Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Loi noi - ngon ngu thieng

Thánh hoá lời nói
Thứ bảy, 17 Tháng 7 2010 00:56 .

1. Ngôn ngữ: Đặc ân của xã hội loài người

Trong tất cả mọi thụ tạo hữu hình, chỉ loài người có tiếng nói. Loài chim có tiếng hót véo von, nhưng chỉ có một vài điệu quen thuộc. Loài thú vật chỉ có những tiếng kêu đơn giản. Chỉ riêng có loài người mới có tất cả hệ thống ngôn ngữ tinh vi diễn đạt được hết mọi trạng thái phức tạp của tâm hồn, mọi khung cảnh của vũ trụ. Bởi vì ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu được xã hội quy định ý nghĩa và mọi phần tử trong xã hội đều có thể sử dụng nó như một dụng cụ để biểu cảm và trao đổi.

Đọc Thánh Kinh, chúng ta thấy có câu chuyện tháp Babel giải thích về nguồn gốc ngôn ngữ: khắp nơi trên trái đất nói cùng một thứ tiếng như nhau (x. St 11,1). Nhưng vì kiêu ngạo, muốn biểu dương quyền lực bằng cách xây một ngọn tháp cao thấu trời (x. St 11,4), nên con người đã bị phạt: tiếng nói trở thành lộn xộn, không hiểu được nhau (x. St 11,7). Như vậy, ta thấy khi loài người kiêu ngạo, phô trương, là lúc họ không thể thông cảm với nhau được.

Ngôn ngữ là phương tiện diễn tả tư tưởng của mình và là cách thế để tạo mối thông cảm giữa các cá nhân. Lời nói đó chỉ có thể đạt tới kết quả sự hiểu biết lẫn nhau, nếu loài người sống khiêm nhường, tùng phục Thiên Chúa, vâng giữ giới răn Người.

Đối với loài vật vô tri giác, chúng không bao giờ có trách nhiệm về tiếng kêu và tiếng hót của chúng. Nhưng con người phải trả lẽ về từng lời đã nói. Trong dụ ngôn nén bạc, ta thấy chủ bảo tên đầy tớ bất trung: “Ta sẽ xử với người theo lời miệng ngươi nói” (Lc 19,22).

Chính lời nói mà ngươi được trắng án. Cũng chính bởi miệng lưỡi mà chính ngươi bị kết án. Như vậy, xem ra lời nói có phần quan trọng rất lớn trong đời sống một tín hữu. Lời nói có thể ảnh hưởng tới vận mệnh đời đời của các linh hồn.

Đây là một vấn đề then chốt trong cuộc sống, đó là việc thánh hoá ngôn từ. Thánh Giacôbê rất chí lý khi khẳng định: “Nếu ai không sai lỗi trong lời nói, đó là người hoàn thiện” (Gc 3,2).

Việc kiềm chế miệng lưỡi không phải chỉ là một thuật xử thế, một cách tỏ mình ra đạo mạo thận trọng, mà còn là một vấn đề tu đức. Ta hãy nghe Thánh Giacôbê lập luận: “Nếu ta tra hàm thiếc vào mõm ngựa, để bắt chúng theo ý ta, thì ta cũng hướng dẫn một trật cả thân mình chúng. Như bánh lái rất quan trọng trong việc điều khiển chiếc thuyền. Và dù có bị cuồng phong đẩy mạnh, chúng cũng được hướng dẫn do một bánh lái bé nhỏ, nó đi đến đâu tuỳ ý người hoa tiêu. Cũng vậy, lưỡi chỉ là một phần cỏn con trong thân thể con người, như tàn lửa nhỏ, thế mà đốt cháy cả tán rừng lớn: lưỡi là lửa” (Gc 3,3-6).

2. Lợi và hại của việc sử dụng lời nói

Ngôn ngữ là những điều cao cả của con người, tuyệt tác của công trình sáng tạo. Lời nói của chúng ta khi phục vụ cho điều lành hay điều dữ, đều mang theo hương thơm hay mùi hôi của nguồn nước bên trong, nơi nó phát xuất: cõi lòng người ta (x. Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng).

Tất cả mọi ơn phúc, mọi khả năng loài người lãnh nhận, phải quy hướng về sự làm vinh danh Chúa và cứu độ. Đối với lời nói cũng thế, phải dùng lời nói để:

- Tôn vinh Thiên Chúa, để nói về Ngài, nói với Ngài, ca tụng, thờ lạy, cảm tạ Ngài.

- Ước gì tất cả việc làm, lời nói, ý nghĩ và miệng lưỡi con là một lời ca ngợi tình thương Chúa, vì tất cả đều bởi Chúa mà ra.

- Thông cảm với tha nhân để làm cho họ tốt hơn. Cha mẹ, người trên dùng lời nói để dạy dỗ giáo huấn con cái hoặc kẻ dưới quyền.

- Chúng ta hãy tưởng tượng thế giới hỗn loạn đến đâu, khó hợp tác với nhau nếu con người không nói được.

- Người ta cãi nhau vì những lâu đài bằng cát. Vào một buổi xế trưa, trời trong xanh bao la. Dọc theo con đường nhỏ, một đám trẻ con nô đùa với nhau, chơi xây nhà bằng cát. Một lát sau, bọn chúng gây lộn ầm ĩ, chúng cãi nhau vì có đứa đã xô sập nhà đứa khác… “những lâu đài bằng cát”, cãi nhau chỉ vì những lâu đài bằng cát.

- Thế nhưng thế giới cũng hỗn loạn không kém nếu loài người lạm dụng lời nói. Người ta dùng lời nói xúc phạm đến Chúa, đến thuần phong mỹ tục, đến tinh thần… Lời nói là nọc độc gieo rắc đau thương, huỷ diệt sự sống.

- Sách Gương Phúc dạy chúng ta: Nói ít với tạo vật để nói nhiều với Chúa, tránh những lời nói vô ích tò mò. Chỉ dùng miệng lưỡi để nói điều tốt, điều lành: đó là phương pháp tối hảo để nên trọn lành, để giữ tâm hồn trong sạch và kết chặt với Chúa. Miệng là cửa của hoạ phúc.

3. Xây dựng tình bác ái bằng lời nói

Sách Châm ngôn thường bàn về việc sử dụng lời nói của người khôn ngoan. Tác giả ca tụng những người dùng lời nói để khuyên nhủ kẻ khác: “Miệng kẻ khôn ngoan gieo rắc sự hiểu biết” (Cn 15,7).

a. Lời khích lệ

Một lời khen ngợi đúng lúc, quả thật là kỳ diệu. Bao tâm hồn được vực dậy nhờ vào những lời khen ngợi, khuyến khích của người khác. Lời khen ngợi thân tình và gương mẫu nhất có lẽ là lời của bà Êlisabeth, chị họ của Đức Maria. Khi nghe lời Maria chào, bà liền lên tiếng khen ngợi em mình: “Em thật diễm phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang, cũng được chúc phúc”. Nếu lời khen ngợi ngưng ở đây thì chưa phải là lời khen ngợi tuyệt vời nhất, nhưng bà lại tiếp tục một cách cụ thể: “Phúc cho em vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với em” (Lc 1,45).

Lời nói khích lệ là lời nói tạo phấn khởi cho người khác, khi người ấy đang nỗ lực thi hành một công việc gì, hay đang cố gắng theo đuổi một chương trình gì.

Lời nói khích lệ có thể là lời khen chân thật, lời cổ vũ, bày tỏ sự tin tưởng, lời biểu lộ cảm tình. (Những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn cần lời khích lệ hơn cả).

Lời khích lệ thực sự phải là lời chuyên chở ý muốn thăng tiến người khác, không mang màu sắc mỉa mai hay ghen tị, là lời chứa đựng tình yêu và biểu lộ tình yêu đối với người được khích lệ.

b. Lời an ủi

Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự yên ủi, vì Ngài là hiền phụ đầy tình thương. Tất cả những ai hiểu biết trái tim Chúa, đều biết cách yên ủi kẻ khác. Thánh Phaolô cũng dạy chúng ta: “Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (2 Cr 1,4).

Ai thấy người mù sắp rơi xuống hố mà không giúp họ tránh khỏi là một người tàn ác. Cũng thế, gặp những kẻ lầm lạc hay dốt nát không biết được đường ngay đạo chính mà bình yên như vại, đó cũng là một thứ độc ác thiêng liêng.

Lời an ủi là lời thông cảm với người khác, xoa dịu nỗi buồn hay sự thất bại của người khác. Lời an ủi càng cần thiết khi người khác đang đau khổ. Trong một vài trường hợp, lời an ủi được thay thế bằng sự hiện diện, một sự hiện diện chứa đầy tình thương.

c. Lời thông cảm và xây dựng

Có những trường hợp con người cần sự thông cảm hơn những thứ khác. Thông cảm là biểu lộ sự rung động của mình trước nỗi khổ của người khác. Lời nói thông cảm biểu lộ tâm hồn mở rộng đón nhận đau khổ của tha nhân (vui với người vui, khóc với người khóc).

Người ta có thể làm vui lòng nhau bằng quà tặng, cử chỉ, hành vi hay lời nói. Trong thực tế, lời nói là điều con người dễ sử dụng nhất để làm vui lòng người khác. Phải lựa lời nói để đẹp lòng nhau (bộ mặt nhân bản của đức ái).

Chúng ta thường lỗi đức ái trong lời nói nhiều hơn cả, ngược lại, cũng có thể xây dựng tình bác ái bằng lời nói nhiều hơn cả. Điều này đòi hỏi một ý thức mãnh liệt và thường xuyên. Nhờ ý thức mà chúng ta khám phá cơ hội thi hành bác ái bằng lời nói.

Bác ái trong lời nói không là ăn nói đưa đẩy, hay tìm cách lấy lòng người khác bằng lời xu nịnh, cũng không là lời nói suông trên môi miệng, miễn trừ hành động thực tế. Nhưng là dùng lời nói như một yếu tố quan trọng để biểu lộ và xây dựng điều cốt yếu mà Đức Kitô dạy là tình yêu không giả dối.

Việc xây dựng tình bác ái bằng lời nói rất đa dạng, tuỳ người và tùy môi trường, nhưng cũng có những nét lớn căn bản.

Lời nói xây dựng là lời bày tỏ sự thật để góp ý thăng tiến người khác, hay xây dựng lợi ích chung. Hãy thắp lên một ngọn nến, hơn là ngồi nguyền rủa bóng đêm.

Tuỳ cương vị mỗi người mà lời nói xây dựng mang sắc thái khác nhau:

- Lời của người trên phải đầy tình thương (đừng phẫn nộ); khi lòng phẫn nộ, đừng nói, nên để lúc khác.

- Lời nói xây dựng của người dưới phải khiêm nhường: trình bày hay góp ý, chứ không dạy đời.

- Lời nói xây dựng của người ngang hàng phải là lời thân thiện (chia sẻ trong tình bạn).

4. Thành chi vị quý

Sống chân thành với Thiên Chúa, với tha nhân, và với chính mình. Trong bối cảnh xã hội hiện thời, có nhiều dối trá, lừa đảo thì việc sống chân thành quả thật là rất khó. Tập suy nghĩ đúng và tập nói thật theo lương tâm của mình

Muốn nói thật, phải tập luyện:

- Một tinh thần đức tin vững mạnh để xác tín rằng: Thiên Chúa thấu biết mọi sự. Phải sống trước uy nhan Chúa một cách rất chân thành. Không bao giờ muốn làm phiền Thánh Thần chân lý hằng ngự trong lòng ta.

- Một trí phán đoán ngay thẳng theo tinh thần đức tin, biết nhìn nhận giá trị theo mức độ liên quan của chúng đối với giá trị đời đời. Do đó, sẽ không liều làm mất vẻ trong sáng của linh hồn, không dễ dàng nói dối để đạt một lợi ích trần thế.

- Tập tư tưởng đúng. Muốn suy nghĩ đúng, phải có tiêu chuẩn chính xác. Mẫu mực của lý trí phải là các nguyên tắc bất di bất dịch của Thánh Kinh. Nên suy cứu Thánh Kinh để hiểu ý Chúa, hiểu được chân lý đã bày tỏ cho loài người. Ngoài ra, phải cầu nguyện bàn hỏi với những vị khôn ngoan. Dần dà trí khôn có những phán đoán đúng, tư tưởng lành mạnh, giúp ta nói đúng sự thật.

- Tập đức can đảm, phải tiêu diệt óc nô lệ, hèn nhát, sợ hãi, ngại đau khổ. Nhiều người nói dối chỉ vì hèn nhát, bạc nhược. Luyện chí can trường, chỉ sợ một Đấng chủ tể duy nhất là Thiên Chúa, chỉ sợ phạm tội mất lòng Ngài. Ngoài ra, đừng sợ hãi gì ở trần gian này, kể cả cái chết.

Cuộc đời Đức Maria diễn ra trong âm thầm, cầu nguyện, suy ngẫm, vâng phục, yêu mến Thiên Chúa và nhân loại với tình yêu phi thường. Rất bình dị, nhưng cũng vô cùng kỳ diệu. Bình dị trong lối sống, trong lời ăn tiếng nói.

Trong lời nói, Mẹ nêu gương:

- Kín đáo, thận trọng.

- Diễn tả tâm tình mến Chúa, yêu người.

- Biểu lộ đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng.

Bác ái, thận trọng và trách nhiệm là điều chúng ta cần phải quan tâm khi dùng ngôn từ. Dùng ngôn từ với sự trân trọng, luôn là trách nhiệm của bản thân, nhất là nơi những con người dâng hiến: “Nếu muốn Hội Thánh là nơi chúng ta tái khám phá ý nghĩa sâu xa của bản chất con người, của những con người mà căn tính thâm sâu là hợp nhất với nhau, thì trước hết, chúng ta phải là một cộng đoàn, trong đó, chúng ta sử dụng ngôn từ với lòng kính trọng và tinh thần trách nhiệm”. (Timothy Radcliffe).

Chúng ta xác tín mình được mời gọi sống tình huynh đệ với nhau, với mọi người, và dấn thân phục vụ công cuộc Phúc Âm hoá, bằng cách trở nên lời ca ngợi tình thương Chúa, trở nên chứng nhân của niềm vui, bình an và hy vọng giữa mọi người, đặc biệt giữa những người nghèo.

Lm. Đaminh Đinh Viết Tiên, OP

Meo vat - Thuoc hay

Mẹo vặt hữu ích... (1)
Thứ bảy, 17 Tháng 7 2010 00:02 .

1. Muốn trị kiến: Kiến ghét dưa leo. Bỏ vỏ dưa leo gần chỗ có kiến hay ổ kiến.

2. Muốn có nước đá trong và sạch: đun nước cho sôi trước khi đông lạnh.

3. Muốn làm cho gương sáng: dùng alcohol để lau chùi.

4. Muốn gỡ kẹo cao su dính vào quần áo: để quần áo trong tủ đông lạnh khoảng một tiếng đồng hồ.

5. Muốn tẩy trắng quần áo màu trắng: ngâm quần áo màu trắng vào nước nóng, có bỏ một lát chanh, trong vòng 10 phút.

6. Muốn cho tóc được óng ả: bỏ một muỗng cà phê giấm lên tóc, rồi gội sạch.

7. Muốn nặn nước tối đa từ trái chanh: ngâm chanh trong nước nóng khoảng một tiếng đồng hồ, trước khi nặn nước.

8. Muốn làm bớt mùi bắp cải khi nấu: để một miếng bánh mì trên bắp cải trong nồi khi nấu.

9. Muốn tẩy hết mùi tanh của cá trên tay: rửa tay bằng một chút giấm táo.

10. Muốn tránh chảy nước mắt khi sắt củ hành: nên nhai kẹo cao su.

11. Muốn luộc khoai tây nhanh chóng: chỉ gọt vỏ củ khoai một bên mà thôi, trước khi luộc.

12. Muốn luộc trứng nhanh chóng: bỏ muối vào nước và đun sôi.

13. Muốn tẩy mực dính trên quần áo: bôi nhiều kem đánh răng vào chỗ vết mực và để cho thật khô trước khi giặt.

14. Muốn lột vỏ khoai lang nhanh chóng: ngâm khoai trong nước lạnh ngay sau khi luộc.

15. Muốn đuổi chuột: rắc tiêu đen ở những nơi bạn thấy có chuột. Chúng sẽ bỏ chạy.

16. Muốn trừ gián: Dùng bột “baking soda“. Loại bột này các người làm bánh ngọt gọi là bột nổi. Dùng 2 muỗng nhỏ bột Baking Soda, trộn nhào với bánh ngọt với hành phi thơm (đừng nhiều lắm làm loãng thuốc). Chó mèo ăn không sao. Nhưng loài gián vì cơ thể không có hệ thoát hơi như loài người, trong cơ thể gián, chất nội tiết toàn là chất acid để tiêu hóa thức ăn độc hại, nên khi chất bánh sệt có baking soda vào hệ tiêu hóa của gián thì acid + baz sẽ tạo nhiều hơi làm gián bị phình bụng mà chết. Khi gián chết trong tổ thì các con gián khác ăn xác gián chết sẽ bị lây lan chứng sình bụng, hơi không thoát được, rồi chết sạch ổ nầy đến ổ kia. (dùng chất bánh ngọt thơm, sệt ấy quẹt trong những kẻ vách tường hay vách tủ hoặc bạn dùng một cái nắp chai CocaCola nhỏ, trét một chút chất sệt dẻo và đem nắp ấy vào phòng ngủ để nơi góc tường)

17. Muốn trị kiến, bướm,... khi tổ chức dã ngoại, tiệc vui hoặc các nghi lễ chiều tối ngoài trời: dùng LISTERINE (dung dịch súc miệng), pha loãng, cho vào bình xịt. Xịt một vòng chung quanh. Nếu có lều, bạt che, xịt lên lều, bạt che). Sẽ thấy không có con vật gì bay đến quấy rầy!

18. Khi lái xe đi trong mưa hoặc sương mù, khó thấy đường, rất nguy hiểm: Chỉ cần ĐEO KÍNH NHÂM (kính râm) vào, sẽ chẳng hề có mưa hoặc mây mù gì nữa! (NB. looại kính râm rẻ tiền, có bán khắp nơi, vì thế, nên ‘thủ’ một cái trong xe).

Dan so Cong Giao tren the gioi



Dân số Công Giáo hiện nay tại châu Á

Thứ hai, 19 Tháng 7 2010 19:40 .WHĐ (19.07.2010)

– Nếu tính theo tỷ lệ, người Kitô hữu chiếm 33,1% và Công giáo chiếm 17,2% dân số trên toàn thế giới. Nhưng tại châu Á, tỷ lệ dân số Công giáo chỉ là 110 triệu trên tổng số 3,5 tỷ dân, nghĩa là khoảng 2,9%.

Cách cụ thể, dân số Công giáo tại những Giáo hội là thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Á châu, chiếm tỷ lệ như sau:

1. Bangladesh (0,27% trên 145,8 triệu dân);

2. Bhutan (0,02% trên 1,8 triệu);

3. Burma (Myanmar) (1,3% trên 48,8 triệu);

4. Cambodia (0,02% trên 10,3 triệu);

5. Trung Quốc (0,5% trên 1.239,5 triệu);

6. Hongkong (4,7% trên 6,9 triệu);

7. Ấn Độ (1,72% trên 1.000 triệu);

8. Indonesia (2,58% trên 202 triệu);

9. Nhật Bản (0,36% trên 127,7 triệu);

10. Hàn Quốc (6,7% trên 47,2 triệu);

11. Bắc Hàn (không rõ tỷ lệ trên 22,6 triệu);

12. Lào (0,9% trên 6,2 triệu);

13. Macau (5% trên 0,5 triệu);

14. Malaysia (3% trên 22 triệu);

15. Mongolia (không rõ tỷ lệ trên 2,5 triệu);

16. Nepal (0,05% trên 23 triệu);

17. Pakistan (0,6% trên 142,6 triệu);

18. Philippines (81% trên 76,2 triệu); Singapore (6,5 % trên 3,1 triệu);

19. Sri Lanka (8% trên 20,8 triệu);

20. Đài Loan (1,4% trên 22,1 triệu);

21. Thái Lan (0,4% trên 61,6 triệu);

22. Việt Nam (6,1% trên 78,2 triệu);

23. Đông Timor (96% trên 1,114 triệu).

Theo thống kê trên, dân số Công giáo chỉ chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn tại Châu Á. Tuy nhiên, Giáo Hội tại Châu Á vẫn không ngừng phát triển.

Nếu vào năm 1988, dân số Công giáo tại đây là 84,3 triệu, thì nay tổng số đã là 110 triệu, nghĩa là gia tăng 25%.

Cũng trong thời gian trên, số các linh mục tăng từ 27.700 đến 32.291.

Các quốc gia có nhiều chủng sinh nhất là Ấn Độ, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam.

Ơn gọi tu sĩ cũng phát triển mạnh tại châu Á.

Dù chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng Giáo Hội Công giáo tại châu Á được biết đến và có uy tín lớn trong các lãnh vực giáo dục, y tế và công tác xã hội. Dầu vậy, những con số thống kê cho thấy Giáo Hội tại châu Á phải quan tâm đặc biệt đến sứ mạng loan báo Tin Mừng cho cả một lục địa mênh mông. Ý thức này cần được khắc sâu vào lòng mỗi tín hữu, cũng như phải trở thành định hướng căn bản trong việc đào tạo giáo dân, tu sĩ cũng như linh mục.

Nguồn: WHĐ 19-07-2010