Thư Chúc Xuân Năm Thánh và Xuân Canh Dần
Tòa Giám Mục TGP.TPHCM
T6, 22/01/2010 - 10:43
Toà Tổng Giám mục
TGP Thành phố HCM
THƯ CHÚC XUÂN NĂM THÁNH VÀ XUÂN CANH DẦN
Anh chị em trong gia đình giáo phận rất thân mến,
Xây dựng ba mối tương quan của đạo làm người
1. Vào thời điểm chuẩn bị bước vào Năm Thánh 2010, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI nhắn nhủ cộng đồng dân Chúa Việt Nam hãy dành thời gian Năm Thánh xây dựng ba mối tương quan căn bản của đạo làm người:
- thể hiện lòng thảo kính đối với Chúa là Cha trên trời cùng ông bà tổ tiên và các tiền nhân;
- phát huy tình huynh đệ hiệp nhất đối với nhau trong cộng đồng dân Chúa là anh em đồng đạo;
- mở rộng tình huynh đệ liên đới đối với mọi người trong cộng đồng xã hội, là anh em đồng bào và đồng loại.
Đồng thời hãy nhìn lại quá khứ, nhìn vào hiện tại và hướng về tương lai, để tạ ơn cùng tạ lỗi và xin ơn đổi mới:
- tạ ơn Chúa vì ân huệ Chúa ban, tạ ơn ông bà tổ tiên và các tiền nhân vì đã dày công vun đắp và lưu truyền gia sản đức tin;
- tạ lỗi với Chúa, với nhau và với mọi người, vì những sai sót;
- đồng thời xin ơn giúp sức điều chỉnh và bù đắp những sai sót, bằng quyết tâm thực thi Lời Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày, nhằm làm chứng Đạo Chúa là đạo dạy làm con Cha trên trời và làm anh em mọi người trong thiên hạ.
I. Sống đạo làm con Cha trên trời
Cầu nguyện
2. Chúa Giêsu mở ra con đường cầu nguyện để gặp gỡ Cha trên trời. Gặp gỡ Chúa để lắng nghe Lời Chúa dạy, để tạ ơn Chúa vì ân huệ Chúa ban. Cầu nguyện như Chúa Giêsu dạy (xem Kinh Lạy Cha), như Giáo Hội dạy (xem 20 Mầu nhiệm Mân Côi), là nguồn nước trong lành vun tưới cho các hạt giống hồng ân của Chúa phát triển xanh tươi và đơm bông kết trái, vì sự sống dồi dào của mọi người.
Chúng ta cần cầu nguyện trong mọi nơi mọi lúc, nhất là trong lúc thử thách gian nan như lời Thánh Phaolô khuyên dạy: "Trong gian truân thử thách, anh em hãy kiên nhẫn và chuyên cần cầu nguyện" (Rom 12,12). Vì lẽ kiên trì cầu nguyện là con đường tiếp nhận ơn bình an và ơn hiểu biết, ơn sức mạnh và ơn đổi mới, giúp mỗi người, trong mọi hoàn cảnh, tiến bước trong đường lối khôn ngoan của Chúa Tạo Thành và Cứu Độ.
Nhận ra ân huệ Chúa ban và tạ ơn Ngài
3. Đến năm 1975, đất nước bước vào một trang sử mới với sự thay đổi chế độ chính trị. Sự thay đổi nầy dẫn đến những thay đổi trong khung nếp văn hoá xã hội kinh tế cũ, lôi kéo theo những mất mát cho Giáo Hội công giáo tại Việt Nam, mất mát về dân số, về cơ sở và hoạt động bác ái xã hội. Thế nhưng hoàn cảnh mới lại là cơ hội Chúa ban cho người công giáo tập trung nỗ lực xây dựng gia đình cùng cộng đoàn trên nền móng vững chắc là Lời Chúa. Lời Chúa trong Sách Thánh, cũng như Lời cứu độ nhập thể làm người và ở lại với chúng ta trong bí tích Thánh Thể, chiếu soi vào cõi nhân sinh ánh sáng chân lý tròn đầy và tình yêu vững bền, cùng thắp sáng lên niềm hy vọng vào sự sống dồi dào và hạnh phúc thật. Nhờ ơn Chúa ban, hình ảnh về một cộng đoàn tín hữu khiêm tốn làm chứng cho Lời cứu độ, đã tạo nên lối nhìn tích cực của nhiều người trong xã hội về Giáo Hội: nhìn Giáo Hội như một cộng đoàn phục vụ cho sự sống của dân tộc cùng sự phát triển của đất nước.
Ơn Chúa ban cho giáo phận hồi phục và phát triển
4. Trong vài thập niên gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển về kinh tế xã hội với nhiều khu công nghiệp, nhiều khu dân cư và đô thị mới. Tình hình mới làm phát sinh những nhu cầu mục vụ mới. Trong bối cảnh xã hội đổi mới và phát triển, gia đình giáo phận từng bước phục hồi cùng hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức giáo phận, cùng chung sức xây dựng Giáo Hội mầu nhiệm-hiệp thông-sứ vụ, nhằm đáp ứng những nhu cầu mục vụ mới. Và nhờ ơn Chúa ban, gia đình giáo phận không ngừng gia tăng và phát triển. Dầu vậy, vẫn còn có những sai sót cần được điều chỉnh và bổ sung, những quan điểm và phong cách cần được đổi mới theo như Chúa cùng Giáo Hội mong muốn.
II. Phát huy tình huynh đệ hiệp nhất trong gia đình giáo phận
5. Vì là con cái Cha trên trời, chúng ta phải phát huy tình huynh đệ hiệp nhất, nhằm cổ võ các gia đình tín hữu, cộng đoàn giáo xứ, dòng tu, giáo phận, trung thành thực thi Lời Chúa dạy sống hiếu thảo, chung thuỷ và bác ái huynh đệ, hầu trở nên ngôi trường giáo dục đức tin, thành trì bảo vệ đức tin, ngọn đuốc thắp sáng đức tin. Đó là cách đền ơn đáp nghĩa ông bà tổ tiên và tiền nhân đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu đào để gìn giữ và lưu truyền gia sản đức tin cho các thế hệ hậu sinh.
Xây dựng tình huynh đệ liên đới nhằm đồng tâm nhất trí tạo điều kiện cho mọi người mở rộng và nâng cao kiến thức đức tin qua việc học hỏi giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt Thông điệp "Tình Yêu Trong Chân Lý", giúp cho mọi người sống trong chân lý tròn đầy và trong tình yêu vững bền của Chúa Kitô. Nhờ đó dần dần trở nên người công giáo chính thực và công dân tốt, là người ý thức mở rộng tình huynh đệ, tình làng nghĩa xóm, và phát huy tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng dân tộc cùng ngôi làng thế giới toàn cầu hoá hôm nay.
III. Mở rộng tình huynh đệ liên đới trong cộng đồng xã hội
Con đường đồng hành cùng dân tộc
6. Vào dịp các giám mục Việt Nam đi Ad Limina cuối tháng 6 năm 2009, Đức Bênêđitô XVI có lời nhắc nhở cộng đồng dân Chúa Việt Nam: đồng hành cùng dân tộc trên con đường lịch sử của đất nước, mọi người cần quan tâm mở rộng tình huynh đệ cùng phát huy tinh thần trách nhiệm liên đới trong cộng đồng xã hội, qua con đường đối thoại và hợp tác với mọi thành phần xã hội, trên nền tảng sự thật và công ích, nhằm phục vụ cho sự sống con người cùng sự phát triển đất nước.
Đổi mới cách thể hiện tình huynh đệ và tình yêu đối với tổ quốc
7. Lịch sử loài người cũng như lịch sử Giáo Hội đều cho thấy có hai cách thể hiện tình huynh đệ đại đồng: một là áp đặt văn hoá ngoại lai, hai là hội nhập và phát huy văn hoá bản địa, theo mẫu gương của Thiên Chúa nhập thể làm người, như Thánh Phaolô hoặc Mathêô Ricci đã cố gắng thực hiện. Cuộc sống hôm nay còn cho thấy có hai cách thể hiện tình yêu đối với tổ quốc: một là áp đặt suy nghĩ và lập trường của mình lên người khác, hai là mở ra con đường đối thoại và hợp tác nhằm cùng nhau khám phá định hướng và động lực phục vụ cho công ích, cho sự sống toàn diện cùng sự phát triển vững bền.
Đổi mới mối quan hệ xã hội
8. Công Đồng Vatican II (1962-1965) đã mở ra một trang sử mới cho mối quan hệ giữa Giáo Hội với cộng đồng xã hội và văn hoá, tôn giáo và chính trị, đã đổi mới mối quan hệ xã hội từ đối đầu sang đối thoại.
Đối thoại chính thực không phải là tiếng nói của thế lực hay bạo lực, mà là tiếng nói của tình huynh đệ và tinh thần trách nhiệm liên đới, nhằm đi đến hợp tác xây dựng công ích cho mọi người. Kinh nghiệm cho thấy đối thoại là con đường mới mẻ, đồng thời cũng đầy trở ngại. Trở ngại lớn nhất, ngoài tư kiến và tư lợi, là tính đối kháng cố hữu trong mỗi người, cùng những hậu quả đau thương của hành vi đối đầu kéo dài trong lịch sử. Đồng thời lịch sử cũng cho thấy Chúa đã thương ban cho Lời cứu độ nhập thể làm người ở giữa chúng ta, mang ánh sáng chân lý tròn đầy cùng sức mạnh của tình thương quảng đại bao dung và khiêm tốn phục vụ, giúp con người vượt qua trở ngại, và tiến bước trên con đường đối thoại và hợp tác, vì công ích, vì sự sống toàn diện của mọi người.
Lời cầu chúc
9. Nhân dịp Xuân Canh Dần sắp đến, chúng tôi cầu chúc cho mọi người, mọi gia đình, các cộng đoàn tín hữu, một Năm Mới an bình hạnh phúc và một Năm Thánh chứa chan hồng ân và tình thương của Chúa.
Mừng kính Ngôi Lời làm người ở giữa chúng ta, 25.12.2009
+ Gioan B. Phạm Minh Mẫn
+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục của anh chị em
+ ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét