Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010
Tim hieu Lich Su Giao Xu-Linh muc Quan Xu trong Giao su Cong Giao.
Năm Linh Mục: Tìm hiểu Linh mục Quản xứ và Giáo xứ theo Lịch sử Giáo-Hội (cho đến Công Đồng Vatican II)
Giáo xứ được phát sinh từ lòng Giáo Hội, từ lịch sử Giáo Hội.
Linh mục Quản xứ hãy lần theo ánh sáng của lịch sử Giáo Hội để tìm hiểu giáo xứ, hầu hướng dẫn giáo xứ theo đức tin của Giáo Hội.
Từ Giáo Hội sơ khai đến Hòa Bình Constantinô (năm 313)
Các Tông Đồ được lệnh Chúa Giêsu truyền phải đi rao giảng Tin Mừng cho mọi dân thiên hạ, rửa tội họ và dạy họ biết các điều Ngài truyền (x. Mt 18,19-20).
Trong khi đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, các Tông Đồ thành lập những Giáo Hội địa phương, rồi đặt tay và truyền chức cho những kẻ kế vị để họ điều khiển Giáo Hội tại chỗ.
Tân Ước gọi những kẻ điều khiển Giáo Hội địa phương nầy, là những Vị Trưởng Lão "Seniores” (x. Cv 18,4) hay "Presbyteri” (x. Tt 1,5), hoặc là những Đấng Coi sóc: "Episcopi” (x. 1 Tm 3,2 ). Các Vị Trưởng Lão và các Đấng Coi Sóc lập thành một Hội Đồng Các Trưởng lão "Presbyterium” (x. 1 Tm 4,14) để điều khiển mục vụ tại các địa phương.
Trong Hội đồng Các Trưởng Lão nầy, một Episcopus chủ tọa và điều khiển.
Lần lần, những Episcopi được phân biệt với những Presbyteri, và sau đó, những Episcopi được xem như những kẻ kế vị các Tông Đồ, có quyền điều khiển các Giáo Hội địa phương.
Vào thời Giáo Hội sơ khai, chúng ta thấy có hai loại Giáo Hội địa phương, một loại theo kiểu thánh Phaolô, một loại theo kiểu thánh Gioan.
Thánh Phaolô thành lập những cộng đoàn trong những thành phố lớn. Những cộng đoàn nầy được giao phó cho các vị Trưởng lão hoặc những đấng Coi sóc, nhưng trong thực tế, chính thánh Phaolô, khi còn sống, là vị lãnh đạo duy nhất của những cộng đoàn nầy vì ngài vẫn điều khiển những cộng đoàn nầy từ xa bằng những bức thư mục vụ. Chỉ khi thánh Phaolô qua đời, các Giáo Hội địa phương nầy mới thực sự được những kẻ kế vị ngài điều khiển, như trường hợp Timôthê ở Êphêsô (x. 1 Tm 1,3), Titô ở Crêta (x. Tt 1,5).
Còn Giáo Hội địa phương theo kiểu thánh Gioan thì được đề cập đến trong sách Khải-Huyền (x. Kh I-III). Những Giáo Hội địa phương nầy có ranh giới rõ rệt, trong một thành phố nhất định, do một Đấng Coi sóc điều khiển, với sự cộng tác của Hội Đồng Trưởng Lão và các phó tế.
Hai hệ thống Giáo Hội địa phương trên đây, kiểu thánh Phaolô và kiểu thánh Gioan, đã sớm hội nhập lại với nhau để trở thành những Giáo Hội địa phương có Đức Giám Mục (Đấng Coi sóc) của một thành phố lớn làm đầu và canh chừng đức tin trong toàn miền. Và cùng với thời gian, các Giáo Hội địa phương do các Đức Giám Mục điều khiển, được chia ra thành những cộng đoàn nhỏ khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, có một hay nhiều linh mục cai quản dưới sự điều khiển của các Đức Giám Mục ở thành phố.
Ngay từ đầu tiên trong Giáo Hội, những ai chấp nhận Lời Chúa, đều được rửa tội. Nhưng từ thế kỷ thứ hai, những tân tòng phải học giáo lý và tập sống đạo trong vòng hai hoặc ba năm. Phép Rửa Tội được cử hành hai lần trong năm, vào dịp lễ Phục Sinh và Lễ Hiện Xuống. Chính Đức Giám Mục đứng ra rửa tội trọng thể, còn các linh mục chỉ được ban phép Rửa Tội trong những trường hợp cần thiết.
Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharistia), bữa ăn cộng đoàn và kỷ niệm sự Tử-nạn Phục-Sinh của Chúa Giêsu Kitô, được cử hành vào ban tối, sau buổi ăn thân mật, agapê. Nhưng về sau, vào đầu thế kỷ thứ hai, để tránh những khó khăn và bất tiện, Thánh Lễ Tạ Ơn được cử hành vào buổi sáng sớm. Một phần của Thánh Thể, gọi là Fermentum, được đưa từ nhà thờ có cử hành Thánh Lễ đến các nhà thờ nhỏ xung quanh.
Phép Giải Tội, cho đến thế kỷ IV, chỉ được ban cho những tội nhân thú tội công khai trước mặt Đức Giám Mục, linh mục và cộng đoàn giáo dân.
Phép Hôn Phối chỉ được cử hành khi có sự chấp thuận rõ ràng của Đức Giám Mục.
Như vậy, chúng ta thấy trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo-Hội, giáo xứ được thành hình lần lần. Trong thời kỳ nầy, vì tình hình Bắt Đạo, nên mục vụ được chú trọng vào việc rao giảng Lời Chúa hơn là việc nhấn mạnh đến các Bí Tích. Dù vậy, các giáo dân vẫn tìm đủ mọi cách để tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn một cách rất anh dũng và sốt sắng.
Từ Hòa Bình Constantinô (năm 313) đến thế kỷ VII, khởi đầu thời Trung-Cổ
Chiếu chỉ Constantinô (năm 313) thay đổi hoàn cảnh của Giáo Hội, chấm dứt bách hại và đem lại thanh bình.
Tín hữu lúc bấy giờ hãnh diện vì thấy Giáo Hội được tự do và Nước Chúa được mở rộng klhắp nơi trong đế quốc Rôma. Chính trong thế kỷ nầy (vào đầu thế kỷ V), chúng ta thấy xuất hiện bài Tán Tụng ca Tạ Ơn Thiên Chúa (Te Deum) với câu: “Giáo Hội thánh tung hô ngợi khen Thiên Chúa trên khắp địa cầu” (Te per orbem terrarum sancta confitetur Ecclesia).
Trong cảnh thanh bình nầy, Giáo Hội hăng say rao giảng Lời Chúa. Một nền văn chương kitô hữu xuất hiện. Nhiều Công Đồng đào sâu các tín lý.
Đây là thời kỳ vàng son của các Giáo Phụ.
Các Giáo Phụ chú trọng đặc biệt việc rao giảng Lời Chúa cho mọi người, nhất là việc dạy giáo lý cho các tân tòng.
Các Giáo Phụ còn chủ trương phải dạy giáo lý suốt đời cho người kitô-hữu vì người kitô-hữu nào cũng phải suốt đời là một người tân tòng, nghĩa là một người phải luôn luôn học giáo lý, một người không bao giờ ngưng học giáo lý.
Vì con số giáo hữu càng ngày càng đông, nên Đức Giám Mục phải ban thêm nhiều quyền hành cho các linh mục. Vì thế, mục vụ và phụng vụ trong các làng quê, trong các thành phố nhỏ, đều do các linh mục thi hành, dưới sự điều khiển của Đức Giám Mục tại thành phố lớn.
Tại nơi mình cai quản, linh mục cũng có một presbyterium như presbyterium của Đức Giám Mục, nhưng chỉ gồm các phó tế, các phụ phó-tế, các thầy đọc sách, giữ cửa,v.v...
Nhà thờ ở vùng quê, trong thời kỳ nầy, được gọi là "parochia”, mà sau nầy, chúng ta dịch là "giáo xứ”. Như vậy, hệ thống giáo xứ bắt đầu từ các vùng quê mà có.
Trong lúc hệ thống giáo xứ được thành hình, những nhiệm vụ của Đức Giám Mục và của các linh mục được Giáo Hội nêu lên rõ ràng: Đức Giám Mục thì có quyền triệu tập các công đồng địa phương, đi thăm viếng mục vụ các giáo xứ trong giáo phận; linh mục thì có bổn phận phải giảng dạy Lời Chúa, giảng dạy giáo lý, ban phép Rửa Tội, thăm viếng bệnh nhân, cử hành lễ nghi an táng, ban phép Giải Tội dưới hình thức tư, ngoại trừ những dịp có nghi thức thống hối công khai. Và từ thế kỷ V, đã thấy có những quyết định của Giáo Hội trong việc phân định rõ ràng giới hạn các giáo xứ.
Trong thời kỳ nầy, xảy ra hai tệ nạn trong Giáo-Hội: tệ nạn thuế thập phân (dime) và tệ nạn các lãnh chúa (seigneurs) xây cất "những nhà thờ riêng” trong lãnh hạt mình.
Thuế thập phân là thuế mà dân chúng phải nộp một phần mười hoa lợi của mình cho Chính-Quyền và cho Giáo-Quyền.
Các lãnh chúa xây dựng nhiều "nhà thờ riêng” (ecclesiae propriae) là cốt để thu lợi thuế thập phân nầy, vì những nhà thờ kiểu nầy thì được hưởng những quyền lợi như những giáo xứ.
Vì những lạm dụng nầy, sự sống đạo và truyền đạo lúc bấy giờ trong Giáo Hội nói chung, trong giáo phận và trong giáo xứ nói riêng, bị sa sút, bởi lẽ ý niệm lợi lộc đã làm xóa mờ lý tưởng tông đồ phục vụ.
Các Công Đồng thế kỷ VII lên tiếng phản đối những sự lạm dụng nầy, nhưng vẫn bất lực trước sự lấn áp của các lãnh chúa và các nhà thế tộc. Những hạng người nầy thi đua lập các nhà thờ riêng để hưởng lợi, vì có nhà thờ riêng, thì họ được dân chúng nộp thuế thập phân, được các nhà giàu tặng tài sản hoặc trối lại các cơ nghiệp dưới tiêu đề rất hay: "pro remedio animae” (xin cho các linh hồn được ăn năn trở lại / Xin cho các linh hồn được chóng lên thiên đàng).
Từ thời Trung-Cổ ( tk VIII ) đến Phong Trào Thệ-Phản ( tk XVI )
Đây là thời kỳ mà Chính Quyền phần đời can thiệp sâu vào nội bộ của Giáo Hội, và Giáo Hội cũng dấn mình sâu vào các việc chính trị, xã hội.
Đây cũng là thời kỳ nứt rạn trong Giáo Hội: Giáo Hội bên Đông và Giáo Hội Rôma tách rời nhau năm 1054.
Trong thời kỳ nầy, có sáu tệ nạn trong Giáo-Hội.
Tệ nạn thứ nhứt, là các Đức Giám Mục quan liêu. Vì sống trong thời kỳ phong kiến và tiêm nhiễm tinh thần phong kiến, nên những quan hệ giữa Đức Giám Mục và linh mục thường giống như quan hệ giữa vị lãnh chúa với các chư hầu của mình.
Tệ nạn thứ hai, là linh mục bị phân hóa và mất lý tưởng. Hàng linh mục bị chia ra làm hai: hạng thượng-giáo-sĩ và hạng hạ-giáo-sĩ. Hạng thượng-giáo-sĩ được chọn trong các gia đình thế tộc giàu sang, còn hạng hạ-giáo-sĩ thuộc về những gia đình nghèo khó, vô danh. Linh mục rất dễ bị mất lý tưởng vì chức linh mục được xem như một món lợi, vì việc thi hành chức vụ linh mục nầy là dịp để kiếm tiền, thu lợi, nhận quà.
Tệ nạn thứ ba, là tu sĩ lung tung. Trong thời kỳ nầy, ảnh hưởng của các tu sĩ rất mạnh, đến đỗi có lúc Đức Giám Mục phải được lựa chọn trong giới tu sĩ mà thôi. Có những dòng tu chú trọng đến sự tìm lợi lộc vật chất và tìm cách điều khiển các giáo xứ để hưởng lợi.
Tệ nạn thứ tư, là giáo dân lộng quyền. Quyền lực của các vị lãnh chúa rất mạnh. Họ tìm cách gây ảnh hưởng và sức ép lên các Đức Giám Mục, các linh mục, các giáo xứ, các tài sản của Giáo Hội bằng cách phong vương tước cho các Đức Giám Mục, cho các linh mục, bằng cách thành lập các giáo xứ, bằng cách điều khiển các cơ sở của Giáo-Hội, và tìm đủ cách để đem tài sản và đất đai của Giáo Hội về cho mình bằng biện pháp tục hóa.
Tệ nạn thứ năm, là con cha cháu ông. Con cháu của Đức Giáo Hoàng, của Đức Giám Mục, của hàng thượng-giáo-sĩ thường được đặc biệt nâng đỡ và cất nhắc lên các chức vụ trong Giáo-Hội, mặc dù có số trường hợp thiếu khả năng.
Tệ nạn thứ sáu, là mại thánh (buôn bán của thánh, buôn bán vật thánh, lạm dụng nơi thánh, lạm dụng chức thánh,.. ...)
Cũng còn có nhiều nguy cơ khác đang rình chực Giáo Hội lúc bấy giờ: nguy cơ của cách làm việc của "Giáo triều Rôma” (Curialisme), nguy cơ của sự độc tài của hàng giáo sĩ (cléricalisme), nguy cơ của một nền thần học bất ổn, nguy cơ của sự sa sút trong tinh thần tôn giáo, nguy cơ của phong trào Nhân bản tìm cách hướng sự chú tâm đến những gì thuộc về con người hơn là chú tâm đến những gì thuộc về Thiên Chúa.
Đứng trước những nguy cơ đang đe dọa trầm trọng Giáo Hội lúc bấy giờ, có những Đức Giám Mục, những linh mục, những tu sĩ không ý thức được tình trạng nầy, nhất là có những linh mục và tu sĩ thường dành thời giờ tranh luận với nhau xem các lợi lộc vật chất thu được trong giáo xứ sẽ thuộc về tay ai? Dầu vậy, trong thời kỳ nầy, công cuộc truyền giáo vẫn tiến mạnh, nhất là hướng về các dân tộc Germanes.
Thời kỳ nầy đã có nhiều giáo xứ, và danh từ parochia được dùng rõ ràng. Giáo xứ do một linh mục quản xứ điều khiển. Linh mục nầy được gọi là "Presbyter”. "Presbyter” nầy có bổn phận "cura animarum” (lo săn sóc các linh hồn của đoàn chiên), vì thế, mới có danh từ "curatus”, "curé”, linh mục quản xứ, cha sở. Và dĩ nhiên là giáo xứ có nhà thờ riêng, có của cải và đất đai riêng, có bất động sản riêng, có các của và đồ vật người ta dâng cúng, có các nhà thờ phụ và có thu lợi thuế thập phân.
Từ Thệ Phản ( tk XVI ) đến Thế kỷ XVIII
Năm 1517, tu sĩ Martin Luther khởi xướng một cuộc cách mạng trong Giáo Hội, mở đường cho sự sống đạo cá nhân, chống lại tính cách khách quan của các tín điều, bác bỏ nền phụng vụ bí tích và không chấp nhận quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng. Nhưng thay vì cải tổ và canh tân Giáo Hội, Thệ Phản lại làm cho Giáo Hội bị chia rẽ và gây nên sự chống đối giữa Thệ Phản và Công Giáo trong nhiều thế kỷ.
Trong thời kỳ nầy, nổi bật là Công-Đồng TRENTO (1545-1563). Những quyết định của Công Đồng nầy trong việc cải tổ Giáo Hội, đem lại nhiều ích lợi cho việc mục vụ trong Giáo Hội.
Theo Công Đồng Trento, Đức Giám Mục là chủ chăn trên hết của giáo phận. Ngài là linh hồn của công cuộc mục vụ trong Giáo Hội. Chính ngài phải giảng dạy đức tin cho đoàn chiên của mình trong giáo phận. Ngài phải làm sao cho mọi giáo xứ trong giáo phận mình được nghe Lời Chúa, vì thế, ngài phải năng đi thăm mục vụ các giáo xứ để ban Lời Chúa. Ngài phải hết sức lo lắng đào tạo hàng giáo sĩ và phải lập các chủng viện để làm cơ sở cho công cuộc đào tạo nầy.
Theo Công Đồng Trento, Linh mục Quản xứ phải ở tại giáo xứ mình, phải rao giảng Lời Chúa, phải dạy giáo lý, không được tìm cách thu góp các lợi lộc vật chất. Trước mặt Đức Giám Mục, Linh mục Quản xứ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về công cuộc mục vụ của mình trong giáo xứ.
Theo Công Đồng Trentô, giáo xứ phải có biên giới rõ rệt, và không được quá rộng để Linh mục Quản xứ có thể chu toàn các việc bổn phận mục vụ của mình. Trường hợp Linh mục Quản xứ không kham nổi, Đức Giám Mục phải sai linh mục phụ tá đến giúp. Mỗi giáo xứ phải làm sao có một nhà thờ xứng đáng.
Công Đồng Trento muốn có những quan hệ tốt đẹp giưa hàng giáo sĩ với các Dòng Tu, vì thế, khuyên các Đức Giám Mục hãy chấp nhận sự cộng tác của các Dòng Tu, biết ơn những hoạt động hy sinh của họ, và nhất là biết sử dụng họ trong việc đào tạo hàng giáo sĩ. Nhưng Công Đồng nhấn mạnh các Dòng Tu phải luôn luôn hoạt động dưới sự điều khiển của Đấng Bản Quyền.
Những cải tổ của Công Đồng Trento đem lại nhiều ích lợi cho giáo xứ: danh từ "giáo xứ”, "parochia” được dùng một cách rõ rệt và có tính cách pháp lý; trong các hoạt động mục vụ của Linh mục Quản xứ, lý tưởng lo cho phần rỗi các linh hồn (salus animarum) được thay thế cho ý tưởng trục lợi và hưởng lợi.
Tuy vậy, vì bị ảnh hưởng của Thệ Phản chủ trương chỉ chấp nhận Lời Chúa, nên mục vụ lúc bấy giờ có xu hướng nhấn mạnh về Phụng Vụ Bí Tích hơn là việc học hỏi Lời Chúa trong Thánh Kinh.
Thế kỷ XVIII
Thế kỷ XVIII được gọi là thế kỷ Ánh Sáng, chủ trương phân biệt đức tin với lý trí, tôn giáo với văn hóa.
Bị ảnh hưởng của Phong trào Ánh sáng nầy, trong Giáo Hội cũng có xu hướng ít chú trọng đến giáo lý mặc khải, và chú tâm nhiều vào các môn đời như khoa học, kinh tế, luân lý, pháp luật. Trong hàng ngũ giáo sĩ, cũng có nhiều vị thích nghiên cứu văn hóa hơn là thích việc học hỏi Thần học. Linh mục lúc bấy giờ cũng được xem như là một kẻ đem lại phúc lợi bên ngoài cho con người.
Trong thế kỷ XVIII nầy, vì các quốc gia tiếp tục lấn lướt Giáo Hội, nên giáo xứ cũng bị lệ thuộc vào ranh giới do các quốc gia định đoạt, cũng như của cải và tài sản trong giáo xứ bị tục hóa.
Dầu vậy, trong thời kỳ nầy, vấn đề giáo lý vẫn được xúc tiến mạnh mẽ. Đức Giám Mục cũng tha thiết vấn đề giáo lý và phổ biến chương trình giáo lý của mình trong giáo phận. Các linh mục cũng chú trọng đến việc dạy giáo lý, nhưng phần nhiều nhấn mạnh đến luân lý phải giữ hơn là những điều phải tin.
Thế kỷ XIX
Trong thế kỷ XIX thì nổi bật vấn đề kỷ-nghệ-hóa. Vấn đề kỷ-nghệ-hóa lôi cuốn nhiều người thợ thuyền ra khỏi giáo xứ, gây nhiều khó khăn cho vấn đề mục vụ trong giáo xứ. Người ta nhận thấy giáo xứ thiếu tinh thần cộng đoàn; sự sống đạo thiên về cá nhân chủ nghĩa và chú trọng đến lợi lộc vật chất; tiền bạc chi phối Phụng Vụ trong việc cử hành các Bí Tích trọng thể bên ngoài; trong Phụng Vụ, lo giữ "chữ đỏ” cho thật khít khao, hơn là để ý đến tinh thần cầu nguyện; sự giảng dạy Lời Chúa được nhấn mạnh nhiều về mặt luân lý; ít ân cần học hỏi Lời Chúa vì xem Thánh Kinh như một cuốn sách nguy hiểm cho đức tin; mục vụ giáo xứ ít được đề cập đến.
Thế kỷ XX
Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các Đức Giáo Hoàng, từ Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trở đi, chú ý nhiều đến mục vụ trong hoàn cảnh hiện tại của xã hội. Đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Piô X. Ngài cải tổ mục vụ rất hiệu quả: ngài cho nghiên cứu một Bộ Giáo Luật để áp dụng cho Giáo Hội toàn cầu; ngài tổ chức lại giáo triều Rôma, tổ chức lại các chủng viện và các môn thần học; ngài ra lệnh cho các Linh mục Quản xứ phải dạy giáo lý; ngài cải tổ sách Thần vụ, chấn hưng lại nền âm nhạc thánh, nhấn mạnh về phép Thánh Thể là trung tâm điểm của đời sống Giáo-Hội, vì thế, cho phép năng lên rước Chúa Giêsu Thánh Thể và cho phép các em nhỏ được sớm đến dự Bàn Tiệc Thánh.
Đức Giáo Hoàng Bênêditô XV tiếp tục công cuộc cải tổ của Đức Giáo Hoàng Piô X. Năm 1917, ngài cho công bố Bộ Giáo Luật trong đó, giáo xứ và Linh mục Quản xứ được đề cập đến rõ ràng.
Năm 1922, Đức Giáo Hoàng Piô XI lập ra Phong trào Tông đồ Giáo dân, khuyến khích sự cộng tác của giáo dân với hàng Giáo phẩm trong việc truyền giáo, và Phong trào Tông đồ giáo dân nầy đã làm cho các giáo xứ hoạt động sôi nổi.
Từ khi lên ngôi năm 1939 cho đến lúc qua đời, Đức Giáo Hoàng Piô XII rất ưa chuộng đề tài giáo xứ. Vì thế, trong những quyết định quan trọng về linh mục, về Phụng Vụ, ngài luôn luôn nhấn mạnh về "tinh thần giáo xứ ” mà Linh mục Quản xứ và giáo dân phải có, đó là tinh thần phải luôn luôn chú trọng đến Lời Chúa và phải cử hành các Bí Tích làm sao cho có hiệu quả thiêng liêng dồi dào.
Rút kinh nghiệm từ lịch sử Giáo-Hội
Kinh nghiệm thứ nhứt.
Vấn đề giáo xứ là vấn đề của đức tin. Nhìn vào dòng lịch sử dài của Giáo Hội, chúng ta có thể thấy nhiều bóng tối, nhưng đức tin vẫn luôn luôn làm cho Giáo Hội rạng rỡ và giáo xứ rực rỡ.
Lịch sử Giáo-Hội, trong bất cứ thời kỳ nào, cũng chói chang những gương sáng mục vụ: các bổn đạo đầu tiên luôn hiên ngang, cùng với các chủ chăn của mình, sống đức tin mạnh mẽ giữa muôn vàn khó khăn nguy hiểm; các Giáo Phụ luôn chuyên chăm rao giảng Lời Chúa và đêm ngày dạy giáo lý; khi lâm nguy, Giáo-Hội luôn được Chúa cứu vớt bằng cách cho xuất hiện những vị Thánh, những Công Đồng, những Dòng Tu đắc lực.
Kinh nghiệm thứ hai.
Vấn đề giáo xứ là vấn đề của cấp lãnh đạo. Talis pastor, qualis fideles! Chủ chăn thế nào, con chiên thế đó! Kinh nghiệm tu đức mục vụ về linh mục quản xứ nhận xét (Saint John Mary Vianey priest): chủ chăn tầm thường (về mặt đạo đức), thì giáo xứ thấp kém (về mặt đạo đức); chủ chăn đạo đức, thì giáo xứ tầm thường (về mặt đạo đức); chỉ khi nào chủ chăn thánh thiện, thì giáo xứ mới đạo đức.
Linh mục thánh thiện nói chung, và Linh mục Quản xứ thánh thiện nói riêng, là đặc biệt cần thiết cho sự sống còn của Giáo Hội, cho sự sống còn của giáo xứ, và cần thiết cho sự vươn lên và sống mạnh của Dân Chúa.Lúc bấy giờ, đầu thế kỷ XVI, nhà quý tộc cai quản miền Alcantara, Tây Ban Nha, hỏi thánh Phêrô Alcantara phương pháp làm sao để cho giáo xứ khỏi bị tràn ngập bởi những làn sóng vô đạo và sa đọa. Thánh nhân thản nhiên trả lời: "Phương pháp thật là đơn sơ, đó là ông với tôi, cả hai chúng ta hãy trở nên những vị thánh. ”
Nhiều vị cao cấp trong Giáo Hội, nhiều vị danh tiếng phần đời, nhiều nhà thế tộc giàu sang, nhiều kẻ thông thái, và nhất là nhiều người cùng khổ, dốt nát, tội lỗi, không ai bảo ai, đều chạy đến tìm gặp một Linh mục Quản xứ nghèo, thất học, sống heo hút trong một giáo xứ xa xôi của giáo phận Lyon, chỉ vì linh mục nầy, cha Gioan Maria Vianê, trổi vượt bởi sự thánh thiện, cầu nguyện và hy sinh. Một tối kia, theo lời nhà viết sử Trochu kể, - nhà viết sử nầy chuyên nghiên cứu cuộc đời của cha sở Gioan Maria Vianê - ma quỷ hét lên trong phòng ngủ của vị linh mục nầy: "Mi đã ăn cắp của tao đến tám vạn linh hồn rồi. Nếu có bốn linh mục như mi, thì nước tao ở trần gian nầy sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng! ”
Với Công Đồng Vatican II (1962-1965), với Bộ Giáo luật mới (1983), với Thượng Hội đồng Giám Mục bàn về Giáo dân (1987), toàn thể Giáo-Hội, từ hàng Giáo phẩm đến giáo dân, hiện nay luôn tìm đủ mọi cách để biến đổi giáo xứ thành một nơi đức tin mạnh mẽ, để sự sống đạo của giáo xứ được sốt sắng, để sự truyền đạo của giáo xứ được hăng say, hầu thực hiện lời nguyện tha thiết của Chúa Giêsu Cứu Thế:
Hãy làm sao cho "Danh Cha cả sáng!”
Hãy làm sao cho “Nước Cha trị đến!”
LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét