Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

The Family


Nhớ bằng trái tim

TTO - Có những điều ba mẹ quên, nhưng có những chuyện xưa lắc ba mẹ nhớ hoài... Bởi nguồn "dinh dưỡng" nuôi những cái nhớ ấy chính là tình yêu thương.



Ảnh minh họa: Internet


Bữa tối, cả nhà ngồi quây quần trước tivi xem phim. Giữa phim xen ngang mẩu quảng cáo về một loại thuốc bổ có tác dụng tăng cường trí nhớ. Mẹ - bình thường là người ngay lúc bệnh cũng không chịu uống thuốc - quay sang ba bảo hôm nào ba mua về cho mẹ xem có cải thiện tình hình trí nhớ đi xuống một cách thê thảm không. Ba chỉ cười. Ba biết thừa quảng cáo chỉ đúng có vài phần trăm tí tẹo và cũng biết thừa mẹ chẳng bao giờ chịu uống dù ba có mua về.

Xã hội phát triển nhanh, cuộc sống bận rộn, con người ta có quá nhiều chuyện phải làm, phải nhớ. Người trẻ bây giờ nhớ nhớ quên quên cũng lộn xộn cả lên.

Ở nhà con gái hay nói chuyện với mẹ, đang tính nói chuyện gì đó mà chuyển sang cái khác một hồi quay lại là “Nãy mẹ vừa định nói gì với con mà quên mất rồi”. Nhà buôn bán, việc cần phải chỉ bảo nhân viên làm thì nhiều, mà trí nhớ lại “còm cõi” - mẹ vẫn thường nói thế. Vậy là cái khó ló cái khôn, mẹ cắt giấy trắng còn sót lại từ mấy cuốn tập cũ của con gái trước khi bán ve chai, đóng thành cuốn sổ nhỏ, đi đâu cũng xách theo bên mình.

Mỗi khi có việc gì cần phải ghi nhớ thì mẹ lại viết vào đấy. Ba thấy thế cũng lôi điện thoại ra, dùng chương trình Note và Calendar để ghi lại những chuyện cần làm ở công ty, ở nhà. Trang trắng trong cuốn sổ nhỏ của mẹ ngày càng ít đi, và Note (ghi chú) lẫn Calendar (lịch biểu) trong điện thoại của ba ngày càng chi chít hơn. Con gái nhìn thấy thế thì cười, ba mẹ bảo thôi thì cái gì mình không nhớ nổi cứ để cái khác nhớ thay vậy.

Cứ tưởng câu chuyện về trí nhớ thế là cũng trôi qua. Ấy vậy mà con gái lại tình cờ phát hiện một chuyện thú vị mà trước giờ vô tâm không hay biết.

Sáng dậy sớm đi tập thể dục với ba. Con gái tò mò hỏi ba ngày xưa thế nào mà cưới mẹ. Ba hơi bất ngờ với câu hỏi khá tinh quái của con rồi cũng vừa cười vừa kể lại chuyện ngày xưa ba mẹ quen nhau thế nào, rồi lần đầu ba nắm tay mẹ, cho tới chuyện ba thấy mẹ tốt thế nào mà thương. Vậy là có gia đình nhỏ của con gái bây giờ.

Sau bữa cơm trưa, cả nhà ngồi nhâm nhi trái cây và kể chuyện. Con gái lôi bí mật hồi sáng vừa dụ ba kể ra khoe lại với mẹ làm mẹ cười trách yêu ba sao lại đi “bật mí” với con gái làm gì. Vậy là chuyển đề tài sang những ngày xưa lắc. Nói đến chuyện khám bệnh hồi đó. Ba ngồi kể lại vanh vách đứa lớn đi khám bác sĩ quen nào, đứa nhỏ đi khám bác sĩ nào, đi bệnh viện nào.

Mẹ gật gù phụ họa thêm đứa lớn hồi bé chỉ phải đi cấp cứu chỉ có một lần lúc nửa đêm, mà ngay ngày hôm sau là được bác sĩ cho về ngay; đứa nhỏ thì chỉ ốm vặt có vài lần chứ không bệnh tật gì nặng hết ráo.

Thế là cứ ngồi một chỗ nói mãi không thôi. Con gái cười tít cả mắt. Câu chuyện cứ thế xoay vòng, hé lộ những chuyện ba mẹ ít bao giờ nhắc tới, từ hồi con gái và em gái còn chưa ra đời, cho tới những ngày con gái mới vào cấp I tối ngày nhong nhong ngoài đường đi phá phách như con trai, hay chuyện em gái hồi nhỏ hay khóc nhè mít ướt thế nào…

Tự nhiên con gái thấy khóe mắt mình cay cay.

Bất ngờ, con gái nhận ra điều bình dị cỏn con nhưng rất tuyệt vời mà trước giờ chẳng để ý. Đó là ba mẹ có thể quên rất nhiều những việc cần phải làm trong cuộc sống tất bật hằng ngày, có thể phải mượn đến những công cụ thay thế tạm thời cho bộ nhớ của mình; nhưng lại chẳng bao giờ cần đến bất kỳ sự trợ giúp nào khác cho những kỷ niệm về con cái, về gia đình vốn hằn sâu vào tâm trí và trái tim - dẫu có là hai chục năm, ba chục năm chăng nữa.

Vậy là con gái đã hiểu ra rằng liều thuốc tốt nhất mà ba mẹ dùng nuôi dưỡng những kỷ niệm ngày xưa luôn sống động trong trí nhớ chính là tình yêu thương…

AN HẠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét