Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

Linh Mục Ngài la ai ?



Dẫn nhập

Linh mục, ngài là ai? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta có nhiều định nghĩa khác nhau: Linh mục là hình bóng Chúa trong kiếp người; linh mục là muối ướp cho trần gian; linh mục là tinh hoa của Giáo Hội; linh mục là ngọn hải đăng thắp trên dương trần; linh mục là Alter Christus; linh mục là người chiến sỹ chết cạnh bàn thờ; linh mục là “người phu quét lá”; linh mục là “cái thùng rác” của tội nhân v.v…

Những định nghĩa trên cho thấy có hai cách hiểu về linh mục. Cách thứ nhất là định nghĩa theo chức năng (fonctionnel); cách thứ hai là định nghĩa theo yếu tính (essentiel) của linh mục. Cả hai cách định nghĩa không loại trừ nhau nhưng bổ túc cho nhau và nâng đỡ nhau.

Nhưng nếu quá nhấn mạnh một chiều về linh mục theo nghĩa chức năng, thì sẽ có nguy cơ rơi vào cái nhìn giảm thiểu, không đầy đủ và phiến diện. Chức linh mục có nguy cơ trở thành một thứ “nghề nghiệp”, một “địa vị” để tìm kiếm trong Giáo Hội; các linh mục dễ được coi là “những công chức” của Giáo Hội. Chức linh mục không được giảm thiểu như một thứ “nghề nghiệp”. Đó là lý do tại sao Công Đồng Vatican II tránh lối nhìn chức linh mục như một cái gì thuần túy có tính chức năng (fonctionnel) và đề cao một nhận thức có tính hữu thể học về sứ vụ này[1].

Trong bài viết này, chúng ta suy nghĩ về căn tính linh mục, xét như là cái cốt yếu, cái căn bản làm nên dung mạo và sứ mạng của thiên chức này.

1. Căn tính linh mục hệ tại nơi căn tính của Đức Kitô
Một cách chính xác, chúng ta không được lẫn lộn và định nghĩa linh mục theo những thái độ bên ngoài, vai trò và công việc đặc biệt nào đó của thiên chức này, nhưng cần phải tìm về căn tính đích thực, cái cốt yếu làm nên linh mục.

Pastores Dabo Vobis[2] loại bỏ ý niệm cũ trước đây chỉ nhìn linh mục và vai trò của linh mục như những “công chức” của Giáo Hội và thay vào cái nhìn đó bằng một định nghĩa mang tính hữu thể học: “Linh mục là hình ảnh sống động và trong suốt của Đức Kitô Linh Mục” (x. PDV 12, 22, 43).
Linh mục tìm thấy căn tính mình nơi căn tính của Đức Kitô, là Đầu và Mục Tử qua việc trở nên giống Đức Kitô. Pastores Dabo Vobis khẳng định:
“Linh mục thông phần vào sự thánh hiến và vào sứ vụ của Đức Kitô bằng một thể thức loại biệt và chính hiệu, nghĩa là bằng bí tích Truyền Chức Thánh là bí tích đã biến đổi linh mục, ngay trong chính hữu thể của mình, nên đồng hình dạng với Đức Giêsu Kitô Đầu và Mục Tử; linh mục tham dự vào sứ vụ “loan báo Tin Mừng cho người nghèo” nhân danh Chúa Kitô và thay mặt Chúa Kitô” (PDV, số 18).
Người linh mục trở nên “linh mục” nhờ “sự đồng hình đồng dạng toàn thể đời sống của mình với Đức Kitô” (x. PDV 12. 15. 18) theo một nghĩa hết sức độc đáo. Nhờ bí tích truyền chức thánh, linh mục được đặt vào trong một mối tương quan độc đáo với Đức Kitô cũng như với Giáo Hội.

Sự đồng hình đồng dạng với Đức Kitô không hệ tại ở quyền tế lễ và tha tội mà người linh mục được ban cho khi chịu chức, nhưng là hệ tại ở sự biến đổi tâm tư, tình cảm, cách sống, thái độ và lối hành xử của người linh mục nên giống với tâm tư, tìm cảm, cách sống, thái độ và cách hành xử của Chúa Kitô do và qua bí tích Truyền Chức đem lại. Linh mục trở thành một Alter Christus – một Kitô Khác.

Nhờ ân sủng của Thánh Thần tác động, khi chịu chức, bí tích Truyền Chức mang lại một sự thay đổi kỳ diệu về hữu thể (ontological change) trong con người của tân linh mục. Vì thế, linh mục được mặc lấy Đức Kitô mà đảm nhận ba tác vụ thánh: rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo cộng đoàn trong một tư thế mới mẻ là “in persona Christi et in nomine ecclesiae” – trong Con Người Chúa Kitô và nhân danh Giáo Hội. Vì thế, khi cử hành các bí tích, linh mục được đồng hóa với chính Đức Kitô để có thể nói rằng: “Tôi tha tội cho con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”; “Nầy là Mình Thầy…; Nầy là Máu Thầy v.v…”.

Đó là lý do tại sao trong việc huấn luyện linh mục, Đức Kitô luôn được nêu cao như là “khuôn mẫu – lý tưởng” để ai muốn trở thành linh mục phải “rập khuôn” và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Tông Huấn về đào tạo linh mục Pastores dabo vobis của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II xác định: “Toàn bộ công cuộc đào tạo phải nhắm đến mục tiêu là giúp các ứng sinh trở thành những mục tử đích thực của các linh hồn theo mẫu người của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng là Thầy dạy, là Tư Tế và là Mục Tử” (PDV, số 57).

Như vậy, linh mục là người được tham dự vào căn tính của Đức Kitô. Linh mục tìm thấy căn tính của mình nơi căn tính của Đức Kitô. Linh mục là sự mở rộng và nối dài sự hiện diện sống động, lòng từ bi và thương xót của Đức Kitô giữa trần gian.

2. Linh mục, đặc sủng của Chúa Thánh Thần

Trong quá khứ, khi nói về thiên chức linh mục, giáo lý cũng như thần học thường quá nhấn mạnh đến khía cạnh kitô học mà lại lãng quên khía cạnh thánh linh học của bí tích này. Cần phải bổ túc lại khía cạnh thánh linh học để xây dựng một cái nhìn thần học khỏe mạnh và đầy đủ về thiên chức linh mục.

Liên quan đến vấn đề này, nhà thần học Yves Congar cho rằng: Chức linh mục tự thân không phải là một “quyền lực – pouvoir”, nhưng trên hết đó là một đặc sủng – charisma – của Chúa Thánh Thần, được ban tặng để phục vụ lợi ích cộng đoàn giáo hội[3]. Đặc sủng hay đoàn sủng được hiểu như là ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần ban cho một số người trong Giáo Hội với mục đích là để phục vụ Cộng Đoàn, vì lợi ích và ơn cứu độ của Cộng Đoàn.

Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần làm trở sinh nhiều ơn gọi khác nhau. Mỗi ơn gọi có một sứ vụ riêng để phục vụ cho toàn thể Giáo Hội của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần ban nhưng ơn cần thiết để mỗi người chu toàn ơn gọi của mình. Đối với ơn gọi linh mục, Chúa Thánh Thần là người khởi xướng, mời gọi, hướng dẫn con người tới thiên chức linh mục. Trong bí tích truyền chức, chính Chúa Thánh Thần thánh hóa và biến đổi các ứng sinh trở thành các linh mục của Chúa Kitô qua nghi thức đặt tay của giám mục và lời cầu nguyện thánh hiến. Chính Chúa Thánh Thần đồng hành và ban những ơn cần thiết cho các linh mục để họ chu toàn sứ vụ mà Chúa và Giáo Hội trao phó:

“Nhờ việc xức dầu trong bí tích Truyền Chức Thánh, Chúa Thánh Thần làm cho họ nên đồng hình dạng, bằng một tước hiệu mới và loại biệt, với Đức Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử, Chúa Thánh Thần làm cho họ nên thích ứng tự bên trong và thôi thúc họ bằng đức ái mục vụ của Ngài, và trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần làm cho họ trở thành những người tôi tớ có phẩm chất để họ loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật và để họ làm cho đời sống Kitô hữu của mọi người đã rửa tội được viên mãn” (PDV, số 15).

Khi khuyên nhủ người con tinh thần của mình nhớ lại đặc sủng Thánh Thần đã ban, Thánh Phaolô nói với Timôthê rằng: “Hãy khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng mà anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2Tm 1,6). Điều đó cho thấy, ngay từ đầu, Giáo Hội đã ý thức khía cạnh đặc sủng của chức linh mục.

Trong cái nhìn đó, chức linh mục không phải một ơn huệ được Thiên Chúa ban để phục vụ lợi ích cá nhân của linh mục. Cũng không phải là “phần thưởng” hay là “những chức tước” mà ai đó thủ đắc được nhờ tài cán và khả năng riêng của mình. Nhưng tự thân đó là một ân huệ nhưng không của Chúa Thánh Thần ban cho Cộng Đoàn để phục vụ lợi ích cứu độ của Giáo Hội.

Nhà thần học Dòng Đa Minh Yves Congar cũng cho rằng: “Theo Tân Ước, chức vụ này là quyền bính khiêm tốn và huynh đệ để phục vụ, nhưng chỉ vì một sự lạm dụng và vì quá trình lịch sử có thể giải thích được, có thể thông cảm và có thể chuyển hồi, quyền bính này đã mặc những chiếc áo “vương đế” hay được sử dụng những dạng thức “phong kiến” và theo những y phục của vua chúa”[4]. Người ta dễ dàng nhận ra khuynh hướng giảm thiểu chức linh mục và việc truyền chức vào việc so sánh với quyền bính trong giai đoạn trung cổ, đặc biệt ở thời kinh viện từ thế kỷ XII đến XIII[5].

Nếu quá nhận mạnh chức linh mục như một quyền bính thì có nguy cơ dẫn linh mục tới thái độ “giáo sỹ trị, gia trưởng hay cha chú” trong Giáo Hội. Cần phải nhìn chức linh mục là một ơn đoàn sủng của Chúa Thánh Thần để dẫn tới thái độ khiêm tốn và phục vụ theo tinh thần của Chúa Kitô: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 25-28).

Thế nên, chức linh mục không được giảm thiểu trong định nghĩa là “quyền bính”, nếu có quyền bính được ban, thì quyền bính đó chỉ để phục vụ trong khiêm tốn và huynh đệ. Chức linh mục cũng không bao giờ được ban vì đặc lợi cá nhân, mà trái lại đó là một thực tại cắm rễ trong và cho cộng đoàn Kitô hữu xét như là đoàn sủng của Thánh Thần.

3. Linh mục luôn ở trong tương quan
Vì linh mục là một đoàn sủng của Chúa Thánh Thần liên hệ tới cộng đoàn Giáo Hội. Nên chức linh mục phải được nhận thức như một thực tại tự bản chất mang tính tương quan và liên hệ. Nghĩa không được xem chức linh mục chủ yếu chỉ như một việc lãnh nhận một cái gì đó cho các linh mục mà những người khác không có được, nhưng phải xem chức linh được đặt trong một mối tương quan đặc biệt, tương quan mà những người lãnh nhận được định vị trong đó.

Chức linh mục hàm chứa một mối tương quan ba mặt: Người linh mục ở trong mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Dân Thiên Chúa và các riêng với Giám mục và hàng linh mục.

a) Linh mục gắn kết với Thiên Chúa Ba Ngôi trong một cách thế đặc biệt.

Quả vậy, căn tính linh mục bắt nguồn từ Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Linh mục được sai đi bởi Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu Kitô, và một cách đặc biệt được nên đồng hình dạng với Ngài, Đấng là Đầu và Mục Tử của dân Ngài, để sống và hoạt động, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm phục vụ Giáo Hội và cứu độ thế giới[6]. Do đó, linh mục gắn bó mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi vốn là một mầu nhiệm của tương quan. Sứ vụ và đời sống linh mục phản ánh sự sống phong phú của Thiên Chúa Ba Ngôi.

b) Linh mục liên hệ tới Dân Thiên Chúa. Sự gắn bó mật thiết với Đức Kitô dẫn linh mục tới sự gắn bó với Giáo Hội và để phục vụ Giáo Hội, Nhiệm Thể của Đức Kitô. Chức linh mục là “cho và vì” Giáo Hội. Nên linh mục luôn được đặt trong tương quan với Dân Chúa, vì Dân Chúa và cho Dân Chúa. Với bí tích truyền chức, Chúa Thánh Thần tạo ra những mối quan hệ giữa người linh mục và cộng đoàn. Từ cộng đoàn, linh mục mở ra với thế giới.

Khi hiện diện giữa Dân Chúa, linh mục là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa cho cộng đoàn. Linh mục người mang lại sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Bác Ái mục vụ là được gọi là linh hồn của tất cả mọi hoạt động mục vụ của linh mục trong cộng đoàn.

Chính vì thế, linh mục luôn gắn liền với một cộng đoàn cụ thể. Linh mục tìm thấy ý nghĩa của mình nơi cộng đoàn đó. Linh mục chỉ hạnh phúc khi biết phục vụ cộng đoàn và sống cho cộng đoàn được trao phó cho mình.

c) Linh mục liên hệ với giám mục và hàng linh mục: Ngay từ sơ khai, linh mục là thực tại cộng đoàn tính: các linh mục là nhóm người giúp đem lại sự hiệp nhất và sự ổn định trong Giáo Hội. Đây không chỉ là những mối quan hệ nối kết giữa các linh mục với nhau, nhưng còn là giữa các linh mục và giám mục. Tất cả đều là những cộng tác viên trong sứ vụ, và tất cả đều làm chứng cho bản chất hiệp thông của Giáo Hội (koinonia). Nên linh mục được mời gọi hiệp nhất và vâng phục giám mục của mình với một tinh thần khôn ngoan, khiêm tốn, cởi mở và cộng tác.

Với anh em của mình, các linh mục là những cộng tác viên và là bạn của nhau trong cùng một lý tưởng và cùng một sứ vụ. Chính vì thế, các linh mục tránh tinh thần “bè phái, phe nhóm”, nhưng mặc lấy tinh thần Giáo Hội để cùng nhau xây dựng một Giáo Hội hiệp nhất, huynh đệ và cùng nhau loan báo Tin Mừng.

Mỗi linh mục không phải là “một vua con” trong giáo xứ của mình, cũng không phải là một kẻ “vùng vẫy một mình một cõi”. Nhưng các linh mục làm việc với nhau trong tư cách là một tập thể liên kết với giám mục để phục vụ cho ích lợi của Giáo Hội địa phương (x. Nghi thức thề hứa vâng phục giám mục).

Khi nói đến tính cộng đoàn phải có nơi các ứng sinh linh mục cha Paul Bernier S.S.S cho rằng: “Tôi muốn đi xa hơn nữa để nói rằng nên thanh lọc ra khỏi chủng viện những ứng viên nào bộc lộ khuynh hướng thiếu khả năng làm việc tập thể. Bởi vì những ứng viên ấy sẽ chẳng đóng góp được gì cho việc thăng tiến sứ mạng của Giáo hội”[7].

Thay lời kết

Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI nhiều lần nhắc nhở rằng: không được coi linh mục như là một thứ nghề nghiệp, chức vụ hay công chức trong Giáo Hội. Nếu linh mục là những công chức, thì sau khi đã làm xong công việc của mình, linh mục có thể sống cho riêng mình. Nhưng linh mục là một ơn gọi đặc biệt, một sứ vụ tình yêu, đòi hỏi phải dấn thân với toàn vẹn con người của mình và sống chết cho chọn lựa đó vì Nước Trời và vì Giáo Hội.

Khi còn là chủng sinh, tôi nhận được một lá thư của một nữ tu gửi cho tôi. Trong đó có một câu làm tôi luôn suy nghĩ: “Thầy ạ, làm linh mục thì dễ hơn là linh mục!” Câu nói đó như là một lời nhắn nhủ tôi luôn mãi. Phải chăng “tu là cõi phúc” cũng hệ tại nơi chữ “là” ấy!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Xã Đoài, Tuần Thánh 2012

Tài liệu tham khảo:

1. Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium (21 November 1964), AAS 57 (1965) 5-71; Optatam totius (28 October 1965), AAS 58 (1966) 713-727; Presbyterorum Ordinis (7 December 1965), AAS 58 (1966) 991-1024.
2. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), AAS 84 (1992) 657-804.
3. Nhiều Tác Giả, Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới. Văn Kiện Hội Nghị Séoul Về Đào Tạo Linh Mục, ĐCV Xuân Bích Huế, 2000.
4. Yves Congar, “Titres et honneur dans l’Église” trong cuốn Pour un Église servant et pauvre, Cerf, Paris 1973.
5. I-P. Jossua, Yves Congar profilo di una teologia, Queriniana, Brescia 1970, 132.
6. J. Famerée, “Ecclésiologie du Père Yves Congar. Essai de synthèse critique” trong RSPhT 76 (1992), 406.


--------------------------------------------------------------------------------


[1] x. Công Đồng Vaticanô II, Optatam Totius (28 October 1965), AAS 58 (1966) 713-727; Presbyterorum Ordinis (1965), AAS 58 (1966) 991-1024.
[2] Pastores dabo vobis (Gr 3,15) là Tông Huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II về việc Đào Tạo Linh Mục trong Hoàn Cảnh hiện nay, được công bố ngày 25 tháng 03 năm 1992. Đây là tài liệu quan trọng và nền tảng cho công cuộc đào tạo linh mục của Giáo Hội hoàn vũ.
[3] Cf. Yves Congar, “Titres et honneur dans l’Église” trong cuốn Pour un Église servant et pauvre, Cerf, Paris 1973.
[4] I-P. Jossua, Yves Congar profile di una teologia, Queriniana, Brescia 1970, 132.
[5] Cf. J. Famerée, “Ecclésiologie du Père Yves Congar. Essai de synthèse critique” trong RSPhT 76 (1992), 406.
[6] x. Pastores Dabo Vobis, số 12.
[7] Paul Bernier , “Huấn luyện mục vụ trong tinh thần truyền giáo”, trong cuốn Linh Mục Thiên Niên Kỷ Mới. Văn Kiện Hội Nghị Séoul Về Đào Tạo Linh Mục, ĐCV Xuân Bích Huế, 200, 198.


Lời kinh mà thánh Vianney đã từng cầu nguyện
“Lạy Cha từ ái – con yêu mến Cha – và mong ước duy nhất của con – là được yêu mến Cha đến hơi thở cuối cùng.
Lạy Cha vô vàn đáng mến – con thà chết trong lòng mến yêu – hơn là sống một giây phút mà không yêu mến Cha.
Lạy Chúa Giêsu – con yêu mến Chúa – và con cũng chỉ xin Chúa một điều – đó là được yêu mến Chúa mãi không cùng.
Ôi lạy Thiên Chúa của con – nếu miệng lưỡi con không thể nói lên lòng yêu mến từng giây phút – thì con vẫn muốn thầm thĩ với Chúa trong từng hơi thở – bằng chính trái tim con.
Lạy Đấng Cứu Độ thần linh – con yêu mến Chúa – bởi Chúa đã chịu đóng đinh thập giá vì con – và vì Chúa muốn con chịu đóng đinh thập giá vì Chúa – nơi trần gian này.
Ôi lạy Chúa – xin cho con được ơn khi từ giã cõi đời này – mà vẫn một lòng yêu mến Chúa mà thôi”. Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét