt tỉa những yếu tố nhân loại cho dù đã thành truyền thống của thời đã qua mà nay không còn phù hợp cho sự phát triển. Vuông trong hai nhiệm vụ này quả là không mấy dễ. Trong thực tế, nhiều khi khó phân biệt rõ ràng các yếu tố tông truyền nghĩa là được truyền từ Chúa Kitô qua các tông đồ đến chúng ta và các yếu tố của truyền thống cha ông một thời mà nay đã “lỗi thời”. Bên cạnh đó tâm lý hoài cổ hoặc cho rằng “rượu cũ thì ngon hơn” vẫn còn đó ảnh hưởng.

Xin được bỏ qua lãnh vực lớn là xã hội và Giáo Hội, để nhấn mạnh đến đời sống cá nhân. Có nhiều điều mà chúng ta cần phải cắt tỉa để phát triển và sinh hoa kết trái trong đời sống nhân bản lẫn tâm linh. Tuy nhiên xin được nhấn mạnh đến một điều rất cần cắt tỉa đó là thái độ tự cao, tự đại cho rằng: “bàn tay ta làm nên tất cả…”. Kiêu ngạo là mối tội đầu tiên trong bảy mối tội lớn, và cũng là đầu mối của của mọi sự tội.

Khi đã cho rằng mọi sự ta có, ta là, đều do bởi tay ta thì ta chẳng cần đến bất cứ ai và dĩ nhiên chẳng cần đến Đấng Tạo thành. Một điều tất yếu, khi ta tự tách lìa khỏi nguồn cội thì phải lãnh lấy hậu quả là sự chết. Chúa Cha sai Chúa Con đến thế gian không phải để luận phạt hay xét xử thế gian, nhưng để những ai tin vào Người Con, gắn bó với Người Con thì sẽ được sống muôn đời và sinh trái đơm hoa ( x. Ga 3,16; 15,5). Xin đừng quên: cành nào lìa cây sẽ khô héo liền ( x. Ga 15,6 ).

Cắt tỉa sự tự cao, tự đại để thêm gắn bó với Đấng mà nhờ Người mọi vật mọi loài được tác thành ( x. Col 1,15-16 ). Gắn bó với Người thì chắc chắn ta sẽ đơm hoa, kết trái trĩu cành. Và rồi khi Chúa đến, Người sẽ nói với ta: “ Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ ngươi” ( Mt 25,21 ). Ngoài việc chuyên chăm tham dự Thánh Lễ, thì theo thiển ý, những thực hành đạo đức như cầu nguyện trước, sau các bữa ăn, cầu nguyện mỗi sáng khi thức dậy và mối tối trước khi buông màn, làm dấu Thánh giá khi vào sân bóng hay sau khi ghi được bàn thắng…sẽ giúp ta cắt tỉa những điều xấu xa, tồn tại, để ngày càng gắn bó với Đấng mà nếu không có Người thì ta sẽ không làm được sự gì tốt đẹp ( x. Ga 15,5 ).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa