Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010

TAM LONG CUA LINH MUC CHUA KITO


Góp yêu thương, gói bánh chưng nghĩa tình

Sài Gòn nhộn nhịp, phồn hoa với những tòa nhà lỗng lẫy, những chiếc xe ô tô sang trọng, lịch lãm… của tầng lớp thượng lưu, nhưng khuất sau sự phồn hoa đó, có bao mảnh đời “đêm nay ngủ ngoài đường”, những kiếp mưu sinh, lặng lẽ đi về trong đêm tối. Người ở phương Nam mà lòng hướng về phương Bắc giá lạnh, lạc lõng, cô đơn, tôi ngẫm về những kiếp người bên lề cuộc sống…


Từ những mùa xuân, qua nhóm sinh viên chúng tôi cùng đồng hành với cha Raphael trong các chiến dịch Chén Cơm Giáng Sinh, bánh chưng cho người nghèo ăn tết. Năm nay, năm cuối của chương trình đại học, thời gian khít khao không thể về được, đứa nào cũng buồn và chắc chắn cha là người buồn nhất, qua điện thoại tôi hỏi: “Cha ơi: Tết này cha có tổ chức Chiến dịch “Bánh chưng cho người nghèo” không? Chúng con không về được". Qua điện thoại giọng trầm buồn cha nói: “Có, nhưng kinh phí thiếu lắm con ơi. Con viết một bài kêu gọi mọi người ủng hộ cha đi”. Vậy là tôi viết…

Chúng tôi đã cùng đồng hành với cha Nhàn trong dịp Tết năm 2008, 2009 với chiến dịch “Bánh chưng cho người nghèo”, hàng ngàn chiếc bánh thơm ngon, nóng hổi, đó là những món quà yêu thương mà cha Raphael góp nhặt từ những tấm lòng vàng trao tận tay người nghèo, giúp họ có cái Tết ấm áp. Bao nhiêu chiếc bánh “bấy nhiêu ân tình”, thổi lên “hơi ấm giữa mùa đông giá lạnh”. Mùa đông lạnh nhưng tình người ấm áp giữa cuộc đời: “ Có khi trên dòng đời tấp nập - Ta vô tình đi lướt qua nhau”. (“Có khi nào”- Bùi Minh Quốc). Dù cuộc sống vô tình nhưng vẫn có những đôi tay dang rộng kết nối tình người trong từng tấm bánh, từng chén cơm.

Quan tâm đến những người đau khổ, bị bỏ rơi, với từng miếng cơm, manh áo, tập vở, chiếc bút góp từ “muôn trái tim – một tấm lòng”, cha “ươm mầm xanh”, dệt lên trong lòng các em những ước vọng. Và tay trong tay, cùng với sự giúp đỡ của những tấm lòng trắc ẩn, cha kết nối những “mảnh đời dễ vỡ” trong nhóm khuyết tật “NỐI VÒNG TAY”, nay đổi thành nhóm “NGHI LỰC SỐNG”, đào tạo vi tính cho các em. Từ nhóm khuyết tật, những bài ca về sự vươn lên, về tình yêu thương và sự chia sẻ của các em được viết lên như những câu chuyện cổ tích. Câu chuyện về cuộc đời của Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Công Hùng, học trò của Cha Nhàn như một bằng chứng tuyệt vời về bài ca “Nghị Lực Sống” ấy.

Hành trình gieo yêu thương của cha là hành trình “như cánh chim không mỏi” đem tình yêu, niềm vui cho người nghèo. Năm 2008, Ngài lập dự án “Giúp vốn để chăn nuôi bò cho những hộ dân nghèo”, làm WC tự huỷ để giảm bớt bệnh như “quỹ yêu thương” cho các gia đình nghèo, không phân biệt lương giáo để họ có cơ hội vươn lên.

Về vùng Nghi Phong, ngồi nơi quán nước, chúng ta nghe đâu đó những biệt danh người ta đặt cho ngài: “Ông cha bên lương”, “Linh mục của người nghèo”,"Ông cha khuyết tật","Linh mục cơ động", "Ông cha nghệ sĩ"...Mỗi biệt danh gắn với một “lĩnh vực yêu thương” nhưng trong trái tim “yêu không mỏi” của người Linh mục muốn “ôm trọn tất cả”, những biệt danh đó gói lại trong “mối tình không biên giới”.

Cuộc sống như một “Tấn trò đời”, “Tấn trò đời” với những khoảng cách, ranh giới: người giàu – kẻ nghèo, người may mắn – kẻ bất hạnh..... Là con người, không ai có quyền chọn cửa để sinh ra, cũng như những người kém may mắn họ cũng cảm thấy không hay ho gì khi đưa bàn tay gầy guộc của mình để xin ăn. Chính vì vậy, mỗi dịp Tết đến, Xuân về trong từng cơn gió lạnh, những trái tim mong manh không khỏi băn khoăn: Tết năm nay sẽ ra sao? Lại một năm nữa, Tết mà như không Tết. Trong những băn khoăn đó, có những phút ngậm ngùi, xót xa của những người mẹ không mua nổi cho con mình một cái áo, đôi dép mới để mừng xuân. Nhìn con mình, trông con người khác tươm tất, đầy đủ… mẹ ngoảnh mặt gạt những giọt nước mắt…khóc thầm. “ Nổi buồn đó không phải của riêng ai”….như người mẹ hiền, người linh mục của Chúa tự chất lên đôi vai của mình những ưu tư đồng cảm, vì đã trót chọn cho mình phía đứng của người nghèo.

Từ trái tim chân thành của một người Ki-tô hữu, một người con sinh ra tại Nghệ An, mảnh đất “cày lên sỏi đá”, một sinh viên nghèo nơi đất khách quê người hướng về quê hương, ước mơ một mùa xuân đoàn tụ bến bếp lửa hồng với nồi bánh chưng bốc mùi thơm của đất mẹ, tôi nguyện cầu nếu có ai đó đọc những lời chân thành này, xin chung tay cùng người “Linh mục của người nghèo” người Linh mục với một “tình yêu không biên giới”, góp yêu thương, gói bánh chưng nghĩa tình, giúp đỡ những kẻ đang đi tìm mùa xuân trên đất mẹ. Hoà nhịp với đất trời để đón một mùa xuân bất tận.
Xuân Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét