Thứ Năm, 14 tháng 1, 2010
VAN HOA UNG XU CUA NGUOI VIET NAM
Cập nhật lúc 08/01/2010, 15:55 (GMT+7)
Dạy trẻ lễ phép
(GD&TĐ) - Bậc cha mẹ nào cũng hãnh diện khi con biết ăn nói lễ phép, biết chào hỏi khi lần đầu tiếp xúc với người lớn. Dạy trẻ biết lễ phép là rất quan trọng, nhưng đó không phải là việc một sớm một chiều.
Dạy trẻ lời chúc Tết đơn giản để gửi đến ông bà nhân dịp đầu năm.
Ảnh 3: Getty image.
Nhiều người với suy nghĩ trẻ con thường không biết gì, nên khi trẻ có thái độ không ngoan, thậm chí hỗn với người lớn thì cũng bỏ qua mà không uốn nắn trẻ ngay. Nhưng việc giáo dục để trẻ biết vâng lời, lễ phép và cư xử đúng mực là điều vô cùng cần thiết và được nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định rằng nên uốn nắn trẻ từ sớm.
Đương nhiên việc dạy dỗ trẻ biết cách cư xử đúng mực không hề dễ, nhất là khi trí óc và nhận thức của con lúc này như tờ giấy trắng. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa trẻ không thể tiếp thu những bài học về thái độ lễ phép từ bố mẹ. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần kiên trì, nhẹ nhàng và dạy con từng chút một.
Những ngày Tết sắp đến, đây là khoảng thời gian đoàn tụ gia đình, gặp gỡ bạn bè. Chắc chắn bạn sẽ rất tự hào khi thấy bé yêu tỏ ra ngoan ngoãn, nói năng lễ phép và cư xử lịch sự khi đến thăm nhà những người thân quen. Hãy dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp cần thiết để bé biết cách xử sự lịch sự và cũng là hình thành đức tính tốt cho bé sau này.
Nếu bé mới lên 3, con bạn chưa nói được một câu dài và hoàn chỉnh như người lớn. Cha mẹ chỉ nên dạy bé nói câu ngắn, có chủ ngữ, không nên để trẻ có thói quen nói trống không. Tầm tuổi này trẻ thích nói những từ ngắn, đơn giản, nên cha mẹ hãy dạy bé biết nói “dạ, thưa” mỗi khi trả lời câu hỏi của người lớn, vừa lễ phép lại vừa dễ nhớ như “dạ có, dạ không…”.
Trẻ không thể tiếp thu quá nhiều bài học, nên cha mẹ không nên bắt trẻ phải ghi nhớ quá nhiều quy tắc. Ban đầu, nên dạy con biết khoanh tay và chào hỏi người lớn khi đưa bé đến chơi nhà ai đó. Sau đó, theo lứa tuổi và khả năng nhận thức mà cha mẹ hướng dẫn trẻ những bài học khác.
Biết nói cảm ơn khi được nhận quà là biểu hiện của tính lễ phép.
Ảnh 2: Getty image.
Những ngày lễ, tết chắc chắn có nhiều kẹo, bánh hay dễ thấy nhất là bé sẽ được nhận lì xì, vì thế cha mẹ cần dạy bé biết nói “cảm ơn” khi được nhận quà. Khi trẻ muốn ăn kẹo, bánh, mứt, trẻ cần biết hỏi xin. Những hành động này cần được cha mẹ chú ý uốn nắn khi trẻ ở nhà chứ không chỉ khi đến nhà người khác phụ huynh mới nhắc nhở. Khi được nhắc nhở thường xuyên, trẻ sẽ hình thành thói quen trong ứng xử, dù đi đâu hay gặp ai trẻ đều tự giác xin phép hay cảm ơn.
Dạy con những câu chúc tết đơn giản, ngắn gọn như “con chúc ông/bà khỏe mạnh” hay “chúc cô vui vẻ”. Lời chúc đầu năm luôn mang lại niềm vui và sự thoải mái, nhất là khi lời chúc ấy được cái miệng nhỏ xinh của trẻ nói ra. Những lời chúc dài, phức tạp sẽ làm khó trẻ. Cha mẹ cũng nên giải thích cho bé hiểu tại sao cần nói lời chúc tết, ý nghĩa của lời chúc. Khi trẻ hiểu được ý nghĩa của hành động đó, trẻ sẽ dễ dàng tự giác nói lời chúc hơn là đợi người lớn nhắc nhở.
Gặp gỡ ngày Tết là dịp quây quần, chuyện trò và ăn uống, phụ huynh cần dạy con những nguyên tắc cần thiết như cần rửa tay trước khi ăn, ngồi vào bàn ăn ngay ngắn, không nghịch phá để tránh đổ bể đồ đạc. Nếu trẻ không muốn tiếp tục ngồi ở bàn ăn, trẻ cần biết xin phép để được ra ngoài chơi.
Trẻ con vốn hiếu động, nhất là đến chơi nhà người lạ sẽ có nhiều thứ cho trẻ “khám phá” nên việc trẻ chạy chơi tự do hay tự động lấy nhiều đồ vật của chủ nhà để chơi là chuyện không tránh khỏi. Cha mẹ cần nhắc nhở trẻ cần xin phép khi muốn mượn món đồ nào đó của chủ nhà. Trong những ngày Tết, thường mọi người dễ tính hơn thường ngày, nhất lại là với trẻ con, nên thường bỏ qua không nhắc nhở trẻ. Tuy nhiên, chính hành động đó tạo đà cho trẻ “lấn tới”. Khi trẻ chưa ngoan, cha mẹ cần chú ý nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng, nhắc cho trẻ nhớ là để đạt được điều mình muốn, bé cần làm gì. Nếu bé muốn mượn món đồ nào đó, hãy nhắc bé “muốn mượn cái gì con phải nói thế nào?”. Nhắc nhở trẻ cụ thể những việc trẻ cần phải làm giúp trẻ hiểu rõ hơn là những lời chung chung “sao con làm thế…”, “con không ngoan mẹ không thương…”.
Điều quan trọng hơn cả là cha mẹ cần chú ý đến thái độ của chính mình khi trò chuyện hoặc trong cách ứng xử với trẻ. Cha mẹ cũng cần có thái độ tôn trọng bé. Khi trẻ chưa ngoan, cần nhắc nhở trẻ một cách nhẹ nhàng. Nếu bị la mắng nặng lời, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và lần sau không dám tái phạm vì sợ bị mắng chứ không phải trẻ vâng lời vì tôn trọng cha mẹ. Càng không nên nặng lời với con trước mặt người khác, dù trẻ có chưa ngoan đi chăng nữa. Bạn hãy nhắc nhở ngay, nhưng chỉ nên nói riêng với bé.
Ông bà sẽ vui lòng khi thấy các cháu ngoan ngoãn, lễ phép.
Ảnh 1: Getty image.
Cần động viên và khích lệ khi trẻ ngoan. Những lời khen đúng lúc sẽ giúp trẻ thấy tự tin vì mình đã làm cho cha mẹ vui. Một phần quà nho nhỏ cho bé để khích lệ thái độ lễ phép của trẻ cũng là cách để bé “ngấm” bài học lâu hơn.
Nếu trẻ không nghe lời và vẫn ăn nói không lễ phép với khách, thái độ tức giận của cha mẹ sẽ không có tác dụng nhiều. Bạn cần làm trẻ thay đổi thái độ. Hãy nói cho trẻ biết những “lợi ích” của việc ngoan ngoãn như trẻ sẽ được nhiều người yêu quí, được khen, thậm chí có thể được quà.
Dù không nặng lời với trẻ, nhưng phụ huynh cũng cần có thái độ dứt khoát khi trẻ tỏ ra không lễ phép. Khi trẻ ngoan thì được khen, nên khi còn nói trống không hoặc không biết nói cảm ơn khi được cho món đồ gì đó, cần có hình phạt. Thái độ nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc sẽ giúp trẻ biết xử sự ngoan hơn.
Cuối cùng, muốn trẻ có thái độ lễ phép trước hết cha mẹ cần làm gương cho con. Trẻ quan sát và học hỏi từ cha mẹ rất nhiều thứ, vì thế cho nên phụ huynh cần nghiêm túc làm hình mẫu để trẻ noi theo.
(Theo webtretho)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét