Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Linh Mục Ngài la ai ?



Dẫn nhập

Linh mục, ngài là ai? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta có nhiều định nghĩa khác nhau: Linh mục là hình bóng Chúa trong kiếp người; linh mục là muối ướp cho trần gian; linh mục là tinh hoa của Giáo Hội; linh mục là ngọn hải đăng thắp trên dương trần; linh mục là Alter Christus; linh mục là người chiến sỹ chết cạnh bàn thờ; linh mục là “người phu quét lá”; linh mục là “cái thùng rác” của tội nhân v.v…

Những định nghĩa trên cho thấy có hai cách hiểu về linh mục. Cách thứ nhất là định nghĩa theo chức năng (fonctionnel); cách thứ hai là định nghĩa theo yếu tính (essentiel) của linh mục. Cả hai cách định nghĩa không loại trừ nhau nhưng bổ túc cho nhau và nâng đỡ nhau.

Nhưng nếu quá nhấn mạnh một chiều về linh mục theo nghĩa chức năng, thì sẽ có nguy cơ rơi vào cái nhìn giảm thiểu, không đầy đủ và phiến diện. Chức linh mục có nguy cơ trở thành một thứ “nghề nghiệp”, một “địa vị” để tìm kiếm trong Giáo Hội; các linh mục dễ được coi là “những công chức” của Giáo Hội. Chức linh mục không được giảm thiểu như một thứ “nghề nghiệp”. Đó là lý do tại sao Công Đồng Vatican II tránh lối nhìn chức linh mục như một cái gì thuần túy có tính chức năng (fonctionnel) và đề cao một nhận thức có tính hữu thể học về sứ vụ này[1].

Trong bài viết này, chúng ta suy nghĩ về căn tính linh mục, xét như là cái cốt yếu, cái căn bản làm nên dung mạo và sứ mạng của thiên chức này.

1. Căn tính linh mục hệ tại nơi căn tính của Đức Kitô
Một cách chính xác, chúng ta không được lẫn lộn và định nghĩa linh mục theo những thái độ bên ngoài, vai trò và công việc đặc biệt nào đó của thiên chức này, nhưng cần phải tìm về căn tính đích thực, cái cốt yếu làm nên linh mục.

Pastores Dabo Vobis[2] loại bỏ ý niệm cũ trước đây chỉ nhìn linh mục và vai trò của linh mục như những “công chức” của Giáo Hội và thay vào cái nhìn đó bằng một định nghĩa mang tính hữu thể học: “Linh mục là hình ảnh sống động và trong suốt của Đức Kitô Linh Mục” (x. PDV 12, 22, 43).
Linh mục tìm thấy căn tính mình nơi căn tính của Đức Kitô, là Đầu và Mục Tử qua việc trở nên giống Đức Kitô. Pastores Dabo Vobis khẳng định:
“Linh mục thông phần vào sự thánh hiến và vào sứ vụ của Đức Kitô bằng một thể thức loại biệt và chính hiệu, nghĩa là bằng bí tích Truyền Chức Thánh là bí tích đã biến đổi linh mục, ngay trong chính hữu thể của mình, nên đồng hình dạng với Đức Giêsu Kitô Đầu và Mục Tử; linh mục tham dự vào sứ vụ “loan báo Tin Mừng cho người nghèo” nhân danh Chúa Kitô và thay mặt Chúa Kitô” (PDV, số 18).
Người linh mục trở nên “linh mục” nhờ “sự đồng hình đồng dạng toàn thể đời sống của mình với Đức Kitô” (x. PDV 12. 15. 18) theo một nghĩa hết sức độc đáo. Nhờ bí tích truyền chức thánh, linh mục được đặt vào trong một mối tương quan độc đáo với Đức Kitô cũng như với Giáo Hội.

Sự đồng hình đồng dạng với Đức Kitô không hệ tại ở quyền tế lễ và tha tội mà người linh mục được ban cho khi chịu chức, nhưng là hệ tại ở sự biến đổi tâm tư, tình cảm, cách sống, thái độ và lối hành xử của người linh mục nên giống với tâm tư, tìm cảm, cách sống, thái độ và cách hành xử của Chúa Kitô do và qua bí tích Truyền Chức đem lại. Linh mục trở thành một Alter Christus – một Kitô Khác.

Nhờ ân sủng của Thánh Thần tác động, khi chịu chức, bí tích Truyền Chức mang lại một sự thay đổi kỳ diệu về hữu thể (ontological change) trong con người của tân linh mục. Vì thế, linh mục được mặc lấy Đức Kitô mà đảm nhận ba tác vụ thánh: rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo cộng đoàn trong một tư thế mới mẻ là “in persona Christi et in nomine ecclesiae” – trong Con Người Chúa Kitô và nhân danh Giáo Hội. Vì thế, khi cử hành các bí tích, linh mục được đồng hóa với chính Đức Kitô để có thể nói rằng: “Tôi tha tội cho con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”; “Nầy là Mình Thầy…; Nầy là Máu Thầy v.v…”.

Đó là lý do tại sao trong việc huấn luyện linh mục, Đức Kitô luôn được nêu cao như là “khuôn mẫu – lý tưởng” để ai muốn trở thành linh mục phải “rập khuôn” và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Tông Huấn về đào tạo linh mục Pastores dabo vobis của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác định: “Toàn bộ công cuộc đào tạo phải nhắm đến mục tiêu là giúp các ứng sinh trở thành những mục tử đích thực của các linh hồn theo mẫu người của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng là Thầy dạy, là Tư Tế và là Mục Tử” (PDV, số 57).

Như vậy, linh mục là người được tham dự vào căn tính của Đức Kitô. Linh mục tìm thấy căn tính của mình nơi căn tính của Đức Kitô. Linh mục là sự mở rộng và nối dài sự hiện diện sống động, lòng từ bi và thương xót của Đức Kitô giữa trần gian.

2. Linh mục, đặc sủng của Chúa Thánh Thần

Trong quá khứ, khi nói về thiên chức linh mục, giáo lý cũng như thần học thường quá nhấn mạnh đến khía cạnh kitô học mà lại lãng quên khía cạnh thánh linh học của bí tích này. Cần phải bổ túc lại khía cạnh thánh linh học để xây dựng một cái nhìn thần học khỏe mạnh và đầy đủ về thiên chức linh mục.

Liên quan đến vấn đề này, nhà thần học Yves Congar cho rằng: Chức linh mục tự thân không phải là một “quyền lực – pouvoir”, nhưng trên hết đó là một đặc sủng – charisma – của Chúa Thánh Thần, được ban tặng để phục vụ lợi ích cộng đoàn giáo hội[3]. Đặc sủng hay đoàn sủng được hiểu như là ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần ban cho một số người trong Giáo Hội với mục đích là để phục vụ Cộng Đoàn, vì lợi ích và ơn cứu độ của Cộng Đoàn.

Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần làm trở sinh nhiều ơn gọi khác nhau. Mỗi ơn gọi có một sứ vụ riêng để phục vụ cho toàn thể Giáo Hội của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần ban nhưng ơn cần thiết để mỗi người chu toàn ơn gọi của mình. Đối với ơn gọi linh mục, Chúa Thánh Thần là người khởi xướng, mời gọi, hướng dẫn con người tới thiên chức linh mục. Trong bí tích truyền chức, chính Chúa Thánh Thần thánh hóa và biến đổi các ứng sinh trở thành các linh mục của Chúa Kitô qua nghi thức đặt tay của giám mục và lời cầu nguyện thánh hiến. Chính Chúa Thánh Thần đồng hành và ban những ơn cần thiết cho các linh mục để họ chu toàn sứ vụ mà Chúa và Giáo Hội trao phó:

“Nhờ việc xức dầu trong bí tích Truyền Chức Thánh, Chúa Thánh Thần làm cho họ nên đồng hình dạng, bằng một tước hiệu mới và loại biệt, với Đức Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử, Chúa Thánh Thần làm cho họ nên thích ứng tự bên trong và thôi thúc họ bằng đức ái mục vụ của Ngài, và trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần làm cho họ trở thành những người tôi tớ có phẩm chất để họ loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật và để họ làm cho đời sống Kitô hữu của mọi người đã rửa tội được viên mãn” (PDV, số 15).

Khi khuyên nhủ người con tinh thần của mình nhớ lại đặc sủng Thánh Thần đã ban, Thánh Phaolô nói với Timôthê rằng: “Hãy khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng mà anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2Tm 1,6). Điều đó cho thấy, ngay từ đầu, Giáo Hội đã ý thức khía cạnh đặc sủng của chức linh mục.

Trong cái nhìn đó, chức linh mục không phải một ơn huệ được Thiên Chúa ban để phục vụ lợi ích cá nhân của linh mục. Cũng không phải là “phần thưởng” hay là “những chức tước” mà ai đó thủ đắc được nhờ tài cán và khả năng riêng của mình. Nhưng tự thân đó là một ân huệ nhưng không của Chúa Thánh Thần ban cho Cộng Đoàn để phục vụ lợi ích cứu độ của Giáo Hội.

Nhà thần học Dòng Đa Minh Yves Congar cũng cho rằng: “Theo Tân Ước, chức vụ này là quyền bính khiêm tốn và huynh đệ để phục vụ, nhưng chỉ vì một sự lạm dụng và vì quá trình lịch sử có thể giải thích được, có thể thông cảm và có thể chuyển hồi, quyền bính này đã mặc những chiếc áo “vương đế” hay được sử dụng những dạng thức “phong kiến” và theo những y phục của vua chúa”[4]. Người ta dễ dàng nhận ra khuynh hướng giảm thiểu chức linh mục và việc truyền chức vào việc so sánh với quyền bính trong giai đoạn trung cổ, đặc biệt ở thời kinh viện từ thế kỷ XII đến XIII[5].

Nếu quá nhận mạnh chức linh mục như một quyền bính thì có nguy cơ dẫn linh mục tới thái độ “giáo sỹ trị, gia trưởng hay cha chú” trong Giáo Hội. Cần phải nhìn chức linh mục là một ơn đoàn sủng của Chúa Thánh Thần để dẫn tới thái độ khiêm tốn và phục vụ theo tinh thần của Chúa Kitô: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 25-28).

Thế nên, chức linh mục không được giảm thiểu trong định nghĩa là “quyền bính”, nếu có quyền bính được ban, thì quyền bính đó chỉ để phục vụ trong khiêm tốn và huynh đệ. Chức linh mục cũng không bao giờ được ban vì đặc lợi cá nhân, mà trái lại đó là một thực tại cắm rễ trong và cho cộng đoàn Kitô hữu xét như là đoàn sủng của Thánh Thần.

3. Linh mục luôn ở trong tương quan
Vì linh mục là một đoàn sủng của Chúa Thánh Thần liên hệ tới cộng đoàn Giáo Hội. Nên chức linh mục phải được nhận thức như một thực tại tự bản chất mang tính tương quan và liên hệ. Nghĩa không được xem chức linh mục chủ yếu chỉ như một việc lãnh nhận một cái gì đó cho các linh mục mà những người khác không có được, nhưng phải xem chức linh được đặt trong một mối tương quan đặc biệt, tương quan mà những người lãnh nhận được định vị trong đó.

Chức linh mục hàm chứa một mối tương quan ba mặt: Người linh mục ở trong mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Dân Thiên Chúa và các riêng với Giám mục và hàng linh mục.

a) Linh mục gắn kết với Thiên Chúa Ba Ngôi trong một cách thế đặc biệt.

Quả vậy, căn tính linh mục bắt nguồn từ Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Linh mục được sai đi bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, và một cách đặc biệt được nên đồng hình dạng với Ngài, Đấng là Đầu và Mục Tử của dân Ngài, để sống và hoạt động, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm phục vụ Giáo Hội và cứu độ thế giới[6]. Do đó, linh mục gắn bó mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi vốn là một mầu nhiệm của tương quan. Sứ vụ và đời sống linh mục phản ánh sự sống phong phú của Thiên Chúa Ba Ngôi.

b) Linh mục liên hệ tới Dân Thiên Chúa. Sự gắn bó mật thiết với Đức Kitô dẫn linh mục tới sự gắn bó với Giáo Hội và để phục vụ Giáo Hội, Nhiệm Thể của Đức Kitô. Chức linh mục là “cho và vì” Giáo Hội. Nên linh mục luôn được đặt trong tương quan với Dân Chúa, vì Dân Chúa và cho Dân Chúa. Với bí tích truyền chức, Chúa Thánh Thần tạo ra những mối quan hệ giữa người linh mục và cộng đoàn. Từ cộng đoàn, linh mục mở ra với thế giới.

Khi hiện diện giữa Dân Chúa, linh mục là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa cho cộng đoàn. Linh mục người mang lại sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Bác Ái mục vụ là được gọi là linh hồn của tất cả mọi hoạt động mục vụ của linh mục trong cộng đoàn.

Chính vì thế, linh mục luôn gắn liền với một cộng đoàn cụ thể. Linh mục tìm thấy ý nghĩa của mình nơi cộng đoàn đó. Linh mục chỉ hạnh phúc khi biết phục vụ cộng đoàn và sống cho cộng đoàn được trao phó cho mình.

c) Linh mục liên hệ với giám mục và hàng linh mục: Ngay từ sơ khai, linh mục là thực tại cộng đoàn tính: các linh mục là nhóm người giúp đem lại sự hiệp nhất và sự ổn định trong Giáo Hội. Đây không chỉ là những mối quan hệ nối kết giữa các linh mục với nhau, nhưng còn là giữa các linh mục và giám mục. Tất cả đều là những cộng tác viên trong sứ vụ, và tất cả đều làm chứng cho bản chất hiệp thông của Giáo Hội (koinonia). Nên linh mục được mời gọi hiệp nhất và vâng phục giám mục của mình với một tinh thần khôn ngoan, khiêm tốn, cởi mở và cộng tác.

Với anh em của mình, các linh mục là những cộng tác viên và là bạn của nhau trong cùng một lý tưởng và cùng một sứ vụ. Chính vì thế, các linh mục tránh tinh thần “bè phái, phe nhóm”, nhưng mặc lấy tinh thần Giáo Hội để cùng nhau xây dựng một Giáo Hội hiệp nhất, huynh đệ và cùng nhau loan báo Tin Mừng.

Mỗi linh mục không phải là “một vua con” trong giáo xứ của mình, cũng không phải là một kẻ “vùng vẫy một mình một cõi”. Nhưng các linh mục làm việc với nhau trong tư cách là một tập thể liên kết với giám mục để phục vụ cho ích lợi của Giáo Hội địa phương (x. Nghi thức thề hứa vâng phục giám mục).

Khi nói đến tính cộng đoàn phải có nơi các ứng sinh linh mục cha Paul Bernier S.S.S cho rằng: “Tôi muốn đi xa hơn nữa để nói rằng nên thanh lọc ra khỏi chủng viện những ứng viên nào bộc lộ khuynh hướng thiếu khả năng làm việc tập thể. Bởi vì những ứng viên ấy sẽ chẳng đóng góp được gì cho việc thăng tiến sứ mạng của Giáo hội”[7].

Thay lời kết

Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI nhiều lần nhắc nhở rằng: không được coi linh mục như là một thứ nghề nghiệp, chức vụ hay công chức trong Giáo Hội. Nếu linh mục là những công chức, thì sau khi đã làm xong công việc của mình, linh mục có thể sống cho riêng mình. Nhưng linh mục là một ơn gọi đặc biệt, một sứ vụ tình yêu, đòi hỏi phải dấn thân với toàn vẹn con người của mình và sống chết cho chọn lựa đó vì Nước Trời và vì Giáo Hội.

Khi còn là chủng sinh, tôi nhận được một lá thư của một nữ tu gửi cho tôi. Trong đó có một câu làm tôi luôn suy nghĩ: “Thầy ạ, làm linh mục thì dễ hơn là linh mục!” Câu nói đó như là một lời nhắn nhủ tôi luôn mãi. Phải chăng “tu là cõi phúc” cũng hệ tại nơi chữ “là” ấy!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Xã Đoài, Tuần Thánh 2012

Tài liệu tham khảo:

1. Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium (21 November 1964), AAS 57 (1965) 5-71; Optatam totius (28 October 1965), AAS 58 (1966) 713-727; Presbyterorum Ordinis (7 December 1965), AAS 58 (1966) 991-1024.
2. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), AAS 84 (1992) 657-804.
3. Nhiều Tác Giả, Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới. Văn Kiện Hội Nghị Séoul Về Đào Tạo Linh Mục, ĐCV Xuân Bích Huế, 2000.
4. Yves Congar, “Titres et honneur dans l’Église” trong cuốn Pour un Église servant et pauvre, Cerf, Paris 1973.
5. I-P. Jossua, Yves Congar profilo di una teologia, Queriniana, Brescia 1970, 132.
6. J. Famerée, “Ecclésiologie du Père Yves Congar. Essai de synthèse critique” trong RSPhT 76 (1992), 406.


--------------------------------------------------------------------------------


[1] x. Công Đồng Vaticanô II, Optatam Totius (28 October 1965), AAS 58 (1966) 713-727; Presbyterorum Ordinis (1965), AAS 58 (1966) 991-1024.
[2] Pastores dabo vobis (Gr 3,15) là Tông Huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II về việc Đào Tạo Linh Mục trong Hoàn Cảnh hiện nay, được công bố ngày 25 tháng 03 năm 1992. Đây là tài liệu quan trọng và nền tảng cho công cuộc đào tạo linh mục của Giáo Hội hoàn vũ.
[3] Cf. Yves Congar, “Titres et honneur dans l’Église” trong cuốn Pour un Église servant et pauvre, Cerf, Paris 1973.
[4] I-P. Jossua, Yves Congar profile di una teologia, Queriniana, Brescia 1970, 132.
[5] Cf. J. Famerée, “Ecclésiologie du Père Yves Congar. Essai de synthèse critique” trong RSPhT 76 (1992), 406.
[6] x. Pastores Dabo Vobis, số 12.
[7] Paul Bernier , “Huấn luyện mục vụ trong tinh thần truyền giáo”, trong cuốn Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới. Văn Kiện Hội Nghị Séoul Về Đào Tạo Linh Mục, ĐCV Xuân Bích Huế, 200, 198.


Lời kinh mà thánh Vianney đã từng cầu nguyện
“Lạy Cha từ ái – con yêu mến Cha – và mong ước duy nhất của con – là được yêu mến Cha đến hơi thở cuối cùng.
Lạy Cha vô vàn đáng mến – con thà chết trong lòng mến yêu – hơn là sống một giây phút mà không yêu mến Cha.
Lạy Chúa Giêsu – con yêu mến Chúa – và con cũng chỉ xin Chúa một điều – đó là được yêu mến Chúa mãi không cùng.
Ôi lạy Thiên Chúa của con – nếu miệng lưỡi con không thể nói lên lòng yêu mến từng giây phút – thì con vẫn muốn thầm thĩ với Chúa trong từng hơi thở – bằng chính trái tim con.
Lạy Đấng Cứu Độ thần linh – con yêu mến Chúa – bởi Chúa đã chịu đóng đinh thập giá vì con – và vì Chúa muốn con chịu đóng đinh thập giá vì Chúa – nơi trần gian này.
Ôi lạy Chúa – xin cho con được ơn khi từ giã cõi đời này – mà vẫn một lòng yêu mến Chúa mà thôi”. Amen.


Tình yêu gởi Sr Jasmina !


Shiv K. Kumar là một nhà văn Ấn Độ nổi tiếng, cũng là nhà viết kịch, nhà thơ.
Ông đã được tổng thống Ấn Độ trao giải thưởng Padma Vibbushan vì những đóng góp lớn lao của ông cho văn chương Anh tại Ấn Độ.
Ông từng làm Phó Viện trưởng đại học Osmania ở Hyderabad.
Truyện ngắn này trích trong tuyển tập “To Nun With Love & other Short Stories” của ông, được chọn đăng trong tạp chí India Perspective của Bộ ngoại giao Ấn Độ, tháng 4-2004.


Khi Xơ Jasmina cầm dao rọc giấy bằng nhựa để cắt chiếc phong bì màu xanh pha lẫn mùi nước hoa thơm phức, được gắn một hoa hồng đỏ bên góc trái, óc tò mò đã làm xuất hiện hai nếp nhăn trên cái trán khá phẳng lì của Xơ. Và khi đôi mắt Xơ bắt đầu lướt trên mấy hàng mở đầu, khuôn mặt Xơ càng đỏ dần lên bởi sự bối rối gia tăng.

Thân gửi Xơ Jasmina
Hiệu trưởng
Trường tiểu học Chúa Giêsu Gondapally


Tôi không biết liệu tôi có thể mở lòng ra với Xơ hay không, nhất là khi tôi vẫn là một người vô danh, Xơ chưa hề biết và chưa hề thấy. Điều này có thể làm cho tôi có lỗi hai lần trước mắt Xơ – cũng như một tài xế khi xe anh ta cán phải một người đi đường rồi bỏ chạy khỏi hiện trường. Nhưng có điều chắc chắn là, sự hiểu biết của Xơ về nỗi đau khổ nhân sinh, qua Đức Kitô, có thể giúp Xơ hiểu cũng như thông cảm với nỗi đau khổ tột cùng của tôi trong lúc này.

Xơ mến! tôi đã yêu Xơ. Tôi biết những lời này có lẽ sẽ xúc phạm Xơ, vì là phạm thượng. Thậm chí, chúng còn gợi ra sự loạn luân nữa. Nhưng tôi không biết phải làm gì hơn. Có thể con quỷ trong tôi đã nổi dậy, dường như tôi không còn là chính mình nữa. Tôi cảm thấy mình như đang bị nung trong lửa hỏa ngục – sự đau khổ của tôi là khủng khiếp, tội lỗi tôi thật đáng sợ và nỗi đau này tôi không thể chịu nổi. Nhưng tôi nghĩ không còn ai khác để tôi có thể đặt niềm tin giải bày. Mong Xơ thông cảm và hiểu cho tôi.

Số là sự việc xảy ra vào một ngày nọ, trước lễ bế giảng năm học, khi tôi dẫn con gái đến tập dượt cho buổi lễ. Xơ đang hướng dẫn cho lớp ba của con tôi, đang lúc các cháu hát bài: “Oh, my darling Clementine”. Tôi ngồi nhìn những ngón tay mềm mại của Xơ đang nhảy múa trên mặt bàn phím piano. Xơ mặc chiếc áo dòng trắng tinh, cái cổ trắng cúi nghiêng nghiêng bên bàn phím như cổ con thiên nga, một chùm tóc màu mun lỏa xỏa bên ngoài chiếc lúp, và tiếng hát thoát ra khỏi đôi môi nhỏ xinh. Đó đúng là một cảnh thiên đàng, như trong Harmony của Frank Dicksee, ngoại trừ hình ảnh một người hâm mộ Xơ đứng yên lặng giữa các phụ huynh, cách Xơ bốn hàng ghế. Tôi đã tưởng tượng Xơ mang một jhumka (vật trang điểm) màu hồng ngọc ở trán, những chiếc vòng kim cương ở cổ tay và đôi bông tai vàng lớn như trăng tròn sáng lấp lánh vào một đêm hè. Nơi Xơ là cả một hình ảnh của tuổi trẻ, sắc đẹp, duyên dáng và trong trắng. Vì đã kết hôn với một “mụ già” ranh khôn, nên tôi muốn có ai đó giống Xơ để cùng đồng hành suốt cả đời tôi. Và giờ đây Xơ xuất hiện như một ngôi sao sáng trong ngày sinh nhật tôi.

Kể từ đó, sáng nào tôi cũng đến nhìn Xơ một lần, khi Xơ hướng dẫn học sinh tập họp và nhẹ nhàng la mắng các cháu đi trễ, trong lúc tôi đứng lẫn giữa đám phụ huynh. Cũng kể từ đó, con gái tôi luôn dậy sớm và đi học sớm. Do đó, tôi có thêm giờ dành cho Xơ. Mỗi sáng, chỉ cần nhìn Xơ trong chốc lát, tôi sẽ vui vẻ suốt ngày để chấp nhận làm công việc nhàm chán ở văn phòng.

Lá thư đã gây kinh ngạc cho Xơ Jasmina. Phản ứng đầu tiên của Xơ là hơi xấu hổ, má ửng hồng, cảm giác khó tả, vừa bất ngờ, vừa bối rối. Sau đó, Xơ cảm thấy bực tức, một cảm xúc chưa hề có trước đó nơi Xơ. Xơ cảm thấy như có ai đó đã làm cho Xơ hết thánh thiện. Tại sao con người quỷ quái ấy lại chọn Xơ? – Là con gái của một người bán than giàu có, Xơ đã tự nguyện từ giã trần thế này cách đây gần ba năm, ở tuổi hai mươi mốt, để hiến thân phục vụ Chúa và nhân loại. Giờ đây thế gian mà Xơ từ bỏ dường như đã nắm chặt được Xơ.

Vài giọt nước mắt bắt đầu chảy xuống dưới mí mắt màu xám sẫm. Một mình trong văn phòng trống vắng, Xơ cảm nhận vị mằn mặn của từng hạt lệ đang chảy dài qua môi. Xơ quỳ gối cầu nguyện xin Chúa giúp Xơ thoát ra khỏi thử thách của một “kẻ thù” tinh khôn đang cố giăng bẫy Xơ.

Sáng hôm sau, Xơ phát biểu trước số học sinh tập họp với giọng bồn chồn, rụt rè. Và đây là lần đầu tiên Xơ nói vắn gọn nhất.

“Các con thân mến, đừng bao giờ quên cầu nguyện trước khi đi ngủ cả. Việc cầu nguyện là sức mạnh và là vũ khí duy nhất để chống sự dữ.”

Nói xong, Xơ vội đi ra cổng với ý định la mắng các em đi học trễ. Nhưng rồi Xơ để các em vào trường, sau khi chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Xơ đứng ở cổng, nhìn chung quanh xem có dấu hiệu gì của “kẻ thù” bí mật của mình hay không. Nhưng Xơ không thể xác định ra ai cả. Một nhóm cha mẹ còn đứng gần trạm xe buýt, trong khi giao thông vẫn diễn ra bình thường trên đường: nào xe tải, xe chở sữa, xe khách, xe máy…

Những người bán hàng hai bên cổng khá tò mò khi thấy Xơ đứng khá lâu ở đó, sau khi các lớp đã bắt đầu học. Một bà già tóc hoa râm bán đậu phụng rang đã mỉm cười chào Xơ. Một người trẻ bán kẹo, với đủ loại chewing gum, kẹo chocolat, kẹo chanh, đã đứng nghiêm, như để chào Xơ với lòng kính trọng.

Hôm sau, một lá thư khác lại đến, cũng với phong bì màu xanh thơm phức. Lần này thư được viết vội trên giấy ô kẻ được xé ra từ tập vở học sinh. Chắc là tập của con gái anh ấy? Đôi tay Xơ run run khi mở bao thư:

Vâng, đêm qua tôi cũng cầu nguyện, và đây có lẽ là lần đầu tiên trong đời tôi, để chống lại “sự dữ” – đó là nỗi nhớ nhung về Xơ, nhưng không thể chống được, Xơ à!. Rồi tôi cố cầu nguyện xin Xơ tha thứ, vì tôi biết mình đã xúc phạm Xơ. Nỗi lo sợ mà tôi thấy trên khuôn mặt Xơ sáng nay, giống như con hươu bị săn đuổi, khi Xơ nhìn quanh quẩn để cố xác định ra tôi, hành động đó làm Xơ càng thêm đẹp hơn. Cái nhìn ấy đã tạo ra tia sáng mạnh trong đôi mắt Xơ. Tôi đã núp sau quầy thuốc lá ở góc đường. Lẽ tất nhiên, lần sau tôi sẽ núp chỗ khác.

Xin đừng tức giận tôi nữa. Tôi không muốn làm hại Xơ đâu. Tôi chỉ yêu Xơ mà thôi. Tôi sẽ cố gắng cầu nguyện thêm và xin sự bình an cho Xơ. Có lẽ rồi Xơ sẽ được như vậy. Xin Xơ cũng cầu nguyện cho tôi để chúng ta có thể giao tiếp với nhau, nhờ Đức Kitô.

Xin Chúa chúc lành cho Xơ.

Mới chỉ có hai lá thư, nhưng Xơ đã cảm thấy như đời mình đã tan vỡ. Sau khi trường bãi học, Xơ ngồi trong văn phòng, với bầu khí thinh lặng hoàn toàn, thỉnh thoảng mới có tiếng ồn của xe xộ từ xa vọng lại. Bên ngoài, trong sân trường, bác làm vườn đã bắt đầu tưới bồn cỏ và các chậu hoa cảnh, còn Xơ đứng đó như kẻ mộng du. Khoảng không gian tỉnh lặng đến nổi nghe được cả tiếng vòi nước phun.

Khi Xơ đứng dậy để nhìn ra ngoài cửa sổ, mắt Xơ nhìn vào ảnh của mình phản chiếu trong gương cửa. Xơ thấy những sợi tóc xỏa nhô ra khỏi cái lúp áo, chiếc cổ cong (“như cổ con thiên nga”), bộ ngực lớn và sự bối rối, háo hức trong ánh mắt mình.

Xơ nhủ thầm: “Ôi thân xác đáng nguyền rủa này! Tôi biết đây là thử thách Chúa gửi cho tôi.”

Đêm ấy, trong lúc cầu nguyện, tâm hồn Xơ phân tán ra khắp nơi, như thể Xơ mới bị bắt gặp trong một cuộc hội thoại nhanh trên điện thoại, và ma quỷ can thiệp một cách thóa mạ. Trong ý tưởng gần như được tiên báo trước, Xơ quyết định đi xưng tội, đặt mình vào ý Chúa muốn, và tìm cách thoát ra khỏi sự bối rối.

Sáng chủ nhật sau đó, Xơ đi lên con đường dẫn đến nhà thờ thánh Phêrô – một nhà thờ lớn được những người thực dân Bồ Đào Nha đầu tiên xây dựng vào thế kỷ 17 ở thành phố xa xôi, hẻo lánh, cách Madras (nay là Chennai) khoảng 129km. Đây là một cấu trúc Gothic khổng lồ bằng đá granit trắng, với những cửa sổ lớn bằng kính, được vẽ thành ảnh của Đức Mẹ trong nhiều tư thế cầu nguyện, những tháp chuông vươn cao trông thật oai hùng.

Xơ vội rảo qua một cây cột lớn màu xám và mất hút vào tòa giải tội. Ép sát mặt vào màn che, Xơ cảm thấy có sự riêng tư thật sự. Xơ bắt đầu bộc lộ điều ẩn chứa trong lòng.

“Tại sao con lại bối rối với những lá thư rồ dại ấy?”, một giọng nói khô nhưng dịu dàng đàng sau tấm màn tòa giải tội vọng ra.

“Thưa cha, con sợ. Con cảm thấy như bị phơi bày trước mắt quỷ dữ”.

- Tại sao con lại sợ? Con chỉ việc vứt bỏ những bức thư ấy đi và tiếp tục phục vụ Chúa là được.
- Nhưng con khó quên lắm, thưa cha.
- Quên cái gì?
- Những điều anh ấy đã nói trong thư.
- Điều gì chứ?, – lần này giọng nói cha giải tội hơi gay gắt.
- Anh ấy nhắc đến các nét đẹp của thân thể con và… Giọng Xơ Jasmina tắt dần, Xơ bắt đầu khóc.
- Con đừng khóc. Hãy nói tiếp đi.

Cha giải tội khá lúng túng. Ngài ép sát tai vào màn che. Những lời nói sầu buồn của Xơ như chém vào khoảng không gian vốn yên tỉnh của vùng ngoại ô ra trăm mảnh.

- Ngày nọ, con nhìn thấy sự phản chiếu của thân thể con trên cửa kính văn phòng, và mắt con dừng lại thật lâu, một cách đầy tội lỗi trên mọi phần cơ thể mình. Con cảm thấy… Dừng lại giây lát, rồi Xơ nói tiếp:
- Thưa cha, con có tội không, khi ý thức về nét đẹp cơ thể mình, trong khi tinh thần là thực tại duy nhất?

Cha giải tội trả lời bằng sự thinh lặng. Rồi một giọng nói xao xuyến lắp bắp: “Chúng ta sẽ nói vấn đề này vào một dịp khác. Bây giờ thì chưa được. Con đã quá lo âu bứt rứt rồi. Trong khi chờ đợi, cha sẽ cầu nguyện cho con”.

Lần xưng tội ấy không giúp được gì cho Xơ. Xơ phải tìm cách đổi đi nơi khác, để thoát khỏi mê cung đó. Khi Xơ xin Mẹ Bề trên đổi đi nơi khác vì lý do sức khỏe, lời xin của Xơ được chấp thuận ngay. Xơ được đổi làm Hiệu trưởng trường tiểu học Trinh nữ Maria tại Zaminabad, gần Agra.

Học sinh, nhân viên trường và các phụ huynh đã tổ chức lễ tiễn biệt Xơ khá cảm động. Buổi lễ bắt đầu với việc trao tặng hoa, gồm hoa nhài, hoa huệ, hoa hồng, được bao bọc đủ kiểu đủ cách. Lẳng hoa được mọi người chú ý nhất là lẳng hoa hồng đỏ, cột thành hình trái tim, do một cô bé trao, và cô bé suýt bị té do lẳng hoa quá nặng so với từng bước chân chậm chạp khi cô bé bước lên bục.

Sau đó là các tiết mục văn nghệ đầy màu sắc: một vở kịch về lễ Noel, một hài kịch về các học sinh đi học trễ, màn diễu hành hóa trang, màn kịch câm và các bài hợp ca. Khi có người đề nghị Xơ Jasmina chơi piano, Xơ đỏ mặt và khẽ từ chối một cách lịch sự. Xơ viện lý do là mình không được khỏe lắm.

Sau cùng, đến các lời từ biệt. Hai học sinh đọc bài diễn văn đã được soạn sẵn, ca ngợi các phẩm chất “tinh thần và tâm hồn” của Xơ, trong khi hai phụ huynh nhắc đến “tình thương chan hòa” của Xơ đến mọi người.

Tuy nhiên, Xơ Jasmina dường như đang lạc vào một thế giới khác lạ. Đôi mắt Xơ lướt nhìn không nghỉ khắp cả phòng, cốt để tìm ra người ấy. Nhưng làm sao có thể tìm được người mà mình chưa hề biết mặt. Ai lại chơi trò trốn tìm thế này nhỉ? – Xơ nghĩ thầm. Khi Xơ đứng lên nói lời đáp từ, Xơ xem ra khá căng thẳng đến nỗi muốn ngã quị xuống. Khuôn mặt Xơ co lại và đôi tay run run của Xơ dường như không còn sức bám víu vào chiếc bục. Xơ cố đẩy nhúm tóc xỏa trên trán vào bên trong chiếc lúp áo, hít hơi thật mạnh và phát biểu:

- Thưa quý vị, tất cả quý vị ở đây là học sinh, giáo viên và phụ huynh, đều rất quảng đại với tôi, thương mến tôi nhiều. Tôi sẽ đem lời chúc phúc của quý vị đi đến nơi nào tôi sẽ đến. Tuy vậy, điều mọi người cần tránh là đừng dính bén đến bất cứ nơi nào và vật gì. Chỉ có tinh thần sẽ dẫn dắt chúng ta, chứ không phải thân xác mai đây sẽ chết này. Vì vậy, tôi chấp nhận việc bổ nhiệm đi làm việc nơi khác. Xin Chúa chúc lành cho mọi người.

Nói rồi, Xơ ngồi im trên ghế. Một làn sóng tiếng sụt sịt, thở dài và tiếng khóc lan ra khắp nơi. Bỗng nhiên, một nhóm nữ học sinh đồng thanh hô to: “Hoan hô Xơ Jasmina!”, và tiếng vỗ tay vang lên kéo dài.

Một tuần sau khi Xơ đến Zaminabad, Xơ nhận thêm một lá thứ nữa, và phong bì cũng có hoa hồng màu đỏ.

Xơ lo sợ kêu lên: “Ôi, lạy Chúa tôi!”

Lần này là bức thư dài, được viết sạch sẽ trên giấy trắng cứng, điều này chứng tỏ người viết đã chăm chút dành nhiều thì giờ cho lá thư.

Xơ thân mến, việc kiếm địa chỉ của Xơ không khó chút nào, thưa Xơ. Cứ hỏi nhân viên hoặc giáo viên của trường là được thôi. Tôi nghĩ việc Xơ xin đổi đi vì “lý so sức khỏe” là không đúng sự thật. Nhưng đây là một lời nói dối cao thượng, magnanima mensogna. Bài diễn văn từ biệt của Xơ là lời nói dối quanh co. Tôi biết chắc rằng Tu hội giáo dục của Chúa và Đức Mẹ không tự ý đổi Xơ đi xa tôi. Đây là sự chọn lựa riêng của Xơ. Phải chăng tôi là nguyên nhân đầu tiên cho việc ra đi của Xơ?. Nếu không, Xơ đã không nhìn chung quanh để cố tìm ra tôi giữa đám đông.

Theo tôi nghĩ, chúng ta đã chơi trò trốn tìm với nhau, đã tránh xa nhau. Nhưng chuyện này làm nảy sinh một điều khác kỳ lạ nữa. Tôi đang chuẩn bị cho một sự trở lại đạo mà tôi chưa được chuẩn bị đầy đủ. Giờ đây, Xơ đã chọn đi đến một nơi xa lạ (hoặc Xơ đi tĩnh tâm?), tôi buộc phải thực hiện vai trò của mình. Tôi nghĩ rằng tôi yêu Xơ hơn bao giờ hết, và nhờ tình yêu đó mà vô tình, tôi đã trở nên một con chiên ngoan đạo của Chúa lúc nào không hay. Tôi thấy điều này là khó tin, bởi vì mặc dầu tôi sinh ra trong một gia đình Ấn giáo chính thống, tôi đã xa lạ với ý niệm đức tin bởi nền học vấn khoa học của mình. Nhưng giờ đây lần đầu tiên tôi hiểu tại sao người ta tin Chúa mà không hề nhìn thấy Ngài. Điều vô hình dường như đã thắng thế một cách bí nhiệm trước những điều ta đã biết và cả những điều đang gần gũi ta. Hình như Chúa đã chọn Xơ, một người rất trẻ, rất đẹp, rất thanh sạch, thánh thiện làm phương tiện để ban đức tin cho tôi.

Chiều hôm qua, tôi bắt gặp lá thư của một người say mê vợ tôi trong tủ áo của nàng. Và tối qua, cũng có một cuộc gọi điện thoại tới nhà tôi. Người ấy đã cúp máy khi tôi cầm ống nghe. Nhưng tôi không ghét vợ tôi về việc này. Hãy cứ để nàng đi con đường của nàng. Có thể chuyến phiêu lưu lén lút của nàng sẽ làm cho nàng bớt cau có hơn.

Giờ đây tôi xin báo vài tin cho Xơ. Xơ còn nhớ bà cao niên bán đậu phụng rang ngoài trường không? Bà đã qua đời chiều nay rồi, ngay tại cổng trường. Bà bị đột quỵ. Mới buổi sáng tôi còn nói chuyện với bà, và bà nói nhiều về Xơ, toàn những lời thương mến dành cho Xơ đó!.

Xơ có biết rằng Xơ Juliana, người kế nhiệm Xơ, dự trù dời mọi người bán hàng tới khu vực quá đèn đỏ không? Xơ ấy là một con rồng thật sự, la hét om sòm với mọi người bằng cái giọng khàn khàn khó chịu, rất giống giọng vợ tôi, và làm cho các học sinh đi trễ phải khiếp sợ.

Đây là lá thư cuối tôi gửi cho Xơ. Từ nay, tôi phải để cho sự thinh lặng và sự xa cách hướng dẫn tôi đến một đức tin mạnh mẽ hơn. Xin Chúa chúc lành cho Xơ.

Thương mến về Xơ.

Tác giả Shiv K. Kumar
Nguyễn Trọng Đa dịch

Thơ Ave Maria !


Ave Maria!
Ave Maria!


Mẹ đẹp dung quang mờ nhật nguyệt
Mẹ hiền hương đức ngát trời mây.
Mẹ quyền phép cao sang,
Con phàm hèn cát bụi.
Mẹ trong trắng vẹn tuyền,
Con bùn nhơ tội lỗi.
Hai thái cực gần nhau,
Nên con nhìn lên Mẹ,
Nên Mẹ cúi nhìn con.

Ave Maria!
Mẹ là quỳnh giao vườn thượng uyển,
Con là lê thứ dám gần sao!
Nhưng Mẹ cũng là hoa cà hoa cải,
Vui mắt đàn mục tử rộn đồng quê.
Mẹ là hương cau quyện lòng người lữ thứ,
Bước đường xa ước hẹn ngày về.

Ave Maria!
Mẹ là đỉnh thái sơn vòi vọi,
Tuyết băng ngần chân phàm tục dám in đâu
Nhưng Mẹ cũng là tầu cau, nhánh trúc bên đình,
Như gốc đa giãi bóng, như mái lầu lối cũ,
Khách bộ hành dừng bước: ngụm chè xanh.

Ave Maria!
Mẹ là ngôi sao Tinh Đẩu rạng trời khuya
Nhưng Mẹ cũng là ánh đèn dầu le lói
Trong gian nhà thấp hẹp bác nông phu.

Ave Maria!
Mẹ, Ngôi Trời vinh hiển,
Cả Thiên Đình quỳ lạy tung hô.
Nhưng Mẹ cũng là người thôn nữ
trên cầu vo gạo,
bên bếp lửa vùi rơm,
giữa chợ đời trưa sớm!

Ave Maria!
Mẹ là chiếc mâm vàng, đôi đũa ngọc,
Con là rau hèn cỏ mọn tiến dâng lên,
Và cỏ mọn, rau hèn nên đẹp mắt
Đấng muôn trùng đoái nhận đời con!

Ave Maria!
Trái tim Mẹ là chiếc thuyền Bát Nhã
Với hồn con phiêu bạt biển trầm luân!
Trái tim Mẹ là trùng dương bát ngát
Nơi chảy về muôn suối lệ của trần gian!
Trái tim Mẹ là ngọc tuyền lai láng,
Nước cam lồ ướp dịu những hồn đau!
Trái tim Mẹ là nguyện đường mầu nhiệm
Nơi lòng con chiêm ngưỡng Chúa Tình Yêu!

Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương

Tìm hiểu ý nghĩa nguồn gốc của Tháng Hoa Kính Mẹ Thiên Chúa !


Nguồn gốc tháng hoa kính Đức Mẹ



Lm. Đoàn Quang CMC

T5, 05/05/2011 - 13:46










Là người Công giáo Việt Nam, nhất là những ai đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ. Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời. Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài "Đây Tháng Hoa" của nhạc sĩ Duy Tân với điệu 2/4 nhịp nhàng:

"Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

- Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

- Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời”.

Tháng Hoa có từ đời nào? Do ai khởi xướng?
Gốc tích như thế này:

Vào những thế kỷ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng việc tổ chức gọi những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.

Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Có nơi người ta tổ chức các cuộc "Rước xanh". Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

- Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong Thông điệp "Đấng Trung gian Thiên Chúa", cho "việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ".

- Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết:

"Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để "bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.
Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ" (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, tr. 236).

Một câu truyện cũ đáng suy nghĩ:

thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy, đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.

Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

- Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

- Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.

Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.

(Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10).
Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn…chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa? vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng lắm lắm.

Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: "Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng".

Thánh Bênađô thì diễn tả văn vẻ hơn:

"Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng. Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ".




Nguồn:
giaoducconggiao.net

SONG MUA CHAY THANH 2010 VOI GIAO HOI HOAN VU

Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm A

LƯỠI HÁI HAY CHÌA KHÓA VÀNG

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ) Thánh Charles Borrômê sống ở Italia trên 400 năm trước đây (1538-1584). Khi còn trẻ, Borrômê đầy những tước vị, danh vọng. Nhưng một lúc Borrômê đã nhận ra ngày nào đó, Ngài sẽ phải bỏ tất cả. Ngài muốn ghi khắc điều đó, nên nhờ một họa sĩ nổi tiếng vẽ bức bích họa trong tư thất để diễn tả cái chết. Bức họa hoàn thành: họa sĩ trình bày thần chết theo lối cổ điển: một bộ xương người nắm chặt lưỡi hái trong tay. Borrômê ngạc nhiên: “Tại sao họa sĩ hình dung cái chết bằng chiếc lưỡi hái?” Họa sĩ đáp: “Vì thần chết cắt hái mọi cuộc sống. Cái chết hủy hoại mọi cuộc đời.” “Đồng ý”, Borrômê nói, “nhưng thần chết cũng mở cửa Nước Trời nữa chứ. Cái chết là cửa ngõ vào đời sống tốt đẹp hơn. Vì thế, tôi đề nghị họa sĩ xóa chiếc lưỡi hái đi và đặt vào tay thần chết chiếc chìa khóa vàng.” Phải, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Thập giá là chìa khóa Nước Trời. Thần chết đã buông lưỡi hái và cầm lấy chiếc chìa khóa vàng. Cửa Trời đã mở ra cho con người vào Nhà Cha. Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là sự sống lại và là sự sống”. Lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Lagiarô sống lại là một trong những lời “lạ tai” nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Thiên Chúa giáo và những người không tin ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó chính là nền tảng và hy vọng của cuộc đời. Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là sự sống. Ai đang sống mà tin tôi sẽ không bao giờ chết”. Chúa không nói đùa. Chúa không thể đùa với sự chết, vì nó hoàn toàn trái nghịch với Ngài. Là sự sống và đến để đem lại sự sống, Chúa không thể muốn sự chết cho con người. Phép lạ cho ông Lagiarô sống lại làm chứng rằng Ngài có quyền ban sự sống. Không phải sự sống như đám đông bao quanh Ngài thầm nghĩ – sống một thời gian rồi chết – cũng không phải sống lại ngày tận thế mà thôi, như Matta tin tưởng, mà là sống ngay bây giờ và sống đời đời, như Ngài đã nói: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống” (Ga 5,24). Vậy là có một sự sống khác. Có một sự sống thật. Sự sống ấy đã bắt đầu từ bí tích Rửa Tội và tiếp tục mãi đến đời đời. Sự sống thật này không mất đi khi con người chết, nhưng chỉ mất đi bởi tội lỗi (Ga 8,21). Tội lỗi mới là cái chết thật. Và ngược lại, cái mà chúng ta coi là sống chưa hẳn là sống. Chỉ khi nào sống bằng chính sự sống của Chúa thông ban cho, lúc đó mới là sống thật và bảo đảm sống đời đời ngan qua cái mà chúng ta gọi là chết. Thánh Phaolô, trong bài đọc 2 hôm nay (Rm 8,8-11) đã nói đến tình trạng những người “sống mà như chết” và “chết mà vẫn sống” đó: “Ai sống theo xác thịt, tội lỗi, thì dù có sống cũng như chết; ngược lại, ai sống theo Thánh Thần thì dù có chết cũng vẫn sống; hơn nữa, một ngày kia, Đấng đã cho Đức Kitô phục sinh cũng sẽ cho thân xác của những kẻ sống theo Thánh Thần được sống lại”. Thưa anh chị em, Một người nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời này được coi là chết. Nhưng nhiều người đang sống vẫn tự coi mình đã chết. Vì sống mà không có hy vọng, sống không tình thương, sống mà bị đời bạc đãi, phản bội, sống không ra con người, và nhất là sống trong tội ác. Sống như vậy, con người không cần đợi đến chết mới là chết. Chúng ta khóc thương người chết, nhưng biết đâu người sống lại chẳng đáng khóc thương hơn? Bất cứ ai đã thoát khỏi tội lỗi và sống trong ân sủng thì đang sống trong sự sống đời đời rồi. Sự chết thể xác không làm gián đoạn được sự sống thân thiết với Thiên Chúa trong Nước Trời. Sự sống lại ngày tận thế, sự sống vinh quang đời sau đã bắt đầu ở hiện tại như cây trái đã bắt đầu trong hạt giống. Từ Lời Chúa hôm nay, chúng ta mới có được một cái nhìn lạc quan hơn về thân phận con người chúng ta. Là tội nhận, là loài người phải chết, nhưng chúng ta đã được Con Thiên Chúa xuống thế làm người mạc khải tình yêu thương của Thiên Chúa cho chúng ta và Ngài đã thực hiện công việc cứu chuộc của Thiên Chúa giữa chúng ta và cho chúng ta. Cuối cùng, bằng chính cái chết và cuộc Phục Sinh của Ngài, Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi chết đời đời và cho chúng ta được tham dự vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa. Như thế, đối với chúng ta, những người đã tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế và đang cố gắng sống Lời Chúa dạy, thì sống hay chết, không thành vấn đề, mà chỉ có một thực tại duy nhất là sống, sống trong Chúa, sống cho Chúa, sống thuộc về Chúa. Cái chết chẳng qua chỉ là bước vượt qua từ đời sống trần gian đến đời sống vinh quang vĩnh hằng với Chúa Cha trên trời. Chính vì có sự liên tục giữa hai cuộc sống mà đời sống trần gian này mới có ý nghĩa và mới quan trọng, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải sống làm sao cho cuộc sống trần gian này là khởi điểm, là bảo đảm, là dấu chứng cho cuộc sống mai sau. Anh chị em thân mến, Trước khi bước vào Tuần Thánh là đỉnh cao của mầu nhiệm Khổ Nạn Phục Sinh, Giáo Hội đọc bài Tin Mừng hôm này nhằm kêu gọi chúng ta tin vào Đấng là sự sống lại và là sự sống. Niềm tin ấy thắp sáng lên trong chúng ta một hy vọng mà trần gian này dù đen tối đến đâu cũng không thể nào dập tắt được. Đức tin không chuẩn chước cho chúng ta khỏi những tang chế đau thương, những chia ly mất mát hay sự sợ hãi khi đối diện với cái chết. Nhưng đức tin là chấp nhận hiểu và sống các biến cố hiện tại dưới ánh sáng của sự sống siêu việt mà Đức Giêsu Kitô, Đấng là nguồn cội sự sống đã loan báo. “Tôi là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Tôi sẽ không chết bao giờ”. “Matta, con có tin điều đó không?”, Chúa Giêsu hỏi. “Vâng, thưa Thầy, con tin”. Matta nói lên niềm tin của chị cũng là niềm xác tín của chúng ta: “Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”. Chớ gì khi tuyên xưng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, trong kinh Tin Kính chúng ta sắp đọc, niềm tin ấy không chỉ được phát biểu cách máy móc ngoài môi miệng, nhưng sẽ trở nên sức mạnh giúp chúng ta đứng vững trước mọi đau khổ thử thách, ngay cả cái chết. Đồng thời niềm tin ấy thúc đẩy chúng ta đến với anh em, để góp phần mang lại sự sống dồi dào cho anh em.

Chuyện hay về bạn trẻ Trung Quốc !


Tôi là con ruột của gia đình này

30/03/2011 6:54 PM
Nguyễn Hiền Nhu
Sống Lời Chúa






Ngày 24/8/1998, một đám tang vô cùng đặc biệt được tổ chức tại huyện Gia Tường, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Người chết là một cô gái mới 16 tuổi trên là Thẩm Xuân Linh.
Nhưng cô được nhận những nghi lễ long trọng nhất của làng, những người anh trai của cô mặc tấm áo tang chỉ được mặc khi đưa tang cha đẻ. Anh trai cô quỳ rất lâu trước linh cữu em gái, người trong làng ai cũng đeo băng tang.
Nhưng không ai biết rằng, cô gái mười sáu tuổi này thực ra không hề có máu mủ ruột thịt gì với những người còn sống, cũng như với dân làng này, thậm chí cô chỉ là một đứa con gái riêng của mẹ kế mà ngay cả tên trong sổ hộ khẩu của làng cũng không có.

Tôi là con ruột của gia đình này

Tháng 6 năm 1994, mẹ của Thái Xuân Linh góa chồng, đem Xuân Linh và đứa em trai từ Long Châu Tập, huyện Phạm Trạch, tỉnh Sơn Đông (TQ) sang huyện Gia Tường với gia đình mới. Bố dượng của Xuân Linh làm nghề thợ mộc, tên là Thẩm Thụ Bình, tính tình hiền lành đôn hậu.

Bố dượng có cha mẹ già 70 tuổi, và bốn đứa con trai còn đang đi học. Trong đó anh con cả Thẩm Kiến Quốc đang học Đại học Giao thông ở Tây An. Ba cậu con trai còn lại học trường phổ thông trong huyện.

Gánh nặng gia đình quá lớn, nhưng bố dượng cô giỏi nghề thợ mộc, trong nhà cũng chỉ chi tiêu dè sẻn, nên cuộc sống gia đình cũng tạm đủ.

Khi ba mẹ con Thái Xuân Linh gia nhập đại gia đình ấy, cả nhà đều vui vẻ chào đón, hay có thể bởi nhà toàn đàn ông, giờ có một cô em gái mới, cả ông bà nội lẫn bố dượng đều rất yêu quý Xuân Linh.

Khi đó, Linh chỉ vì bố mất, nhà nghèo khó, cô đành bỏ học ở nhà. Bố dượng dứt khoát đưa tiền cho cô đi học trở lại. Trong nhà vốn đã bốn đứa con đi học, giờ thêm Xuân Linh, gánh nặng càng lớn. Ông bố dượng chỉ có cách dành thời gian làm thêm lúc nông nhàn mới đủ cho chi tiêu trong gia đình.

Xuân Linh vô cùng trân trọng cơ hội được đi học, ngay học kỳ đầu tiên quay lại trường, cô đứng thứ ba trong khối.

Ngoài học tập, cô lo liệu việc nhà, lúc nào rảnh rỗi thì giặt quần áo cho các anh, vác gỗ cho bố dượng, ông bố dượng thường khen ngợi:

- Bố thật là có phúc mới có đứa con gái ngoan ngoãn thế này.

Thời gian hạnh phúc chẳng bao lâu, đầu mùa hạ năm 1995, bố dượng cô trong lúc làm công trình đã ngã từ tầng ba xuống, bị liệt giường. Cột trụ trong gia đình đã gẫy, nguồn kinh tế chính của gia đình bị cắt đứt, và tiền chữa bệnh của bố dượng cô đã mang lại một khoản nợ rất lớn cho gia đình.

Thật đáng tiếc, khi mẹ Xuân Linh được bác sĩ cho biết, bệnh của chồng mới sẽ không bao giờ khỏi, cả đời nằm liệt giường, mẹ cô đã rất đau khổ. Bà không thể chịu đựng nổi sự rủi ro liên tiếp từ hai đời chồng, lại biết không gánh vác được một gánh nặng quá lớn từ gia đình chồng, mất hết hy vọng và niềm tin vào cuộc sống, bà ôm đứa con trai nhỏ ra đi, bỏ lại một nhà đầy người già, bệnh tật, trẻ con cho dù Xuân Linh năn nỉ, cầu xin mẹ như thế nào.

Thấy bố như thế, người con trai thứ hai định xin nhập ngũ, ông bố không đồng ý bởi anh thứ hai và thứ ba sắp cùng thi tốt nghiệp phổ thông, thành tích luôn đứng đầu trường.Người con thứ ba cũng đòi bỏ học, muốn đi làm để gánh vác gia đình.

Vào lúc cả nhà bàn cãi, Xuân Linh đề nghị cho em nghỉ học, thay mẹ chèo chống gia đình này. Bố dượng cô rơi nước mắt, ngay cả ông bà nội cũng khóc. Bố dượng cô đau khổ nói:

- Xuân Linh, bố xin lỗi con! Các anh con đã học chừng đó năm rồi, giờ bỏ đi uổng phí quá, bố biết là làm thế con sẽ thiệt thòi.

Ba người anh trai đều nắm chặt tay em gái, cùng thề với bố, cho dù sau này ai thi đỗ đại học, cũng đều nhớ công người em gái.

Mẹ Xuân Linh bỏ đi, nguồn kinh tế của gia đình lại mất hẳn chút hỗ trợ cuối cùng. Ông bà nội đều thở dài, bố dượng gạt nước mắt, các anh trai Xuân Linh cũng lo âu, cả nhà rơi vào tình trạng thấp thỏm bất an, buồn thảm. Những người làng an ủi cô bé:

- Ở đây cháu không có người thân, hay là cháu quay về nhà ông bà ở bên Phạm Trạch đi!

- Không, cháu không đi được, mẹ cháu bỏ đi rồi cháu không thể cũng bỏ đi nốt.

Xuân Linh nói với bố dượng:

- Bố ạ, mẹ con bỏ đi rồi, là mẹ con nhẫn tâm; nhưng con hứa con không bao giờ bỏ nhà đi, con sẽ ở lại đây cùng vượt qua hoạn nạn với mọi người, từ hôm nay con xin được là con đẻ của bố!

Năm đó, Xuân Linh mới 12 tuổi, đổi từ họ Thái sang họ Thẩm.

Làm đồng, việc nhà, chăm sóc người lớn, tất cả mọi việc Xuân Linh đều gánh vác, cô bé làm việc như một phụ nữ thực thụ trong một gia đình nông dân, thức dậy lúc mặt trời mọc, trời tối hẳn mới nghỉ ngơi, cẩn trọng tính toán từng món một trong gia đình để lo liệu qua ngày.

Xuân Linh biết, để gia cảnh đỡ khó, thì sức khỏe của bố phải tốt lên, cho nên vào những lúc nông nhàn, cô bé không quên chăm sóc chu đáo cho bố. Mùa hè năm 1996, thời tiết nóng bức, bệnh tình bố dượng cô nặng lên, Xuân Linh quyết định đưa bố lên nằm viện trên thành phố Tề Ninh.

Thu xếp xong việc nhà, cô kéo bố lên thành phố chữa bệnh. Đường đất 80 km, cô kéo xe hết đúng hai ngày một đêm. Khi đến nơi, chân cô đã lở ra, vai kéo sưng u lên một cục lớn.

Để tiết kiệm tiền, Xuân Linh đã ngủ trong nhà để xe đạp của bệnh viện, người trông xe tưởng cô là ăn mày, đã mấy lần xua cô ra ngoài. Xuân Linh đành kể hết sự tình, ông già trông xe cảm động quá, không chỉ cho cô mang chiếc xe kéo đặt vào tận bên trong nhà xe, còn kiếm cho cô một cái màn chống muỗi.

Dưới sự chăm sóc của con gái nhỏ, bệnh của bố dượng cô dần ổn định hơn, cô lại kéo bố về quê trên chiếc xe ấy.

Vừa về đến quê, là vào vụ thu hoạch lúa mạch, các anh đều đang ở trường, ông bà nội chỉ có thể giúp cô nấu cơm và bó những túm lúa, thế là hơn bảy mẫu đất lúa mạch đang chín, lại một mình Xuân Linh cắt. Để kịp thu hoạch, suốt mấy ngày liên tục cô bé ngủ lại ngoài ruộng lúa, mệt tới mức không chống đỡ nổi nữa thì nằm ngủ luôn trên lúa mạch, ngủ dậy lại cắt tiếp.

Vì quá lo lắng, lại vì lao lực, miệng Xuân Linh nở những mụn nước nhỏ, tay chân xước máu. Thật sự cô bé đã kiệt sức, còn lại hai mẫu lúa mạch nữa.

Đều là lương thực gia đình trông vào đó! Cô bé bất lực đứng giữa ruộng lúa mạch khóc nức nở không thành tiếng, khóc tới mức hàng xóm chung quanh thấy thương hại quá, bèn tới năm tay mười tay giúp cô gặt nốt mảnh ruộng.

Đợt thu hoạch khó nhọc đó đổi lại được lương thực đủ ăn cho cả gia đình.

Anh thứ hai đã đỗ kết quả rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học, nhờ kết quả đó, anh được tuyển vào trường đại học Đồng Tề ở tận Thượng Hải.

Cầm giấy báo nhập học của anh thứ hai, Xuân Linh chạy như bay về nhà quên hết mệt nhọc, nhảy lên vui sướng. Nhìn đứa em gái vừa bé vừa đen, người anh thứ ba là Thẩm Kiến Văn rớt nước mắt tủi thân vì thi trượt đại học.

Thẩm Kiến Văn buồn rầu nói:

- Anh xin lỗi, em đã vất vả vì cả gia đình, mà anh lại thi trượt!

Vừa nói anh ba vừa khóc. Xuân Linh hốt hoảng nắm lấy tay anh:

- Năm nay thi trượt thì năm sau thi tiếp, anh đừng nản chí như thế!

Thẩm Kiến Văn quyết định không thi đại học nữa, ở nhà kiếm sống giúp em gái. Xuân Linh không đồng tình:

- Em chịu vất vả cũng chỉ vì muốn các anh học lên đại học mà thôi! Anh thất bại là em cũng thất bại!

Ba nghìn Nhân dân tệ học phí là gánh nặng quá lớn với cả gia đình. Vào lúc bất lực ấy, Thẩm Xuân Linh nghĩ đến chuyện đi bán máu.

Lần thứ nhất đến nơi bán máu, vì quá nhỏ tuổi, bác sĩ không đồng ý!

Lần thứ hai, cô nói dối tuổi mình, cuối cùng được bán 200 ml máu. Cầm được 400 tệ tiền bán máu, nỗi buồn bã của cô vẫn không bớt đi. Vì 400 tệ so với 3.000 tệ thì còn quá ít ỏi. Như cốc nước hắt vào đống lửa, chả thấm vào đâu.

Ba ngày sau, cô quay trở lại trạm y tế. Lần này, nói kiểu gì bác sĩ cũng quyết không lấy máu của Xuân Linh. Quá lo lắng, cô đành quỳ xuống cầu xin bác sĩ, và kể cho ông biết lý do.

Bác sĩ trầm ngâm rất lâu, cuối cùng ông thở dài bảo:

- Thôi được, chỉ một lần này thôi nhé! Lần sau cháu đừng đến đây nữa, cháu còn quá nhỏ, cơ thể còn đang phải lớn nữa!

Ông bác sĩ chỉ rút một lượng máu rất nhỏ tượng trưng, rồi móc túi ra đưa cho cô 700 tệ, làm Xuân Linh vô cùng cảm động.

Về nhà, Xuân Linh đưa tiền cho bố dượng, bố vội hỏi tiền ở đâu ra mà nhiều thế này, cô nói dối là đi vay người ta.

Bố cô cầm tay con xem xét, lại móc từ túi cô ra hai tờ giấy bán máu.

Cả nhà cô đều kinh hãi.

Nhưng số tiền đó còn lâu mới đủ được, dù chỉ một nửa học phí cho người anh.

Bố dượng cô quyết định bán đi một phần mảnh đất từ ngôi nhà cũ của họ, ông bà nội cũng bán ba cây dương vốn định dành gỗ để đóng quan tài cho ông bà sau này.

Khi bố dượng không đồng ý bán ba cây dương, ông bà nói:

- Máu của Xuân Linh còn không tiếc, chúng tôi còn cần quan tài để làm gì nữa!

Dưới sự nỗ lực của toàn gia đình, tiền học cho anh hai, anh ba cuối cùng đã thu xếp xong. Để anh Thẩm Tiến Quân có thứ để lên trường, suốt mấy tối liền Xuân Linh thức khuya khâu vỏ chăn mới và giầy vải cho anh.

Vào lúc lên đường, Xuân Linh ra bến xe tiễn anh, cô nói:

- Anh ạ, nhà mình tuy nghèo, nhưng khảng khái, anh phải học cho ra học, anh đừng lo lắng chuyện ở nhà, cũng đừng tự khắc nghiệt với bản thân mình quá, anh cần tiền tiêu cứ viết thư về cho nhà nhé, em sẽ lo cho anh!

Thẩm Tiến Quân không nén được, ôm lấy đứa em nhỏ vào lòng, cảm động trào nước mắt!

Có thể bỏ rơi cha, nhung không được phép bỏ rơi em.

Những người anh lên đường đi học rồi, Xuân Linh bắt đầu tính toán xem làm cách nào kiếm tiền để chữa bệnh cho bố, lo học phí cho các anh trai. Ban đầu, cô định theo chân các chị trong làng ra ngoài đi làm kiếm tiền, nhưng ở nhà còn hai người già và một người bệnh đều cần chăm sóc, cô chỉ có thể ở lại. Cân nhắc kỹ, cô quyết định trồng bông.

Trồng bông không giống như trồng những cây khác, không chỉ phí sức trồng trọt, ngay khoản phun thuốc sâu cho bông cũng rất nguy hiểm, nhưng Xuân Linh tính nhẩm ra, một năm trồng bông có thể thu lãi được 8-9 nghìn Nhân dân tệ (16-18 triệu VND), cô không trù trừ bắt tay vào làm ngay.

Cô háo hức trồng xuống cây bông, nhưng chẳng mấy lâu, khu vực Lỗ Tây Nam (mấy huyện thuộc Sơn Đông) gặp dịch sâu xanh trên lá bông (Helicoverpa armigera) tràn tới, vụ dịch làm Xuân Linh cuống quýt, cô bé người còn chưa cao bằng ngọn cây bông đã cõng bình xịt thuốc sâu nặng hơn 20kg sau lưng đi dọc ruộng bông để xịt thuốc.

Cô nghe người ta nói, lúc chính ngọ thời tiết nóng nực nhất, là lúc trừ sâu có hiệu quả lớn nhất. Cô liền chọn lúc giữa trưa nắng to đi phun thuốc sâu, mặt trời rát bỏng trút nóng xuống cánh đồng bông hầm hập như một lò hấp khí nóng, làm Xuân Linh không thở nổi. Cô chỉ có thể chạy phun một hàng rồi chạy ra hít thở không khí. Một ngày vào lúc chính ngọ, vì thùng thuốc sâu bị rò chảy, cô trúng độc, ngất đi.

Người làng khiêng Xuân Linh về. Lúc tỉnh lại, cô không để ý đến sự ngăn cản của người bố nằm liệt giường, lại đòi chạy ra ruộng bông luôn. Năm đó, bông được mùa thu hoạch lớn, nhưng vì thế mà giá thu mua bị dìm xuống rất thấp, và Xuân Linh vẫn không thể kiếm được khoản tiền như cô mong muốn.

Đầu óc thông minh của Xuân Linh lại suy tính, cô đang nghĩ có cách nào kiếm được tiền nhanh nhất. Lúc nông nhàn, cô đã từng theo người làng đi thu mua hoa hòe, cành liễu (dùng như sợi bàng, sợi chiếu cói của VN), cũng từng đi bán mũ nan, đậu tương. Sau này, cô nghe người ta nói táo Tứ Thủy ở huyện bên rất rẻ, cô lại cùng ông bác trong làng đi Tứ Thủy buôn táo.

Hàng ngày, sau bữa tối, cô kéo xe kéo lên đường, lúc trời hơi rạng thì tới được vườn táo, chất đầy xe táo rồi quay về ngay. Đàn ông thanh niên kéo một xe, cô cũng kéo một xe. Dọc đường, người ta đều ăn táo giải khát, cô thì chưa từng ăn một quả táo nào, ngay cả những quả dập nát cũng giữ lại phần bố, cho ông bà ăn.

Anh thứ tư Thẩm Kiến Hoa thấy đứa em 14 tuổi vất vả như thế, quá áy náy, quyết định bỏ học và cũng trốn nghĩa vụ quân sự, ở nhà kiếm sống thay em.

Xuân Linh khuyên anh thế này:

- Em hâm mộ nhất trên đời này là quân nhân, anh ở nhà rồi sau này anh sẽ ra sao? Anh cứ đi đi, em vẫn còn chống đỡ gia đình này được.

Ngày anh tư lên đường, Xuân Linh rút từ trong túi ra một ít tiền lẻ nhàu nát dúi vào tay anh trai:

- Đây là 80 tệ, tiền em dành riêng ra, anh giữ lấy để tiêu vặt, vào bộ đội rồi anh nhớ cố gắng.

Thẩm Kiến Hoa mắt rưng rưng…

Mùa xuân năm 1997 là mùa xuân vui sướng hạnh phúc nhất của Xuân Linh. Tết năm đó, ngoài người anh thứ tư đang ở bộ đội, cả ba anh trai đều quay về nhà ăn tết. Và ai cũng mang quà về cho cô em gái. Người anh cả là sinh viên mang tặng em một bộ quần áo mới, người anh thứ hai cũng là sinh viên tặng em một chiếc khăn màu hồng, người anh thứ ba đang ôn thi cũng mua cho em một hộp kem trang điểm.

Xuân Linh ôm tất cả quà vào lòng vui sướng, nhảy lên cười, lúc đó cô bé quay trở lại vẻ ngây thơ con nít vốn có. Bố gọi ba đứa con trai đến bên giường:

- Các con phải báo đáp cho Linh, vì nó đã quá khổ sở rồi. Ngày sau các con trưởng thành, các con có quyền quên bố đi, nhưng không bao giờ được phép quên Xuân Linh.

Tình thân vĩnh viễn…

Công việc nhà nông bận rộn, nhưng Xuân Linh không quên bệnh của bố dượng, hễ có hy vọng, ngại gì đường xa núi cao, cô đều kéo bố đi. Trời xanh không phụ người có công, bệnh của bố dượng đã đỡ hơn rất nhiều, đã có lúc ông chống được gậy đứng lên. Những người anh học hành tấn tới. Anh cả Thẩm Kiến Quốc sau khi tốt nghiệp đại học đã thi đỗ để học tiếp Thạc sĩ.

Người anh thứ tư Thẩm Kiến Hoa đã được vào Đảng trong quân ngũ, được đề bạt lên làm trung đội trưởng. Tháng 9/1997, người anh thứ ba Thẩm Kiến Văn cũng thi đỗ cao đẳng, được Học viện Đông y Sơn Đông nhận vào học.

Tháng 3/1998, bà nội bỗng dưng bệnh nặng, lúc lâm chung, bà cụ nắm chặt lấy tay Xuân Linh nói: “Xuân Linh, cả đời bà chẳng có gì tiếc nuối, vì đã có một đứa cháu ngoan như cháu, bà chỉ thương xót cháu thôi!” Nói rồi bà lần từ dưới gối ra một chiếc vòng tay bằng ngọc đưa cho Xuân Linh, Xuân Linh không dám cầm. Ông nội nói: “Xuân Linh, đấy là thứ bà nội định để dành cho cháu dâu đầu, nhưng bà nội nghĩ, cái vòng này nên để dành cho cháu, cháu hãy nhận cho bà mãn nguyện đi!”. Xuân Linh nuốt nước mắt rưng rưng nhận lấy.

Sau khi bà nội mất, người anh thứ tư viết thư về, nói sẽ chuẩn bị thi vào trường quân sự, nhưng khi biết bà nội vừa mất, trong nhà đã lo liệu hết tiền, anh bèn quyết định bỏ cuộc. Xuân Linh đọc thư, lo lắng, cô liền tìm người nhờ gửi thư cho anh trai khuyên ngăn, và gửi kèm theo đó 200 tệ, để anh trai mua sách vở ôn thi. Cô nói: “Anh ạ, thi vào trường quân sự là việc lớn cả đời anh, đừng để khó khăn trước mắt làm ngăn cản việc cả đời”.

Đúng lúc đó, mẹ Xuân Linh đã bỏ đi biệt tăm tích lâu nay, bỗng gửi thư về cho cô, thì ra mấy năm nay, mẹ cô bỏ đi rồi đã làm một tờ giấy li hôn giả mạo với bố dượng, rồi sang huyện Bình Dương ăn ở với một ông có tiệm thực phẩm, cuộc sống khá sung túc. Mẹ cô nghe qua người khác mới biết con gái mình mấy năm nay chịu cực khổ vô vàn, trong lòng bà rất ăn năn. Mẹ cô gửi thư tới muốn bảo con gái bỏ sang huyện Bình Dương, hứa sẽ tìm cho cô một gia đình đàng hoàng để gả chồng.

Đọc lá thư của mẹ, Xuân Linh nước mắt dào dạt, rất muốn được sống một cuộc sống đơn giản vô lo của một cô con gái bên cạnh mẹ. Nhưng cô cũng không thể nào bỏ rơi gia đình này, cái gia đình nghèo khổ hoạn nạn, nhưng cả nhà đều chân tình yêu thương cô!

Bố dượng biết con gái khó xử, khuyên cô:

- Xuân Linh, đi tìm mẹ con đi! Bố không trách con, cả nhà ta đã khổ, kéo theo cả đời con khổ theo thì bố không nỡ lòng nào!

Xuân Linh cắn chặt môi, quỳ xuống trước giường bệnh của bố:

- Bố ạ, khổ sở nữa con cũng chịu được, bố đừng đuổi con đi!

Xuân Linh nhờ người viết thư trả lời mẹ rằng, cô không muốn theo mẹ!

Một ngày tháng 9/1998, vì muốn kiếm tiền cho anh trai thứ tư ôn thi, cô lại nghĩ đến việc đi bán máu. Sau rất nhiều lần cầu xin, cuối cùng bác sĩ đã đồng ý, lấy 300ml máu của cô. Vốn thân thể gầy gò yếu ớt vì thiếu dinh dưỡng, giờ Xuân Linh càng yếu.

Nhưng cô lấy lại tinh thần, đi ra bưu điện gửi mấy trăm tệ đó cho anh. Lúc liêu xiêu qua đường, vì không còn tinh thần để ý kỹ, cô bị một xe tải lớn chở các cuộn sắt gạt ngã, bánh xe lớn nghiến qua người Xuân Linh.

Tin dữ đến, ông nội cô không chịu đựng nổi, đổ bệnh liệt giường, bố dượng Xuân Linh cũng ngất đi nhiều lần. Người anh thứ ba Thẩm Kiến Văn là người đầu tiên biết tin này, anh chạy về nhà, chỉ còn biết khóc bên thi thể em.

Người anh thứ hai Thẩm Kiến Quân nhận được điện báo, suốt hai ngày đi tàu về không ăn không ngủ, khóc từ Thượng Hải về đến Sơn Đông.

Ở tít tận Tây An, người anh cả Thẩm Kiến Quốc đang học thạc sĩ được tin cũng khóc rụng rời, không thể về dự đám tang được, anh điện về nhà: “Em gái yêu quý, em dùng tấm lòng người mẹ để gánh vác cả gia đình này, dùng đôi vai yếu ớt để dựng lên một niềm hy vọng, cả gia đình mãi mãi yêu em.”

Vừa nhận được giấy báo nhập học của Học viện Lục quân Quế Lâm, người anh thứ tư Thẩm Kiến Hoa cũng đồng thời nhận tin em chết, anh ngã ngất đi trên thao trường. Tỉnh dậy liền vội vã về quê.

Nhưng ở quê, những người chết trẻ vị thành niên không được phép tổ chức đám ma, ngay cả nghĩa trang của dòng họ cũng không được phép vào chôn cùng.

Xuân Linh đến đây sống bốn năm, họ tên thì đã đổi, nhưng hộ khẩu thì không có, ngay cả tư cách là dân chúng của địa phương cũng không có, không được coi là người làng. Nhưng những người già trong làng cảm động trước cuộc đời hiếu nghĩa của Xuân Linh. Người già nói, đứa con gái tốt đẹp thế, chết rồi thì tại sao còn phải để nó phải chịu tức tưởi nữa.

Nhà văn Lưu Hồng, người đã từng đến viết bài phỏng vấn Xuân Linh hồi trước cũng đến dự tang lễ, và viết một bài ai điếu cho cô bé:

“Em, là một đóa hoa giữa thung lũng, một vệt mây ở bên trời, lặng lẽ đến, lại lặng lẽ đi.

Đôi vai nhỏ gánh đầy tình người, tâm hồn nhỏ nâng đỡ cả gia đình, tuổi còn trẻ như thơ như họa, như tơ như khói, lại đầy gian nan khốn khó vất vả.

Em đi rồi, nhẹ như thế, như đám mây bên trời xa, câu chuyện để lại nặng như thế, ân tình cao như núi Thái Sơn

”.

Những người con gái đều có những son phấn của riêng mình, có lẽ Xuân Linh cả đời chưa chạm vào son phấn, nhưng cô vẫn là người con gái đẹp nhất.

Năm 2007, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc dự định làm một bộ phim truyền hình 100 tập về 100 tấm gương tốt cảm động thời nay, lấy tên phim là “Câu chuyện của chúng tôi” để giáo dục thế hệ trẻ Trung Quốc, câu chuyện về Xuân Linh sẽ được dựng lại ở tập mười sáu.

Sưu tầm

Giảng Lễ Thiếu Nhi


Giáo Xứ Lang Bian
Thursday, August 18, 2011
By bapgioan

THÁNH LỄ RƯỚC LỄ LẦN ĐẦU(Ga 6, 51-58)

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.
Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây,
để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51)


Các con thiếu nhi thân mến !
Cha chào tất cả chúng con, cha có 03 câu hỏi muốn hỏi chúng con trong thánh lễ đặc biệt hôm nay : Thánh Lễ trao ban Chúa Giê-su Thánh Thể cho các bạn của chúng con.
Câu hỏi thứ nhất : Ai đã nói “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.” ?
Thưa cha: Chúa Giê-su Ki-tô ạ !
Câu hỏi thứ hai: Bánh hằng sống chính là thịt Chúa Giê-su Ki-tô là gì ?
Thưa cha: Chính là Mình và Máu Chúa Giê-su Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể, khi Giáo Hội cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn.
Câu hỏi thứ ba: Người Ki-tô hữu rước lễ là đón nhận chính Chúa Giê-su Ki-tô trong Mình và Máu Thánh Ngài thì được gì ?
Thưa Cha: Được kết hiệp nên một với Chúa Giê-su, sống thánh thiện và sống đời đời.
Vậy, làm thế nào để sống thánh thiện như Chúa Giê-su và Giáo Hội muốn các con nhỉ ?
Cha sẽ kể cho chúng con nghe, câu chuyện về cuộc đời thánh thiện của cậu bé Đô-mi-ni-cô Sa-vi-ô 14-15 tuổi, theo lời kể của cha thánh Gioan Bos-cô nhé !
Chuyện kể rằng : Cậu bé Đô-mi-ni-cô Sa-vi-ô trong ngày được diễm phúc đón nhận Chúa Giê-su Thánh Thể khi rước lễ lần đầu, đã viết vào sổ tay 04 điều quyết tâm này:
1.Tôi sẽ năng xưng tội và rước lễ mỗi khi cha giải tội cho phép.
2.Tôi muốn thánh hóa tất cả những ngày lễ.
3.Chúa Giê-su và Mẹ Maria là những người bạn thân của tôi.
4.Thà chết chẳng thà phạm tội.
Cậu thường lặp lại nhiều lần những quyết tâm này, và đó sẽ là thước đo các hành vi thánh thiện của mình cho đến hết đời.
Lúc lên 13 tuổi, cậu đã lặp lại những quyết tâm của mình vào ngày 08/12/1854, khi Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX tuyên bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội từ lúc thụ thai; cậu thưa với Mẹ Maria như sau:
“Lạy Mẹ Maria, con dâng Mẹ trái tim của con.
Xin Mẹ làm cho trái tim con luôn thuộc về Mẹ.
Giê-su, Maria, xin hãy là những người bạn thân của con mãi mãi.”
Cha thánh Gioan Bos-cô đã nói với Đô-mi-ni-cô rằng: “Muốn trở thành một vị thánh, mỗi ngày con phải vui tươi.” Lúc mới tới trường học (Nguyện xá Donbos-cô), cậu tỏ ra lo nghĩ nhiều, nhưng một nụ cười của bạn bè đã làm rực sáng khuôn mặt của cậu. Cậu nói nhỏ với một bạn mới tới rằng : “Ở đây, chúng tôi coi việc nên thánh là phải vui vẻ luôn.”. Cậu còn tiếp tục nghe và sống những điều cha thánh Gioan Bos-cô chỉ dạy sau: “Để nên thánh, con phải trung thành với tất cả các bổn phận của mình. Con hãy giữ đúng chương trình giờ giấc, hãy chuyên cần, trên sân chơi con hãy chơi hết mình. Con hãy dành thời giờ cho các bạn. Con hãy sốt sắng khi cầu nguyện.”
Cha thánh Gioan Bos-cô còn nói với cậu : “Để nên thánh, con hãy chấp nhận tất cả những phiền phức của cuộc sống hằng ngày”. Vì lúc đầu, Đô-mi-ni-cô muốn hãm mình phạt xác bằng cách lấy những miếng gỗ nhỏ để dưới chiếu nằm và chỉ dùng một chiếc mền thô. Thấy thế, Cha Thánh Gioan Bos-cô bảo cậu rằng : “Con phải giữ cho ấm, phải đắp mền cho đủ. Con hãy mang găng để giữ cho tay khỏi nứt nẻ. Con hãy nhẫn nhục, chịu đựng nóng, lạnh, sương tuyết, mệt nhọc, đau bệnh. Con có biết Chúa Giê-su ưa thích những sự hãm mình nào nhất của chúng ta không ? Đó là vâng phục trong mọi sự. Và đó là bí quyết của bình an.”
Chúng con biết không ! Cậu bé Đô-mi-ni-cô Sa-vi-ô đã nghe những lời chỉ dạy khôn ngoan của cha thánh Gioan Bos-cô để sống tiến bộ và thánh thiện mỗi ngày; đó là luôn trung thành với bổn phận “con ngoan – trò giỏi”, và hiến thân cho Thiên Chúa như một lời đáp trả của tình yêu… và cậu đã làm một vị thánh trẻ sau khi qua đời ở tuổi 15.
Các con có muốn sống thánh thiện, hạnh phúc và bình an như thánh trẻ Đô-mi-ni-cô Sa-vi-ô không ? Thưa cha có ạ !.Vậy chúng ta hãy cùng nhau lặp lại và thực hành 04 quyết tâm của thánh Đô-mi-ni-cô, trong ngày chúng con diễm phúc, lần đầu tiên được đón nhận chính Chúa Giê-su Thánh Thể, vào tâm hồn trong trắng của mình hôm nay nhé ! (hãy đọc lại theo cha !)
1.Tôi sẽ năng xưng tội và rước lễ mỗi khi cha giải tội cho phép.
2.Tôi muốn thánh hóa tất cả những ngày lễ.
3.Chúa Giê-su và Mẹ Maria là những người bạn thân của tôi.
4.Thà chết chẳng thà phạm tội.
Giờ đây, tất cả chúng ta cùng tiếp tục dâng thánh lễ đặc biệt này.

Thánh Tâm Chúa Giêsu và Linh mục




Thánh Tâm Chúa Giêsu và linh mục

Tháng sáu đã về, với màu sắc đỏ tươi của hoa phượng vĩ, chúng ta cùng chiêm ngưỡng màu đỏ của hy sinh, của yêu thương được thể hiện qua Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người với một tình yêu kỳ diệu. Tình yêu của Ngài được thể hiện qua biết bao điều tốt đẹp, nhằm mang cho con người được hạnh phúc. Tuy vậy, hình ảnh một trái tim bị đâm thâu có lẽ là bằng chứng hùng hồn nhất của tình yêu Thiên Chúa. Trái tim rướm máu của Đức Giêsu là lời khẳng định với con người “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16).

Có một thứ ngôn ngữ không được thể hiện bằng lời, mà được phát biểu bằng trái tim. Đó là ngôn ngữ của tình yêu. Người ta có thể nghe tiếng nói của trái tim trước khi quyết định một vấn đề quan trọng. Quả thế, khi hai bạn trẻ nam nữ quyết định kết hôn, họ được cố vấn bởi ngôn ngữ của trái tim. Nếu con người và ánh mắt của họ gặp gỡ nhau, thì trái tim là mối dây liên kết họ nên một, nhờ đó họ hiểu nhau và quyết định chung sống với nhau suốt đời.

Thiên Chúa yêu thương con người. Tình yêu ấy cũng được phát biểu qua chính Con Một của Ngài. Đức Giêsu là Lời của Chúa Cha. Qua Lời này, Chúa Cha đã bày tỏ hết thánh ý của Ngài. Ngài đã thâu tóm nơi Con Một Ngài tất cả những gì cần nói với con người. Cách thể hiện tình thương của Thiên Chúa thật diệu kỳ. Lời Ngài đã trở thành xác thịt, thành một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Lời của Ngài đã nhập thể, đã đến gặp gỡ những con người bất hạnh. Lời đã dừng lại bên chiếc quan tài, làm cho người đã chết được sống lại. Lời đã làm cho con người xích lại gần nhau trong tình nhân loại và trong tình anh em. Lời đã tha thứ cho nguời tội lỗi, khích lệ họ vững bước đứng lên. Cuộc đời Chúa Giêsu là ngôn ngữ bất tận kể với chúng ta về Thiên Chúa, đồng thời cũng là lời mời gọi chúng ta hãy trở về với Ngài trong tình cha con thân thiết. Lời Chúa chính là ngôn ngữ của tình yêu. Tình thương của Chúa đã “ngôi vị hoá” nơi Đức Giêsu thành Nazareth.

Trên cây thập giá, một người lính đã lấy giáo đâm thâu qua trái tim Chúa Giêsu. Từ trái tim bị đâm thủng, chúng ta học biết tình yêu thương kỳ diệu của Chúa. Nói cách khác, chúng ta được đi vào chính cung lòng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta. Vết thương nơi Thánh Tâm là “cửa” để chúng ta bước vào thế giới mới, nơi chỉ có tình yêu ngập tràn viên mãn.

Thiên Chúa muốn dùng nhiều phương tiện khác nhau để loan báo tình thương của Ngài, trong đó có những con người còn đầy khuyết điểm yếu đuối. Đó là các linh mục. Linh mục là sứ giả của tình Chúa yêu thương. Qua con người của linh mục, người ta thấy chính Chúa Giêsu đang hy sinh vất vả để phục vụ con người. Tháng kính Thánh Tâm cũng là tháng xin ơn thánh hoá các linh mục. Chức linh mục được ban cho con người như viên ngọc quý đựng trong chiếc bình sành dễ vỡ, vì vậy linh mục cần được thánh hoá mỗi ngày để trở nên xứng đáng với sứ vụ được trao phó.

Như Đức Giêsu giang tay trên đỉnh đồi cao năm xưa, linh mục khi cầu nguyện cũng giang rộng vòng tay để ôm trọn thế giới. Như vị ngôn sứ thành Nazareth đã miệt mài đi khắp đó đây để loan báo Tin Mừng, linh mục được mời gọi lên đường để đến với muôn dân, đem cho họ niềm vui cứu độ. Như Đức Giêsu đã suốt đời sống độc thân để dành trọn vẹn cuộc đời cho công cuộc truyền giáo; linh mục chọn Chúa là sản nghiệp duy nhất, dâng cho Ngài một trái tim không sẻ chia. Cuộc đời linh mục gắn liền với cuộc đời Đức Giêsu, đến nỗi người ta gọi linh mục là Alter Christus, tức là “Đức Kitô khác”, hay “Đức Kitô thứ hai”. Thánh Tâm Chúa Giêsu và linh mục, đó là hai chiều kích của một tình yêu duy nhất, tình yêu Thiên Chúa.

Đời linh mục vinh quang là thế, nhưng cũng bao gồm những khó nhọc hy sinh. Quả thật, hoa hồng nào mà chẳng có gai, vòng nguyệt quế nào mà chẳng trải qua khổ luyện. Từ trước tới nay, nào có ai nên thánh mà khước từ thập giá; từ xưa đến giờ, nào có ai thành đạt mà chẳng phải gian nan. Đời linh mục với chiếc áo dòng màu đen chấp nhận chết đi cho Danh Cha cả sáng. Tuy vậy, “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chính nhờ sự chết của Chúa Kitô mà muôn dân được sống. Chính nhờ sự hy sinh của linh mục mà nhiều người tìm được niềm vui. Huyền nhiệm đời linh mục là thế, như ngọn nến chấp nhận tiêu hao để thắp sáng cuộc đời, như người mẹ chấp nhận gian lao để con cái thêm khôn lớn. Và thế là, một sự trao đổi kỳ diệu của tình yêu được thực hiện: thập giá Đức Kitô là nguồn mạch hạnh phúc cho các tín hữu; hy sinh đời linh mục là nguồn sống cho mọi tha nhân. Linh mục thấy niềm vui của mình qua niềm vui của mọi tín hữu; linh mục chọn lẽ sống cho mình nơi hạnh phúc của những kẻ tin. Chỉ khi nào có được trái tim như trái tim của Chúa, linh mục mới có thể trở nên dấu chỉ của huyền nhiệm cao siêu này. Trái tim Chúa vẫn mở ra để thông ban cho các tín hữu suối nguồn hạnh phúc; đời linh mục vẫn gánh chịu hy sinh để góp phần đem lẽ sống cho đời. Vâng, với tâm tình yêu mến, nước mắt sẽ trở thành niềm vui; nhờ trái tim chân thành, đau thương sẽ trở thành hạnh phúc. Nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa; nơi cuộc đời của linh mục, chúng ta gặp Đấng là Tình Yêu. Nhờ được nên một với Chúa Giêsu, linh mục trở thành người hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.

Thánh Gioan Maria Vianey đã cảm nghiệm được vinh dự của thiên chức cao cả đó và đã thốt lên: “Nếu tôi hiểu hết được chức linh mục, có lẽ tôi sẽ chết, không phải vì sợ hãi, nhưng vì quá hạnh phúc”.

Linh mục là hồng ân vô giá mà Chúa ban tặng cho con người. Mỗi chúng ta hãy đón nhận món quà tặng ấy với lòng trân trọng, với sự cảm thông và chia sẻ. Các linh mục cần đến lời cầu nguyện và tình hiệp thông của chúng ta. Xin hãy cầu nguyện cho các ngài được ơn thánh hoá.

+ Giuse Vũ Văn Thiên


Giám mục Hải Phòng

Tháng Hoa Kính Mẹ Thiên Chúa


Nguồn gốc tháng hoa kính Đức Mẹ



Lm. Đoàn Quang CMC










Là người Công giáo Việt Nam, nhất là những ai đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ. Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời. Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài "Đây Tháng Hoa" của nhạc sĩ Duy Tân với điệu 2/4 nhịp nhàng:

"Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

- Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

- Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời”.

Tháng Hoa có từ đời nào? Do ai khởi xướng?

Gốc tích như thế này:

Vào những thế kỷ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng việc tổ chức gọi những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.

Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Có nơi người ta tổ chức các cuộc "Rước xanh". Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

- Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong Thông điệp "Đấng Trung gian Thiên Chúa", cho "việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ".

- Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết:

"Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để "bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.

Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ" (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, tr. 236).

Một câu truyện cũ đáng suy nghĩ:

Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy, đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.

Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

- Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

- Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.

Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.

(Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10).

Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn…chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa? vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng lắm lắm.

Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: "Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng".

Thánh Bênađô thì diễn tả văn vẻ hơn:

"Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng. Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ".





Nguồn:
giaoducconggiao

Dâng Mẹ Ngàn Hoa




Tháng Năm, với những cơn mưa đầu mùa đã mang lại cho đất trời một màu xanh của tươi vui và hy vọng. Đất trời xanh tươi càng thêm lộng lẫy nhờ những cánh hoa đồng nội ở trước hiên nhà, hay ven đồi, ven núi. Hoa hoà cùng với cảnh sắc của đất trời để nói lên kỳ công của Thiên Chúa. Mầu sắc của hoa tươi xinh, hương thơm lại càng ngào ngạt, hoa chẳng những tô thắm vũ trụ nên xinh tươi, lại còn như muốn nở một nụ cười thân thiện với con người.

Hoa đã trở thành một người bạn thật thân thiết với con người. Khi vui người ta tặng hoa để chúc mừng lẫn nhau. Khi buồn người ta cũng trao gởi lẵng hoa như trao gởi tấm lòng đồng cảm thân thương. Hoa khích lệ lòng người. Hoa còn hướng con người nhớ tới Đấng tạo hoá đã xoay vần vũ trụ bốn mùa xinh tươi.

Mỗi độ tháng năm về, Giáo hội còn mời gọi chúng ta hướng về Mẹ Maria, là đoá hoa đẹp nhất của trần gian. Mẹ là bông huệ vì Mẹ khiết trinh. Mẹ là đoá hồng vì Mẹ say mến. Hương thanh khiết và tình yêu của Mẹ đã làm cho mùa xuân trần gian được hồi sinh. Ơn cứu độ được ban tặng cho trần đời nhờ hoa lòng của Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa.

Ôi Maria! Mẹ kiều diễm xinh tươi! Mẹ đẹp như ngàn hoa luôn tô thắm cho vũ trụ đẹp xinh. Hương thơm nhân đức của Mẹ tựa hương thơm của ngàn hoa toả lan cho khắp nhân gian. Nhân đức của Mẹ đã thực thi trọn hảo trong vai trò người vợ, người mẹ của gia đình. Mẹ đã tận hiến hy sinh cho gia đình. Mẹ đã sống hết mình vì hài nhi Giê-su. Cuộc đời Mẹ quyện vào đời Con làm nên hy tế cứu độ trên đồi Cal-vê. Mẹ đã đi qua những thăm trầm của gia đình trong niềm tín thác cậy trông vào Thiên Chúa.

Xin cho cộng đoàn chúng ta mỗi khi hái hoa dâng kính Đức Mẹ, chúng ta hãy mượn hương sắc của hoa để trao gởi tâm tình tín thác, cậy trông nơi Mẹ. Xin Mẹ toả hương thiên đàng cho cuộc đời chúng ta luôn được an vui và dư tràn thánh ân. Xin Mẹ ấp ủ chúng ta trong tình Mẹ để cuộc đời chúng ta cũng trở thành những đoá hoa tươi thắm dâng tặng cho đời.

Vâng, mỗi cuộc đời là một sắc hoa dâng tặng cho đời..Hoa tình yêu, hoa bác ái, hoa thuỷ chung, hoa dâng hiến. Loài hoa nào cũng đẹp. Hương hoa nào cũng làm vui lòng người. Hoa để tô thắm vũ trụ. Cuộc đời đẹp để tô thắm nhân gian. Hoa mang hương thơm vào đời. Cuộc sống làm người cũng phải mang tình yêu dấn thân phục vụ cho đời.

Xin dâng lên Mẹ những sắc hoa của cuộc đời chúng con. Ước gì cuộc đời chúng con luôn là những bông hoa dâng tặng cho đời và lan toả hương thơm bác ái trong môi trường sống của chúng con.

Xin dâng lên Mẹ hoa tím lung linh trong ánh chiều tà như tình yêu trung tín sắt son vẹn nghĩa câu thề.

Xin dâng lên Mẹ Màu đỏ hy sinh trong bổn phận gia đình. Xin cho chúng con biết dâng tặng cho nhau những đoá hồng của tình yêu, của hy sinh, của phục vụ cho lợi ích chung của gia đình.

Xin dâng lên Mẹ màu vàng rạng rỡ đẹp xinh được nồng ép bởi hương thơm bác ái và vị tha của chúng con.

Xin dâng lên Mẹ Màu xanh của hy vọng. Màu xanh được dệt từ những ước mơ cao đẹp dám sống vì lợi ích tha nhân tựa như muôn ngàn đoá hoa làm tươi mát lòng người.

Xin dâng lên Mẹ màu trắng trinh nguyên là biểu lộ tấm lòng thanh khiết, không vấn vương tội lỗi, luôn là đền thờ thanh sạch cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị.

Xin dâng lên Mẹ những cánh hoa muôn màu sắc như cuộc đời với bao phận đời khác nhau. Có người vui. Có người buồn. Có gia đình hạnh phúc. Có gia đình đang khô cạn tình yêu. Xin Mẹ đón nhận tấm lòng chân thành của chúng con. Xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho gia đình chúng con được thuận hòa. Cho mỗi người chúng con biết chết đi trong cái tôi ích kỷ để lan tỏa hương thơm của bác ái và vị tha. Cho cuộc sống gia đình luôn tươi mát như cánh hoa, luôn thanh khiết như hương hoa. Cho tình con người sống trên trái đất được thắm đượm tình Chúa tình người như mùi hương hoa thơm ngát, như mầu hoa muôn sắc điểm tô cho cuộc đời thêm hạnh phúc thắm tươi. Xin cho từng người chúng con luôn là một đoá hoa tươi xinh, góp về nơi đây trong ngày của Mẹ để cùng nhau mở hội hoa đăng: Ngàn Hoa Dâng Mẹ.



Lm Jos Tạ Duy Tuyền