Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011
Sống Mùa Chay Thánh 2011 ! Tạ ơn Chúa.
Sống Mùa Chay 2011
T2, 07/03/2011 - 10:58
Mùa Chay là gì?
Mùa Chay là một trong 5 Mùa Phụng vụ của Hội Thánh Công giáo, gồm Mùa Thường niên, Mùa Chay, Mùa Phục sinh, Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh.
Như vậy, Mùa Chay là thời gian các Kitô hữu chuẩn bị đón Lễ Phục sinh, mừng Đức Kitô từ cõi chết sống lại.
Mùa Chay bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro và kết thúc vào đêm thứ bảy – Lễ vọng Phục sinh.
Năm nay thứ tư Lễ Tro nhằm ngày 9 tháng Ba 2011 và Lễ vọng Phục sinh nhằm ngày thứ bảy 23 tháng Tư 2011.
Vì sao Giáo Hội thiết lập Mùa Chay?
Mùa Chay là giai đoạn chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa sống lại và nhờ đó loài người cũng được Chúa cho sống lại trong ngày sau hết.
Vì thế lễ Phục sinh chính là một khởi điểm, bắt đầu một đời sống mới.
Ngay từ xa xưa, Giáo Hội nhận thấy luôn phải chuẩn bị để bước vào sứ vụ mới, cuộc đời mới:
– Chúa đã chuẩn bị cho Dân được Chúa tuyển chọn bước vào Đất Hứa, bằng cách thanh luyện Dân trong suốt 40 năm đi trong sa mạc.
– Chúa Giêsu đã từng chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc khởi đầu cuộc đời công khai, loan báo Ơn Cứu độ đã đến, bằng việc ăn chay 40 ngày trong hoang địa.
Vì thế Giáo Hội thiết lập Mùa Chay kéo dài 40 ngày, nhằm mời gọi các tín hữu:
- Sống như Dân được tuyển chọn, trải qua 40 năm trong sa mạc, để đức Tin được củng cố.
- Theo gương Chúa Giêsu, chuẩn bị kỹ luỡng cho sứ vụ được Chúa Cha trao phó, bằng cách ăn chay 40 ngày trong hoang địa, chịu sự cám dỗ của ma quỷ và đã chiến thắng, hoàn toàn sẵn sàng cho sứ mạng lớn lao là cứu chuộc loài người.
Vậy, các Kitô hữu chuẩn bị cho việc đổi mới cuộc sống, bằng cách ăn chay, cầu nguyện, sống bác ái yêu thương trong suốt thời gian Mùa Chay 40 ngày.
Ý nghĩa ngày Thứ Tư Lễ Tro
Mùa Chay được bắt đầu với việc cử hành Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro.
Trong Lễ Tro, các Kitô hữu đều được nhận tro trên đầu.
Tro là hình ảnh nói lên thân phận mong manh của con người: con người yếu đuối, dễ sa ngã, phải chết…
Nhưng tro cũng là hình ảnh nói lên niềm hy vọng con người sẽ được Chúa thương xót: chính Con Chúa đã làm người, chấp nhận sống thân phận mong manh của con người. Con Chúa cũng đã chịu đau khổ, chịu chết và đã Phục sinh. Vì thế, con người hoàn toàn tin tưởng đã được Chúa thương yêu và cứu độ.
Với việc nhận tro và lời thừa tác viên nói khi xức tro: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”, các tín hữu chính thức bước vào Mùa Chay.
Sống Mùa Chay như thế nào?
Mùa Chay là mùa chuẩn bị tiến đến đổi mới cuộc sống, canh tân đời sống đức Tin.
Truyền thống cử hành Mùa Chay của Giáo Hội luôn gồm ba việc: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.
Ba việc này sẽ giúp mỗi người hoán cải bản thân, thay đổi đời sống.
Năm nay, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi Sứ điệp Mùa Chay 2011 cho mọi thành phần Dân Chúa, cũng đã nhấn mạnh ba việc cần thực hiện, là:
– Ăn chay: “Đối với Kitô hữu, việc ăn chay giúp chúng ta mở lòng hướng đến Chúa và những nỗi khốn cùng của con người, để tình yêu đối với Thiên Chúa cũng trở thành lòng thương yêu tha nhân” (Bênêđictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2011).
– Cầu nguyện: “Khi cầu nguyện, chúng ta dành thời gian cho Thiên Chúa để nhận ra những lời Chúa nói “sẽ không hề qua đi” (Mc 13, 31) và bước vào sự kết hiệp mật thiết với Chúa “sẽ không ai lấy mất được” (Ga 16, 22) (Bênêđictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2011).– Làm việc bác ái: “Việc làm phúc giúp người nghèo đưa chúng ta trở về tin nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa và biết quan tâm đến tha nhân, đồng thời giúp chúng ta lại nhận ra được lòng nhân từ của Chúa Cha và lãnh nhận lòng thương xót của Ngài” (Bênêđictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2011).
Mục đích sống Mùa Chay năm 2011
Mục đích của việc cử hành Mùa Chay năm nay được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nêu rõ trong Sứ điệp Mùa Chay 2011:
“Qua việc gặp gỡ cá nhân với Đấng Cứu chuộc và qua việc ăn chay, làm phúc giúp người nghèo và cầu nguyện, cuộc hành trình hoán cải hướng đến lễ Phục sinh sẽ giúp chúng ta tái khám phá ý nghĩa của Bí tích Thánh tẩy mình đã lãnh nhận” (Bênêđictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2011).
Như vậy mục tiêu cần đạt tới trong Mùa Chay năm nay là “tái khám phá ý nghĩa của Bí tích Thánh tẩy mình đã lãnh nhận”.
Ý nghĩa của Bí tích Thánh tẩy là:
– Khi được dìm trong nước Rửa tội, chúng ta cũng dìm tội lỗi vào trong cái chết của Chúa.
– Khi được xức dầu, mặc áo trắng và nhận nến Phục sinh, chúng ta chính thức bước vào đời sống mới, được sống trong sự sống của Đấng Phục sinh: hoàn toàn thuộc về Chúa và yêu thương mọi người.Nguồn: WHĐ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét