Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Nghe thuat song


SÁU CHỮ VÀNG

Thiện chí, cầu tiến và phục thiện.
Đó là 6 chữ vàng không thể thiếu cho hành trình tiến thân, dấn thân và hiến thân của mỗi con người.

Đời người là một hành trình tìm kiếm, học hỏi và trau dồi. Nhờ kiên trì mà từng ngày con người được thăng tiến, thế giới luôn phát triển.
Có nhiều nơi để học, có nhiều cách để tìm hiểu và có nhiều địa điểm để nghiên cứu. Cách chung là học ở trường lớp và học ở trường đời.
Nhưng dù ở trường học hay trường đời, dù có nhiều phương tiện hiện đại hỗ trợ cho học tập, có nhiều giáo sư nhiệt thành, tận tụy, cũng sẽ chẳng ăn thua gì, nếu bản thân thiếu thiện chí.

Tinh thần thiện chí

Thiện chí là bước khởi đầu quan trọng và là nền tảng trong hành trình lớn lên, gần hơn với nhân cách, chân lý và khôn ngoan.
Thiện chí bằng cách thể hiện ra bên ngoài những ước muốn, những khao khát bên trong của mình cho người khác biết để co cơ hội được giúp đỡ, hỗ trợ.
Thiện chí bằng cách khiêm tốn, chí thú học hỏi, tìm hiểu, trau dồi, nâng cấp cuộc sống để có thể giúp ích cho người, cho đời.
Thiện chí thể hiện một tinh thần năng động, sẵn sàng có mặt bất cứ nơi đâu, dù hoàn cảnh khó khăn, điều kiện có hạn chế, bạn thân có mệt mỏi, miễn là có cơ hội để trau dồi thêm cho cuộc sống của mình.
Thiện chí sẽ tạo nên bầu khí sinh động, phấn khởi cho mọi người, kích thích được tinh thần chung, vì lợi ích cộng đồng và sự phát triển bản thân.
Thiện chí tạo được thiện cảm với người khác. Khiến họ sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận, trao ban, chia sẻ, tận tụy nâng đỡ và tạo cho ta có nhiều cơ hội thăng tiến và thành đạt.
Tinh thần cầu tiến
Cầu tiến là bước thứ hai quan trọng giúp ta thực sự đi vào con đường phát triển trí thức, nghề nghiệp, nhân cách hay đạo đức.
Cầu tiến thể hiện một thái độ kính trọng và yêu quý người khác, không chỉ bằng có mặt khi cần thiết thôi, mà còn tích cực làm theo hướng dẫn của người khác.
Cầu tiến là chú tâm suy nghĩ kỹ lưỡng từng điều điều người trên giảng dạy, gợi ý, biết đặt vấn đề để trao đổi, tìm hiểu xoay quanh đề tài, giúp nhanh chóng tiếp thu và tiêu hóa kiến thức.
Cầu tiến là chú ý lắng nghe, ghi chép lại, cẩn thận làm theo, thực hành cho tốt, để luôn có những câu trả lời đúng đắn, với thành quả cao nhất.
Cầu tiến là sẵn sàng cộng với người khác, tích cực làm mọi công việc mà chẳng tính toán so đo hơn thiệt.
Cầu tiến là kiên trì theo đuổi sự khôn ngoan, các chân lý cao siêu, bằng cách nghiền ngẫm, tìm tòi, đầu tư để ngày càng có tầm hiểu biết sâu sắc hơn.
Cầu tiến thể hiện thái độ siêng năng trong học hành, tận tâm trong nghề nghiệp, tích cực trong công việc không biết mỏi mệt, cũng chẳng chán nản hay thất vọng, nhưng là luôn tích cực vượt khó.
Cầu tiến bằng cách chú ý quan sát công việc của người khác, để bất cứ ở đâu, với ai, mọi công việc của họ, đều có thể trở thành bài học quý giá, ích lợi cho cuộc sống của mình.
Tinh thần phục thiện
Phục thiện là điều không thể thiếu cho ai muốn trưởng thành. Vì trên đời này chẳng có ai là hoàn hảo, tuyệt đối cả.
Cho dù ta có thiện chí, có tinh thần cầu tiến, luôn cố gắng thực hành nhân đức và nâng cao kiến thức chuyên môn, thì cũng không có nghĩa là ta chẳng bao giờ mắc sai lầm.
Hãy biết rằng con người tự bản chất là mỏng giòn và yếu đuối, hạn hữu và chóng qua. Khi sinh ra, con người đã mang trong mình cái bản chất của hư nát, tro bụi. “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai rồi sẽ trở về, bụi tro”.
Sai lầm là điều không thể không có trong cuộc sống, nhưng sửa sai mới là điều quan trọng.
Té ngã trên đường đời là chuyện thường tình, nhưng đứng dậy đi tiếp mới là điều quan trọng.
Có tinh thần phục thiện, thì dù xấu xa tội lỗi đến đâu, cũng đều có thể được tẩy rửa bằng thời gian, bằng cố gắng, hy sinh, thành tâm, nhẫn nại và khiêm tốn.
Phục thiện giúp ta được tắm gội trong khôn ngoan và chân lý, kinh nghiệm và niềm vui, tình yêu và thứ tha, nhân cách và đạo đức.
Muốn vậy, cần phải tránh thái độ tự ái, sợ hãi, mặc cảm, thì người khác mới có thể giúp ta nhận ra đúng sai, giúp mở ra con đường mới cho ta cố gắng hơn.
Muốn vậy, cần tránh thái độ khép kín, co cụm, cố chấp không nhìn nhận hoặc không đủ can đảm nhìn nhận sai trái của mình. Nhờ thế, ta mới có cơ hội để người khác chỉ đường mách lối cho ta đi một cách an toàn, trong chân lý và sự thật.
Muốn vậy, đừng quá nghĩ đến thể diện, mà hãy nghĩ đến những trách nhiệm lớn lao mà gia đình, xã hội, Giáo hội đang chờ ta gánh vác, để mạnh dạn sửa sai, điều chỉnh cuộc sống mọi mặt cho phù hợp, chuẩn bị kỹ lưỡng những điều kiện cần thiết cho việc phục vụ mọi người sau này.
Muốn vậy, hãy để tâm suy nghĩ đường nhân đức, những giá trị cao quý của con người và cuộc sống để cố gắng phấn đấu đạt được, và bằng mọi giá, tu chỉnh bản thân cho phù hợp để tạo được sức mạnh và niềm vui trong cuộc sống của mình.


[THANH THANH