Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Cac con hay NEN THANH vi CHUA chung ta LA DANG THANH !


19/01/2010 10.54.49



BÉ NHỎ NGHÈO NÀN VÀ THÁNH NỮ TIẾN SĨ HỘI THÁNH








Năm 1997 kỷ niệm 100 năm sinh nhật trên trời của thánh nữ Teresa Hài Đồng GIÊSU (1873-1897). Năm kỷ niệm đạt đỉnh cao với biến cố Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) tôn phong vị nữ tu Dòng Kín khiêm hạ và trẻ trung lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh, trong Thánh Lễ trọng thể vào Chúa Nhật 19-10-1997 tại quảng trường thánh Phêrô..

Trước đó, nhiều nơi trên thế giới tổ chức các buổi học hỏi về cuộc đời và về sứ điệp của vị nữ thánh. Chẳng hạn bên nước Argentina, thuộc Châu Mỹ Latinh nơi giáo xứ Lanuse, Linh Mục Luis - Cha Sở họ đạo - tổ chức cuộc rước kiệu bức tượng nữ thánh qua các con đường của khu phố nghèo nàn nhất. Vừa đi, đoàn tín hữu rước kiệu vừa hát thánh ca và lần hạt Mân Côi. Sau

buổi rước tất cả các thanh thiếu niên của giáo xứ tập họp lại lãnh phép lành của Cha Sở trước khi giải tán. Sau đó, để đánh dấu một ngày lễ vui của giáo xứ, các em được uống sôcôla nóng và ăn bánh ngọt. Nhưng điều đáng nói nhất là cử chỉ yêu thương trìu mến của Cha Luis đối với các trẻ em nghèo. Cha giơ tay ban phép lành cho từng em, ghé tai nói nhỏ với mỗi em vài lời. Rồi Cha ôm hôn từng em một với trọn tình yêu thương của một người Cha đối với con cái.

Trên trời cao, hẳn Chị thánh Teresa Hài Đồng GIÊSU vui mừng trước khung cảnh cảm động này. Lúc sinh thời Chị thánh rất yêu thương các trẻ em. Phép lạ đầu tiên Chị thánh cầu bầu trước tòa THIÊN CHÚA là chữa lành một em bé 3 tuổi bị câm điếc.

... Tại hai quần đảo Wallis và Futuna bên nước Polynésie thuộc Đại-dương-châu, trong khung cảnh kỷ niệm 100 năm thánh nữ Teresa Hài Đồng GIÊSU qua đời, có nhiều cuộc hội thảo bàn tròn về ”con đường thơ ấu thiêng liêng” của thánh nữ. Một cặp vợ chồng Công Giáo cũng tham dự các cuộc hội thảo này. Đây là cặp vợ chồng gặp không biết bao nhiêu khó khăn trong đời sống gia đình. Trước hết, họ son sẻ không con cái. Rồi lại bị đau bệnh liên miên và nhiều vấn đề khác. Nhưng nhờ các buổi học hỏi về đời sống thiêng liêng của thánh nữ Teresa họ bắt đầu chấp nhận các thử thách trong niềm tin tưởng phi thường.

Cuộc gặp gỡ tinh thần với thánh nữ Teresa Hài Đồng GIÊSU như một luồng sáng huy hoàng chiếu dọi vào một tổ ấm phủ đầy bóng tối, chán nản vì đau khổ. Từ đó, người vợ thay đổi hẳn thái độ. Trong môi trường làm việc, chị can đảm nói về thánh nữ Teresa cho các bạn đồng nghiệp. Rồi hai vợ chồng quyết định đi hành hương Lisieux, viếng thăm các nơi từng ghi dấu các vết chân thánh nữ. Cuộc hành hương như mang theo tất cả tâm tình của người dân thuộc hai quần đảo Wallis và Futuna hết lòng mộ mến thánh nữ Teresa thành Lisieux.

... Tại Hoa Kỳ, nơi Tổng Giáo phận New York có một giáo xứ mang tên Áo Đức Bà và thánh Stephano. Giáo xứ do các Cha dòng Cát-Minh coi sóc từ năm 1990. Đây là giáo xứ cổ xưa có từ 150 năm nay. Ngôi thánh đường có lối xây cất tuyệt đẹp, do đại kiến trúc sư gốc Ý tên Costantino Brumidi (1805-1880) thực hiện. Vào thời kỳ đó, người dân vùng này âu yếm gọi kiến trúc sư Brumidi là Buonarrotti MichelAngelo (1475-1564) đệ nhị.

Các Cha dòng Cát-Minh chu đáo chuẩn bị mừng lễ thánh nữ Teresa Hài Đồng GIÊSU vào ngày 1-10-1997 thật long trọng. Chuẩn bị bằng các bài giảng các buổi tĩnh tâm và nhất là kêu mời mọi người sốt sắng, chẳng những tham dự Thánh Lễ các Chúa Nhật mà cả ngày thường khi hoàn cảnh cho phép. Lời kêu gọi được toàn thể giáo dân trong giáo xứ nhiệt liệt hưởng ứng. Khi đến chính ngày 1-10 bức tượng thánh nữ Teresa Hài Đồng GIÊSU đặt trước bàn thờ được trang hoàng toàn bằng hoa hồng với ba màu sắc: vàng, trắng và đỏ, trông tuyệt đẹp. Sau Thánh Lễ, các cánh hoa hồng được phân phát cho mọi người có mặt trong nhà thờ. Thật là một ngày lễ huy hoàng không phải bằng hình ảnh lộng lẫy bề ngoài cho bằng các ân lành Chị thánh Teresa Hài Đồng GIÊSU cầu bầu trước tòa THIÊN CHÚA tuôn đổ xuống cộng đoàn giáo xứ. Muôn vàn ghi ơn Chị Thánh!

... ”Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào THIÊN CHÚA, và có THIÊN CHÚA làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái. Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được? Ta là THIÊN CHÚA, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tùy theo cách nó sống và việc nó làm. Con chim quốc ấp trứng nó không đẻ, kẻ làm giàu bất chính nào có khác chi: nửa cuộc đời, nó phải bỏ giàu sang, và rốt cuộc, cũng chỉ là một đứa ngu đần” (Giêrêmia 17,7-11).

(”Dans le SILLON missionnaire”, 1+2+3/1998, trang 15-18)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Xin cho HO NEN MOT !


20/01/2010 17.27.56



Tuy có các vấn đề mới, phong trào đối thoại đại kết đã đạt nhiều tiến bộ.




Trong 50 năm qua cuộc đối thoại đại kết đã đạt nhiều tiến bộ. Có những vấn đề cũ đã mất đi trọng lượng của chúng, nhưng cũng có các vấn đề và các khó khăn mới nảy sinh. Vì thế cần phải luôn kiên trì cầu nguyện để được Chúa thanh tẩy khiến cho chúng ta có khả năng hiệp nhất với nhau.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước 8.000 tín hữu tham dự buổi gẵp gỡ chung trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 20-1-2010.

Vì đang trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã đề cập tới đề tài này. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:
Anh chị em thân mến, chúng ta đang ở trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô, một sáng kiến đại kết đã được cấu trúc từ hơn một thế kỷ qua và hàng năm lôi kéo sự chú ý về một đề tài, là sự hiệp nhất hữu hình giữa các kitô hữu, lôi cuốn lương tâm và khích lệ dấn thân của những người tin nơi Chúa Kitô. Nó được thực thi trước hết với lời mời cầu nguyện, noi gương Chúa Giêsu xin Thiên Chúa cha cho các môn đệ Người được hiệp nhất: ”Xin cho chúng nên một để thế giới tin” (Ga 17,21). Việc nhắc nhở kiên trì cầu nguyện cho sự hiệp thông trọn vẹn giữa các người theo Chúa diễn tả hướng đi đích thực và sâu thẳm của toàn phong trào đại kết... Ngoài nỗ lực phát triển các tương quan huynh đệ và thăng tiến đối thoại để minh xác và giải quyết các khác biệt gây chia rẽ giữa các Giáo Hội và các cộng đoàn giáo hội, cần phải cùng nhau tin tưởng khẩn cầu Chúa.

Đức Thánh Cha đã nhắc tới đề tài cho Tuần cầu nguyện năm nay là một câu trong chương 24 Phúc Âm thánh Luca: ”Các con là chứng nhân của tất cả mọi điều ấy”. Chương 24 trình thuật kinh nghiệm gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Kitô tử nạn và phục sinh cũng như sứ mệnh làm chứng mà Ngài giao cho họ. Vì thế ”tất cả những điều ấy” trước hết ám chỉ Thập Giá và sự Sống Lại, ám chỉ mầu nhiệm của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, chết, sống lại, sống luôn mãi và bảo đảm cho cuộc sống vĩnh cữu của chúng ta. Khi biết Chúa Kitô là chúng ta biết Thiên Chúa, vì Chúa Kitô là mạc khải của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định rằng con người thuộc mọi thời đại đều nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa duy nhất nhưng xa vời và không tự tỏ hiện. Nhưng nơi Chúa Kitô Thiên Chúa đã tự tỏ hiện và trở thành gần gũi với con người. Ngài lôi kéo mọi người tới với Ngài và hiệp nhất toàn nhân loại trong thực tại của cuộc sống bất tử.

Nhưng chúng ta có thể làm chứng cho tất cả những điều ấy như thế nào? Chúng ta chỉ có thể là các chứng nhân, khi biết Chúa Kitô và biết Chúa Kitô cũng là biết Thiên Chúa. Việc hiểu biết Chúa Kitô chắc chắn bao gồm một chiều kích trí thức, nhưng nhất là một tiến trình hiện sinh, một tiến trình rộng mở cái tôi, tiến trình của việc biến đổi do sự hiện diện và sức mạnh của Chúa Kitô; và như thế nó cũng là một tiến trình rộng mở cho tất cả mọi người khác, là thân mình của Chúa Kitô. Như vậy hiểu biết Chúa Kitô cũng là một tiến trình biến chúng ta trở thành chứng nhân. Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể là chứng nhân của Chúa Kitô, nếu có kinh nghiệm gặp gỡ riêng tư với Chúa. Giáo Hội đã quy tụ và tóm tắt điều chính yếu mà Chúa đã ban cho trong Mặc Khải, nơi Kinh tin Kính niceno costantinopolitano, là kết qủa của hai Công Đồng Chung (325 và 381). Giáo Lý xác định rằng Kinh tin Kính này ”cho tới nay là chung cho tất cả các Giáo Hội lớn của Đông Phương và Tây Phương (CCC, s.195). Trong Kinh Tin Kinh ấy có các chân lý đức tin mà kitô hữu có thể cùng nhau tuyên xưng và làm chứng để thế giới tin, bằng cách biểu lộ ý muốn tiến bước về sự hiệp thông trọn vẹn, sự hiệp nhất của Thần Mình Chúa Kitô, với ước muốn dấn thân thắng vượt các khác biệt hiện có.

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu kitô cũng giúp nhìn lại các khía cạnh quan trọng đối với phong trào đại kết. Trước hết là sự tiến bộ lớn đã đạt được trong các tương quan giữa các Giáo Hội và các cộng đoàn giáo hội sau Hội nghị triệu tập tại Edimburg bên Ecốt cách đây một thế kỷ, trong các ngày 13 tới 24 tháng 6 năm 1910. Trong số các đề tài được thảo luận hồi đó có các khó khăn khách quan trong việc loan báo Tin Mừng khi các kitô hữu còn chia rẽ nhau. Phong trào đại kết đã phát triển và trở thành yếu tố quan trọng trong cuộc sống Giáo Hội. Nó không chỉ tạo thuận lợi cho các tương quan huynh đệ giữa các Giáo Hội và Cộng đoàn giáo hội trong việc đáp trả lại giới răn yêu thương, mà còn khích lệ việc tìm hiểu thần học nữa. Ngoài ra nó cũng lôi cuốn cuộc sống cụ thể của các Giáo Hội và cộng đoàn giáo hội liên quan tới mục vụ và cuộc sống bí tích như việc thừa nhận bítích Rửa Tôi của nhau, các vấn đề hôn nhân hỗn hợp vv... cũng như giúp nới rộng các tương quan với các phong trào pentecostal, tin lành và đặc sủng thánh linh để hiểu biết nhau nhiều hơn.

Đề cập tới phần đóng góp của của Giáo Hội Công Giáo cho phong trào đại kết Đức Thánh Cha nói: Từ Công Đồng Chung Vaticăng II trở đi, Giáo Hội công giáo đã bước vào các tương quan huynh để với tất cả các Giáo Hội Đông Phương và các Cộng đoàn giáo hội Tây Phương, đặc biệt bằng cách cùng với đa số các Giáo Hội và Cộng đoàn đó tổ chức các cuộc đối thoại thần học song phương, giúp tìm các tương đồng và đồng thuận trong nhiều điểm cũng như đào sâu các mối dây của sự hiệp thông. Với các Giáo Hội Chính Thống Ủy ban đối thoại thần học hỗn hơp đã nhóm họp khóa XI tại Paphos trên đảo Chypre hồi tháng 10 năm 2009 về một đề tài nòng cốt: ”Vai trò của GM Roma trong sự hiệp thông của Giáo Hội trong ngàn năm thứ nhất”, tức khi các kitô hữu Đông Phương và Tây Phương sống sự hiệp nhất tràn đầy với nhau. Với các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương khác như Copte, Etiopi, Siri, Armeni Ủy ban hỗn hợp đã nhóm họp trong các ngày từ 26 tới 30 tháng giêng năm ngoái.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Cũng vào năm ngoái Giáo Hội Công Giáo đã cùng với các Cộng đoàn giáo hội Tây Phương duyệt xét các thành qủa đã đạt được trong các cuộc đối thoại kéo dài 40 năm qua, đặc biệt với Cộng đoàn Anh giáo, Liên hiệp Luther thế giới, Liên Minh cải cách thế giới và Hội Methodist thế giới. Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu kitô đã thực hiện một nghiên cứu liệt kê các điểm tương đồng giúp đối thoại song phương, đồng thời cũng liệt kê các vấn đề còn bỏ ngỏ cần thảo luận trong tương lai.

Đức Thánh Cha đã nhắc tới một vài biến cố gần đây như Tuyên ngôn chung về giáo lý sự công chính hóa giữa Công Giáo và Luther ngày 31 tháng 10 năm 2009 để khích lệ việc tiếp tục đối thoại; chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám Mục Canterbury Rowan Williams và tình hình của Cộng đoàn Anh giáo. Tuy có các vấn đề đối chọi giữa hai bên nhưng dấn thân chung tiếp tục các tương quan và đối thoại là một dấu chỉ tích cực. Trong cuộc đối thoại đại kết có chiều kích trách nhiệm của các tín hữu kitô phải làm tất cả những gì có thể để đạt sự hiệp nhất, nhưng cũng có chiều kích thiên linh, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sự hiệp nhất cho Giáo Hội. Các kết qủa thực tế đã đạt được là do sự cộng tác và tình huynh đệ của 50 năm đối thoại đại kết. Nhưng công việc đại kết không phải là một tiến trình theo đường thẳng. Có các vấn đề cũ trong bối cảnh của thời đại khác mất đi trọng lượng của chúng, nhưng cũng có nhiều vấn đề và khó khăn mới nảy sinh. Vì thế phải luôn luôn sẵn sàng đối với tiến trình thanh tẩy để Chúa khiến cho chúng ta có khả năng hiệp nhất với nhau. Đức Thánh Cha xin mọi người tiếp tục cầu nguyện nhiều cho cuộc đối thoại đại kết và ơn hiệp nhất các tín hữu kitô.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha khuyến khích diễn tả lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất bằng các cử chỉ cụ thể, hoạt động cho hòa bình và hòa giải, dâng khổ đau cầu nguyện cho sự hiệp thông giữa các tín hữu kitô và sống ơn gọi gia đình trong sự tâm đầu ý hợp.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha cho mọi người.


Linh Tiến Khải

Chi mot DUC TIN - mot PHEP RUA - mot THIEN CHUA LA CHA !


19/01/2010 16.46.53



Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô 2010


Một số nhận định của Linh Mục Gino Battaglia, Giám đốc văn phòng đối thoại đại kết và liên tôn của Hội Đồng Giám Mục Italia, về tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu 2010

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô đã bắt đầu ngày 18-1-2010 và kéo dài cho tới ngày 25-1-2010 rồi kết thúc với buổi hát Kinh Chiều trọng thể do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ sự tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ở Roma. Đề tài của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô năm nay là ”Chính các con là chứng nhân về tất cả những điều đó...” (Lc 24,48). Đề tài đã do các Kitô hữu Ecốt chọn và tài liệu cho tuần hiệp nhất cũng do các anh chị em Ecốt soạn thảo. Chương 24 Phúc Âm thánh Luca được suy tư trong suốt tuần với các tựa đề: cử hành Đấng đã trao ban cho chúng ta ơn sự sống và sự phục sinh; biết chia sẻ cho người khác lịch sử đức tin của mình; ý thức rằng Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống chúng ta; tạ ơn Chúa về gia tài đức tin đã nhận lãnh; tuyên xưng Chúa Kitô Đấng chiến thắng mọi khổ đau; tìm luôn trung thành với Lời Chúa; trưởng thành trong đức tin đức cậy và đức mến; cống hiến sự tiếp đón và biết tiếp nhận sự tiếp đón.

Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô đã được cử hành lần đầu tiên trong các ngày từ 18 tới 25 tháng giêng năm 1908 do sáng kiến của mục sư Paul Wattson thuộc Giáo Hội Episcopal Hoa Kỳ. Vì tổ chức tuần cầu nguyện với mục đích xin cho các Giáo Hội khác trở về với Giáo Hội Công Giáo Roma, mục sư Wattson đã chọn ngày 18 tháng giêng lễ kính ngai tòa thánh Phêrô, và ngày 25 tháng giêng lễ thánh Phaolô trở lại. Mục sư Wattson là người đồng sáng lập Hiệp Hội Đền Tạ gồm các tu huynh và nữ tu đền tạ tại Graymont, New York. Năm 1909 sau khi Hiệp hội này gia nhập Giáo Hội công giáo, Đức Giáo Hoàng Pio X đã chính thức chúc lành cho Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất.

Các tuần cầu nguyện cho hiệp nhất sau đó được nhiều phong trào của các Giáo Hội Kitô nhấn mạnh, trong đó có phong trào Oxford Liên Minh Tin Lành Thế Giới với các sáng kiến cầu nguyện cho nữ giới. Vào năm 1935 viện phụ Paul Couturier bên Pháp đã đưa ra hướng đi mới cho tuần cầu nguyện, bắt đầu được phổ biến trong Giáo Hội công giáo và trong một số các cộng đoàn Anh giáo có thiện cảm với Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Roma. Cha Couturier giữ các ngày 18 tới 25 tháng giêng, nhưng đổi tên thành ”Tuần cầu nguyện đại đồng cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô”, trong nghĩa hiệp nhất như ý Chúa muốn.

Sáu mươi năm sau, tức năm 1968, Ủy ban Đức Tin và Hiến Chế của Hội Đồng Đại Kết các các Giáo Hội Kitô và văn phòng Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô cùng soan thảo tài liệu cho tuần cử hành và gửi cho các Giáo Hội và giáo xứ trên toàn thế giới.

Năm nay cũng là địp kỷ niệm 100 năm hội nghị truyền giáo quốc tế lần đầu tiên nhóm tại Edimburg bên Êcốt. Hồi năm 1910 hội nghị đã quy tụ 1.200 đại biểu thuộc các Giáo Hội Tin Lành hầu hết đến từ Anh quốc và Hoa Kỳ. Tuy thiếu các đại biểu công giáo và chính thống nhưng sáng kiến này đã có tầm quan trọng rất lớn vì nó được coi như biến cố làm nảy sinh ra phong trào đại kết. Chính trong tinh thần ấy năm 1948 đã nảy sinh ra Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô có trụ sở tại Genève bên Thụy Sĩ và hiện nay quy tụ 349 Giáo Hội thuộc 110 quốc gia trên thế giới.

Trong các ngày 2-6 tháng 6 năm nay 2010 các Giáo Hội Kitô Ecốt sẽ tổ chức một Đại hội quốc tế truyền giáo khác để mừng kỷ niệm 100 năm Hội nghị truyền giáo quốc tế Edimburg. Lần này sẽ có sự tham dự của phái đoàn công giáo và của Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô cũng như phái đoàn đại biểu của Giáo Hội chính thống và Pentecostal. Ngoài việc suy tư về công tác loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, còn có các đề tài như tinh thần tu đức truyền giáo, ý nghĩa của việc truyền giáo Kitô giữa các tôn giáo khác, tương quan giữa truyền giáo và quyền bính...

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Gino Battaglia, Giám đốc văn phòng đối thoại đại kết và liên tôn của Hội Đồng Giám Mục Italia, về tuần cầu nguyện này.

Hỏi: Thưa cha Bataglia, đâu là đặc thái chính của tuần cầu nguyện cho hiệp nhất năm 2010?
Đáp: Năm nay kỷ niệm 100 năm đại hội quốc tế truyền giáo triệu tập tại Edimburg bên Ecốt năm 1910. Đại hội này đã được coi như biến cố khai mào cho phong trào đại kết hiện đại. Vào tháng 6 năm 1910 đã có hơn 1.000 đại biểu của các Giáo Hội Tin Lành, Anh giáo và 1 đại biểu Chính Thống tham dự đại hội để cùng nhau suy tư về sự cần thiết phải đạt sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô để có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới một cách hữu hiệu hơn. Và sự đòi hỏi này ngày càng cấp thiết hơn nữa, đặc biệt sau một thế kỷ của phong trào đại kết.

Hỏi: Một trăm năm đã trôi qua, đã có thay đổi nào thưa cha?
Đáp: Ngày nay chúng ta ngày càng ý thức hơn về mối dây nối kết cuộc đối thoại giữa các Giáo Hội Kitô và việc rao truyền Tin Mừng. Như thế tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô năm nay được linh hứng từ mối dây nối kết ấy. Tính cách đáng tin cậy của việc thông truyền Tin Mừng thật ra bị hao mòn bởi sự chia rẽ giữa các Kitô hữu.

Hỏi: Cha nhận thấy hiện tình cuộc đối thoại đại kết ra sao?
Đáp: Tôi đồng ý với Đức Hồng Y Walter Kasper, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, khi ngài nói rằng cuộc đối thoại đã đem lại các hoa trái phong phú, tuy nhiên cũng phải thực tế thừa nhận rằng chúng ta chưa đạt tới đích điểm của cuộc hành hương đại kết. Chúng ta còn đang ở trong giai đoạn nửa chừng, cả khi không thiếu các dấu hiệu khích lệ.

Hỏi: Chẳng hạn như dấu hiệu nào thưa cha?
Đáp: Có việc tìm kiếm sự hiệp nhất liên quan tới các đề tài đòi hỏi một sự hiện diện của các tín hữu Kitô trong xã hội. Chẳng hạn Tòa Thượng Phụ Costantinopoli rất gần gũi với các lập trường của Giáo Hội công giáo liên quan tới việc bảo vệ thụ tạo thiên nhiên và môi sinh; trong khi Tòa Thượng Phụ chính thống Matscơva thì nhấn mạnh trên hiện tượng xã hội Tây âu đánh mất đi căn tính Kitô của mình, vì thế cần phải có chứng tá chung xác tín hơn đối với các giá trị và các kiểu sống của tín hữu Kitô. Thế rồi với các Giáo Hội cổ xưa của Đông Phương đã có các tuyên ngôn chung giải tỏa các nghi ngờ lạc giáo. Trái lại các khác biệt với thế giới tin lành thì rõ ràng hơn, bởi vì có vài lập trường trong lãnh vực luân lý vẫn còn xa cách nhau.

Hỏi: Trên đây là tình hình chung của cuộc đối thoại đai kết. Riêng tại Italia này thì hiện tình ra sao thưa cha Battaglia?
Đáp: Hội nghị đại kết mà chúng tôi đã cử hành hồi tháng 5 năm 2009 tại Siracusa nam Italia, với sự tham dự của đại biểu mọi Giáo Hội Kitô hiện diện tại Italia và đại biểu của các Giáo Hội Tin Lành, có thể được coi như là một bản đồ nhỏ cho biết bầu khí đại kết hiện nay rất là thoải mái. Có một cuộc đối thoại của sự thật với các thời điểm và cung cách cũng như các trụ sở của nó, nhưng cũng có một cuộc đối thoại của tình bác ái và tình bạn chạy nhanh hơn. Chẳng hạn tại Siracusa chúng tôi đã kiểm thực sự tương đồng giữa các đề tài dấn thân trong xã hội, di cư, cuộc chiến đấu chống nghèo đói, công lý, các quyền con người, môi sinh, vai trò của nữ giới. Cần phải tiếp tục con đường này.

Hỏi: Vấn đề di cư có hệ lụy tới cuộc đối thoại đại kết như thế nào thưa cha?

Đáp: Đây là một cơ may rất lớn để gia tăng đại kết tình bạn. Do sự kiện nhiều anh chị em di cư là tín hữu chính thống Rumani hay Nga, vài giáo phận Italia đã sẵn sàng dành ra một nhà thờ để cho các anh chị em này có thể cử hành và tham dự các lễ nghi phụng vụ. Sự kiện này không thể không có các âm hưởng tích cực cả trên giới lãnh đạo các Giáo Hội Kitô.

Hỏi: Theo cha, đâu là cách cử hành tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô một cách hữu hiệu nhất?
Đáp: Xem ra điều tôi nói thừa thãi, nhưng thật ra cầu nguyện là cách thức hữu hiệu nhất để cử hành Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Cầu nguyện là điều đầu tiên phải làm. Rồi chắc chắn việc đồng hành với lời cầu nguyện bằng các cứ chỉ của tình bạn và sự gặp gỡ là điều hữu ích, nhưng luôn luôn phải bắt đầu bằng lời cầu nguyện.

(Avvenire 17-1-2010)
Linh Tiến Khải