Thứ Năm, 14 tháng 1, 2010
CON NGUOI - HINH ANH CUA THIEN CHUA !
Cập nhật lúc 31/12/2009, 14:30 (GMT+7)
Công bố Tổng điều tra dân số năm 2009
(GD&TĐ) - Sáng nay (31/12), Tổng cục Thống kê đã chính thức công bố kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009. Theo đó, đến thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2009, dân số Việt Nam là 85.789.573 người, tăng 9,5 triệu người so với 10 năm trước đây.
Chênh lệch giới tính đang tăng cao
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mức sinh của Việt Nam đã giảm trong 10 năm qua. Tổng tỷ suất sinh duy trì dưới mức sinh thay thế, đạt 2,03 con trên 1 phụ nữ. “Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt về mức sinh giữa các vùng, miền. Khu vực thành thị là 1,80 con trên một phụ nữ, khu vực nông thôn là 2,15 (thấp nhất là khu vực Đông Nam Bộ 1,69, cao nhất là khu vực Tây Nguyên 2,65)” – ông Nguyễn Đức Hòa, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Họp báo trực tuyến công bố kết quả tổng điều tra dân số năm 2009
Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam tương đối cao, đạt 111 bé trai trên 100 bé gái. Mặc dù con số này không có sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị nhưng số liệu cũng cho thấy tỷ lệ này đặc biệt cao ở vùng Đồng bằng sông Hồng (115 bé trai trên 100 bé gái). Trong đó, cao nhất là tỉnh Hưng Yên (131 bé trai trên 100 bé gái). Số liệu này cho thấy những quan ngại về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam là 26,2 và của nữ là 22,8. So với cuộc tổng điều tra năm 1999, tuổi kết hôn của cả nam và nữ không có sự thay đổi. Theo kết quả điều tra, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, thời kỳ các nhóm trong độ tuổi lao động cao gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc. So với năm 1999, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33% xuống còn 25% năm. Trong khi đó, tỷ trọng dân số nhóm 15 – 59 tăng từ 58% lên 66% vào năm 2009. Nhóm dân số từ 60 trở lên tăng từ 8% lên 9%. Thời kỳ này chỉ diễn ra 1 lần trong một thế hệ, thường chỉ kéo dài trong vòng 15 - 30 năm hoặc 40 năm (tùy thuộc vào việc kiềm chế mức sinh).
Tính đến 0 giờ ngày 1/4/2009, cả nước có 43,8 triệu người trong độ tuổi lao động đang làm việc, chiếm 51,1% dân số (thành thị có 11,9 triệu người, nông thôn có 31,9 triệu người), lao động nữ chiếm 46,6% tổng lực lượng lao động.
Hiện nay, nước ta cũng bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số. Chỉ số già hóa (biểu thị bằng số người từ 60 tuổi trở lên trên 100 người dưới 15 tuổi) đã tăng 11,4 điểm phần trăm sau 10 năm (từ 24,5% năm 1999 lên 35,9% năm 2009). Chỉ số già hóa của Việt Nam hiện nay cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (30%), tương đương mức già hóa của Indonesia, Philippine, nhưng thấp hơn Singapore (85%), và ThaiLand (52%). Như vậy, trong thời kỳ dân số vàng này, Việt Nam cũng cần có những chính sách phù hợp với sự già hóa dân số để đảm bảo an sinh xã hội cho người già, vì nhóm dân số già dễ bị tổn thương trước những khó khăn trong cuộc sống. Cùng với mức chết giảm, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt Nam đã tăng lên. Sau 10 năm, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng 3,7 tuổi lên 72,8 tuổi (nam đạt 70,2 tuổi, nữ đạt 75,6 tuổi).
Tỷ lệ dân số sống ở vùng thành thị vẫn thấp
Theo báo cáo, Đồng bằng sông Hồng là vùng có đông dân cư nhất (19.577.944 người), tiếp đến là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (18.835.485 người). Đồng bằng sông Cửu Long có 17.178.871 người. Vùng có dân số ít nhất là Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh với dân số 5.107.437 người.
Dân số Việt Nam phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng. Hai vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long có 43% dân số của cả nước sinh sống. Ngược lại miền trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên chỉ chiếm gần 19% dân số của cả nước. Sau 10 năm, dân số của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tăng còn lại 4 vùng khác đều giảm cho thấy Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có tốc độ nhập cư cao.
Dân số Việt Nam đang trong "cơ cấu dân số Vàng" (ảnh minh họa)
Do dân số tăng nên mật độ dân số của Việt Nam tăng từ 231 người/km2 năm 1999 lên 259 người/km2 vào năm 2009. Đồng bằng sông Hồng là nơi có mật độ dân cư đông nhất (930 người/km2), tiếp đến là Đông Nam Bộ (594 người/km2), thấp nhất là Tây Nguyên (93 người/km2).
Đến nay, có 29,6% dân số sinh sống tại vùng thành thị (thấp so với khu vực, chỉ cao hơn Lào (23%), Campuchia (22%) và Đông Timo (26%)). Trong 10 năm, số dân của vùng thành thị tăng khá nhanh với 3,4%/năm, trong khi đó ở nông thôn tỷ lệ tăng chỉ là 0,4%/năm. Đông Nam Bộ là vùng có mức độ đô thị hóa cao nhất, dân số thành thị chiếm 57,1%.
Nhiều lao động chưa qua đào tạo nghề
Tỷ lệ biết chữ của số dân từ 15 tuổi trở lên tăng liên tục qua 3 cuộc tổng điều tra (năm 1989 là 88%, năm 1999 là 90%, và 93,5% vào năm 2009).
Phân bổ tỷ lệ biết chữ theo nhóm tuổi cho thấy tình hình giáo dục của nước ta đã được cải thiện một cách đáng kể qua từng giai đoạn. Tỷ lệ biết chữ của nhóm 50 tuổi trở lên là 87,2%. Tỷ lệ biết chữ của nhóm trẻ hơn được tăng dần cho đến mức cao nhất là 98% ở nhóm tuổi từ 15 – 17 tuổi đối với cả nam và nữ. Sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ của nông thôn và thành thị cũng rất thấp (97% ở thành thị và 92% ở nông thôn). Hà Nội là tỉnh, thành phố có tỷ lệ biết chữ cao nhất (97,6%), thấp nhất là Lai Châu (57,4%).
Kết quả điều tra cho thấy, 8,6 triệu người đã được đào tạo, chiếm 13,4% dân số từ 15 tuổi trở lên. Trong đó 2,6% đã tốt nghiệp sơ cấp, 4,7% tốt nghiệp sơ cấp, 1,6% tốt nghiệp cao đẳng, 4,2% tốt nghiệp đại học, và 0,2% trên đại học.
Số người 15 tuổi trở lên chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (CMKT) của Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ cao (86,6%), thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (80,6%), cao nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (93,4%).
Số người trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên được đào tạo CMKT chiếm 25,4% ở khu vực thành thị (tăng 8% so với năm 1999), và 8% ở khu vực nông thôn (tăng 4% so với năm 1999). Tỷ lệ người được đào tạo từ trung cấp trở lên khu vực thành thị cao gấp 2 lần khu vực nông thôn, từ trình độ cao đẳng trở lên khu vực thành thị cao gấp 5 lần khu vực nông thôn.
Kết quả điều tra cho thấy, đời sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện. Hiện nay, trong 10.000 hộ gia đình Việt Nam thì 5 hộ không có nhà (hoặc có nhà nhưng không có đủ điều kiện tối thiểu). Trong số những hộ có nhà ở, nhà kiên cố chiếm 47%, nhà bán kiên cố chiếm 37,8%. Về hình thức sở hữu nhà ở, tỷ trọng nhà riêng của hộ chiếm 93%. Diện tích bình quân trên đầu người là 18,6m2. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh là 87%. 96% số hộ có điện thắp sáng, 87% số hộ có tivi. Tuy nhiên, chỉ có 54% số hộ có nhà hố xí hợp vệ sinh. Tỷ lệ này của thành thị là 88%, của khu vực nông thôn là 39%.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét