Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2010
Noi vong tay lon - Tai Tri Viet Nam !
Người Việt xa quê
Thứ Bảy, 27/09/2008, 04:24 (GMT+7)
Người nối nhịp cầu Thái - Việt
Anh Vy (bìa phải) dẫn khách quê hương vào Thái Lan -Ảnh: Quốc Việt
TT - Biết bốn ngôn ngữ, chịu khó học hỏi, anh Lê Quốc Vy ngẫu nhiên chuyển nghề làm “môi giới” cho các đoàn doanh nhân VN - Thái Lan.
Những ngày dạy tiếng Việt ở Đại học Ubon, Thái Lan, Vy đã soạn cả một giáo trình giống như tờ báo Việt ngữ luôn cập nhật các thông tin mới. Vy muốn những người Việt xa quê không chỉ biết tiếng mẹ đẻ mà còn hiểu được tình hình quê nhà…
“Nhà tôi là Tổ quốc”
Cha mẹ Lê Quốc Vy rời Huế qua Lào, rồi sang lập nghiệp tận tỉnh Ubonratchathani, Thái Lan từ những năm 1940 đầy biến động. Khi ấy anh còn nằm trên tay mẹ. Ký ức quê hương với anh chỉ là lời kể trong những đêm nhớ nhà của cha mẹ. Tuy nhiên, Vy may mắn định cư ở thành phố Ubon, nơi tập trung rất nhiều người Việt tuy xa quê vẫn trân trọng các giá trị văn hóa Việt. Vy kể cho tôi nghe thời thơ ấu của anh, các trường học ở Thái Lan hiếm lớp tiếng Việt. Những người lớn tuổi đầu tiên qua Thái Lan phải tự họp nhau, mở lớp dạy tiếng mẹ đẻ và văn hóa, lịch sử VN cho con cháu biết nguồn gốc của mình.
Lúc ấy, Vy nhớ xóm Việt kiều ở Ubon còn nghèo lắm nhưng vẫn cố lập ra nhiều đội biểu diễn múa hát, tuồng kịch từ những bài hát, truyện tích của quê hương để cùng nhau khuây khỏa bớt nỗi buồn xa quê. Người bạn trăm năm của anh cũng chính là một cô gái trong đội múa hát đó. “Mấy chục năm trước, lần đầu được nghe bài Biệt ly của Doãn Mẫn tôi khóc. Gần đây, được nghe bài Quê hương tôi cũng không cầm được nước mắt…”. - Vy tâm sự nỗi niềm của mình với quê hương.
Anh Vy trở về quê ở Huế -Ảnh: Quốc Việt
Tuy giờ đã là thầy giáo tiếng Việt ở Thái Lan, kiêm hướng dẫn, thông dịch viên cho các đoàn doanh nhân Thái - Việt đi mở thị trường, nhưng Vy vẫn không quên thời thơ ấu khó khăn trên đất người. Anh kể hầu hết người Việt qua lập nghiệp ở Ubon lúc đó đều không có nghề nghiệp chuyên môn. Đàn ông đi bốc vác hoặc làm ruộng. Phụ nữ may vá, dệt vải và làm thuê lặt vặt cho người bản địa. Nhiều gia đình Việt kiều mới qua nghèo đến mức không dựng nổi túp lều tá túc. Dân bản địa thương hại cho họ ở tạm dưới gầm nhà sàn, thường là chỗ để vật dụng nông nghiệp.
“Chính hoàn cảnh này cho chúng tôi nghị lực vươn lên!”. Vy tâm sự nhiều đêm cha anh vừa đốt đèn dầu dạy học vừa bảo ban con cái: “Mình tuy sống lưu vong nhưng không bao giờ được quên cội nguồn dân tộc VN, không bao giờ để cho người khác coi thường mình, để ngày mai vươn lên…”. Chính lòng tự trọng dân tộc đó đã giúp cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan dần dần vượt qua khó khăn. Nhiều bạn bè cùng lứa Vy học hành đỗ đạt làm doanh nghiệp, thầy giáo, kỹ sư. Còn Vy trở thành chuyên gia điện. Tuy nhiên, hình như máu hoạt động cộng đồng lại mạnh hơn trong anh. Vy tham gia dạy học tiếng Việt ở Đại học Ubon và viết cả giáo trình như bản tin cập nhật thông tin kinh tế - xã hội VN.
Vy hẹn gặp đoàn khách Việt ở Chămpasắk, Lào vào buổi tối, nhưng mới chiều anh đã đến đợi sẵn. Anh muốn chuẩn bị thật tốt để đón người quê hương sang. Đầu tuần này, vừa dẫn đoàn doanh nhân Thái Lan sang đầu tư ở Lạng Sơn, anh lại lên kế hoạch dẫn đoàn khác vào TP.HCM tìm thị trường. Những chuyến con thoi của người Việt xa quê này dần thành cầu nối cho nhiều doanh nhân hai nước.
Về sau, Vy được các công ty du lịch biết đến, mời làm hướng dẫn viên cho các đoàn du khách Thái - Việt. Ngoài khả năng sử dụng được bốn thứ tiếng Thái, Việt, Anh, Pháp, chính những chuyến đi cọ xát thực tế đã giúp Vy thêm kiến thức. Anh liên tục được các doanh nhân mời làm “người đưa đường” cho những chuyến qua lại hai nước, tìm kiếm cơ hội kinh doanh …
Nhịp cầu giao thương
Cách đây ba năm, tôi tình cờ quen Vy trong chuyến caravan xuyên hành lang đông - tây. Người Việt kiều hướng dẫn tiếng Thái trung niên này tuy trầm tính nhưng lại được nhiều người chú ý mỗi khi anh biểu lộ kiến thức sâu sắc của mình. Trên chuyến xe từ cửa khẩu Hữu Nghị Lào đến Ubonrachacthani, Thái Lan, anh đã làm tôi sửng sốt khi luận bàn sôi nổi âm nhạc quê nhà.
Anh biết tiểu sử, thuộc tên, thậm chí thuộc lời vanh vách rất nhiều bài hát của các nhạc sĩ vang bóng một thời như Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Doãn Mẫn, Dương Thiệu Tước, Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Và anh cũng không lạc hậu với dòng nhạc Việt đương đại… Anh nói mình có cảm xúc đặc biệt với nhạc Việt. Nếu không tìm mua được CD bên Thái, anh cũng nhờ người ở VN gửi qua. Nhà anh có cả một kho sưu tầm nhiều đĩa nhạc hay của VN.
Tuy nhiên, người đàn ông gốc Việt cách xa Tổ quốc này lại làm mọi người ngạc nhiên nhất là sự am hiểu tình hình kinh tế quê nhà. Anh hết bàn luận sôi nổi thị trường đất đai lúc nóng sốt lúc đóng băng ở TP.HCM, lại quay sang bàn chuyện chứng khoán lên xuống, giá cả nông sản của VN. Thậm chí, anh còn phân tích sâu sắc những cái được và chưa được trong quy hoạch các thành phố lớn. Anh so sánh với Thái Lan và nhận định cả hai mô hình đô thị đều mắc “bệnh” giống nhau là thiếu sự liên kết. Một khu đô thị đẹp giữa đống lộn xộn thì chưa gọi là đẹp được.
Thích việc áp lực cao
Gần đây, Vy đi lại như con thoi giữa Thái Lan và VN. Khi thì anh dẫn doanh nhân Thái đi tìm hiểu thị trường Việt. Lần khác anh dẫn doanh nhân Việt đi mua máy móc sản xuất ở Thái Lan. Các doanh nhân quý Vy không chỉ bởi khả năng thông dịch nhiều thứ tiếng, mà còn cả ở sự hiểu biết của anh. Rất nhiều lần anh đã ngẫu nhiên trở thành một chuyên gia tư vấn không chuyên cho họ.
Một buổi chiều, tôi đi công tác ở Hà Nội, lại tình cờ nhận được điện thoại của Vy. Lần này anh dẫn đoàn doanh nghiệp Thái đi tìm hiểu thị trường để đầu tư tận tỉnh biên giới Lạng Sơn. Tuy hành trình đường dài Vy vẫn hừng hực sôi nổi của người mê đi, mê tìm hiểu và thích làm việc có áp lực cao. Anh kể dẫn đoàn doanh nhân Thái từ Bangkok sang TP.HCM, rồi ra Hà Nội làm việc mấy ngày, lại tiếp tục đi Lạng Sơn. Ròng rã đi lại, làm nhịp cầu giao thương cho gần 20 doanh nhân Thái, anh sút cân nhiều vì hầu như không bao giờ được ngủ trước 1 giờ sáng và dậy trễ sau 5 giờ.
Trong giờ nghỉ ngơi hiếm hoi ở quê hương, Vy tâm sự với tôi rất nhiều về gia đình mình. Con cái anh đứa mới vào đại học, đứa chuẩn bị ra trường. Anh đi suốt không có thời gian kèm cặp chúng. Những lúc được bên nhau, anh thường nhắc lại ý nguyện của cha xưa để bảo ban con cái: “Dù lúc nào, ở đâu, các con cũng phải nhớ tổ tiên mình là người VN, để có ngày về quê hương”.
Ly cà phê vừa cạn, Vy lại lật đật chia tay tôi để bay về Thái Lan. Anh nói ngày mốt sẽ lại có mặt ở Huế…
QUỐC VIỆT
Tai Tri Viet Nam trong Cong Dong The Gioi ngay nay !
Du học sinh
Thứ Hai, 31/03/2008, 04:07 (GMT+7)
Thủ khoa người Việt trên xứ sở hoa anh đào
Ngọc Châu (trái) cùng chị gái Bảo Trân với bằng khen và huy chương danh dự
TT - Học viện Công nghệ Kyoto đã tổ chức buổi lễ tốt nghiệp và trao bằng cho hơn 1.000 tân tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân. Trong buổi lễ long trọng này, cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Kyoto vinh dự góp mặt hai tiến sĩ: Đặng Thị Phương Thảo và Hứa Thùy Trang, cùng một đại diện thủ khoa xuất sắc, cử nhân Huỳnh Ngọc Châu.
Ngọc Châu đã đại diện các tân cử nhân ngành hóa nhận huy chương danh dự và bằng khen đặc biệt của trường.
Học viện Công nghệ Kyoto là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu quốc tế tầm cỡ, uy tín trong các lĩnh vực đặc biệt như hóa học, y sinh và dệt may. Trong buổi lễ, Ngọc Châu đã được tôn vinh với tư cách là sinh viên quốc tế đầu tiên trong hơn 100 năm lịch sử của trường, đạt danh hiệu thủ khoa toàn năng.
Ngọc Châu từng đạt thủ khoa tốt nghiệp trung học phổ thông của TP.HCM và trúng tuyển vào Đại học Quốc gia với số điểm loại ưu năm 2001 trước khi lên đường du học đến với xứ sở Phù Tang. Ngọc Châu đã được Học viện Công nghệ Kyoto chọn và đề cử học bổng của Chính phủ Nhật sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch gắt gao của trường.
Trong suốt khóa học, Ngọc Châu luôn đạt được những kết quả xuất sắc. Đề tài nghiên cứu của Ngọc Châu về "chất hoạt động bề mặt" báo cáo trong hội nghị khoa học Việt - Nhật tại Đại học Cần Thơ vào tháng hai vừa qua đã được các nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản đánh giá cao. Với những thành tích xuất sắc, Học viện Công nghệ Kyoto đã quyết định tiếp tục cấp học bổng toàn phần cho Ngọc Châu hoàn tất chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại trường.
Với vốn tiếng Nhật, tiếng Anh lưu loát và nhiệt huyết tuổi trẻ, Ngọc Châu tham gia rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa và giới thiệu truyền thống Việt Nam đến với người dân Nhật Bản. Hiện Ngọc Châu đang đảm nhiệm công việc của một đại sứ danh dự hữu hảo của toàn phủ Kyoto, nhằm tích cực nâng cao sự giao lưu văn hóa - đối ngoại giữa hai nước Việt - Nhật. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 11-2007, Ngọc Châu đã vinh dự được chọn làm thông dịch viên và hướng dẫn viên cho Chủ tịch cùng phái đoàn Chính phủ.
Cùng các trí thức trẻ đang học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, Ngọc Châu muốn cống hiến khả năng của mình, góp phần cho đất mẹ Việt Nam ngày càng phát triển giàu, đẹp.
NGUYỄN NGỌC DŨNG (Từ Kyoto, Nhật Bản)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)