Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010

LOI CA CUA BAN TRE KITO HUU HOM NAY !



Đâu là Đường – Sự Thật – Sự Sống cho giới trẻ thời @?

“Chúa là cây đàn, còn con là điệu hát Chúa ơi. Chúa rung phím đàn, lòng con ngân vang khắp nơi…”


Nếu ai đó có mặt tại khuôn viên TTMV chiều ngày 23.01.2010 sẽ nghe vang từ giảng đường B01 bài hát “Chúa là cây đàn”, cùng với tiếng đàn của hai nhạc sĩ nhóm Lửa Hồng và cùng với tiếng kèn monica của tác giả - Cha Tiến Lộc.

Hội trường đầy khán giả. Cộng đoàn vui mừng chào đón Cha Tiến Lộc, Dòng CCT -người được ví như một trong những cây đại thụ của Giáo Hội Việt Nam và của các sinh hoạt lớn trong Giáo Hội. Cha Tiến Lộc đến với gia đình CDCT với đề tài “Đâu là Đường – Sự Thật – Sự Sống cho giới trẻ thời @?”

Nhân dịp dự bài thuyết trình của Cha Tiến Lộc, người viết xin có đôi dòng suy tư về những nẻo đường cuộc sống.

Biết là một trong những diễn trình của cuộc sống. Biết để lựa chọn con đường đi trong vô số những nẻo đường ngang dọc. Biết đường mà không đi, thì con đường ấy chỉ tồn tại trong ý niệm. Đi mà không biết đường, người ta sẽ cứ mãi lầm lũi bước đi trong bóng đêm của cuộc đời.

Đường đi bao giờ cũng dẫn đến một nơi nhất định. Nơi đó là vườn Eđen đầy hoa thơm, trái ngọt hay hoang địa vắng bóng người hay đồi Golgotha thổn thức… Tất cả đều hệ tại con đường mà người lữ hành đã chọn lựa cùng với thái độ lên đường của họ.

Ai cũng muốn chọn cho mình con đường bằng phẳng dễ đi. Nhưng đời có nhiều con đường sình lầy của đam mê, tội lỗi. Có lắm lối đá gập ghềnh đòi hỏi hãm mình, hy sinh.

Trên từng bước đường của cuộc sống, mỗi người đều có con đường của riêng mình. Đi con đường của người khác là lạc lối. Lẩn tránh con đường của mình là thiếu can đảm và tự tin. Cả hai đều dẫn đến thất vọng và không làm cho đời sống người lữ hành trở nên sung mãn.

Đi con đường của chính mình cũng lắm gian nan. Không phải ai cũng dễ dàng tìm được đúng lộ trình của mình để lên đường. Vì thế mới có chuyện đi nhầm đường, lộn lý tưởng. Nếu nhầm đường, người ta có cơ hội để đi lại. Nếu lộn lý tưởng, người ta sẽ mất cả cuộc đời.

Đi con đường của chính mình cũng có đầy nước mắt và đau khổ. Tuy nhiên, mỗi biến cố đi qua trong cuộc đời đều gắn liền với một kinh nghiệm nào đó. Có những trải nghiệm nâng ta lớn lên. Có những cảm nếm khiến ta khốn đốn, lao đao. Nhưng đằng sau mỗi biến cố trong từng chặng đường của cuộc sống, Thiên Chúa luôn có một mục đích cho bạn, cho tôi. Với con mắt Đức Tin, mỗi biến cố là cơ hội để đào luyện nhân cách, xây dựng cơ bắp thiêng liêng và đời sống đạo đức thêm mạnh mẽ, cách tiệm tiến.

Lên đường cũng có nghĩa là từ bỏ. Từ bỏ là thách đố không của riêng ai. Từ bỏ và lựa chọn luôn là hai mặt của một vấn đề. Mỗi sự lựa chọn đánh dấu một mốc điểm trong chặng đường của cuộc sống. Có những chọn lựa đem đến niềm vui, có những kiếm tìm mang lại nhiều thất vọng.

Con đường nhân bản là con đường để nhìn nhận chính mình. Không ai có thể đi con đường thiêng liêng mà không qua con đường nhân bản.

Tham gia giao thông, ai cũng chọn cho mình loại phương tiện để đi và mong mau đến đích. Sự nóng lòng, thiếu kiên nhẫn, thiếu tôn trọng và ích kỷ, làm người ta không ngại khi lấn sang phần đường bên trái, leo lên lề bên phải,… Người ta chen lấn, hơn thua nhau từng nửa vòng bánh xe trong những “ma trận” đầy người, nghẹt các loại phương tiện giao thông lớn nhỏ. Khi ấy, Luật Giao Thông chỉ còn là những mớ chữ nằm trên giấy tờ, nó như thể không tồn tại trong ý thức hệ của người lưu hành.

Trên lộ trình thiêng liêng, đôi khi cũng gặp lôcốt, kẹt xe,, tai nạn,… Đó là khi tương quan bị bế tắt, đổ vỡ. Ai đã từng kinh qua những đêm tối của đức tin, đều thừa nhận rằng sự phát triển tâm linh đòi hỏi thời gian và lòng kiên nhẫn. Ai đã từng nếm trải những giờ phút hấp hối của một tương quan nào đó, sẽ đồng ý rằng: có những khi ta cần phải chậm lại, dừng lại để suy nghĩ và định hướng thêm lần nữa.

Trong hành trình thiêng liêng không có những con đường tắt.

Con đường từ đôi tai đến đôi bàn tay là con đường đòi hỏi nhiều suy tư, kiên nhẫn và can đảm.

Con đường từ trái tim mình đến trái tim tha nhân dường như là con dường dài nhất, gập ghềnh và gian nan nhất. Đường đi ấy không bị ngăn trở bởi ngàn núi trăm sông, mà bị trở ngăn vì lòng người có trăm núi ngàn sông. Núi của những suy tính chi li, hèn nhát ích kỷ, sông của những tự mãn, tự đắc, kiêu căng. Đời người giắn giỏi, cao lắm chỉ trăm năm. Đường đi dài được nối kết từ những bước chân nhỏ. Có những bước chân nhanh nhẹn, lên đường. Có những bước chân nặng nề, trì hoãn. Có những bước chân lẻ loi, cô đơn. Có những bước chân buồn hui hắt…… Dù muốn hay không, dù vui hay buồn, mỗi đôi chân đều phải tự bước trên con đường của mình, không đôi chân nào bước thay trong cuộc hành trình của đời bạn.


Ai đó đã nói rằng: có những con đường phải đi một mình và có những con đường không thể đi một mình. Xin cảm ơn cuộc đời đã cho ta gia đình và bằng hữu - những người đã cùng ta đồng hành trong mỗi chặng đường của cuộc sống. Xin cảm ơn tất cả những ai đã hiện diện và làm cho cuộc đời ta trở nên ý nghĩa và phong phú. Xin Chúa Giêsu luôn ở giữa và nâng đỡ các mối tương quan để cuộc hành trình làm người của chúng ta luôn chan hoà niềm vui, bình an và sinh lợi ích cho nhau.

Cuộc sống là một con đường dài. Người lữ hành sẽ cần lắm những bóng râm che mát, những quán trọ ven đường để nghỉ chân, để lấy sức… Nhưng ai chọn bóng râm làm nhà, chọn quán trọ làm nơi cư trú sẽ không bao giờ hoàn tất con đường đời mình.

Chúa Giêsu hỏi 2 môn đệ trên đường Emau: “Các anh tìm gì thế?” câu hỏi này giúp ta soi lại những góc khuất tối tăm trong lòng mình.

“Các anh tìm gì thế?”

Câu hỏi này như một lời cảnh tỉnh, luôn nhắc nhớ ta về đích điểm của cuộc hành trình mà ta đang đi.
Hạt Cát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét