Lễ Kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô
--------------------------------------------------------------------------------
VIẾNG MỘ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA
Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : "Người ta nói Con Người là ai ?" Các ông thưa : "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ." Đức Giê-su lại hỏi : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Si-môn Phê-rô thưa : "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức Giê-su nói với ông : "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." (Mt 16, 13-19)
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Theo Giáo luật, cứ 5 năm một lần, mỗi Giám mục phải về viếng một hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự cuộc viếng mộ cùng với đông đủ các vị Giám mục và Giám quản của hầu hết các Giáo phận.
Cuộc viếng mộ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 24. Trong suốt 10 ngày đã có 22 cuộc gặp gỡ chính thức. 18 cuộc gặp gỡ với các Bộ và các Hội đồng Toà Thánh. 4 cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha. Tuy nhiên cao điểm vẫn là 2 thánh lễ ở bên mộ hai Thánh Tông đồ. Đối với tôi, đây chính là hai cuộc gặp gỡ quan trọng nhất, để lại trong tôi những cảm nghiệm sâu xa.
Cảm nghiệm thứ nhất là về ơn đức tin.
Đức tin không ai tự mình có được, nhưng là ơn Chúa ban. Điều này được thấy rõ trong cuộc đời hai Thánh Tông đồ. Không thể nói hai Thánh Tông đồ đã không có đức tin. Các ngài đã có một đức tin nào đó. Nhưng đó là thứ đức tin sai lầm, giả hiệu.
Thánh Phaolô tin sai lầm nên đã trở thành cuồng tín. Chỉ tin vào Lề Luật nên ngài ra sức bảo vệ Lề Luật. Không chỉ công kích mà còn đích thân lùng bắt những người tin Chúa. Ngài trở thành cơn ác mộng của các Kitô hữu tiên khởi. Để cảm hoá Ngài, Chúa đã quật ngã Ngài xuống khỏi lưng ngựa. Thay thế lòng cuồng tín bằng một đức tin chân thật.
Thánh Phêrô, vì đức tin non nớt, đã trở thành tự mãn. Khi mới tin Chúa, Ngài nghĩ rằng có thể làm được tất cả : đi trên mặt nước, trung thành hơn những người khác. Nhưng không ngờ Ngài đã bị chìm xuống, đã phản bội. Nhờ ơn Chúa thương yêu dìu dắt, dậy dỗ, đức tin của thánh nhân mới vững mạnh và trở thành người nâng đỡ đức tin của anh em.
Chúa đã thương ban cho các Ngài đức tin chân chính. Chúa đã huấn luyện cho đức tin của các Ngài nên trưởng thành. Đó là ơn của Chúa. Đó là sáng kiến của Chúa. Nếu không có ơn Chúa, các Ngài sẽ mãi mãi xa lạc. Trước mộ các ngài, tôi tha thiết cầu xin ơn đức tin. Tôi sợ đức tin của mình non nớt dễ trở thành tự mãn. Tôi sợ đức tin của mình sai lạc dễ trở thành cuồng tín.
Cảm nghiệm thứ hai là về ơn sám hối.
Hai vị Tông đồ Cả đã có thời lầm lạc. Không chỉ phạm những sai lầm nhỏ mọn nhưng là những sai lầm nghiêm trọng.
Thánh Phaolô đã là kẻ thù của Chúa, đi tìm bắt giết những người theo Chúa. Thánh Phêrô là môn đệ của Chúa, nhưng đã phản bội, công khai chối Thày.
Nhưng các Ngài đã được ơn ăn năn sám hối. Một cú ngã ngựa đã làm thay đổi cuộc đời thánh Phaolô. Một ánh mắt của Thày Chí Thánh đã hoán cải thánh Phêrô.
Thật lạ lùng sự hoán cải của tâm hồn con người. Đang cứng cỏi bỗng trở nên mềm mại. Đang hung hăng bỗng trở nên hiền lành. Đang chống đối bỗng trở nên kính mến. Đang thù ghét bỗng trở nên tin tưởng.
Tâm hồn các Ngài biến chuyển nhanh chóng không nhờ sức thuyết phục của lí trí con người, nhưng nhờ ơn Chúa. Ơn Chúa tác động làm cho tâm hồn các Ngài nhạy bén nhận biết lỗi lầm và mau mắn trở về. Không có ơn Chúa tâm hồn tội lỗi không thể biết ăn năn.
Trong đền thờ có tượng thánh Phêrô bằng đồng đen nhánh. Nhưng bàn chân Ngài sáng bóng và mòn khuyết một nửa, vì mỗi khách hành hương đi qua đều chạm vào. Bàn chân ấy được yêu mến vì lầm đường nhưng đã biết quay trở lại. Xếp hàng rồng rắn theo đoàn hành hương, tôi cũng đến chạm vào bàn chân Ngài, lòng thầm cầu xin ơn sám hối.
Cảm nghiệm thứ ba là về ơn khiêm nhường.
Khi viếng mộ hai thánh Tông đồ, phải cúi mình rất sâu, vì phần mộ của các Ngài nằm sâu dưới lòng đất. Bước xuống những bậc thang sâu hun hút, rồi nhìn lên các Vương Cung Thánh đường đồ sộ cao thăm thẳm, tôi có cảm tưởng các Ngài bị chôn vùi thật sâu, đang phải oằn lưng gánh lấy sức nặng của những phiến đá khổng lồ. Chính những ngôi mộ chìm sâu trong lòng đất đã trở thành nền móng cho những ngôi thánh đường đồ sộ vươn lên. Hội Thánh được xây dựng trên những nền tảng khiêm nhường. Đó là nền tảng vững chắc nhất.
Việc xây dựng như thế phản ảnh đúng đời sống khiêm nhường của các Ngài. Sau khi được ơn sám hối, thánh Phêrô rất mực khiêm nhường. Theo lời truyền, Ngài đã ăn năn khóc lóc tội lỗi suốt cả đời. Trong những hầm mộ ở ngoại ô Rôma, nơi các Kitô hữu đầu tiên ẩn trú có khắc nhiều hàng chữ “Xin Chúa thương xót con”. Truyền thống cho đó là lời của thánh Phêrô.
Còn thánh Phaolô thì không ngại xưng mình là “phân bón thế gian, cặn bã của mọi người”. Các ngài giống như hạt lúa chịu chôn vùi dưới lòng đất, chịu mục nát đi để sinh bông hạt phong phú. Các Ngài tự nguyện làm nền móng cho những ngôi nhà đẹp đẽ vươn lên. Các Ngài tự nguyện làm gốc rễ nằm sâu dưới lòng đất hút chất bổ dưỡng nuôi cho thân cây Hội Thánh được xanh lá, tươi hoa, trĩu quả.
Sau cùng là cảm nghiệm về tình yêu.
Tất cả những ơn đức tin, ơn sám hối, ơn khiêm nhường các Ngài nhận được đều do tình yêu thương của Chúa. Chính Chúa chủ động đi tìm, ban ơn và dìu dắt các Ngài. Chúa đã bao phủ các Ngài bằng một tình yêu thương không gì so sánh được. Và các Ngài cũng đã mở lòng ra đón nhận, cảm nghiệm và đáp đền ơn tình yêu bằng một đời sống quảng đại, theo gương Thày Chí Thánh. Tình yêu kêu gọi tình yêu. Tình yêu đền đáp tỉnh yêu. Tình yêu đã biến những con người bất tín trở thành tin tưởng, lầm lạc biết quay trở về, tự mãn trở nên khiêm nhường, cứng cỏi trở nên chan chứa yêu thương.
Đứng bên mộ, tôi cảm thấy các Ngài thật gần gũi. Gần gũi trong thân phận làm người với tất cả những yếu đuối mong manh. Gần gũi trong ơn gọi Tông đồ tôi được hân hạnh cùng các Ngài chia sẻ. Gần gũi trong thao thức được Chúa thương hoán cải, hướng dẫn. Nhất là gần gũi vì được ấp ủ, được tan hoà vào cùng một tình yêu của Thiên chúa.
Được gần gũi các Ngài, tôi cảm thấy mình được đưa đi rất xa trong hành trình nội tâm. Hành trình ấy dài hơn cả 10 nghìn cây số đường bay tôi đã trải.
III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU
1- Có người nói : Đừng kể những nhân đức cao vời, nhưng hãy nói cho tôi biết những yếu đuối của các thánh, như thế tôi dễ noi gương các ngài hơn. Bạn thấy thánh Phê rô và Phaolô có gần gũi với bạn trong những yếu đuối không?
2- Qua cuộc đời các ngài, bạn cảm nghiệm gì về tình thương của Chúa?
3- “Quên hẳn quãng đường đã qua, để lao mình về phía trước”. Đó là quyết tâm của thánh Phaolô sau khi được ơn trở lại. Bạn có quyết tâm như thế không?
Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010
Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010
Tre Tho Thien Than
"Tôi đã học được từ trẻ tất cả những gì cần phải học" (*)
TTO - Bữa nọ tôi gửi cho bạn bè bài thơ Đi lễ chùa của nhà thơ Dư Thị Hoàn, một anh bạn người Mỹ bảo anh khóc khi đọc đến câu "Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng". (**)
Trẻ em mang đến cuộc sống này những niềm vui bất tận, có thể xóa tan những "đường biên" mà người lớn tạo ra - Ảnh: Hồng Ngọc Chương (trang Triển lãm ảnh Hồn nhiên tuổi thơ)
Anh nói đối với anh đó giống như nỗi buồn lớn nhất trên thế gian này!
Anh hỏi đó là suy nghĩ riêng của tác giả hay là cách nhìn chung của người Việt Nam? Một câu hỏi rất thú vị, nó làm nảy ra một câu hỏi khác.
Điều gì ngăn cách hai thể xác và tâm hồn có lúc ngỡ như đã hòa làm một? Để nỗi lòng như con nước căng tức muốn tung phá hết tất cả mà lại không vượt qua nổi, dù chỉ là một giọt nước mắt?
Trẻ em - hạt nhân xóa ngăn cách
Xóm tôi có một đứa bé mới biết đi lẫm chẫm. Chiều mát nhà lại mở cổng cho nó đi chơi. Nó lon ton, ngó chỗ này, nghiêng nhà nọ, bà nó chạy theo sau nó mỗi bước.
Không ai mời nó cũng vào, cửa đóng thì nó đứng ngoài dòm vào trong nhà, cất những tiếng ê a chưa thành lời như để gọi. Những cánh cửa sắt khóa lạch xạch mở ra. Người ta cười với nó, nói với nó, nhưng nó không biết nói chuyện. Những câu chuyện và nụ cười lan sang người lớn, kể cả ở những nhà ít tiếp xúc với hàng xóm nhất. Chú nhỏ như hạt vừng mà có sức mạnh kỳ lạ khiến những cánh cửa đóng chặt nhất cũng phải mở ra.
Phải chăng chính những đứa bé chưa thể làm được gì đó lại có thể dời được những tầng tầng lớp lớp đá tảng, tới nơi sâu thẳm nhất trong con người ta, mở lối cho suối nguồn yêu thương tuôn trào? Và chỉ khi đó người ta mới có thể đến với nhau một cách dễ dàng, như trăm dòng sông nhỏ hòa vào biển, không còn phân biệt được đâu là sông dài và ngắn, đâu là sông chở nặng phù sa và sông trơ đáy?
Mỗi lần nhìn những đứa trẻ vô tư nô đùa với nhau, chuyện trò với nhau, nắm tay nhau dung dăng dung dẻ dù mới gặp nhau lần đầu, tôi lại thấy ở đó dường như có cái gì đó thật đẹp, thật phi thường đang diễn ra.
Chính ở những đứa bé chưa một ngày cắp sách đến trường này lại có một cái gì đó rất đáng để tôi học. Ở sân chơi của những công dân "hỉ mũi chưa sạch" này không có cánh tả hay cánh hữu, sang hay hèn, thông minh hay ngu si, thành thị hay nhà quê, cấp tiến hay lạc hậu, có học hay vô học...
Một "thế giới phẳng!"
Krishnamurti cho rằng giao tiếp, ngay cả ở giữa những người biết nhau rất rõ, là một việc vô cùng khó khăn. "Người ta chỉ có thể hiểu nhau khi gặp nhau ở trên cùng một mặt phẳng, vào cùng một thời điểm. Và điều đó chỉ xảy ra khi người ta thật sự có tình cảm với nhau". (***)
Tại sao giữa những người lớn lại khó có thể có những cuộc nói chuyện chân thành, cởi lòng với nhau đến vậy?
Cái tình cảm trong trẻo khiến những đứa bé lạ lẫm chưa từng gặp nhau có thể dễ dàng đến với nhau ấy đã biến đi đâu mất khi người ta lớn lên, học nhiều hơn, biết nhiều hơn?
Con suối đã cạn kiệt hay mạch nguồn bị lấp bởi những tảng đá của cái tôi ngày càng lớn?
Người ta càng lớn lên thì thế giới phẳng thuở nhỏ ấy lại càng bị chia thành những ngăn, những lô nhỏ hơn để phân biệt giữa những người sành điệu và những gã nhà quê, giữa người có và người không có... Những đường biên, những bức tường phân chia được dựng lên ngày càng nhiều bởi mặc cảm, sự tự ti, lòng kiêu ngạo, thói khinh đời, tị hiềm...
Người ta càng ngạo nghễ trong những lâu đài của mình thì càng xa cách với phần còn lại của thế giới.
Những đứa trẻ đã cho tôi thấy rằng để đến với nhau, người ta cần phải bước ra khỏi những lâu đài, thánh đường đó.
Chỉ khi ấy, người ta làm một hành trình ngược trở lại, bỏ xuống tất cả những gì người ta khoác lên mình từ khi mới sinh ra đời để trở về với tâm hồn thơ ngây thuở ban đầu, khi đó người ta mới có thể ở cùng trên một mặt phẳng, mới có thể có tình yêu thật sự, mới có thể nói chuyện được với nhau, hiểu được lòng nhau dù là qua một giọt nước mắt không rõ.
LÊ ĐỨC TÂN
Chú thích:
(*) Tựa cuốn sách: Tôi đã học được ở vườn trẻ tất cả những gì tôi thật sự cần học (All I really need to know I learned in kindergarten) của tác giả Robert Fulghum.
(**) Câu thơ trong bài thơ Đi lễ chùa của Dư Thị Hoàn.
(***) Một đoạn văn trong cuốn The first and last freedom (Tự do đầu tiên và cuối cùng) của Krishnamurti.
The Family
Nhớ bằng trái tim
TTO - Có những điều ba mẹ quên, nhưng có những chuyện xưa lắc ba mẹ nhớ hoài... Bởi nguồn "dinh dưỡng" nuôi những cái nhớ ấy chính là tình yêu thương.
Ảnh minh họa: Internet
Bữa tối, cả nhà ngồi quây quần trước tivi xem phim. Giữa phim xen ngang mẩu quảng cáo về một loại thuốc bổ có tác dụng tăng cường trí nhớ. Mẹ - bình thường là người ngay lúc bệnh cũng không chịu uống thuốc - quay sang ba bảo hôm nào ba mua về cho mẹ xem có cải thiện tình hình trí nhớ đi xuống một cách thê thảm không. Ba chỉ cười. Ba biết thừa quảng cáo chỉ đúng có vài phần trăm tí tẹo và cũng biết thừa mẹ chẳng bao giờ chịu uống dù ba có mua về.
Xã hội phát triển nhanh, cuộc sống bận rộn, con người ta có quá nhiều chuyện phải làm, phải nhớ. Người trẻ bây giờ nhớ nhớ quên quên cũng lộn xộn cả lên.
Ở nhà con gái hay nói chuyện với mẹ, đang tính nói chuyện gì đó mà chuyển sang cái khác một hồi quay lại là “Nãy mẹ vừa định nói gì với con mà quên mất rồi”. Nhà buôn bán, việc cần phải chỉ bảo nhân viên làm thì nhiều, mà trí nhớ lại “còm cõi” - mẹ vẫn thường nói thế. Vậy là cái khó ló cái khôn, mẹ cắt giấy trắng còn sót lại từ mấy cuốn tập cũ của con gái trước khi bán ve chai, đóng thành cuốn sổ nhỏ, đi đâu cũng xách theo bên mình.
Mỗi khi có việc gì cần phải ghi nhớ thì mẹ lại viết vào đấy. Ba thấy thế cũng lôi điện thoại ra, dùng chương trình Note và Calendar để ghi lại những chuyện cần làm ở công ty, ở nhà. Trang trắng trong cuốn sổ nhỏ của mẹ ngày càng ít đi, và Note (ghi chú) lẫn Calendar (lịch biểu) trong điện thoại của ba ngày càng chi chít hơn. Con gái nhìn thấy thế thì cười, ba mẹ bảo thôi thì cái gì mình không nhớ nổi cứ để cái khác nhớ thay vậy.
Cứ tưởng câu chuyện về trí nhớ thế là cũng trôi qua. Ấy vậy mà con gái lại tình cờ phát hiện một chuyện thú vị mà trước giờ vô tâm không hay biết.
Sáng dậy sớm đi tập thể dục với ba. Con gái tò mò hỏi ba ngày xưa thế nào mà cưới mẹ. Ba hơi bất ngờ với câu hỏi khá tinh quái của con rồi cũng vừa cười vừa kể lại chuyện ngày xưa ba mẹ quen nhau thế nào, rồi lần đầu ba nắm tay mẹ, cho tới chuyện ba thấy mẹ tốt thế nào mà thương. Vậy là có gia đình nhỏ của con gái bây giờ.
Sau bữa cơm trưa, cả nhà ngồi nhâm nhi trái cây và kể chuyện. Con gái lôi bí mật hồi sáng vừa dụ ba kể ra khoe lại với mẹ làm mẹ cười trách yêu ba sao lại đi “bật mí” với con gái làm gì. Vậy là chuyển đề tài sang những ngày xưa lắc. Nói đến chuyện khám bệnh hồi đó. Ba ngồi kể lại vanh vách đứa lớn đi khám bác sĩ quen nào, đứa nhỏ đi khám bác sĩ nào, đi bệnh viện nào.
Mẹ gật gù phụ họa thêm đứa lớn hồi bé chỉ phải đi cấp cứu chỉ có một lần lúc nửa đêm, mà ngay ngày hôm sau là được bác sĩ cho về ngay; đứa nhỏ thì chỉ ốm vặt có vài lần chứ không bệnh tật gì nặng hết ráo.
Thế là cứ ngồi một chỗ nói mãi không thôi. Con gái cười tít cả mắt. Câu chuyện cứ thế xoay vòng, hé lộ những chuyện ba mẹ ít bao giờ nhắc tới, từ hồi con gái và em gái còn chưa ra đời, cho tới những ngày con gái mới vào cấp I tối ngày nhong nhong ngoài đường đi phá phách như con trai, hay chuyện em gái hồi nhỏ hay khóc nhè mít ướt thế nào…
Tự nhiên con gái thấy khóe mắt mình cay cay.
Bất ngờ, con gái nhận ra điều bình dị cỏn con nhưng rất tuyệt vời mà trước giờ chẳng để ý. Đó là ba mẹ có thể quên rất nhiều những việc cần phải làm trong cuộc sống tất bật hằng ngày, có thể phải mượn đến những công cụ thay thế tạm thời cho bộ nhớ của mình; nhưng lại chẳng bao giờ cần đến bất kỳ sự trợ giúp nào khác cho những kỷ niệm về con cái, về gia đình vốn hằn sâu vào tâm trí và trái tim - dẫu có là hai chục năm, ba chục năm chăng nữa.
Vậy là con gái đã hiểu ra rằng liều thuốc tốt nhất mà ba mẹ dùng nuôi dưỡng những kỷ niệm ngày xưa luôn sống động trong trí nhớ chính là tình yêu thương…
AN HẠ
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)